Nguyễn Thế Trung1
Tóm tắt: Trong giai đoạn 1955-1972, Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) thiết lập quan hệ ngoại giao trên nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, giáo dục và kinh tế... Những kinh nghiệm xây dựng, phục hồi và phát triển kinh tế sau nội chiến của Trung Hoa Dân quốc luôn được Việt Nam Cộng hòa đánh giá cao và học hỏi. Thực hiện thỏa thuận giữa hai bên, Trung Hoa Dân quốc đã gửi các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp sang miền Nam Việt Nam để giúp Việt Nam Cộng hòa phát triển nông nghiệp nông thôn. Bài viết phân tích (1) những vấn đề nông nghiệp nông thôn miền Nam Việt Nam sau năm 1954, (2) hoạt động và (3) những đóng góp tích cực của các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Trung Hoa Dân quốc đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn miền Nam Việt Nam giai đoạn 1959-1963.
Từ khóa: Việt Nam Cộng hòa, Trung Hoa Dân quốc, nông nghiệp, phái đoàn kỹ thuật
1. Khái quát về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc (1955-1963)[1]
1.1. Sự ra đời của Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc
Năm 1949, Tưởng Giới Thạch thua trận tại Trung Quốc đại lục nên buộc phải rút ra đảo Đài Loan. Tại đây, Tưởng Giới Thạch thành lập chính quyền Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) và tuyên bố chính quyền này đại diện cho toàn Trung Quốc. Tại đại lục, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc, PRC) do Mao Trạch Đông làm Chủ tịch cũng ra đời. Trong thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX, được sự ủng hộ của Mỹ, Đài Loan nắm giữ “một vị trí hợp pháp” trong cộng đồng quốc tế[2]. Nhưng đến năm 1972, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thay thế vị trí thành viên Liên Hợp Quốc của Đài Loan. Từ đó đến nay, vị thế của Đài Loan trong cộng đồng quốc tế trở nên “mập mờ” (Taiwan’s ambiguous position) như Shen Ching-Kai nhận định[3].
Tại Việt Nam, theo quy định của Hiệp định Genève năm 1954, Pháp buộc phải rút quân khỏi Việt Nam. Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền tập kết quân sự, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Ở miền Bắc, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam Việt Nam, sau cuộc “trưng cầu dân ý” ngày 23/10/1955, Bảo Đại bị phế truất. Ngày 26/10/1955, chế độ Việt Nam Cộng hòa ra đời với Hiến ước tạm thời. Ngày 26/10/1956, Hiến pháp của Việt Nam Cộng hòa ra đời. Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống đầu tiên của nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1955-1963).
Trung Hoa Dân quốc và Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc ngày nay) là hai chính phủ đầu tiên công nhận chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 17/12/1955, Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc thiết lập quan hệ cấp Công sứ quán. Với vai trò là nước tiên phong của phe “chống cộng”, Mỹ hậu thuẫn và không ngừng viện trợ để xây dựng miền Nam Việt Nam thành một trong những “tiền đồn” phục vụ cho mục tiêu ngăn chặn “làn sóng cộng sản đỏ” ở khu vực châu Á. Các đồng minh của Mỹ như Trung Hoa Dân Quốc, Đại Hàn Dân quốc... lần lượt nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng hòa. Ngày 1/7/1957, quan hệ Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc được nâng lên thành quan hệ cấp đại sứ quán[4].
1.2. Cơ sở thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc
Theo Thomas A. Marks, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Cộng hòa với Trung Hoa Dân quốc dựa trên nhiều cơ sở. Thứ nhất, “Đài Loan là một quốc gia ở châu Á có nhiều kinh nghiệm chống cộng sản”. Thứ hai, mức tiêu thụ tính hàng tháng theo đầu người giữa Đài Loan và Sài Gòn là tương đương. Thứ ba, xã hội và văn hóa có nhiều nét tương đồng[5]. Cơ sở bao trùm và quan trọng nhất cho mối quan hệ ngoại giao này là cả hai chính quyền cùng chung ý thức hệ chống cộng. Theo Samuel C.Y. Ku, “miền Nam (Việt Nam Cộng hòa) có mối quan hệ ngoại giao chính thức rất chặt chẽ với Trung Hoa Dân quốc vì mục tiêu chung của cả hai là chống lại chủ nghĩa cộng sản”[6]. Năm 1963, Phó Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Trần Thành phát biểu tại Sài Gòn rằng “[...] trong cuộc chiến đấu hiện nay để chống lại chủ nghĩa cộng sản, Việt Nam và Trung Hoa tất nhiên phải đương đầu với một kẻ thù chung và trong các cuộc chiến tranh dù lạnh hay nóng, cả hai nước đều đứng ở tiền tuyến”[7]. Đáng chú ý, vị Phó Tổng thống kiêm chức Thủ tướng này còn nhấn mạnh rằng học thuyết chính trị về xây dựng quốc gia của hai chính quyền có nhiều điểm tương đồng. Ông nói: “Chủ nghĩa Nhân vị và chủ nghĩa Tam dân đều là kết tinh qua nền văn hóa Đông và Tây, tinh thần chủ yếu qua hai chủ nghĩa đó giống nhau [...] dân tộc Trung Hoa dùng Tam dân chủ nghĩa làm lợi khí tinh thần và dân tộc Việt Nam cũng lấy Nhân vị chủ nghĩa làm thứ khí giới đó”[8].
Bên cạnh nhân tố chính trị và kinh tế, văn hóa cũng là nhân tố tác động đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc. Theo Jason Lim, Nho giáo là “một biểu tượng cho sự đoàn kết trong quan hệ văn hóa giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc”[9]. Ngoài ra, quan hệ cá nhân thân thiết giữa Ngô Đình Diệm và Tưởng Giới Thạch cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương của hai chính quyền. Theo William Henderson và Wesley R. Fishel, Ngô Đình Diệm thường thờ ơ với những gì mà các cường quốc thế giới nghĩ về tình hình miền Nam Việt Nam nhưng lại “nuôi dưỡng tình cảm đặc biệt” đối với những nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Trung Hoa Dân quốc[10]. Năm 1963, khi Ngô Đình Diệm bị ám sát, Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc.
2. Nông nghiệp, nông thôn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở miền Nam Việt Nam
Trong giai đoạn 1955-1963, Việt Nam Cộng hòa thông qua Kế hoạch ngũ niên lần I (1957-1961) và Kế hoạch ngũ niên lần II (1962-1966) làm cơ sở phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam. Tháng 8/1957, Kế hoạch ngũ niên I (1957-1961) được Nha Tổng Giám đốc Kế hoạch Việt Nam Cộng hòa ban hành. Trong các kế hoạch này, lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng phát triển. Ngày 31/3/1962, Kế hoạch ngũ niên lần II (1962-1967) được triển khai với những mục tiêu chính: giảm thiểu sự bất quân bình giữa sản xuất và tiêu thụ, xuất cảng và nhập cảng; đa dạng nhân công để loại trừ sự khiếm dụng tại nông thôn, canh tân nông nghiệp; hướng sự phát triển nông nghiệp và kỹ nghệ vào thị trường quốc tế; thành lập các khu kỹ nghệ, đại dự án thủy nông và chương trình Ấp chiến lược; huy động tài nguyên trong nước tối đa; tạo điều kiện để thu hút tư bản ngoại quốc. Việt Nam Cộng hòa phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm hai mục tiêu chính: kinh tế lẫn chính trị. Về mục tiêu chính trị, đó là giành “trái tim và khối óc” của người nông dân. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm từng nhấn mạnh “trong địa hạt kỹ nghệ, nỗ lực trước hết của chúng ta là lập những kỹ nghệ nhẹ để cung cấp cho thị trường trong xứ, và kỹ nghệ chế biến nông sản” bởi “nông nghiệp phát triển sẽ trực tiếp nâng cao đời sống vật chất dân nông thôn, chống lại được tuyên truyền cộng sản,...”[11].
Mặc dù những chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn miền Nam Việt Nam đều có mục tiêu và chương trình hành động khá rõ ràng nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện những chương trình nêu trên. Nguyên nhân chủ yếu là bởi trình độ sản xuất nông nghiệp ở miền Nam Việt Nam lạc hậu, cơ giới hóa và sử dụng phân bón trong nông nghiệp hạn chế, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không có sản phẩm đặc trưng để xuất khẩu. Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ nhưng chỉ trồng được 1 vụ/năm do phụ thuộc vào lượng mưa và tính chất lũ hàng năm của sông Mêkong. Với tổng sản lượng mỗi năm chỉ khoảng 1 triệu tấn, các tỉnh ven biển miền Trung phải sống phụ thuộc vào gạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long[12].
Nông nghiệp nông thôn miền Nam Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng thiếu lực lượng kỹ sư nông nghiệp[13]. Trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (1961-1965), vấn đề nguồn nhân lực được nhận định như sau: “[…] Kinh nghiệm phát triển kinh tế tại các quốc gia tân tạo, cho ta thấy rằng yếu tố “nhân sự” đã đóng một vai trò tối quan trọng trong mọi công cuộc phát triển hơn tất cả các yếu tố khác. Đặt chương trình mà không nghĩ đến việc huấn luyện cán bộ và nhân công có đủ khả năng cần thiết, thì trong việc thi hành sẽ vấp phải những điểm bế tắc”[14]. Vai trò của các nhà nông học được đánh giá cao bởi “các nhà nông học có thể giải thích các phương pháp hiện đại một cách đơn giản cho người nông dân gắn bó với phương thức canh tác truyền thống”[15].
Để những kế hoạch kinh tế - xã hội được thực hiện thành công, bên cạnh viện trợ của Mỹ, Việt Nam Cộng hòa phải mở rộng tìm kiếm nguồn ngoại viện cũng như thiết lập quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới, trong đó có Trung Hoa Dân quốc. Năm 1960, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm dẫn đầu phái đoàn (với sự tham gia của cả Bộ Công chánh (Minister of Public Construction) và Hiệp hội Hợp tác xã Nông nghiệp (Agricultural Cooperative Association)) sang thăm Đài Loan với mục tiêu tìm kiếm cơ hội hợp tác với chính quyền Trung Hoa Dân quốc, trong đó bao gồm cả hợp tác kỹ thuật nông nghiệp.
3. Hợp tác kỹ thuật nông nghiệp giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc (1959-1963)
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc chịu sự chi phối của “nhân tố Mỹ”. Trên thực tế, hợp tác kỹ thuật trên lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc nằm trong chương trình viện trợ nông nghiệp của Mỹ dành cho miền Nam Việt Nam. Chuyên gia nông nghiệp người Mỹ Wolf Ladejinsky (người từng làm việc trong quá trình tái thiết kinh tế Trung Hoa Dân quốc) và O. W. H. Fippin –Trưởng ban Canh nông tại USOM đã tư vấn cho Việt Nam Cộng hòa thuê các chuyên gia nông nghiệp Đài Loan thay vì các chuyên gia người Pháp. Ngày 5/5/1959, ông O. W. H. Fippin trình công văn lên Tổng ủy Hợp tác xã và Nông tín đề nghị cử quan chức Việt Nam Cộng hòa cùng ông đi đến Đài Loan để tiếp xúc với cơ quan Trung Hoa Dân quốc có thẩm quyền nhằm tuyển chọn một số chuyên viên kỹ thuật nông nghiệp sang giúp miền Nam Việt Nam về hai vấn đề chính là Hợp tác xã và Hiệp hội nông dân.
Từ 2/5 đến 29/5/1959, Trưởng đoàn Trần Ngọc Liên - Tổng ủy Hợp tác xã và Nông tín Việt Nam Cộng hòa dẫn một phái đoàn sang Đài Loan[16] tham quan Nông hội, Ngư hội, Thủy lợi hội, phong trào hợp tác xã... của Trung Hoa Dân quốc[17]. Tưởng Giới Thạch quan niệm rằng hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp cho miền Nam Việt Nam là “một phần của chiến lược chống cộng sản quốc tế” nên “không thể giới hạn ở biên giới của bất kỳ quốc gia nào”[18]. Thêm vào đó, miền Nam Việt Nam nằm trên vành đai quan trọng trong Chương trình Viện trợ Kỹ thuật nước ngoài của Ủy ban Hỗn hợp về Tái thiết Nông thôn (Joint Commission on Rural Reconstruction)[19] nên Trung Hoa Dân quốc đồng ý với đề nghị của Việt Nam Cộng hòa. Trong giai đoạn đầu, một trở ngại cho việc thuê mướn chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan là sự thiếu hụt ngân sách. Ngân khoản đối giá về chương trình viện trợ kỹ thuật do USOM tài trợ chỉ dự trù khoảng 2,5 triệu ($V.N - đơn vị tiền tệ của Việt Nam Cộng hòa)/năm cho miền Nam Việt Nam. Ngân khoản này không đủ để trả lương cho các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan. Trưởng ban Canh nông tại USOM - ông O. W. H. Fippin chính là người đã đề xuất với ông Trần Ngọc Liên - Tổng ủy Hợp tác xã và Nông tín Việt Nam Cộng hòa – nâng quỹ đối giá tăng lên 3,6 triệu ($V.N)/năm[20]. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đồng ý.
Theo hợp đồng đồng được ký kết giữa Tổng ủy Hợp tác xã và Tín dụng nông nghiệp Việt Nam (Commissariat General for Cooperatives and Agricultural Credit in Vietnam, CGCAC) và Nông Phục hội Trung Hoa Quốc gia (Joint Commission on Rural Reconstruction in China, JCRR), một nhóm chuyên gia kỹ thuật Đài Loan sẽ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật dựa trên kinh nghiệm tại Đài Loan theo chỉ thị của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa . Nhóm chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan có các nhiệm vụ chính sau: nghiên cứu kỹ tình hình Việt Nam hiện nay có tham khảo các hiệp hội hợp tác xã và đề xuất chương trình cải tiến các hiệp hội hợp tác xã nông nghiệp (lúa, đay, thuốc lá, cùi dừa, thủy lợi và máy kéo) và các hiệp hội hợp tác xã thủy sản; hỗ trợ chương trình xúc tiến và đào tạo cho các hiệp hội hợp tác xã; hướng dẫn thực địa cho các liên hiệp hợp tác xã về tổ chức, hoạt động, phối hợp và xây dựng chương trình hoạt động theo lịch nuôi trồng, thủy sản; tiến hành các chương trình tại các tỉnh được chỉ định thí điểm nhằm tăng khối lượng kinh doanh của các hiệp hội hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển sự phối hợp giữa cung ứng, tín dụng, kho bãi và tiếp thị nông sản của trang trại; hỗ trợ xây dựng chương trình tiết kiệm nông thôn. Trong năm 1959, 11 chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan (9 người về Hiệp hội Nông dân, 2 người về Hợp tác xã) đã đến miền Nam Việt Nam. Đây có thể được xem là “sự hợp tác kỹ thuật đầu tiên” giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc trên lĩnh vực nông nghiệp[21]. Phái đoàn kỹ thuật nông nghiệp mà Đài Loan cử sang miền Nam Việt Nam năm 1959 cũng “là nỗ lực đầu tiên đưa các kỹ thuật viên và chuyên gia Đài Loan đến các vùng nông thôn bên ngoài đảo (Đài Loan)”[22].
Trong giai đoạn Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), ước tính có khoảng hơn 20 chuyên gia kỹ thuật viên nông nghiệp Đài Loan đến miền Nam Việt Nam làm việc. Các chuyên gia này được chia thành ba nhóm: nhóm chuyên gia tổ chức và cải thiện các hiệp hội nông dân, nhóm cải thiện hoa màu và nhóm phát triển thủy nông. Phái đoàn cải thiện hoa màu sau này được mở rộng thêm các hoạt động mục súc[23]. Năm 1963, Việt Nam Cộng hòa yêu cầu phía Trung Hoa Dân quốc bổ sung thêm 9 thành viên vào phái đoàn cải thiện hoa màu. Ba phái đoàn này sau này được hợp nhất lại và được gọi là phái đoàn kỹ thuật nông nghiệp Trung Hoa Dân quốc[24].
Các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan được cử đến miền Nam Việt Nam đều là người tốt nghiệp đại học, được đào tạo chuyên ngành để trở thành các kỹ thuật viên. Lực lượng này trẻ nhưng có năng lực lẫn kinh nghiệm. Tại miền Nam Việt Nam, các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan hoạt động trên một địa bàn khá rộng, từ 18 tỉnh và quận năm 1959 lên đến 48 tỉnh và quận, cụ thể như Thừa Thiên, Phan Rang, Tuyên Đức, Long Khánh, Biên Hòa, Mỹ Tho, Phong Dinh, An Giang… Năm 1963, do tình hình chiến sự ở Việt Nam diễn ra ác liệt, các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan chỉ còn hoạt động ở 7 tỉnh và quận thuộc miền Nam Việt Nam.
4. Hoạt động và những đóng góp của các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn miền Nam Việt Nam (1959-1963)
Ngay sau khi đến miền Nam Việt Nam, phái đoàn cải thiện giống và hoa màu của Đài Loan đã nhanh chóng bắt đầu công việc nghiên cứu giống lúa. Trong 4 năm (1959-1963), các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp này đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp Việt Nam Cộng hòa xây dựng hơn 722 cơ sở thực nghiệm lúa ở nhiều địa phương để giúp nông dân quan sát và học hỏi các phương pháp cải tiến canh tác lúa[25]. Các chuyên gia này còn phối hợp với đồng nghiệp Mỹ tiến hành các hoạt động nghiên cứu về vật nuôi, nông cụ cầm tay, dụng cụ tưới tiêu, thiết bị bảo vệ thực vật, thiết bị thu hoạch, xử lý và bảo quản ngũ cốc, thiết bị chế biến nông trại, thiết bị vận chuyển...
Tháng 2/1960, các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan đã trình báo cáo mang tên Rice Seed Production in Vietnam (tạm dịch: Năng suất giống lúa ở Việt Nam) lên chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Dựa trên kết quả nghiên cứu các giống lúa đang trồng ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, các chuyên gia nông nghiệp Đài Loan đưa ra khuyến nghị cho năm vấn đề chính: chương trình giáo dục; hệ thống nhân giống; kiểm tra và chứng nhận hạt giống; chế biến, bảo quản và phân phối hạt giống; các chương trình riêng biệt cho miền Trung Việt Nam.
Các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan cũng được phép nhập cảng và trồng thử nghiệm tại miền Nam Việt Nam một số giống lúa mới có nguồn gốc từ Đài Loan và thế giới, bao gồm giống Taithung 1 và Taithung 2[26] (hai giống có nguồn gốc từ Đài Loan), giống Thần Nông 8 (được lai tạo từ một giống lúa Đài Loan và một giống lúa Ấn Độ của Viện quốc tế khảo cứu về lúa gạo). Theo đánh giá của Đỗ Quang Giang, giống lúa Thần Nông “có tương lai đặc biệt vì ngoài những đặc tính như năng xuất cao, lại còn có thể giản tiện việc canh tác bằng cách bỏ công việc gieo mạ, mà xạ ngay vào ruộng cấy, hà tiện được ruộng, khỏi phải có ruộng mạ”[27].
Tháng 3/1961, các chuyên gia cải tiến cây trồng Trung Hoa Dân quốc và Bộ Nông nghiệp Việt Nam Cộng hòa họp và thảo luận về triển vọng đa dạng hóa cây trồng ở miền Nam Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các loại cây lương thực và rau quả. Đây là kết quả từ hoạt động nghiên cứu thực nghiệm của nhóm chuyên gia này tại trại cải tạo mùa vụ Hưng Lộc và Đà Lạt[28]. Trong buổi thảo luận, Trưởng nhóm nghiên cứu - Tiến sĩ Mã Chí Bảo đã trình bày về thực trạng và triển vọng phát triển đối với một số giống ngô, đậu phộng, đậu nành, khoai tây và hành tây. Trong đó, ngô là loại cây trồng có tiềm năng phát triển tốt và có giá trị kinh tế cao bởi điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi cho loại cây trồng này[29]. Các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan đề xuất “trồng ngô lõm (dent corn) thay vì ngô đá để xuất khẩu làm thức ăn, bằng cách ứng dụng các phương pháp nhân giống hiện đại cho việc cải tiến giống để sản xuất ngô lai”[30].
Bên cạnh ngô, một số giống đậu tương mới như giống Palmetto, Sanko, Pelican, Acadian, Wakajima, Lahang SB cũng được trồng thử nghiệm ở Trung tâm Hưng Lộc. So với những giống nội địa, những giống đậu tương mới này cho năng suất cao hơn, khoảng 1.600 kg/mẫu (đối với đất có bỏ phân). Đặc biệt là giống đậu tương Palmetto (hay còn gọi là Bạch Mi) rất thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của tỉnh Long Khánh nên cho năng suất lên đến từ 1 tấn đến 2,5 tấn/mẫu[31]. Năm 1962, tổng diện tích hai vụ đậu tương ở miền Nam Việt Nam (trồng vào giữa tháng 5, và giữa tháng 7 đến giữa tháng 8) là 5.940 ha, 80% trong số đó trồng ở tỉnh Long Khánh, tập trung ở 3 thôn Xuân Lộc, Gia Kiệm, và Phương Thọ[32]. Mục đích mở rộng diện tích và cải tiến kỹ thuật trồng đậu tương (bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và kiểm soát dịch bệnh) là để sản lượng đủ nhiều phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Xuất khẩu đậu tương sang Đài Loan được nhận định sẽ góp phần “thúc đẩy hợp tác kinh tế” cũng như “đóng vai trò quan trọng để cân bằng thương mại” giữa miền Nam Việt Nam và Đài Loan[33].
Hợp tác kỹ thuật nông nghiệp giữa Trung Hoa Dân quốc và Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1959-1963 khá hiệu quả. Hoạt động của nhóm chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan đã tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển nông nghiệp và nông thôn miền Nam Việt Nam. Bộ Cải tiến Nông thôn Việt Nam Cộng hòa đánh giá những đóng góp của phái đoàn kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan như sau: “Sự phát triển là sự du nhập thành công một số giống hoa màu có năng xuất cao và những phương pháp canh tác cải thiện. Kết quả là những loại rau củ, mà trước kia phải nhập cảng như khoai tây, hành tây và tỏi, nay đã có thể được trồng đủ để đáp ứng sức tiêu thụ tại địa phương nên hàng năm đã tiết kiệm được hàng trăm ngàn ngoại tệ. Nhiều hoa màu phụ trồng thành công trong mùa nắng hạn đã giúp các nông dân chuyên trồng lúa tại các tỉnh miền tây và các vùng khác kiếm thêm lợi tức”[34]. Năm 1960, Việt Nam Cộng hòa xuất khẩu nhiều loại rau tươi như cà rốt, đậu, cà chua, bí, rau diếp, các loại cây lá kim, tỏi và hành tây sang Singapore. Năm 1961, miền Nam Việt Nam đã xuất khẩu đậu phộng dạng thô hoặc dạng dầu sang Hồng Kông và Singapore[35].
Các chuyên gia nông nghiệp Đài Loan cũng góp phần không nhỏ trong việc cơ giới hóa và cải tiến nông cụ. Trước khi các chuyên gia này đến miền Nam Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho nhập khẩu một lượng lớn nông cụ nông nghiệp từ nhiều nước ngoài. Theo các chuyên gia Đài Loan, việc nhập khẩu các thiết bị nông nghiệp tồn tại nhiều vấn đề, đó là “các công cụ nhập khẩu chỉ giới hạn ở những bộ phận bằng sắt hoặc thép cần thiết. Việc nhập khẩu thì thông qua kênh thương mại chính quy dưới sự giám sát của chính phủ. Các công cụ nhập khẩu được phân phối đến mọi thành phố và mọi thị trấn thông qua các cửa dụng cụ. Đường phân phối không được nghiên cứu chính xác vì thời gian không đủ”[36]. Để giải quyết vấn đề, các chuyên gia nông nghiệp Đài Loan đề xuất xây dựng một nhà máy sản xuất nông cụ tập trung có quy mô vừa (hoặc nhỏ) ngay tại Sài Gòn – Chợ Lớn[37].
Một số loại nông cụ tiên tiến tại thời điểm đó như máy xay lúa quay tay, di động với năng suất mỗi giờ xay được 90 kg gạo hay máy kẻ hàng... có nguồn gốc từ Đài Loan cũng được nhập khẩu vào miền Nam Việt Nam. Loại máy rẫy cỏ của Đài Loan tuy có cấu tạo đơn giản nhưng “một ngày rưỡi có thể làm trên một mẫu tây đất (trong khi nhổ bằng tay tốn 12 ngày)”[38]. Các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan xuống tận các địa phương để hướng dẫn nông dân sử dụng các loại nông cụ này. Các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan còn đưa ra các kiến nghị về việc cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn như sử dụng sức mạnh động vật; các giải pháp liên quan đến việc nâng nước và thiết bị tưới tiêu; nghiên cứu thực hiện và cải tiến nông trại và nông trại[39].
Từ năm 1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho thành lập Hiệp hội Nông dân ở miền Nam Việt Nam nhưng hoạt động của Hiệp hội Nông dân không hiệu quả bởi thiếu vốn và thiếu nhân viên hành chính được đào tạo bài bản. Hậu quả là số lượng nông dân gia nhập hiệp hội không đạt kết quả như kế hoạch. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Đài Loan, tính đến tháng 6/1960, miền Nam Việt Nam có khoảng 266 hợp tác xã với 96.810 thành viên, tổng số vốn lên đến 27.660.807 piaster (đơn vị tiền tệ Đông Dương thời Pháp thuộc), trong đó có 40 hợp tác xã lúa gạo, 80 hợp tác xã trang trại, 3 hợp tác xã lâm nghiệp, 2 hợp tác xã chăn nuôi, 76 hợp tác xã ngư nghiệp, 57 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 6 hợp tác xã tiêu dùng và 2 hợp tác xã khác[40].
Năm 1963, tình hình chiến sự ở miền Nam Việt Nam ác liệt. Trong thời gian này, một số chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Trung Hoa Dân quốc bị ám sát khi đang làm việc. Tháng 11/1963, Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa là Ngô Đình Diệm cũng bị ám sát. Những sự kiện này ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan ở miền Nam Việt Nam. Năm 1964, Bộ Cải tiến Nông thôn đã trình hồ sơ lên chính quyền Việt Nam Cộng hòa xin tái xét ký kết thỏa ước sử dụng phái đoàn kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan trong năm 1965-1966. Điều này phần nào chứng tỏ hoạt động của các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan tại miền Nam Việt Nam có hiệu quả.
Hoạt động của phái đoàn kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan tại miền Nam Việt Nam nằm trong chương trình viện trợ của Mỹ dành cho Việt Nam Cộng hòa. Mặc dù hợp tác kỹ thuật nông nghiệp giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc là để phục vụ mục tiêu “chống cộng” về kinh tế nhưng không thể phủ nhận rằng hoạt động của các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Đài Loan đã mang lại những đóng góp tích cực, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn miền Nam Việt Nam bấy giờ. Nó không chỉ dừng lại ở việc mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất cây trồng, làm phong phú giống lúa mà còn góp phần thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, cải tiến nông cụ, thay đổi tập quán sản xuất của một bộ phận nông dân và cán bộ quản lý nông nghiệp nông thôn ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1959-1963.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1959), Hồ sơ 12862 - Tài liệu ông Tổng ủy Hợp tác xã và Nông tín về chuyến công cán tại Đài Loan tháng 6 năm 1959, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
2. Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1960), Hồ sơ số 13730 - Chuyến thăm Nông hội Trung hoa Dân quốc của ông Trần Ngọc Liên và Nguyễn Văn Luân- Tổng ủy Hợp tác xã và Nông tín năm 1959-1960, TTLTQG II.
3. Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1963), Hồ sơ số 9343 - Phó Tổng thống Trần Thành kim Thủ tướng Trung Hoa Dân quốc viếng thăm Việt Nam năm 1963, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
4. Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1966), Hồ sơ số 22390 - Bộ cải tiến nông thôn xin tái xét ký kết thỏa ước sử dụng phái đoàn kỹ thuật nông nghiệp Trung hoa Dân quốc (Đài Loan) năm 1965-1966, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
5. Phông Bộ Công chánh và Giao thông (1958), Hồ sơ số 881 - Phái đoàn giao thông Trung Hoa Dân quốc viếng thăm Việt Nam năm 1958, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
6. Phông Bộ Công chánh và Giao thông (1961), Hồ sơ số 247 - Kiểm điểm thực hiện Kế hoạch ngũ niên 1957-1961 và Chương trình phát triển kinh tế xã hội 1961-1965, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
7. Phông Nha Canh nông (1960), Hồ sơ số 1313 - Tài liệu của bộ kỹ thuật Trung Hoa Dân Quốc ở Việt Nam về việc sản xuất lúa giống ở Việt Nam năm 1960, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
8. Phông Nha Canh nông (1963), Hồ sơ số 842 - Bản dịch các bài báo Taiwan liên quan đến cái chết của ông Tu-Sun-Chang – Thành viên phái đoàn kỹ thuật canh nông Trung Hoa Dân quốc đến miền Nam Việt Nam năm 1963, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
9. Ku, Samuel C. Y. (1999), “The Political Economy of Taiwan's Relations with Vietnam”, Contemporary Southeast Asia 21 (3): 405–423.
10. Lin, James (2019), “Martyrs of Development: Taiwanese Agrarian Development and the Republic of Vietnam, 1959–1975”, Cross-Currents: East Asian History and Culture Review (e-journal) 33: 53–83, https://cross-currents.berkeley.edu/e-journal/issue-33/lin.
11. Thomas A. Marks (2016), Counterrevolution in China: Wang Sheng and the Kuomintang, Routledge.
[1] ThS., Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
[2] Ku, Samuel C. Y. (1999), “The Political Economy of Taiwan's Relations with Vietnam”, Contemporary Southeast Asia 21 (3): 405–423, tr. 407.
[3] Shen Ching-Kai (2016), “US-China-Taiwan relationships today: An Independentist Perspective on Taiwan’s Ambiguous Status Quo”, Monde Chinois 48(4):81, https://www.cairn.info/revue-monde-chinois-2016-4-page-81.htm.
[4] Harvey H.Smith (1967), Area Handbook for South Vietnam, US Government Printing Office, tr. 270.
[5] Thomas A. Marks (2016), Counterrevolution in China: Wang Sheng and the Kuomintang, Routledge, tr. 198.
[6] Ku, Samuel C. Y. (1999), Sđd, tr. 407.
[7] Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1963), Hồ sơ số 9343 - Phó Tổng thống Trần Thành kiêm Thủ tướng Trung Hoa Dân quốc viếng thăm Việt Nam năm 1963, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
[8] Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1963), Hồ sơ số 9343, Tlđd.
[9] Jason Lim (2014), “Confucianism as a Symbol of Solidarity: Cultural Relations between the Republic of China and the Republic of Vietnam, 1955-1963”, Issues & Studies 50, No.4 (December 2014): 119-156, tr. 123.
[10] William Henderson & Wesley R.Fishel (1966), “The Foreign Policy of Ngo Dinh Diem”, Vietnam Perspectives, Vol.2. No.1, pp. 3-30.
[11] Nguyễn Huy (1972), Hiện tình kinh tế Việt Nam, quyền I - Hầm mỏ - Công kỹ nghệ, Nxb Lửa Thiêng, tr. 21-26.
[12] Deparment of the Army Pamphet (1964), Area Handbook for Vietnam, U.S Army, September 1962, Reprint: October 1964, tr. 361-362.
[13] Deparment of the Army Pamphet (1964), Sđd, tr. 370.
[14] Phông Bộ Công chánh và giao thông (1961), Hồ sơ số 247 - Kiểm điểm thực hiện Kế hoạch ngũ niên 1957-1961 và Chương trình phát triển kinh tế xã hội 1961-1965, Trung tâm Lưu trữ quốc gia.
[15] Deparment of the Army Pamphet, U.S Army Area handbook for Vietnam, September 1962, Reprint: October 1964, tr. 371.
[16] Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1960), Hồ sơ số 13730 - Chuyến thăm Nông hội Trung hoa Dân quốc của ông Trần Ngọc Liên và Nguyễn Văn Luân - Tổng ủy Hợp tác xã và Nông tín năm 1959-1960, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
[17] Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1960), Hồ sơ số 13730, Tlđd.
[18] Lin, James (2019), “Martyrs of Development: Taiwanese Agrarian Development and the Republic of Vietnam, 1959–1975”, Cross-Currents: East Asian History and Culture Review (e-journal) 33: 53–83, https://cross-currents.berkeley.edu/e-journal/issue-33/lin, tr.55.
[19] Phông Nha Canh nông (1963), Hồ sơ số 842 - Bản dịch các bài báo Taiwan liên quan đến cái chết của ông Tu-Sun-Chang – Thành viên phái đoàn kỹ thuật canh nông Trung Hoa Dân Quốc đến Việt Nam năm 1963, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
[20] Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1959), Hồ sơ 12862 - Tài liệu ông Tổng ủy Hợp tác xã và Nông tín về chuyến công cán tại Đài Loan tháng 6 năm 1959, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
[21] Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1966), Hồ sơ số 22390 - Bộ cải tiến nông thôn xin tái xét ký kết thỏa ước sử dụng phái đoàn kỹ thuật nông nghiệp Trung hoa Dân quốc (Đài Loan) năm 1965-1966, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
[22] Lin, James (2019), Tlđd, tr. 55.
[23] Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1965), Hồ sơ số 22390, Tlđd.
[24] Phông Nha Canh nông (1963), Hồ sơ số 842, Tlđd.
[25] Phông Nha Canh nông (1963), Hồ sơ số 842, Tlđd.
[26] Phạm Thị Hồng Hà (2017), Kinh tế Việt Nam Cộng hòa dưới tác động của viện trợ Hoa Kỳ (1955-1975), Nxb Công an nhân dân, tr.127.
[27] Đỗ Quang Giang (1974), Đất đai và Nông nghiệp tại Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn, tr. 120.
[28] Embassy of the Republic of Viet-Nam (1961), News from Viet-Nam, Press and Information Office, Volume 7, No.3, tr. 7.
[29] Deparment of the Army Pamphet (1964), Area handbook for Vietnam, U.S Army, tr. 364.
[30] Embassy of the Republic of Viet-Nam (1961), News from Viet-Nam, Press and Information Office, Volume 7, No.3, 1961, tr. 7.
[31] Đỗ Quang Giang (1974), Tlđd, tr. 191.
[32] Republic of Vietnam, Department of Rural Affairs, Commissariat General for Land Development and Rural Affairs, Directorate of Rural Affairs (1963), Demonstration and extension of field crops and pest control. In: Annual Work Progress Report on Crop Improvement Program of Rice, Sugarcane, Vegetable and Field Crops (for the period July 1962 to June 1963), Vietnam: Directorate of Rural Affairsm, tr. 234-49.
[33] Republic of Vietnam, Department of Rural Affairs, Commissariat General for Land Development and Rural Affairs, Directorate of Rural Affairs (1963), Tlđd, tr. 234-49.
[34] Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa (1965), Hồ sơ số 22390, Tlđd.
[35] Deparment of the Army Pamphet (1964), Tlđd, tr. 364.
[36] Fengchow C.Ma (1962), Preliminary Study of Farm Implements Used in Vietnam, Chinese Technical Mission to Vietnam on Crop Improvement, tr. 169.
[37] Fengchow C.Ma (1962), Tlđd, tr. 171.
[38] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, Hồ sơ 28273 -Hồ sơ về tình hình viện trợ chuyên viên kỹ thuật nông nghiệp của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) cho Việt Nam Cộng hòa năm 1973 – 1975, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
[39] Fengchow C.Ma (1962), Tlđd, tr. 162-171.
[40] Deparment of the Army Pamphet (1964), Sđd, tr. 369.