Đặng Thu Thủy1
Tóm tắt: Quan hệ Ấn Độ - Hàn Quốc đã có những bước tiến dài trong những năm gần đây. Hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như: năng lượng, thương mại, điện tử, đóng tàu, công nghệ thông tin và an ninh mạng. Mặc dù hai nước đã thiết lập quan hệ lãnh sự từ năm 1962 và nâng cấp quan hệ ngoại giao năm 1973 nhưng mối quan hệ này chỉ thực sự ấm lên khi hai quốc gia tích hợp được hai chiến lược, cụ thể: Ấn Độ với “Chính sách hành động hướng Đông” và Hàn Quốc với “Chính sách hướng Nam mới”. Trong cùng một mục tiêu theo đuổi, cả hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác thông qua Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) vào năm 2009 (có hiệu lực từ 1/1/2010) cho phép dỡ bỏ hoặc cắt giảm thuế suất đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu giữa hai bên. Bài viết tập trung đánh giá khách quan mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Hàn Quốc từ sau khi hai nước ký kết CEPA.
Từ khóa: Hợp tác, thương mại, đầu tư, Ấn Độ, Hàn Quốc, CEPA
Q |
uan hệ kinh tế thương mại giữa Ấn Độ và Hàn Quốc đã có động lực trong những năm gần đây với thương mại song phương hàng năm đạt 21,5 tỷ USD trong năm 2018, 16,9 tỷ USD năm 2020 và 10,97 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021,[1]tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020[2]. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Ấn Độ và Hàn Quốc, có hiệu lực từ năm 2010, đã thúc đẩy thương mại và đầu tư cả hai chiều. Năm 2018, đầu tư của Hàn Quốc vào Ấn Độ lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,053 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Ấn Độ tính đến tháng 9/2020 là 6,94 tỷ USD. Các khoản đầu tư từ Ấn Độ sang Hàn Quốc cũng xấp xỉ như vậy và các công ty Hàn Quốc đang dẫn đầu với khoản đầu tư vào Ấn Độ lên đến 3 tỷ USD là Tata Daewoo, Ssangyong và Novelis[3]. Tăng trưởng xuất nhập khẩu và đầu tư song phương được cải thiện nhanh chóng nhờ hiệu ứng cơ bản mạnh mẽ từ 1-2 năm trước, khi Chính phủ Ấn Độ và Hàn Quốc đều có những chính sách hợp lý để ngăn chặn làn sóng COVID-19.
1. Quan hệ ngoại giao kinh tế song phương giữa hai quốc gia Ấn Độ và Hàn Quốc
Với tư cách là khách mời lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ ngày 26/1/2010, Tổng thống Lee Myung-bak đã có chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Ấn Độ khi quan hệ giữa hai quốc gia được nâng cấp lên đối tác chiến lược. Tiếp theo Tổng thống Ấn Độ Smt. Pratibha Devisingh Patil có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc từ 24-27/7/2011 khi Thỏa thuận Hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự được ký kết. Tiếp theo đó, từ ngày 24-27/3/2012, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đến Seoul để cùng tham dự Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân ngay sự khi thỏa thuận đơn giản hóa thị thực được ký kết. Mối quan hệ song phương gần gũi truyền thống đã được nâng tầm cả chất và lượng với chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ của Tổng thống Park Geun-hye từ ngày 15-18/1/2014[4].
Quan hệ ngoại giao kinh tế song phương giữa Ấn Độ và Hàn Quốc được mở ra nhiều cơ hội hơn nữa khi Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi có chuyến thăm Hàn Quốc từ ngày 18-19/5/2015. Cả hai quốc gia quyết định bắt đầu các cuộc hội đàm để tiến hành nâng cấp CEPA nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại trong lĩnh vực năng lượng, điện tử và đóng tàu và đề xuất thành lập Nhóm hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu và sản xuất phần cứng điện tử. Phía Hàn Quốc đã đề nghị cung cấp khoản tài chính lên đến 10 tỷ USD (hỗ trợ phát triển và tín dụng ưu đãi) cho Ấn Độ để hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng. Nhận thức được tầm quan trọng của ngành vận tải biển trong mối quan hệ song phương, Thủ tướng Ấn Độ cũng đã đến thăm nhà máy đóng tàu Hyundai Heavy Industries ở Ulsan. Hai nhà lãnh đạo của hai nước cũng đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn CEO Ấn Độ - Hàn Quốc nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Sau chuyến thăm Hàn Quốc, Chính phủ Ấn Độ cũng đã thành lập các đội nhóm nhằm thúc đẩy hợp tác, gỡ rối khúc mắc cho các nhà đầu tư Hàn Quốc “Korea Plus” (2016) nếu muốn tiếp cận sâu hơn trong lĩnh vực thương mại và đầu tư tại Ấn Độ[5].
Chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Moon Jae-In từ ngày 10-12/7/2018 tới Ấn Độ thúc đẩy gắn kết song phương với tầm nhìn chung về con người, hòa bình và thịnh vượng. Trong chuyến thăm lần này, hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của hai quốc gia đã đặt ra mục tiêu thương mại song phương giữa Ấn Độ và Hàn Quốc vào năm 2030 đạt 50 tỷ USD[6]. Để khẳng định hơn nữa mong muốn thắt chặt quan hệ ngoại giao đa lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia, Thủ tướng Narenda Modi đã đến thăm Hàn Quốc vào 22/2/2019 với một loạt các cam kết kinh tế song phương. Thủ tướng Modi đã công bố bức tượng bán thân của Mahatma Gandhi tại Đại học Yonsei danh tiếng Hàn Quốc để kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi trong chuyến thăm này và cũng nhận giải thưởng Hòa bình Seoul do Tổ chức Giải thưởng Hòa bình Seoul trao tặng[7].
Ngày 5/9/2019, bên lề Diễn đàn Đối thoại quốc phòng tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kyeong-doo và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh đã có cuộc hội đàm ở Thủ đô Seoul, trong đó nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng thông qua việc tích cực trao đổi trong các lĩnh vực đào tạo quân sự và công nghiệp quốc phòng[8]. Ngày 25/3/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc có chuyến thăm Ấn Độ, dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc - Ấn Độ và lễ khai trương “Công viên Hữu nghị Hàn Quốc - Ấn Độ”, nơi dựng bia tưởng niệm những quân nhân Ấn Độ từng cống hiến, hy sinh trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Thời chiến, Ấn Độ đã cử đơn vị hỗ trợ y tế có quy mô lớn nhất tới bán đảo Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc kỳ vọng chuyến công du này của Bộ trưởng Suh Wook sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng và công nghiệp quốc phòng Ấn Độ - quốc gia đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Hàn Quốc[9].
Hai nước đã tham dự Đối thoại chiến lược Ấn Độ - Hàn Quốc lần thứ ba giữa các thư ký Hội đồng an ninh Quốc gia Ấn Độ và Hàn Quốc ngày 3/12/2021, trong đó cả hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa và mở rộng hợp tác chiến lược cùng có lợi trong các lĩnh vực song phương, khu vực và toàn cầu[10].
2. Hợp tác thương mại song phương giữa Ấn Độ và Hàn Quốc
Ấn Độ và Hàn Quốc theo đuổi các con đường phát triển kinh tế khác nhau nhưng hợp tác trên nhiều lĩnh vực thế mạnh. Hàn Quốc là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và bị thu hút bởi thị trường Ấn Độ rộng lớn. Hàn Quốc đã phát triển chuyên môn thế mạnh của quốc gia mình trong lĩnh vực đóng tàu, thép, năng lượng, máy móc điên tử và rất mong muốn được đầu tư vào Ấn Độ trong lĩnh vực này. Đặc biệt hơn, Hàn Quốc cũng mong muốn tận dụng được sức mạnh của Ấn Độ trong lĩnh vực phần mềm điện tử viễn thông và công nghệ cũng như kết hợp được với Ấn Độ về mảng phần cứng công nghệ thông tin, kỹ thuật và sản xuất. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao bên cạnh các mặt hàng sơ cấp nếu thâm nhập thị trường nhập khẩu Hàn Quốc.
Năm 2020, thị phần Ấn Độ trong thương mại toàn cầu của Hàn Quốc là 1,72% và đóng góp của Ấn Độ trong nhập khẩu toàn cầu của Hàn Quốc tăng từ 0,78% năm 2001 lên 1,05% vào năm 2020. Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 21 của Hàn Quốc và thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 tính đến năm 2020[11]. Bốn thập kỷ qua, mô hình xuất khẩu của Hàn Quốc có những bước chuyển mình rõ ràng, chuyển từ giá trị chuỗi với các hàng hóa sơ cấp sang các sản phẩm công nghiệp nhẹ, sản phẩm công nghiệp nặng, công nghệ cao và dựa nhiều vào trí tuệ nhân tạo. Xuất khẩu nông sản Ấn Độ (trái cây và rau quả) gặp nhiều khó khăn với các chính sách nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Đây chính là vấn đề luôn được thảo luận sôi nổi trong các cuộc họp đánh giá CEPA hàng năm. Từ đầu 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Bảng 1: Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Hàn Quốc từ năm 2007-2020
Đơn vị: triệu USD
Năm |
Tổng thương mại |
Xuất khẩu từ Ấn Độ sang Hàn Quốc |
Xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Ấn Độ |
2007 |
11.224 |
4.624 |
6.600 |
2008 |
15.558 |
6.581 |
8.977 |
2009 |
12.155 |
4.142 |
8.013 |
2010 |
17.109 |
5.674 |
11.435 |
2011 |
20.548 |
7.894 |
12.654 |
2012 |
18.843 |
6.921 |
11.922 |
2013 |
17.568 |
6.183 |
11.385 |
2014 |
18.060 |
5.275 |
12.785 |
2015 |
16.271 |
4.241 |
12.030 |
2016 |
15.785 |
4.189 |
11.596 |
2017 |
20.005 |
4.949 |
15.56 |
2018 |
21.491 |
5.885 |
15.606 |
2019 |
20.663 |
5.566 |
15.097 |
2020 |
16.852 |
4.900 |
11.952 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA)
Năm 2019, xuất khẩu của Ấn Độ sang Hàn Quốc đạt trị giá 5.566 triệu USD. Trong 14 năm qua, xuất khẩu của Ấn Độ sang Hàn Quốc đã tăng với tốc độ hàng năm không cao từ 4.624 triệu USD năm 2007 lên 5.566 triệu USD vào năm 2019, trong đó năm 2011 ghi nhận là năm xuất khẩu của Ấn Độ sang Hàn Quốc cao nhất đạt 7.894 triệu USD. Năm 2020, giá trị này giảm xuống còn 4,9 tỷ USD do đại dịch COVID-19 gây ra. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Ấn Độ đã phục hồi dần về mức trước khi có đại dịch COVID-19, chiếm 7.410 triệu USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, xuất khẩu từ tháng 4-6/2021 cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ từ mức sụt giảm lớn nhất vào năm ngoái. Ngoài ra, 10 mặt hàng chủ lực của Hàn Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số như thép đã tăng 56,5% (957 triệu USD) trong nửa đầu năm 2021[12]. Còn nhập khẩu của Hàn Quốc từ Ấn Độ trong nửa đầu năm 2021 ghi nhận 3.561 triệu USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các mặt hàng nhập khẩu chính đều có mức tăng đáng kể như quặng sắt nhập khẩu tăng 390,6% và nhôm tăng 98,1%[13].
Bảng 2: Thương mại song phương Hàn Quốc - Ấn Độ (từ tháng 1-6/2021)
Đơn vị: triệu USD
Tháng |
Tháng 1 |
Tháng 2 |
Tháng 3 |
Tháng 4 |
Tháng 5 |
Tháng 6 |
Xuất khẩu |
1.272 |
1.286 |
1.336 |
1.352 |
994 |
1.167 |
Nhập khẩu |
560 |
467 |
632 |
730 |
583 |
586 |
Cán cân thương mại |
712 |
819 |
704 |
622 |
411 |
581 |
Nguồn: Embassy of the Republic of Korea to the Republic of India (2021). Economic Relations between Korea and India (as of Aug 2021), https://www.indem bassyseoul.gov.in/page/india-rok-trade-and-economic-relations/.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Hàn Quốc là nhiên liệu khoáng/sản phẩm chưng cất dầu (chủ yếu là naphtha), ngũ cốc, sắt và thép. Nguyên liệu cơ bản chiếm phần lớn các mặt hàng xuất khẩu và đặc biệt naphtha đã trở thành mặt hàng quan trọng nhất trong xuất khẩu của Ấn Độ sang Hàn Quốc, chiếm hơn 20%. Tính đến tháng 12/2020, trong 5 mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Ấn Độ là nhiên liệu khoáng, dầu khoáng, chất bitum, sáp khoáng (mã HS:27) đạt 1,059 triệu USD, chiếm 22% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu nhôm và các sản phẩm liên quan (mã HS: 76) đạt 746 triệu USD, chiếm 15% thị phần. Tiếp theo là hóa chất hữu cơ (mã HS: 29) với 542 triệu USD, sắt thép (mã HS:72) với 237 triệu USD và lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy móc và thiết bị cơ khí (mã HS: 84) với 209 triệu USD. Tất cả năm mặt hàng hàng đầu đều ghi nhận sự suy thoái vào năm 2020 do đại dịch COVID-19[14].
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc sang Ấn Độ là phụ tùng ô tô, thiết bị viễn thông, sản phẩm sắt cán nóng, sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ, dầu bôi trơn, lò phản ứng hạt nhân, thiết bị cơ khí, máy móc và phụ tùng điện và các sản phẩm sắt thép. Trong số 5 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu sang Ấn Độ, tính đến tháng 12/2020: máy móc điện (mã HS: 85) cho thấy sự sụt giảm -20% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 2.188 triệu USD và chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi (mã HS: 84) đạt 1,635 triệu USD, tiếp theo là sắt và thép (mã HS: 72) với 1,454 triệu USD, các sản phẩm bằng nhựa (mã HS: 39) với 1,296 triệu USD và phương tiện đi lại ngoài đường sắt hoặc toa xe điện và các bộ phận liên quan (mã HS: 87) với 788 triệu USD. Tất cả năm mặt hàng hàng đầu đều ghi nhận sự suy thoái vào năm 2020 do đại dịch COVID-19[15].
3. Đầu tư song phương giữa Ấn Độ và Hàn Quốc
Quý I/2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của Hàn Quốc vào thị trường Ấn Độ đạt 96 triệu USD trong đó năm 2013 là 347 triệu USD, 337 triệu USD năm 2014, 365 triệu USD năm 2015, 337 triệu USD năm 2016 và 516 triệu USD năm 2017, 1.072 triệu USD năm 2018, 337 triệu USD năm 2019 và 519 triệu USD năm 2020[16]. FDI của Ấn Độ vào thị trường Hàn Quốc không lớn. Hết quý 1/2021, đầu tư của Ấn Độ vào Hàn Quốc là rất nhỏ, ở mức 625.000 USD. Nó chỉ tăng tạm thời vào năm 2013 và 2019 do Mahindra và Mahindra của Ấn Độ đầu tư vào Ssangyong Motor Hàn Quốc. Nhưng đến năm 2020, tại Ấn Độ có 12 doanh nghiệp lớn Hàn Quốc được thành lập nhưng dòng vốn đầu tư trong năm cũng ảnh hưởng nhiều do đại dịch COVID-19.
Trong số các công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Ấn Độ, Hyundai Motor Group, Samsung Electronics và LG Group là doanh nghiệp tốp đầu. Hyundai Motors đã thành lập một nhà ô tô tại Tamil Nadu với công suất sản xuất hơn 650.000 ô tô hàng năm. Hyundai Motors India Ltd, công ty con tại Ấn Độ của Hyundai Motors, đã nhận khoản đầu tư trị giá 1,05 tỷ USD để mở rộng Sriperumbudur nhằm mục đích sản xuất xe điện. Tiếp đến là Kia Motors, một công ty trong Tập đoàn Hyundai, đã đầu tư 1,6 tỷ USD chia làm hai giai đoạn để thành lập hai đơn vị sản xuất tại Ananthapur và Andhra Pradesh[17]. Kia Motors Ấn Độ trở thành nhà sản xuất ô tô nhanh nhất với 200.000 chiếc xe bán buôn trong nước. Sau khi đăng ký doanh số 100.000 chiếc vào tháng 7/2020, thương hiệu đã đăng ký doanh số 100.000 chiếc lần thứ hai trong thời gian kỷ lục 6 tháng tiếp theo[18].
Thiết bị điện tử Samsung có hai nhà máy ở Noida và Sriperumbudur và năm trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Samsung đã công bố tư vấn 780 triệu USD để mở rộng cơ sở Noida của mình để sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị điện tử[19]. Noida là đơn vị sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, tăng gấp đôi công suất hiện tại từ 68 triệu lên 120 triệu đơn vị điện thoại di động vào năm 2020. Samsung Display đã được tư vấn xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại điều khiển bảng thông minh tại nhà Noida của Samsung Electronics. LG Electronics có hai nhà máy điều hành ở Noida và Pune cùng với Trung tâm R&D ở Bangalore[20]. Tập đoàn LG hợp tác với Tập đoàn Vedanta để xây dựng đơn vị sản xuất màn hình LCD đầu tiên của Ấn Độ tại Maharashtra. POSCO đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy đầu tiên tại Maharashtra và thành lập một công ty liên doanh khác với Tập đoàn Uttam Galva. Hyosung, tập đoàn hàng đầu về vải thun toàn cầu, công ty đầu tư giá trị 450 triệu USD vào một cơ sở sản xuất vải thun greenfield ở thành phố công nghiệp Aurangabad, Maharashtra. Còn Lotte đã mở rộng hơn khi mua lại Havmor - có trụ sở tại Gujrat, bên cạnh đầu tư sớm nhất vào Chennai và gần đây là Rohtak[21].
Bảng 3: FDI của Hàn Quốc vào Ấn Độ và FDI của Ấn Độ vào Hàn Quốc từ 2013-2021
Đơn vị: triệu USD
Năm |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Q1/2021 |
FDI của Hàn Quốc vào Ấn Độ |
|||||||||
Doanh nghiệp (đăng ký) |
190 |
160 |
264 |
268 |
308 |
408 |
451 |
220 |
51 |
FDI |
347 |
337 |
365 |
337 |
516 |
1.072 |
337 |
519 |
92 |
FDI của Ấn Độ vào Hàn Quốc |
|||||||||
Doanh nghiệp (đăng ký) |
23 |
9 |
10 |
6 |
11 |
13 |
16 |
12 |
3 |
FDI (đăng ký) |
98,7 |
1,6 |
2,5 |
1,4 |
1,7 |
2,6 |
96,6 |
1,43 |
0,625 |
Nguồn: Embassy of India to the Republic of Korea (2021), India - RoK Trade and Economic Relations, https://www.mea.gov.in /Portal/ForeignRelation/Bilateral_Brief_Jan_2020.pdf
Trong số các công ty của Ấn Độ đầu tư vào Hàn Quốc phải kể đến Novelis Inc - một công ty con của Hindalco Industries Ltd., công ty hàng đầu của Aditya Birla Group, đã mua lại Alcan Taihan Aluminium Ltd. vào tháng 1/2005. Novelis Inc. nắm giữ 68% cổ phần trị giá khoảng 600 triệu USD tại Novelis Korea Ltd, công ty lớn nhất châu Á, một nhà sản xuất nhôm cuộn sản phẩm với các công ty sản xuất hiện đại ở Yeongju và Ulsan và sử dụng hơn 1.200 nhân viên. Tổng đầu tư của Novelis tại Hàn Quốc là hơn 700 triệu USD[22]. Tiếp đó là Tata Motors Limited, công ty này đã mua lại Daewoo Commercial Vehicle có trụ sở tại Gunsan, Hàn Quốc với tổng cộng lên đến 102 triệu USD vào tháng 3/2004. Khoản tích lũy đầu tư của nó trong năm 2020 là hơn 400 triệu USD. Mahindra & Mahindra (M&M) đã đầu tư vào thị trường Hàn Quốc năm 2010 thông qua Ssangyong Motors với khoản đầu tư ước tính khoảng 360 triệu USD và đến giai đoạn 2016-2017 khoản tiền đầu tư đã sinh lời và vượt 1.500 triệu USD. Tiếp đến, công ty Nakhoda Ltd được biết đến là một trong những nhà sản xuất sợi lớn của Ấn Độ đã mua lại Công ty Kyunghan với số vốn đầu tư lên đến 40 triệu USD. Bên cạnh đó, công ty M/s Creative Plastic đã đầu tư 2 triệu USD vào Hàn Quốc và thành lập Công ty TNHH Alchemy Mold & Plastic tại Pyeongtaek. Ngoài ra, các chuyên gia công nghệ thông tin của Ấn Độ bao gồm Tata Consultancy Services (TCS), L&T Infotech và Mahindra Tech đã thiết lập hoạt động tại Hàn Quốc và đã phục vụ cả khách hàng Hàn Quốc và nước ngoài tại quốc gia này[23].
4. CEPA với hoạt động hỗ trợ thương mại và đầu tư song phương giữa Ấn Độ - Hàn Quốc
CEPA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Hàn Quốc với một quốc gia thành viên của BRICS (tên gọi của một khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). CEPA phân loại 11.200 dòng thuế của Hàn Quốc và 5.200 dòng thuế của Ấn Độ thành 6 loại nhằm mục đích cắt giảm/xóa thuế quan. Các danh mục bao gồm các danh mục loại bỏ thuế quan hoàn toàn khi thực hiện hiệp định và các danh mục giảm thuế hàng năm 20% hoặc 12,5% cùng các danh mục khác theo đó thuế cuối cùng sẽ giảm xuống 1-5% sau 8 năm và một danh sách loại trừ sẽ không được giảm thuế quan. Hầu hết các sản phẩm là sản phẩm nông nghiệp và dệt may, các sản phẩm nhạy cảm với cả hai bên, đều nằm trong danh mục loại trừ[24].
CEPA đã cho phép mở cửa thị trường dịch vụ. Đối với trường hợp của Ấn Độ, các lĩnh vực được đề cập bao gồm viễn thông, xây dựng, phân phối sản phẩm (không bao gồm bán lẻ), giao thông vận tải, công nghiệp, kế toán, xây dựng, bất động sản, điều trị y tế và phân phối năng lượng... CEPA cũng sẽ mở rộng ra cơ hội việc làm cho các chuyên gia máy tính, kỹ sư, quản lý tư vấn và trợ lý giáo viên tiếng Anh. Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, Ấn Độ đã đồng ý cho 10 ngân hàng Hàn Quốc thành lập chi nhánh tại Ấn Độ. Hiện tại Ngân hàng Shinhan có bốn chi nhánh, Ngân hàng Woori và Ngân hàng KB mỗi ngân hàng có một chi nhánh. Ngân hàng Hana đã thành lập văn phòng đại diện. CEPA cho phép điều chuyển tạm thời 163 chuyên gia Ấn Độ như lập trình viên máy tính và kỹ sư... để tiếp cận thị trường dịch vụ tại Hàn Quốc[25].
Khi CEPA bắt đầu có hiệu lực, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Hàn Quốc đã tăng 40% lên hơn 17,11 tỷ USD. Xuất khẩu của Ấn Độ tăng 37% trong năm 2010 trong khi xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 42,7%. Năm 2014, nhập khẩu của Hàn Quốc từ Ấn Độ giảm 14,6% xuống còn 5.275 triệu USD do đồng rupee mất giá và tình hình kinh tế không ổn định. Xu hướng tiếp tục diễn ra trong năm 2016 và nhập khẩu của Hàn Quốc từ Ấn Độ đã giảm 1,2% xuống 4.189 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2017, kinh tế thế giới đã phục hồi và nhập khẩu của Hàn Quốc từ Ấn Độ đã tăng 18,1% lên 4.949 triệu USD. Năm 2018, thương mại song phương ghi mức cao nhất với 21.491 triệu USD, thúc đẩy xuất khẩu của Ấn Độ sang Hàn Quốc tăng 18,9%. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, con số này đã ghi nhận sự suy giảm ở mức 16.852 triệu USD vào năm 2020[26].
Trong năm 2015, hai quốc gia Ấn Độ và Hàn Quốc đã bắt đầu rà soát CEPA với mục đích nâng cấp toàn diện hiệp định. Hồi tháng 6/2016, Ấn Độ và Hàn Quốc bắt đầu tiến hành đàm phán chính thức để nâng cấp CEPA. Trong các cuộc đàm phán trước, Hàn Quốc và Ấn Độ đã thảo luận về các cách thức tăng cường tự do hóa trong các vấn đề như hàng hóa, dịch vụ, xuất xứ hàng hóa. Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết vòng đàm phán lần này sẽ tập trung thúc đẩy cải thiện sự đối với hàng hóa và dịch vụ, tiêu chuẩn quốc gia xuất xứ của sản phẩm, đồng thời hai bên sẽ nỗ lực đạt được những kết quả cụ thể sớm. Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết CEPA dự kiến sẽ hỗ trợ đa dạng hóa thương mại song phương cũng như đầu tư của Hàn Quốc vào Ấn Độ với tiềm năng tăng trưởng lớn trong bối cảnh môi trường thương mại quốc tế thiếu ổn định, trong đó có sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại[27].
Kết luận
Tăng cường quan hệ với Hàn Quốc là một phần trong nỗ lực thúc đẩy chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ và thắt chặt quan hệ hơn nữa với Ấn Độ là mục tiêu cốt lõi trong “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc. Hai quốc gia đã nâng quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt, mở rộng hơn nữa tiềm năng hợp tác trên tất cả các mặt, từ quốc phòng an ninh đến kinh tế, thương mại và văn hóa. Sau CEPA, quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia đã được nâng lên tầm cao mới và đến nay đã thực sự đi vào thực chất và mang lại giá trị kinh tế to lớn cho cả Ấn Độ và Hàn Quốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TS., Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Embassy of the Republic of Korea to the Republic of India (2021), “Economic Relations between Korea and India (as of Aug 2021)”, https://www.indembass yseo ul.gov. in/page/india-rok-trade-and-economic-relations/.
[3] Posco Research Institue (2013), “Background and Performance of Indian Firms Entering the Korean Market”, Special Report.
[4] Posco Research Institue (2013), “Background and Performance of Indian Firms Entering the Korean Market”, Tlđd.
[5] Posco Research Institue (2013), “Background and Performance of Indian Firms Entering the Korean Market”, Tlđd, tr. 12.
[6] Embassy of India to the Republic of Korea (2021), “India - RoK Trade and Economic Relations”, https://www.mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/Bilateral_Brief_Jan_2020.pdf.
[7] Business Today (2019), “PM Modi to receive Seoul Peace Prize in South Korea; unveils bust of Mahatma Gandhi”, https://www.businesstoday.in/latest/economy-politics/story/pm-modi-receive-seoul-peace-prize-south-korea-unveils-bust-mahatma-gandhi-173198-2019-02-21.
[8] TTXVN (2019) “Hàn Quốc và Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng”, https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-quoc-te-1049/han-quoc-va-an-do-tang-cuong-hop-tac- quoc- phong- 4060798.html.
[9] KSB (2021), “Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc thăm chính thức UAE, Ấn Độ”, https://world.kbs.co.kr/service/ news _view.htm?lang=v&Seq_Code=49376.
[10] Tiền Hiếu (2021), “Ấn Độ, Hàn Quốc hướng tới tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực”, Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh.
[11] India Briefing (2021), “India-South Korea Trade and Investment: Trends and Opportunities”, https://www.india-briefing.com/news/india-south-korea-trade-and-investment-trends-and-opportunities.
[12] Embassy of the Republic of Korea to the Republic of India (2021), “Economic Relations between Korea and India (as of Aug 2021)”, https://www.indem bassyseoul.gov.in/page/india-rok-trade-and-economic-relations/.
[13] Embassy of the Republic of Korea to the Republic of India (2021), “Economic Relations between Korea and India (as of Aug 2021)”, Tlđd, tr. 20.
[14] Embassy of the Republic of Korea to the Republic of India (2021), “Economic Relations between Korea and India (as of Aug 2021)”, Tlđd, tr. 9.
[15] Embassy of the Republic of Korea to the Republic of India (2021), “Economic Relations between Korea and India (as of Aug 2021)”, Tlđd, tr.10.
[16] Embassy of India to the Republic of Korea (2021), “India - RoK Trade and Economic Relations”, https://www.mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/Bilateral_Brief_Jan_2020.pdf.
[17] FICCI (2018), “India-Republic of Korea: A new era of relationship”, https://ficci.in/spdocument/23001/India-Korea-Report-2018.pdf.
[18] Vietnamnet (2021), “Nhờ Selto, Sonet, Kia Motors thu lợi nhuận chỉ trong 2 năm ở Ấn Độ”, https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/xe-moi/nho-seltos-sonet-kia-motors-thu-loi-nhuan-chi-trong-2-nam-790925.html.
[19] FICCI (2018), “India-Republic of Korea: A new Era of relationship”, Tlđd.
[20] ICT News (2019), “Vì sao Ấn Độ thành công với sáng kiến “Make in India”?”, https://ictnews.vietnamnet.vn/ cuoc-song-so/vi-sao-an-do-thanh-cong-voi-sang-kien-make-in-india-35580.html.
[21] FICCI (2018), “India-Republic of Korea: A new era of relationship, Tlđd.
[22] FICCI (2018), India-Republic of Korea: A new era of relationship, Tlđd, tr.15.
[23] Embassy of India to the Republic of Korea (2021), “India - RoK Trade and Economic Relations”, https://www.mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/Bilateral_Brief_Jan_2020.pdf.
[24] Export-Import Bank of India (2014), “Potential for Enhancing India’s Trade with Korea Republic: A Brief Analysis”, Working Paper No. 33.
[25] Embassy of India to the Republic of Korea (2021), “India - RoK Trade and Economic Relations”, https://www.mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/Bilateral_Brief_Jan_2020.pdf.
[26] “India - RoK Trade and Economic Relations”, Tlđd, tr. 22.
[27] VTV (2017), “Hàn Quốc và Ấn Độ thúc đẩy đàm phán nâng cấp CEPA”, https://vtv.vn/kinh-te/han-quoc-va-an-do-thuc-day-dam-phan-nang-cap-cepa-2017092100484 3574. Htm.