Cao Nguyễn Khánh Huyền1, Nguyễn Tuấn Bình2
Tóm tắt: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản được biết đến không chỉ là ba quốc gia nằm ở khu vực Đông Bắc Á, có nền kinh tế phát triển, mà còn là những chủ thể có những đóng góp quan trọng trong các thiết chế khu vực và thế giới. Có một sự thật là quan hệ giữa ba nước này là khá phức tạp, luôn tồn tại đan xen mâu thuẫn, xung đột và nhu cầu hợp tác cùng phát triển. Trạng thái của mối quan hệ tay ba này không chỉ ảnh hưởng tới tiến trình hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực Đông Bắc Á nói riêng mà còn của châu Á nói chung, vừa có thể mở ra những triển vọng mới, nhưng đồng thời cũng có thể tạo nên những bất đồng trong các kênh hợp tác đa phương, đặc biệt trên các lĩnh vực chủ yếu như chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế. Bài viết tiếp cận quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc dưới góc nhìn lịch sử và quan hệ quốc tế, qua đó phân tích thực trạng mối quan hệ này trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, đồng thời đánh giá thành tựu, hạn chế và dự báo một số triển vọng trong tương lai gần.
Từ khóa: Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, quan hệ, thế kỷ XXI
1. Khái quát mối quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc trong lịch sử [1][2]
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba quốc gia láng giềng có mối liên hệ về địa - chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. Xét dưới góc độ lịch sử, vào thời kỳ phong kiến, Nhật Bản và Hàn Quốc đều nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc (Sinophere). Điều này thể hiện rất rõ trên nhiều bình diện mà điển hình là lịch sử, văn hóa, chữ viết và ngôn ngữ. Vị trí địa lý của bán đảo Triều Tiên đã trở thành yếu tố góp phần định hình tư tưởng tiểu Trung Hoa (소중화) trong xã hội phong kiến Hàn Quốc với cái nhìn các nước chư hầu khác ở phía đông của Trung Quốc (ý chỉ Nhật Bản) là thấp kém hơn mình. So với Nhật Bản, Triều Tiên hấp thụ văn hóa Trung Hoa có phần mạnh mẽ hơn. Triều Tiên duy trì quan hệ chư hầu với Trung Quốc, nhưng lại thiết lập quan hệ láng giềng bình đẳng với Nhật Bản.
Khi Nhật Bản tiến hành công cuộc Minh Trị duy tân (1868) và trở thành một cường quốc tư bản, quốc gia này đã tiến hành xâm lược Trung Quốc (1894-1895) và sáp nhập Triều Tiên (1910) vào lãnh thổ của mình. Những di sản từ thời kỳ bị đô hộ đã khiến Trung Quốc và Hàn Quốc không có cái nhìn thiện cảm với chủ nghĩa quân phiệt Nhật nói riêng và Nhật Bản nói chung. Tuy nhiên, hiện nay giữa các quốc gia này đều có những ràng buộc nhất định trong quan hệ song phương và đa phương. Hàn Quốc và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về ý thức hệ chính trị vì đều là nước tư bản và là đồng minh của Mỹ, trong khi Trung Quốc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh hầu như ở một thái cực ngược lại. Do sự phân tuyến về ý thức hệ nên cho đến trước những năm 70 của thế kỷ XX, Nhật Bản và Hàn Quốc đứng chung một trận tuyến chống cộng sản cùng với Mỹ, chống lại Liên Xô và Trung Quốc.
Bước ngoặt cải thiện quan hệ ngoai giao Nhật Bản – Trung Quốc chỉ xuất hiện khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao qua việc ký Thông cáo Thượng Hải năm 1972. Đặc biệt từ thời điểm Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa (1978), Nhật Bản dần trở thành đối tác kinh tế lớn, là nhà cung cấp nguồn vốn và viện trợ ODA hàng đầu cho Trung Quốc. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp với bối cảnh mới, đặt lợi ích quốc gia và yếu tố kinh tế lên hàng đầu. Với việc đa dạng hóa chính sách đối ngoại, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc năm 1992, đồng thời tiếp tục mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Nhật Bản. Những dấu ấn của lịch sử cho tới nay đã, đang và sẽ còn chi phối mãnh liệt quan hệ tam giác Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản, đồng thời cũng khiến mối quan hệ giữa ba quốc gia này trở nên khó đoán định hơn.
Nửa sau những năm 1990, sự phát triển trong quan hệ song phương Hàn Quốc – Trung Quốc, Trung Quốc – Nhật Bản, Hàn Quốc – Nhật Bản là nền tảng quan trọng cho xu hướng hợp tác tay ba Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc. Ý tưởng này được khởi xướng lần đầu tiên bởi Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Năm 1998, Hàn Quốc từng đề xuất với Nhật Bản đề nghị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba nước Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc bên lề Hội nghị ASEAN +3 tại Hà Nội nhưng đã bị Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ từ chối. Phải đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN +3 năm 1999, đề nghị này mới được phía Trung Quốc đáp lại một cách tích cực và Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên được tổ chức một cách không chính thức dưới hình thức một bữa sáng. Sự kiện này được xem là cột mốc khởi đầu cho quá trình Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nỗ lực xây dựng một tam giác hợp tác trong khu vực.
2. Thực trạng quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI
2.1. Trên lĩnh vực chính trị - an ninh
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong quan hệ giữa ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chính là những tranh chấp, bất đồng liên quan tới lịch sử và chính trị. Trong xã hội Trung Quốc và Hàn Quốc luôn tồn tại khuynh hướng chống Nhật mạnh mẽ. Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc nhiều lần yêu cầu Nhật Bản phải công khai chính thức xin lỗi về những tội ác đã gây ra trong quá khứ. Bất đồng về thái độ lịch sử khiến mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản, Hàn Quốc – Nhật Bản luôn dao động thất thường, kéo theo nhiều vấn đề liên quan như tranh cãi về ngôi đền Yasukuni, nô lệ tình dục thời chiến... Ngoài ra, mâu thuẫn về tranh giành địa vị chính trị trong khu vực giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng trở thành rào cản cố hữu trong quan hệ hai nước. Trung Quốc luôn có tâm lý dè chừng với liên minh Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc và cho rằng mục đích thực sự của các hiệp ước an ninh tay đôi giữa ba quốc gia này đều nhằm vào Trung Quốc, rằng Nhật Bản, Hàn Quốc thực chất là hai “con bài” mang tính chiến lược mà Mỹ cài vào khu vực để kiềm chế mình và đó là một trong những nguyên nhân đưa đến việc Nhật Bản vẫn giữ mối quan hệ chính trị, ngoại giao ổn định với Đài Loan mặc dù đã tuyên bố ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” vào năm 1972. Bên cạnh đó, giữa ba quốc gia này còn tồn tại các xung đột về lợi ích, nhất là về chủ quyền. Nhật Bản là quốc gia hiện đang ở trong tình trạng “lưỡng đầu thọ địch” khi vướng vào vòng tranh chấp với cả Hàn Quốc và Trung Quốc về hai hòn đảo Dokdo/Takeshima và Senkaku/Diaoyu. Ngoài ra, giữa Trung Quốc và Hàn Quốc còn xảy ra tranh chấp về chủ quyền bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu. Về phần mình, Trung Quốc cũng thường xuyên sử dụng vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) như một đối trọng với liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc. Sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên luôn là mối đe doạ trực tiếp với Hàn Quốc, Nhật Bản và là mối hiểm họa tiềm tàng với chính sách an ninh khu vực của Mỹ. Hơn nữa, việc duy trì một tình trạng đối đầu ở mức độ vừa phải ở bán đảo Triều Tiên sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích, vừa góp phần kiềm chế Nhật Bản, Hàn Quốc, vừa nâng cao vai trò của Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á. Trung Quốc có tranh chấp với nhiều quốc gia lớn nhỏ, bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản về vấn đề chủ quyền lãnh hải và được xem là một trong những nhân tố tạo ra sự bất ổn đối với hòa bình và an ninh khu vực Đông Á. Chiến lược “trỗi dậy hoà bình” (2003) và “thế giới hài hòa” (2005) mà Trung Quốc đưa ra với mục tiêu và tôn chỉ hết sức tốt đẹp, nhưng những động thái của quốc gia này lại cho thấy điều ngược lại. Năm 2010, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng khẳng định: “Trung Quốc sẽ trước sau không thay đổi con đường phát triển hoà bình, thực thi chiến lược mở cửa cùng có lợi, cùng thắng lợi, thúc đẩy việc xây dựng thế giới hài hòa, hòa bình lâu dài, phồn vinh chung. Trung Quốc dồn sức vào giải quyết hòa bình những tranh chấp quốc tế, vĩnh viễn không tranh bá, không bành trướng”[3]. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ mới của mình, Trung Quốc được định hướng sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược “trỗi dậy hòa bình” và “quan hệ cường quốc kiểu mới”.
Tuy nhiên, ngày 23 tháng 11 năm 2013, Trung Quốc đưa ra tuyên bố về “Vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) ở vùng biển Hoa Đông, chồng lấn lên cả những vùng lãnh thổ đang trong diện tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có hòn đảo Senkaku/DiaoYu. Hành động này của Trung Quốc trước hết bị Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên án là “đơn phương” và “nỗ lực thay đổi hiện trạng” của các vùng lãnh thổ này[4]. Ngay sau Mỹ, hai nước láng giềng của Trung Quốc là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đưa ra tuyên bố không công nhận vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc. Ngày 24 tháng 11 năm 2013, Bộ Ngoại giao Nhật Bản phản đối bằng phát biểu: “nó (ADIZ) hoàn toàn không có giá trị trong bất cứ trường hợp nào. Những biện pháp của Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm ở chỗ đó là hành động đơn phương thay đổi hiện trạng ở khu vực biển Hoa Đông, khiến căng thẳng leo thang và là nguyên nhân chủ yếu gây ra những hệ quả khôn lường”[5]. Cùng ngày, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã bày tỏ quan điểm rằng Trung Quốc đang đơn phương tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không và chồng lấn lên cả vùng lãnh thổ Ieodo thuộc chủ quyền của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc sẽ vẫn bay qua vùng không phận này mà không cần thông báo với phía Trung Quốc[6].
Những động thái trên cho thấy các mâu thuẫn cơ bản và cốt lõi xuất phát từ lợi ích giữa các quốc gia, nhất là trên bình diện chính trị, an ninh. Trung Quốc có xu hướng thể hiện chủ nghĩa bá quyền khu vực, nhất là đối với khu vực biển Hoa Đông và Nam Trung Hoa, liên tiếp xảy ra tranh chấp, xung đột với các nước láng giềng khiến an ninh khu vực trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Sự bành trướng của Trung Quốc càng khiến cho vai trò của Mỹ đối với các nước đồng minh trong khu vực Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung trở nên quan trọng hơn. Điều mà cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều lo sợ, chính là việc Mỹ giảm thiểu sự hiện diện ở khu vực Đông Bắc Á trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn là mối hiểm họa thường trực và một loạt các xung đột, tranh chấp lãnh hải chưa được giải quyết. Tuy nhiên, cùng với việc đưa ra chiến lược “tái cân bằng” châu Á, Mỹ đã cho thấy quốc gia này luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực, không những thế, còn mở rộng phạm vi ra cả những nơi có dính líu quyền lợi của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Cố vấn an ninh Mỹ Susan Rice trong bài giải thích về chiến lược cân bằng châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định: “Chúng tôi (Mỹ) đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ để tăng cường và hiện đại hóa mối quan hệ đồng minh truyền thống như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillipines…”[7].
Khác với thái độ tương đối mập mờ của Hàn Quốc, Nhật Bản được xem là quốc gia duy nhất trong khu vực có đủ khả năng làm đối trọng để kiềm chế Trung Quốc, nhưng những vướng mắc từ điều 9 Hiến pháp Nhật Bản chưa cho phép nước này tiến hành tái vũ trang. Về phía Hàn Quốc, quốc gia này luôn lựa chọn một giải pháp an toàn trong cuộc chiến quyền lực giữa Nhật Bản và Trung Quốc, thậm chí có phần gần gũi hơn với Trung Quốc. Trung Quốc tận dụng những mâu thuẫn cố hữu giữa Hàn Quốc và Nhật Bản và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên để làm xói mòn các cặp liên minh Mỹ - Nhật - Hàn khi luôn bày tỏ lập trường ủng hộ Hàn Quốc trong những tranh chấp với Nhật Bản.
Tuy nhiên, bên cạnh những bất đồng dai dẳng qua nhiều thập kỷ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn nỗ lực để tạo dựng mối quan hệ hợp tác, nhất là trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề cần có sự chung tay giải quyết của các quốc gia, mà Trung Quốc là một mắt xích chủ động và cực kỳ quan trọng. Trên thực tế, cả ba quốc gia này đều cần nhau vì những mục tiêu chiến lược. Trung Quốc muốn đa phương hóa, đa dạng hóa chính sách đối ngoại để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế chính trị trong việc giải quyết các xung đột khu vực, nhất là trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản vẫn luôn muốn thoát khỏi hình ảnh “người khổng lồ một chân”, tìm kiếm vị thế chính trị tương xứng với địa vị kinh tế. Còn Hàn Quốc luôn muốn tận dụng các yếu tố bên trong và bên ngoài nhằm bảo đảm an ninh quốc gia trước sự đe dọa của Triều Tiên, tìm kiếm sự đồng thuận và hỗ trợ của các quốc gia khác trên nhiều lĩnh vực, đồng thời xây dựng hình ảnh của một cường quốc hạng trung, cả về vai trò kinh tế lẫn chính trị. Do đó, kể từ năm 2000, trong cuộc gặp gỡ ba bên giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nguyên thủ ba nước đều đã nhất trí sẽ tổ chức các cuộc họp thường niên nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau.
Năm 2004, bản dự thảo về việc hình thành một kênh đối thoại ba bên riêng biệt, bên cạnh cơ chế ASEAN +3, đã được Hàn Quốc đề xuất. Mặc dù vậy, phải đến năm 2008, cuộc họp đầu tiên riêng rẽ giữa các nhà lãnh đạo của ba quốc gia thuộc Đông Á này mới được tổ chức tại Fukouka, Nhật Bản. Tại cuộc họp này, đại diện của những người đứng đầu nhà nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ra bản Tuyên bố chung về hợp tác ba bên (Japan-China-ROK Trilateral Summit Joint Statement for Tripartite Partnership), khẳng định mong muốn được hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, xã hội thông qua các kênh chính phủ và phi chính phủ[8]. Năm 2011, Ban Thư ký hợp tác ba bên (Trilateral Cooperation Secretariat – TCS) được thành lập ở Seoul đã thúc đẩy khoảng 60 cơ chế hợp tác ba bên, nhiều cuộc họp cấp bộ trưởng và hàng trăm dự án hợp tác[9].
Kể từ năm 2008 đến năm 2012, Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhật Bản – Trung Quốc – Hàn Quốc được tổ chức thường xuyên và liên tục cho đến năm 2013 thì bị gián đoạn do Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku/Điếu Ngư đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc. Động thái này của Tokyo đã chọc giận Bắc Kinh, đồng thời thổi bùng lên làn sóng chống Nhật khắp Trung Quốc. Trước đó, sự kiện Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm hòn đảo Dokdo/Takeshima vào năm 2012 cũng khiến cho quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Hàn Quốc trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Những bất đồng giữa ba quốc gia xoay quanh vấn đề chính trị, an ninh tiếp tục leo thang tại thời điểm năm 2017, khi Nhật Bản triệu hồi đại sứ tại Hàn Quốc về nước nhằm phản đối việc đặt bức tượng phụ nữ mua vui trước lãnh sự quán Nhật Bản tại Busan. Cùng trong thời điểm đó, việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)[10] trên lãnh thổ Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc phản đối kịch liệt. Trung Quốc đã tiến hành trả đũa bằng hàng loạt biện pháp, bao gồm cả tẩy chay hàng hóa và hạn chế giao lưu văn hóa với Hàn Quốc.
Ngoài ra, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc còn có những bất đồng liên quan tới vấn đề bồi thường cho lao động thời chiến[11], khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia căng thẳng trong giai đoạn 2019-2020, đưa đến xung đột về cả kinh tế lẫn chính trị, nhất là khi Hàn Quốc quyết định chấm dứt Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (General Security of Military Information Agreement- GSOMIA) vào tháng 8 năm 2019 bất chấp sự phản đối của Mỹ và Nhật Bản. Đến tháng 11 năm 2019, mặc dù Hàn Quốc đã hoãn quyết định này lại nhưng quan hệ song phương vẫn khá căng thẳng và thất thường. Hai bên đều không muốn từ bỏ lập trường của mình trong việc giải quyết các vấn đề về di sản quá khứ hay tranh chấp lãnh thổ. Kể từ khi mâu thuẫn căng thẳng trở lại, chính quyền Moon Jae-in và chính quyền Yoshihide Suga đều bày tỏ nỗ lực giải quyết, đối thoại thông qua các cuộc điện đàm, gặp gỡ. Cho tới thời điểm năm 2021, đây vẫn là một điểm nóng trong quan hệ song phương, đồng thời cho thấy sự mong manh trong quan hệ chính trị giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, trong bối cảnh còn nhiều vấn đề về chính trị, an ninh tồn đọng chưa thể giải quyết. Những mâu thuẫn chính trị, xung đột về an ninh trong từng cặp quan hệ giữa các quốc gia rõ ràng là trở ngại lớn đối với tiến trình hợp tác ba bên cũng như quan hệ tam giác Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc nói chung.
2.2. Trên lĩnh vực kinh tế
Kể từ khi tiến hành công cuộc cải cách mở cửa năm 1978, Trung Quốc luôn nỗ lực thắt chặt quan hệ kinh tế với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc dần trở thành đối tác thương mại lớn của cả hai nước này, nhất là từ thập niên 90 của thế kỷ XX. Năm 1995, tổng giá trị thương mại của Trung Quốc với Nhật Bản đạt hơn 57 tỷ USD, với Hàn Quốc đạt gần 17 tỷ USD [12]. Mười năm sau (2005), thương mại hai chiều Hàn Quốc - Trung Quốc đạt 100 tỷ USD, tạo ra cho Hàn Quốc 23,4 tỷ USD thặng dư thương mại. Trong suốt năm 2010, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngược lại, hai quốc gia này cũng được xem là đối tác thương mại lớn thứ hai, thứ ba của Trung Quốc[13]. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường đầu tư FDI số một của Hàn Quốc với 2,6 tỷ USD tổng số vốn đầu tư (2005)[14]. Chỉ riêng trong tháng đầu tiên của năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều Hàn Quốc - Trung Quốc đạt 19,009 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 21% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc, thặng dư thương mại Hàn Quốc - Trung Quốc đạt 4,003 tỷ USD[15]. Tương tự, Trung Quốc và Nhật Bản cũng có nhiều sự trao đổi thương mại tích cực. Từ năm 2009 đến năm 2012, giá trị thương mại Nhật - Trung liên tục tăng mạnh, từ 232,9 tỷ USD lên đến 346,11 tỷ USD, giữ vững vị trí số 1 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản[16]. Trung Quốc dần vươn lên trở thành đối tác thương mại số một và là thị trường đầu tư hấp dẫn của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Trên thực tế, năm 2015, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký kết xong FTA song phương, và sự kiện này có ý nghĩa như một lời cảnh tỉnh đối với Nhật Bản, khi quốc gia này còn đang loay hoay trong bế tắc để đàm phán ký kết FTA với Hàn Quốc, vốn đã bị đình trệ từ năm 2004 do vấn đề nông nghiệp. Đây cũng là hiệp định lớn nhất của Trung Quốc về khối lượng giao dịch. Nói cách khác, Trung Quốc đang tương đối thành công trong việc lôi kéo Hàn Quốc xích lại gần mình, rõ nét nhất là trên khía cạnh kinh tế. Theo thống kê từ Hiệp hội thương mại Hàn Quốc, tổng giá trị thương mại hai chiều giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong năm 2021 đạt khoảng 301,5 tỷ USD. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc nếu tính về giá trị giao dịch. Ngược lại, Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Nhật Bản lại rơi vào bế tắc từ thời điểm năm 2004 đến nay do nhiều vấn đề chưa thống nhất được giữa hai bên, đặc biệt là thỏa thuận về mở cửa thị trường nông sản. Mục đích của việc thiết lập một FTA song phương giữa Hàn Quốc và Nhật Bản ngoài việc xây dựng một thị trường chung rộng lớn cho cả hai quốc gia còn là sự “bắt tay” để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng “hoãn vô thời hạn” của FTA Hàn Quốc - Nhật Bản đã khiến các mục tiêu chưa thể thực hiện được, mà ngược lại còn đẩy Hàn Quốc - Trung Quốc phụ thuộc chặt chẽ vào nhau hơn. Kể từ sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, vượt xa Mỹ và Nhật Bản cả về giá trị và quy mô xuất nhập khẩu[17].
Đối với vấn đề đàm phán FTA đa phương giữa ba nước, kể từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa đa phương ở Đông Á phát triển mạnh mẽ đã thôi thúc các quốc gia tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh. Sự manh nha về ý tưởng hình thành một FTA Nhật - Trung - Hàn thực chất là một phần hệ quả của xu thế thương mại thế giới được hình thành trong hơn hai thập niên, dẫn đến sự ra đời của các hiệp định thương mại ưu đãi (Preferential Trade Agreement - PTA). Ý tưởng về sự hình thành FTA Nhật - Hàn - Trung được thúc đẩy một cách mạnh mẽ vào năm 2008, khi hội nghị thượng đỉnh ba bên được tổ chức đã đưa ra bản kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy việc hợp tác Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc, trong đó có đề cập đến việc mở các vòng đàm phán FTA. Tính đến nay, ba nước tổ chức được 16 vòng đàm phán về FTA và hoạt động này vẫn còn tiếp tục. Nếu được ký kết, FTA Trung - Nhật - Hàn sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong khu vực, với việc kết nối 3 nền kinh tế hàng đầu châu Á, chiếm khoảng 20% tổng GDP toàn cầu[18].
Song song với đó, các FTA song phương giữa Trung Quốc - Hàn Quốc và Nhật Bản - Hàn Quốc cũng được xúc tiến. Thực tế, mới chỉ có FTA Trung Quốc - Hàn Quốc đạt được lộ trình thuận lợi và được ký kết vào năm 2015. Một khi được ký kết, hiệp định sẽ tạo ra những triển vọng mới cho nền kinh tế hai nước. Tuy nhiên, chặng đường đàm phán để đi tới một FTA tay ba là tương đối trắc trở. Các lý do chủ yếu liên quan tới tính dễ tổn thương của các khu vực kinh tế nội địa nếu như CJKFTA[19] được ký kết. Theo nghiên cứu của Viện chính sách kinh tế quốc dân Hàn Quốc (KIEP), dựa trên mức thuế trung bình và hệ số lợi thế so sánh biểu lộ (RCA), lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan của Trung Quốc là ngành sản xuất ô tô và công nghiệp hóa chất, của Hàn Quốc là nông nghiệp, dệt may và sản xuất ô tô và Nhật Bản là nông nghiệp và dệt may[20]. Thêm vào đó, mỗi quốc gia đều theo đuổi những chiến lược và toan tính riêng đối với CJK FTA. Trung Quốc muốn giành những lợi thế cạnh tranh đối với thương mại hàng hóa, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc muốn xây dựng một CJK FTA có những tiêu chuẩn cao, nhất là về tiêu chuẩn kỹ thuật, thuế quan, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường. Nhật Bản cũng có ý tưởng muốn loại bỏ nông nghiệp và thủy sản ra khỏi FTA. Tuy nhiên, những căng thẳng về mặt ngoại giao cũng ít nhiều ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán FTA giữa ba nước, nhất là sự cạnh tranh khốc liệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc về tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế trong vực cũng như cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang diễn ra cũng tác động ít nhiều đến quan điểm và thái độ của mỗi quốc gia trong việc hình thành một FTA đa phương. Rõ ràng, việc dung hòa lợi ích giữa các quốc gia để tiến tới một Hiệp định thương mại chung đảm bảo được quyền lợi chung nhất cho ba cường quốc kinh tế khu vực là một vấn đề tương đối nan giải.
3. Một số nhận xét về quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI
Thứ nhất, quá trình hợp tác giữa Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc có nhiều thành tựu, song gặp ko ít trở ngại, nhất là về lợi ích và các vấn đề lịch sử, chính trị, an ninh. Động lực cho những nỗ lực hợp tác phần nào đến từ ảnh hưởng của chủ nghĩa khu vực Đông Á, hồi sinh mạnh mẽ sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Hàn Quốc và Nhật Bản đều là hai quốc gia chịu tác động nặng nề từ sự kiện trên và cũng là những quốc gia có xu hướng nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của hợp tác trong khu vực nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Không chỉ hợp tác với các nước Đông Nam Á thông qua ASEAN+3, việc hợp tác trong nội bộ Đông Bắc Á đã, đang và sẽ là vấn đề thu hút sự quan tâm và nỗ lực của ba cường quốc kinh tế của thế giới. Những thành tựu về mặt đối ngoại, các kênh hợp tác kinh tế song phương thông qua những nỗ lực đa phương và ngược lại đã chứng minh cho điều này. Tuy nhiên, những rào cản về chính trị, an ninh và chủ nghĩa bảo hộ trong kinh tế cũng tạo ra những khó khăn không nhỏ trong tiến trình xây dựng một khu vực mậu dịch tự do chung trên cơ sở sự đồng thuận của các bên liên quan. Vì đều là những nền kinh tế lớn, nên quá trình hợp tác cần có sự thận trọng và đảm bảo cho nền kinh tế trước sự xâm nhập của những yếu tố ngoại lai và những thị trường không kém phần hấp dẫn của đối phương.
Bên cạnh đó, sự bất ổn về chính trị, ngoại giao, an ninh cũng tạo ra những tác động không nhỏ tới kinh tế và ngược lại. Một ví dụ điển hình là ngay sau khi nổ ra những bất đồng về vấn đề lao động thời chiến với Nhật Bản, người dân Hàn Quốc đã tiến hành tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản, trong đó có bia và xe hơi, khiến cho doanh thu trên hai địa hạt này của Nhật Bản ở thị trường Hàn Quốc giảm lần lượt 97% và 81% so với cùng kỳ năm ngoái, tính tới thời điểm năm 2019[21].
Thứ hai, trong hợp tác kinh tế, dường như hợp tác song phương giữa các cặp quan hệ vẫn nổi trội hơn so với đa phương. Điều này có lẽ xuất phát từ những mâu thuẫn chồng chéo giữa cả ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc và Nhật Bản là đồng minh thân cận của Mỹ, trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc lại vướng mắc với Nhật Bản về những vấn đề trong quá khứ. Tuy nhiên, cả ba quốc gia đều là những đối tác hấp dẫn trên bình diện kinh tế đối với nhau. Nhật Bản từng là một trong những quốc gia đầu tư nhiều vào cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của hai quốc gia này. Hàn Quốc và Trung Quốc hấp dẫn nhau về mặt thương mại và đều coi Nhật Bản vừa là đối thủ cạnh tranh, vừa là đối tác hợp tác. Do đó, việc tăng cường các hoạt động song phương giải quyết được cơ bản cả mâu thuẫn và lợi ích cơ bản giữa hai bên liên quan hơn là hoạt động đa phương, vốn phải cân bằng lợi ích và dàn xếp bất đồng giữa nhiều chủ thể. Hàn Quốc và Trung Quốc đã ký kết được FTA riêng và trở thành những đối tác kinh tế hàng đầu của nhau, trong khi dù Nhật Bản và Hàn Quốc chưa thể đi đến một thỏa thuận FTA song phương, nhưng nhiều năm qua, hai quốc gia này vẫn là những đối tác kinh tế truyền thống hàng đầu. Tiến trình xây dựng một CJKFTA vì thế sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, khi mà các hoạt động song phương tỏ ra có hiệu quả và dễ dàn xếp hơn.
Cuối cùng, triển vọng cho quan hệ hợp tác Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào những toan tính của các quốc gia trong từng thời điểm cụ thể. Chính trị, an ninh vẫn sẽ đóng vai trò là biến số, trong khi kinh tế dù có nhiều triển vọng hơn nhưng cũng vẫn sẽ có những rào cản nhất định. Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Mỹ ngày càng căng thẳng, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các quốc gia đều phải có những điều chỉnh trong mục tiêu đối ngoại theo hướng tăng cường hợp tác để giảm thiểu những tác động của các vấn đề toàn cầu. Việc tăng cường hợp tác ba bên vì thế cũng có thể tạo ra những động lực cho cả ba quốc gia này tìm kiếm được sự đồng thuận cao hơn trong các thiết chế khu vực vốn chồng chéo ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Á nói riêng. Nếu muốn hợp tác tay ba có hiệu quả, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cần đạt được những thỏa thuận chung nhất trong việc giải quyết tranh chấp, bất đồng về chính trị, an ninh. Đó là rào cản đã tồn tại hơn nửa thế kỷ và khiến cho quan hệ Trung – Nhật – Hàn cho đến nay vẫn thường xuyên có những diễn biến trái chiều.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.3. Ministry of Foreign Affairs of Japan (2013), “Statement by the Minister for Foreign Affairs on the announcement on the “East China Sea Air Defense Identification Zone” by the Ministry of National Defense of the People’s Republic of China”, https://www.mofa.go.jp/ press/release/press4e_000098.html.
[1] TS., Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
[2] TS., Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
[3] Lê Văn Anh, Hoàng Thị Minh Hoa (đồng chủ biên), Quan hệ quốc tế thời hiện đại, Nxb Đại học Huế, tr. 301.
[4] Kerry John (2013), “Statement on the East China Sea Air Defense Identification Zone”, US State Department, https://2009-2017.state.gov/secretary/remarks/2013/11/ 218013.htm.
[5] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2013), “Statement by the Minister for Foreign Affairs on the announcement on the “East China Sea Air Defense Identification Zone” by the Ministry of National Defense of the People’s Republic of China”, https://www.mofa.go.jp/press/release/ press4e_000098.html.
[6] Huang David (2016), Asia Pacific Countries and the US Rebalancing Strategy, Palgrave Macmillan Publisher, USA, pp. 58.
[7] Rice Susan (2009), “Explaining President Obama’s Rebalance Strategy”, Obama White House https://medium.com/@ObamaWhiteHouse/explaining-president-obamas-rebalance-strategy-eb5f0e81f870.
[8] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2008), “Japan-China-ROK Trilateral Summit
Joint Statement for Tripartite Partnership”, Ministry of Foreign Affairs of Japan - MOFA https://www.mofa. go.jp/region/asia-paci/jck/summit0812/partner.html
[9] Yeo, Andrew (2017). China-Japan-Korea Trilateral Cooperation: Is It for Real?. Georgetown Journal of International Affairs, Volume 18, Number 2, Summer/Fall 2017, pp. 71
[10] Terminal High Altitude Area Defense.
[11] Năm 2018, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã yêu cầu tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Metal và Mitsubishi Heavy Industries phải bồi thường 100 triệu cho các nguyên đơn đã từng làm việc cho tập đoàn này trong suốt thời gian chiến tranh. Phía Nhật Bản khẳng định rằng các vấn đề này đã được giải quyết trong Hiệp ước quan hệ cơ bản Nhật Bản – Hàn Quốc năm 1965.
[12] National Bureau of Statistics of China (1996), “China Statistical Year Book 1996”, http://www.stats.gov.cn/ english/statisticaldata/yearlydata/YB1996e/P16-7e.htm.
[13]Ministry of Foreign Affairs of Japan (2011), Joint Study Report for an FTA among China, Japan and Korea, pp 10
[14] Cheong Yong Rok (2007), Impact of China on South Korea’s Economy, Dynamic Forces on the Korean Peninsula: Strategic & Economic Implications, Korea Economic Institute of America Publisher, pp. 63.
[15] Ministry of Commerce People’s Republic of China (2014), “Statistics on ROK Imports and Exports and China - ROK Trade in January 2014”, http://english.mofcom.gov.cn/article/statistic/lanmubb/ASEAN/201403/20140300509596.shtml.
[16] Japan External Trade Organization (2011), Jetro Press Realese on Japan - UAE Bilateral Trade in 2011, pp. 1.
[17] Theo số liệu các năm 2015, 2016, 2017 từ Hiệp hội Đầu tư Quốc tế Hàn Quốc (Korea Internationl Trade Association – KITA), http://kita.org/.
[18] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2011), “Joint Statement of the Joint Study Committee for an FTA among China, Japan and Korea”, http://www.mofa.go.jp /region/asia-paci/jck/pdfs/statement111216.pdf.
[19] China-Japan-Korea Free Trade Agreement – CJKFTA.
[20] Ahn Hyungdo, Lee Changjae, Lee Hongshik (2006), Analysis of a China-Japan-Korea Free Trade Area: A Sectoral Approach, Korea Economic Institute of America.
[21] Curry, Mc Justin (2019), “South Korean boycott of Japanese goods hits beer and carmakers”, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2019/sep/04/south-korea-boycott-japanese-goods-beer-car-sales.