Đỗ Thị Ánh1
Tóm tắt: Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc giục Nhật Bản cùng đàm phán thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước. Mặc dù muốn Mỹ quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng trước đe dọa tăng thuế với ô tô Nhật Bản mà Tổng thống Trump đưa ra, Nhật Bản cuối cùng cũng đã thay đổi lập trường. Sau một quá trình đàm phán, tháng 9/2019 Nhật Bản và Mỹ đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới, chiếm tới hơn 30% (25,5 nghìn tỷ USD) GDP của thế giới như Nhật Bản và Mỹ rõ ràng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế toàn cầu nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Nghiên cứu này sẽ làm rõ về nội hàm của thỏa thuận thương mại Nhật – Mỹ, đồng thời chỉ ra những tác động chủ yếu của thỏa thuận này đối với khu vực Đông Nam Á.
Từ khóa: Nhật Bản, Mỹ, thỏa thuận song phương, thương mại kỹ thuật số
1. Quá trình hình thành và nội dung chính của thỏa thuận thương mại Nhật – Mỹ[1]
1.1. Bối cảnh hình thành
Thỏa thuận thương mại song phương Nhật – Mỹ đã hình thành trong bối cảnh quan điểm hết sức khác biệt giữa hai phía. Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đã nhấn mạnh nhiều vấn đề xung khắc thương mại, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề thâm hụt thương mại, tạo áp lực để Nhật Bản ngồi vào bàn đàm phán. Tổng thống Trump vốn dĩ có quan điểm tiêu cực với thâm hụt thương mại. Khẳng định đây là dấu hiệu đi xuống của sản xuất và gây nên tổn thất lớn đối với nước Mỹ, ông Trump từng cam kết làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Sau khi đắc cử, những quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ đều trở thành mục tiêu tấn công của chính quyền Trump, kể cả đồng minh thân cận nhất – Nhật Bản. Quan điểm của Tổng thống Trump là cần giảm thâm hụt thương mại trên cơ sở đàm phán thương mại song phương để bảo vệ sản xuất và việc làm của Mỹ.
Nhật Bản là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ tư, đồng thời là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Là đối tác kinh tế vô cùng quan trọng, tuy nhiên cũng giống Trung Quốc, Nhật Bản có mức thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này năm 2017 là 796,1 tỷ USD, trong đó Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 3 với 68,8 tỷ USD[2]. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Nhật Bản đạt 121,1 tỷ USD; nhập khẩu là 179,1 tỷ USD, trong đó nhiều nhất là ô tô và phụ tùng ô tô với kim ngạch 56,0 tỷ USD[3], phần lớn thâm hụt thương mại Mỹ - Nhật đến từ ô tô và phụ tùng ô tô. Nhật Bản xuất khẩu khoảng 1,74 triệu chiếc ô tô sang Mỹ mỗi năm, nhưng chỉ nhập hơn 100.000 chiếc ô tô của Mỹ. Đó là lý do tại sao ô tô đã trở thành vấn đề thực sự nổi cộm[4]. Ngoài ra, là đối tác nhập khẩu nông sản lớn thứ ba (đạt 13 tỷ USD năm 2018)[5], Nhật Bản với dân số 114 triệu người sở hữu nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao còn là thị trường nông sản hết sức quan trọng đối với Mỹ. Mỹ cùng với Australia là hai nước cung cấp thịt bò nhập khẩu lớn nhất của Nhật Bản với thị phần tổng cộng lên đến 90%, tuy nhiên trong khi thịt bò nhập khẩu từ Australia được miễn thuế khẩn cấp theo thỏa thuận của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì thịt bò của Mỹ lại chịu bất lợi vì bị áp mức thuế cao. Bởi vậy mà Mỹ rất muốn nông dân, chủ trang trại và các nhà chế biến nông sản của mình cũng có quyền tiếp cận thị trường Nhật Bản tương tự như các thành viên CPTPP.
Về phía Nhật Bản, nước này đã hết sức cảnh giác và cố gắng né tránh xung đột với phía Mỹ, đồng thời trì hoãn việc đàm phán thương mại song phương. Liên quan đến CPTPP, Nhật Bản mong muốn Mỹ sẽ quay trở lại hiệp định này. Đối với Nhật Bản, hiệp định này còn mang ý nghĩa chiến lược to lớn. Song Mỹ đã từ chối và chỉ chú trọng vào việc đàm phán lại các FTA đã ký trước đó. Chứng kiến việc Trung Quốc trở thành mục tiêu số một của chính quyền Trump, Nhật Bản hết sức cảnh giác với việc có thể trở thành mục tiêu tiếp theo. Nhật Bản cũng lo ngại việc chính quyền Trump dưới danh nghĩa công bằng và sự có đi có lại nhưng lại sử dụng "chính sách thương mại ép buộc" để điều chỉnh tình trạng thâm hụt thương mại của họ. Điều này cũng thể hiện qua việc chính quyền Trump dứt khoát yêu cầu đàm phán song phương, trong khi lại phủ nhận các khuôn khổ đàm phán thương mại đa phương. Hơn nữa, nhìn vào nội dung của Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) vốn là Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau khi đàm phán lại theo yêu cầu của chính quyền Trump, có thể thấy rõ mức độ bảo hộ đã tăng nhiều so với trước, chẳng hạn như quy tắc xuất xứ, điều khoản ngoại hối (viện dẫn các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động ngoại hối) và các hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Tâm lý cảnh giác cao độ của Nhật Bản còn bắt nguồn từ việc nước này từng trải qua hàng loạt các cuộc xung đột thương mại với Mỹ trong quá khứ vào những năm 1980-1990. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, việc phụ thuộc nhiều vào Mỹ cả về kinh tế lẫn an ninh đã khiến Nhật Bản dường như không có nhiều lựa chọn để phản ứng lại Mỹ một cách hiệu quả trong tranh chấp thương mại.
Vậy tại sao Nhật Bản đồng ý đàm phán thương mại song phương với Mỹ? Lý do chính là Tổng thống Mỹ Trump đã đe dọa sử dụng mục 232 của Đạo luật mở rộng thương mại Mỹ năm 1962[6] để đánh thuế 20%-25% đối với sản phẩm ô tô và phụ tùng ô tô Nhật Bản[7]. Tháng 3/2018, Mỹ đã áp thuế bổ sung với các sản phẩm thép và nhôm của Nhật Bản theo điều luật này. Tuy nhiên, Nhật Bản đã không phản ứng giống như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và một số nước khác là trả đũa Mỹ, cũng không công khai yêu cầu Mỹ từ bỏ các biện pháp gây bất lợi với Nhật Bản vì sản phẩm thép và nhôm không đóng chức năng như một đòn bẩy đối với Nhật Bản. Song tác động của việc tăng thuế đánh vào lĩnh vực ô tô sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều vì ngành công nghiệp này mang lại thu nhập xuất khẩu lớn nhất cho Nhật Bản. Mỹ là thị trường lớn với gần 3,8 triệu xe hơi Nhật Bản được tiêu thụ mỗi năm. Theo tính toán, chỉ cần mức thuế quan 20% được Mỹ áp đặt đối với ô tô và phụ tùng ô tô Nhật Bản cũng sẽ làm tăng chi phí thêm khoảng 950 tỷ yên (tương đương 8,5 tỷ USD) mỗi năm. Nếu tính cả hàng tái xuất thì tổng chi phí sẽ tăng ít nhất 1.750 tỷ yên[8]. Trong bối cảnh nền kinh tế với dân số lão hóa, suy giảm nhanh, lực lượng lao động giảm sút, thị trường nội địa ngày càng thu hẹp, Nhật Bản càng phải dựa vào thị trường bên ngoài để tồn tại. Bởi vậy Mỹ là thị trường không thể để mất với các hãng ô tô Nhật Bản.
1.2. Quá trình đàm phán thỏa thuận
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu mở rộng, chiến lược của Mỹ lại dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu các sản phẩm và phụ tùng giá thành rẻ từ bên ngoài khiến sản xuất trong nước đánh mất lợi thế. Trước tình hình đó, chính quyền Trump càng muốn đẩy nhanh các FTA song phương mà ở đó họ có thể đưa ra các điều khoản giúp tăng sản xuất và việc làm và càng ráo riết thúc giục Nhật Bản bắt đầu đàm phán. Tháng 9/2018, khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Nhật - Mỹ thảo luận, đề xuất các vấn đề kinh tế, thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ được khởi động. Phụ trách đối thoại là các quan chức thứ hai sau nguyên thủ quốc gia của Nhật Bản và Mỹ: Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Nhật Bản Aso Taro và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Nếu chỉ tập trung vào lĩnh vực thương mại, Nhật Bản lo ngại sẽ bị áp đặt các yêu cầu đối với sản phẩm nông nghiệp và ô tô. Bởi vậy họ đã đưa ra những kế hoạch hợp tác Nhật - Mỹ trong các lĩnh vực rộng hơn như cơ sở hạ tầng và năng lượng để giảm áp lực của Mỹ. Theo Nhật Bản, “nếu bản thân thể hiện thiện chí, đối phương cũng sẽ đáp lại bằng thiện chí”, tuy nhiên lập luận này của Nhật Bản có vẻ không hiệu quả với chính quyền Trump. Cho dù có bao nhiêu dự án hợp tác được phía Nhật trình bày, những yêu cầu Mỹ đưa ra đối với Nhật Bản cũng không thay đổi. Trái với mong muốn của Nhật Bản, hai bên đã chuyển từ Đối thoại Kinh tế Nhật - Mỹ sang khuôn khổ mới có tên gọi "Tham vấn cho các trao đổi thương mại tự do, công bằng và có đi có lại" (Free, Fair, Reciprocal - FFR) do Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Trưởng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer phụ trách việc đàm phán. Là một trong những cố vấn quan trọng nhất của Tổng thống Trump về thương mại, ông Lighthizer từng tham gia các cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản vào thập niên 1980. Dần dần Nhật Bản đã từng bước bị lôi kéo vào cuộc đàm phán chính thức với Mỹ.
Bước vào quá trình đàm phán, đối lập với phía Nhật Bản chỉ muốn giới hạn các cuộc đàm phán trong lĩnh vực hàng hóa, chính quyền Trump lại muốn hướng tới một FTA toàn diện bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ và các lĩnh vực quan trọng khác. Ngày 21/12/2018, theo luật Mỹ, USTR – cơ quan phụ trách đàm phán đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về 22 lĩnh vực đàm phán với Nhật Bản. Nội dung trong thông báo này gần giống với TPP, cho thấy lập trường cương quyết của chính quyền Trump là đạt được một FTA toàn diện với Nhật Bản. Trước đó, tại phiên điều trần của USTR, các nhóm công nghiệp Mỹ cũng kêu gọi chính phủ cần đạt được các thỏa thuận cao hơn TPP, không chỉ với nông sản và ô tô, mà cả các lĩnh vực dịch vụ như viễn thông, tài chính, hệ thống giá thuốc và tỷ giá hối đoái.
Nhật Bản đã có một thời gian tương đối dài để quan sát quá trình đàm phán giữa chính quyền Trump với Canada, Mexico và Trung Quốc trước khi đàm phán với Mỹ. Đáng báo động là việc chính quyền Trump đã gần như "nuốt chửng" Canada và Mexico với hiệp định giữa Mỹ, Mexico và Canada. USMCA chính là NAFTA được đàm phán lại và là một điển hình thành công của đàm phán thương mại Mỹ. Nếu áp dụng như USMCA, Mỹ có thể sẽ đưa ra nhiều yêu cầu như hạn chế xuất khẩu, quy tắc xuất xứ hay điều khoản quốc gia phi thị trường... USMCA đã nâng tỷ lệ xuất xứ của phụ tùng ô tô từ 62,5% lên 75% và 40% phải được sản xuất trong các nhà máy với mức lương theo giờ từ 16 USD trở lên. Ngoài ra, nếu Mỹ thực sự sử dụng USMCA như là khuôn mẫu cho thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật, thì chương đề cập đến chính sách kinh tế vĩ mô và tỷ giá hối đoái có thể châm ngòi cho một bất đồng lớn. Nhật Bản phản đối việc Mỹ đưa ra các điều khoản hối đoái nghiêm cấm khuyến khích giảm giá tiền tệ. Ngành công nghiệp ô tô của Mỹ lo ngại về sự tấn công của ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản do đồng yên thấp. Nhưng vì lý do này, ngay cả việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nới lỏng tiền tệ cũng có thể bị coi là biện pháp can thiệp khiến đồng yên mất giá. Quan điểm của Nhật Bản là nên loại nội dung này ra khỏi các cuộc đàm phán và giao phó việc quyết định cho các cơ quan tài chính Nhật Bản và Mỹ. Một vấn đề khác làm chậm tiến trình đàm phán là điều khoản của USMCA cho phép một bên chấm dứt thỏa thuận nếu bên kia ký kết FTA với một nước thứ ba không phải là nền kinh tế thị trường. Điều khoản này cũng không thể chấp nhận được với Nhật Bản khi họ đang tiến hành đàm phán hai FTA với Trung Quốc là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do ba bên Trung - Nhật - Hàn (CJKFTA).
Sau khoảng nửa năm đàm phán cam go với nhiều tình huống giằng co và kịch tính, đến ngày 25/9/2019, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Abe Shinzo và Tổng thống Donald Trump xác nhận đã chính thức đạt được thỏa thuận thương mại song phương đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP. Thỏa thuận này đã được ký tại Nhà Trắng ngày 8/10/2019 theo giờ Nhật Bản (7/10/2019 theo giờ Mỹ).
1.3. Nội dung chính của thỏa thuận thương mại Nhật - Mỹ
Thỏa thuận đạt được giữa Nhật Bản và Mỹ gồm hai phần: Hiệp định Thương mại Nhật - Mỹ (USJTA) và Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Nhật - Mỹ.
USJTA quy định về nông nghiệp Nhật Bản sẽ loại bỏ thuế quan đối với thịt bò và thịt lợn trị giá 2,9 tỷ USD và các loại hạt, loại quả mọng, ngũ cốc, rượu vang, phô mai và các sản phẩm chế biến khác trị giá 4,3 tỷ USD từ Mỹ. Tính theo thời điểm năm 2019, giá trị hàng hóa của Mỹ được giảm thuế là 9,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó chủ yếu là thực phẩm như thịt và ngũ cốc[9]. Việc giảm thuế quan sẽ diễn ra theo giai đoạn kéo dài nhiều năm với thịt bò và thịt lợn tươi và đông lạnh, rượu vang, pho mát, gia cầm đông lạnh và các sản phẩm trứng[10]. Chẳng hạn, Nhật Bản sẽ cắt giảm mức thuế với thịt bò Mỹ từ 38,5% xuống còn 26,6% và giảm dần mỗi năm cho đến khi đạt 9% vào năm 2033. Nhật Bản cũng không đưa ra bất kỳ cam kết nào đối với các sản phẩm như sữa tách béo, bơ, lâm sản, thủy sản và tất cả các loại gạo. Thuế quan và hạn ngạch đối với gạo Mỹ được quy định từ những năm 1990 vẫn được giữ nguyên. Mặt hàng lúa mạch sẽ được áp dụng mức giảm 45% thuế nhập khẩu của Nhật Bản đối với các loại ngũ cốc sử dụng rộng rãi trong sản xuất bia[11].
Đổi lại, Mỹ sẽ loại bỏ hoặc giảm thuế hải quan đối với 42 dòng hàng và 40 triệu USD mặt hàng thực phẩm, chẳng hạn như quả hồng, trà xanh và các sản phẩm cụ thể khác của Nhật Bản. Hàng hóa công nghiệp được giảm thuế bao gồm một số sản phẩm như máy móc thông thường, máy công cụ công nghiệp và các hàng hóa khác nhau có trong biểu thuế HTSUS của Mỹ (Harmonized Tariff Schedule of the U.S.)[12]. Đáng chú ý, thỏa thuận hoàn toàn không đề cập tới việc đánh thuế ô tô của Nhật Bản như Tổng thống Trump từng đe dọa trước đó và đây là một trong những kết quả quan trọng nhất trong đàm phán thương mại Nhật – Mỹ lần này. Như vậy tỷ lệ xóa bỏ thuế quan (dựa trên giá trị thương mại) của phía Nhật Bản là 84%, phía Mỹ là 92%[13]. Với hiệp định này, Mỹ nhận được ưu đãi tương đương hoặc ít hơn so với thành viên của CPTPP[14].
Cùng với hiệp định thương mại hàng hóa, hai bên cũng đạt được một hiệp định riêng về thương mại kỹ thuật số. Hiệp định này thống nhất các nội dung như các quy tắc về truyền dữ liệu và việc các công ty nước ngoài không được yêu cầu cài đặt máy chủ dữ liệu ở quốc gia khác khi hoạt động kinh doanh tại quốc gia đó, đảm bảo cho việc “truyền dữ liệu xuyên biên giới không có rào cản trong tất cả các lĩnh vực”, cấm các yêu cầu bản địa hóa dữ liệu, các rào cản đối với các luồng dữ liệu xuyên biên giới cũng như “quyền truy cập tùy ý vào mã nguồn và thuật toán”... Các điều khoản đáng chú ý bao gồm việc cấm đánh thuế đối với nội dung được gửi bằng phương thức điện tử (ví dụ phần mềm và âm nhạc) và công nhận chữ ký điện tử như một phương tiện xác thực phù hợp về mặt pháp lý, một nội dung quan trọng khi lệnh cấm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về chuyển tiền điện tử đã được gia hạn tại Hội nghị Bộ trưởng vào tháng 6/2020. Một mặt, có thể nói các điều khoản này có lợi cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ là GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon). Nội dung của Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Nhật – Mỹ cũng được đánh giá là giống nhiều các điều khoản liên quan được quy định trong TPP và Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Tổng cộng, hai hiệp định mà Mỹ và Nhật Bản đạt được lần này bao phủ khoảng 55 tỷ USD thương mại hai chiều, chiếm khoảng 1/4 của gần 218 tỷ USD hàng hóa giao thương giữa hai nước hàng năm[15] và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
2. Những tác động của thỏa thuận thương mại Nhật – Mỹ
2.1. Tác động đối với chuỗi sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô Đông Nam Á
Đông Nam Á đóng vai trò không thể thiếu trong chuỗi cung ứng quốc tế về linh kiện, phụ tùng ô tô. Đặc biệt đối với Nhật Bản, khu vực này chính là trung tâm sản xuất quan trọng của công nghiệp ô tô nước này. Ngành công nghiệp linh kiện, phụ tùng ô tô của Đông Nam Á được đánh giá cao trước hết nhờ nhân công giá rẻ. Đặc biệt, những năm gần đây các quốc gia Đông Nam Á đã trở thành một địa bàn quan trọng đối với các hãng sản xuất ô tô và linh kiện, phụ tùng ô tô của Nhật Bản để tránh rủi ro do việc tập trung quá nhiều các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội Công nghiệp phụ tùng ô tô Nhật Bản, Đông Nam Á là nơi tập trung hơn 30% địa điểm sản xuất cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Nhật Bản, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới[16]. Bởi vậy, viễn cảnh Mỹ áp đặt các mức thuế quan cao với ô tô và phụ tùng ô tô lên đến 25% không chỉ khiến riêng Nhật Bản lo ngại, mà còn là một nguy cơ lớn đe dọa chuỗi sản xuất, cung ứng của khu vực và có thể tác tác động khá nghiêm trọng tới các nền kinh tế Đông Nam Á.
Khẳng định về vấn đề Mỹ có đánh thuế bổ sung đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản hay không, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Sugawara cho biết: "Trong thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại Nhật - Mỹ, Mỹ không áp thuế bổ sung đối với ô tô Nhật Bản, bởi vậy không gây ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất quốc tế của các nhà sản xuất ô tô, góp phần vào sự phát triển ổn định của ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản"[17]. Như vậy, với việc ô tô và linh kiện phụ tùng được loại khỏi phạm vi điều chỉnh thuế, Hiệp định thương mại Nhật - Mỹ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô của các công ty chế tạo Nhật Bản tại Đông Nam Á.
2.2. Đóng góp về thiết lập quy tắc tiên tiến về thương mại kỹ thuật số
Mặc dù chỉ dừng ở mức độ khiêm tốn về cắt giảm thuế quan trong thương mại hàng hóa, nội dung về thương mại kỹ thuật số lại là một thành tựu thực sự nổi bật của thỏa thuận lần này. Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Nhật - Mỹ bao trùm khoảng 40 tỷ USD giá trị thương mại số giữa nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới[18].
Nền tảng của Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Nhật - Mỹ là chính là kinh tế số và đổi mới công nghệ. Trong đời sống hàng ngày cũng như trong các ngành sản xuất công nghiệp, sự ra đời của mạng di động thế hệ 5G, robot công nghiệp sử dụng AI, xe tự động lái, thanh toán thông qua tiền điện tử, thương mại hàng hóa và dịch vụ trên Internet... đang phát triển và lan tỏa vô cùng mạnh mẽ bởi những công ty công nghệ lớn như Google, Amazon, Uber ở Mỹ hay Alibaba ở Trung Quốc... Mặc dù khối lượng giao dịch thương mại kỹ thuật số đang gia tăng nhanh chóng qua từng năm song hiện tại mỗi quốc gia lại sử dụng luật riêng của từng nước để quản lý hay bảo vệ thông tin không bị sử dụng sai mục đích trong giao dịch dựa trên quan điểm bảo vệ thông tin cá nhân và bảo vệ người tiêu dùng... Tuy nhiên, khi chưa có một tiêu chuẩn quốc tế thống nhất, hệ thống luật của các quốc gia đang ở trạng thái khá rời rạc, thậm chí sự xung đột trong các quy định có thể phát sinh.
Trong thời gian tới, ASEAN sẽ tiếp tục hội nhập và việc thiết lập các quy tắc tiêu chuẩn trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số là một nhiệm vụ không thể thiếu. Đại dịch COVID-19 càng nhấn mạnh tầm quan trọng của các công cụ kỹ thuật số đối với kinh tế - xã hội, tuy nhiên các quy tắc quản lý quốc tế lại quá lạc hậu. Thỏa thuận RCEP ký kết gần đây cũng bao gồm một chương thương mại điện tử. Tuy nhiên, ngoại lệ về “chính sách công” trong chương này làm giảm nhiều giá trị của các cam kết. Quy tắc RCEP về thương mại điện tử phần lớn phản ánh cách tiếp cận của Trung Quốc đối với thương mại kỹ thuật số với các yêu cầu về bản địa hóa dữ liệu, các hạn chế đối với luồng dữ liệu xuyên biên giới và các chính sách ưu tiên các công ty khổng lồ trong lĩnh vực kỹ thuật số trong nước, cho thấy nguy cơ của việc hạ thấp tham vọng của các hiệp định thương mại có thể tác động lan tỏa tới cả các cuộc thảo luận về thương mại kỹ thuật số của WTO và APEC. Trong khi đó, Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Nhật - Mỹ không chỉ thiết lập các tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số, mà còn chứng tỏ rằng Nhật Bản và Mỹ vẫn có thể tiếp tục cùng nhau đóng vai trò hàng đầu trong việc phát triển các quy tắc thương mại toàn cầu, trong đó có các quy tắc về thương mại kỹ thuật số. Việc ký kết thành công hiệp định thương mại kỹ thuật số giữa hai quốc gia lớn là Nhật Bản và Mỹ sẽ tác động mạnh mẽ đến các cuộc thảo luận về chủ đề này ở cấp độ quốc tế và có thể tạo động lực cho các cuộc đàm phán thương mại điện tử đa phương tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đóng góp quan trọng về xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn mới về thương mại số, di chuyển các luồng dữ liệu xuyên biên giới, mở rộng khả năng tương tác, bảo đảm quyền riêng tư và phát triển các tiêu chuẩn mới về an ninh mạng. Một thỏa thuận khu vực sẽ tập hợp được nhóm các quốc gia ủng hộ các tiêu chuẩn và chuẩn mực chung, bao gồm các nguyên tắc kỹ thuật số cởi mở, bao trùm, minh bạch, tự do và tin cậy.
Sau khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã bày tỏ ý định sẽ củng cố lại các liên minh và quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng để chứng minh sự “trở lại” của mình, ý định này cần phải bao gồm thành phần thương mại nếu là một ý định nghiêm túc. Thương mại mở rộng và hội nhập kinh tế là những gì các đối tác châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á đang tìm kiếm. Mặc dù họ dường như chấp nhận rằng Mỹ không thể tham gia một cuộc đàm phán thương mại lớn vào thời điểm này, Đông Nam Á vẫn muốn thấy những sáng kiến thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với sự thịnh vượng về phương diện kinh tế của khu vực và thương mại kỹ thuật số có thể là khởi đầu tốt cho những kế hoạch lớn hơn. Một thỏa thuận khu vực sẽ tập hợp được nhóm các quốc gia ủng hộ các tiêu chuẩn và chuẩn mực chung, bao gồm các nguyên tắc kỹ thuật số cởi mở, bao trùm, công bằng, minh bạch, tự do và tin cậy. Việc xây dựng một hiệp định thương mại kỹ thuật số trong tương lai tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ có lợi thế khi xây dựng dựa trên các cam kết kỹ thuật số tiêu chuẩn cao của Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Nhật - Mỹ, bên cạnh Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Singapore - Australia và Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số New Zealand - Chile.
2.3. Tác động đối với hội nhập kinh tế khu vực
Việc đạt được thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ cho thấy tiến triển của hội nhập kinh tế khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục thiếu vắng sự hiện diện quan trọng của Mỹ. Thỏa thuận này quá hẹp để thực sự giải quyết lợi ích của cả Mỹ và Nhật Bản trong khu vực, trong khi lợi ích trước mắt và lâu dài của Mỹ là quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản và tiếp tục thúc đẩy một trật tự kinh tế tự do, dựa trên luật lệ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Do toàn cầu hóa chuỗi cung ứng, thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Nhật Bản chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế châu Á. Bên cạnh đó, việc gia tăng quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy mạng lưới hóa mô hình “Mỹ - Nhật + n” là nhân tố quan trọng giúp làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, hình thành sự kiềm chế đa phương đối với nước thứ ba khác. Đại dịch COVID-19 đồng thời phô bày một điểm yếu của nước Mỹ, đó là sự phụ thuộc quá lớn vào nền sản xuất của đối thủ - Trung Quốc. Những lo ngại về an ninh, kinh tế và bản quyền đã thúc đẩy những nhà lãnh đạo Mỹ thực hiện một cuộc dịch chuyển đầu tư lớn ra khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong chuỗi cung ứng. Lúc này, Đông Nam Á trở thành lựa chọn hàng đầu trong những phương án thay thế Trung Quốc. Quan hệ thương mại Mỹ - Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng đối với cả hai bên. Đối với Mỹ, Đông Nam Á còn là một trong những thị trường lớn nhất, tăng trưởng nhanh nhất thế giới căn cứ trên đặc điểm nhân khẩu học và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Trong khi thương mại là một trong những yếu tố cần ưu tiên hàng đầu, việc thiếu sự ủng hộ của Mỹ đối với các khuôn khổ thương mại đa phương đã làm suy giảm đáng kể địa vị của Mỹ với tư cách là một đối tác của Đông Nam Á. Sự ra đời của thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật tác động hạn chế tới triển vọng hình thành của một hiệp định toàn khu vực như FTAAP, cho thấy vẫn còn xa để hướng tới mục tiêu này.
Kết luận
Về phương diện thương mại, có thể nói tác động trực tiếp của thỏa thuận thương mại Nhật – Mỹ đối với Đông Nam Á là tương đối nhỏ. Về tác động đối với chuỗi sản xuất, với việc ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh thuế, thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô đặt tại Đông Nam Á. Ngoài ra, việc ký kết thành công hiệp định thương mại kỹ thuật số giữa Nhật Bản và Mỹ còn là một đóng góp có ý nghĩa về xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn mới về thương mại số, bảo đảm quyền riêng tư và an ninh mạng. Về tác động đối với hội nhập kinh tế khu vực, có thể nói việc đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai nước cho thấy hội nhập kinh tế khu vực vẫn tiếp tục thiếu vắng sự hiện diện quan trọng của Mỹ, trong khi lợi ích trước mắt và lâu dài của Mỹ là quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản và tiếp tục thúc đẩy một trật tự kinh tế tự do, dựa trên luật lệ ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng. Tuy nhiên, việc hai đối tác lớn của Đông Nam Á này về cơ bản đã giải quyết ổn thỏa xung khắc thương mại cũng mang ý nghĩa tích cực đối với khu vực Đông Nam Á. Việc Nhật Bản và Mỹ cuối cùng đã thống nhất với nhau về thỏa thuận thương mại song phương đã giúp "hạ nhiệt" cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế hàng đầu, xóa bỏ nguy cơ những tác động gây ảnh hưởng tiêu cực tới các bên thứ ba. Các cuộc xung đột thương mại giữa các nước lớn có thể gây nhiều xáo trộn trên phạm vi toàn cầu, khu vực và Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng. Trong xung đột thương mại Nhật – Mỹ, Việt Nam không phải là nước đối đầu trực tiếp với Mỹ nhưng không có nghĩa những tình huống va chạm lợi ích được loại trừ hoàn toàn. Ngoài ra, trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục theo dõi diễn biến và động thái của các nước lớn, phân tích, dự báo những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn, nâng cao khả năng dự phòng, sức chịu đựng của nền kinh tế trước các tác động từ bên ngoài, có giải pháp phù hợp nhằm chủ động đối phó với các biến động của thương mại quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] “Why Trump lost his battle against the trade deficit”, https://www.politico.com/news/2020/10/06/trump-trade-deficit-426805#:~:text=The%20combined%20goods% 20and%20services,the%20U.S.%20imports%20and%20exports, truy cập 5/3/2021.
[3] Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), “Những tiến triển trong đàm phán Hiệp định thương mại Mỹ - Nhật Bản”, http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21833, truy cập 5/7/2021.
[4]1からわかる「日米貿易交渉」 (Tóm lược trong một phút về "Đàm phán thương mại Nhật-Mỹ"), https://www3.nhk.or.jp/news/special/news_seminar/jiji/jiji13/, truy cập 10/7/2021.
[5] Andrew Chatzky (2019), “Does the New U.S.-Japan Trade Deal Matter?”, https://www.cfr.org/in-brief/does-new-us-japan-trade-deal-matter, truy cập 10/7/2021.
[6] Section 232 of the Trade Expansion Act, https://www.investopedia.com/terms/s/section-232-trade-expansion-act.asp, truy cập 2/8/2021.
[7] トランプ大統領「日本車に20%関税も」 改めて言及 (Tổng thống Trump nhắc lại "mức thuế 20% đối với ô tô Nhật Bản"), https://www.nikkei.com/article/ DGXMZO37046440Y8A021C1FF8000/.
[8] 車関税、警戒強める日本 トヨタ負担増1台66万円試算 (Thuế ô tô Nhật Bản gia tăng cảnh giác, Chi phí của Toyota ước tính tăng thêm 660 ngàn yên/ chiếc ô tô), https://www.asahi.com/articles/ASL834T8PL83ULFA014. html, truy cập 21/3/2021.
[9] 輸入実績からみた日米貿易協定の効果~発効後1年の利用状況と関税削減額~ (Hiệu quả của Hiệp định Thương mại Nhật – Mỹ từ kết quả nhập khẩu - Tình hình áp dụng hiệp định và kim ngạch cắt giảm thuế quan trong một năm sau khi hiệp định có hiệu lực), https://www.murc.jp/report/economy/analysis/research/report_210319/, truy cập 9/9/2021.
[10] “US and Japan formalize initial Trade Agreements, effective 1 January 2020”, https://www.ey.com/en_gl/tax-alerts/ey-us-and-japan-formalize-initial-trade-agreements-effective-1-january-2020, truy cập 9/9/2021.
[11] “U.S.-Japan trade deal versus TPP: where it falls short, where it exceeds”, https://www.reuters.com/article/us-usa-trade-japan-idUSKBN1WM0A3, truy cập 2/9/2021.
[12] “Japan-U.S. pact takes effect to promote goods, digital trade”, https://www.japantimes.co.jp/news/2020/01/02/ national/japan-u-s-pact-takes-effect-promote-goods-digital-trade/, truy cập 9/3/2021.
[13] 日本国とアメリカ合衆国との間の貿易協定(Hiệp định Thương mại giữa Nhật Bản và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ), https://www.mofa.go.jp/mofaj/ila/et/page23 _002886 _00001.html, truy cập 9/3/2021.
[14] 日米貿易協定と日米デジタル貿易協定の主な内容について (Nội dung chính của Hiệp định thương mại Mỹ - Nhật và Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Mỹ - Nhật), https://www.jetro.go.jp/biznews/2019/12/8395 cd2465dc7fda.html, truy cập 29/9/2021.
[15] “Mỹ và Nhật Bản ký thỏa thuận thương mại giới hạn”, https://baoquocte.vn/my-va-nhat-ban-ky-thoa-thuan-thuong-mai-gioi-han-102353.html, truy cập 6/5/2021.
[16] Bộ Công thương Việt Nam (2021), “Covid-19 đánh thẳng vào trung tâm sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô ASEAN”, https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/covid-19-danh-thang-vao-trung-tam-san-xuat-linh-kien-phu-tung-o-to-asean.html, truy cập 9/6/2021.
[17] 日米貿易協定で最終合意 「世界経済の発展に貢献」(Thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại Mỹ - Nhật "góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thế giới"”, https://www.nhk.or.jp/politics/articles/statement/23360.html, truy cập 2/6/2021.
[18] “Tokyo lại nhượng bộ, Tổng thống Trump đạt được mục tiêu ‘công bằng và có đi có lại’”, Thế giới và Việt Nam, https://baoquocte.vn/tokyo-lai-nhuong-bo-tong-thong-trump-dat-duoc-muc-tieu-cong-bang-va-co-di-co-lai-101732.html%20Truy%20c%E1%BA%ADp% 201/6/2021, truy cập 1/6/2021.