Trang chủ

Tổ chức xã hội ở Trung Quốc: Thực trạng và định hướng phát triển

Đăng ngày: 24-03-2023, 11:21 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 12

Nguyễn Trọng Bình1

 

Tóm tắt: Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVII (10/2007) đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng việc phát triển các tổ chức xã hội cũng như phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong quản trị quốc gia. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (11/2013) khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra chủ trương hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia, thì việc phát triển các tổ chức xã hội được đặt ra như một yêu cầu khách quan. Trên cơ sở khái lược nhận thức lý luận tổ chức xã hội và thực trạng tổ chức xã hội ở Trung Quốc, bài viết nêu lên nhiệm vụ và giải pháp phát triển tổ chức xã hội ở Trung Quốc hiện nay.

Từ khóa: Tổ chức xã hội, Trung Quốc, thực trạng, định hướng phát triển

 

 

1. Mở đầu

Có ý kiến cho rằng, nền quản trị quốc gia ở Trung Quốc hiện nay được cấu thành bởi ba thành tố chủ yếu: (i) hệ thống nhà nước lấy đội ngũ cán bộ, công chức làm đại diện và lấy tổ chức Đảng và Nhà nước làm cơ sở;[1](ii) hệ thống thị trường (doanh nghiệp) lấy đội ngũ doanh nhân làm đại diện và lấy tổ chức doanh nghiệp làm cơ sở; (iii) hệ thống xã hội (các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội) lấy công dân làm đại diện và lấy các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp làm cơ sở[2]. Điều này cho thấy, tổ chức xã hội là một thành tố không thể thiếu của quản trị quốc gia hiện đại. Chính vì lẽ đó, đảm bảo sự phát triển lành mạnh cũng như nâng cao tính tự chủ của các tổ chức xã hội là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại ở Trung Quốc hiện nay.

2. Thực trạng tổ chức xã hội ở Trung Quốc

Từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa (năm 1978) đến nay, các tổ chức xã hội ở nước này phát triển tương đối nhanh. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như sau: (i) sự phát triển của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đã tạo cơ sở kinh tế - xã hội quan trọng cho sự ra đời của các tổ chức xã hội, nhất là các hiệp hội, hội ngành nghề; (ii) cải cách theo hướng thực hiện sự phân tách giữa nhà nước với đoàn thể xã hội, nhà nước với đơn vị sự nghiệp, mà sau này là giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội đã  tạo cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời và phát triển của các tổ chức xã hội; (iii) trách nhiệm của nhà nước trong bảo đảm và cung ứng dịch vụ công ngày càng tăng lên trong khi nguồn lực tài chính của nhà nước lại có hạn. Điều này đòi hỏi phát huy vai trò của tổ chức xã hội trong quản trị xã hội, cũng như trong cung ứng dịch vụ công; (iv) nhu cầu của người dân đối với các loại hình dịch vụ công ngày càng đa dạng, đòi hỏi phát huy vai trò của tổ chức xã hội để cung ứng dịch vụ công đa dạng cho người dân; (v) sự phát triển của tổ chức xã hội ở Trung Quốc còn xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu quả tham gia của người dân trong quản trị xã hội. Mức độ người dân tham gia các tổ chức xã hội, sự phát triển của vốn xã hội và hiệu quả tham gia của người dân có mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau. Theo quan điểm của Robert D. Putnam, sự phát triển của các tổ chức xã hội là một trong những điều kiện để tăng cường và nâng cao hiệu quả tham gia của người dân trong quản trị địa phương[3]. Chính vì vậy, phát triển của tổ chức xã hội ở Trung Quốc là sách lược quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển vốn xã hội, nâng cao hiệu quả tham gia của người dân cũng như mở rộng cơ sở xã hội của Đảng và nhà nước.

Xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu nói trên, từ năm 2004 đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhà nước Trung Quốc đã rất coi trọng việc phát triển các tổ chức xã hội. Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XVI (tháng 9/2004), Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên nêu lên bố cục tổng thể “bốn trong một” (sau này là “năm trong một” – TG), đó là xây dựng kinh tế, xây dựng chính trị, xây dựng văn hóa, xây dựng xã hội[4]. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XVI (10/2006), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành Quyết định một số vấn đề quan trọng về xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa. Trong quyết định này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra nhiều định hướng quan trọng nhằm kiện toàn các tổ chức xã hội, cũng như phát huy chức năng phục vụ xã hội của các tổ chức xã hội[5]. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVII (10/2007), Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức rõ hơn về vai trò của tổ chức xã hội trong quản lý xã hội, khi chủ trương thiết lập thể chế quản lý xã hội: “Đảng lãnh đạo, nhà nước phụ trách, xã hội hiệp đồng, công chúng tham gia”[6]. Trong Kiến nghị về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 22 (2011-2015), Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ rõ: “Cần phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và tổ chức xã hội, tăng cường chức năng tự trị, tự quản và chức năng phục vụ ở khu dân cư của các tổ chức xã hội, hình thành hợp lực trong quản lý xã hội và phục vụ xã hội; cần bồi dưỡng, ủng hộ và quản lý theo pháp luật đối với các tổ chức xã hội, tạo điều kiện và hướng dẫn các tổ chức xã hội tham gia phục vụ và quản lý xã hội”[7]. Trong Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế và xã hội 5 năm lần thứ 22 (3/2011), Trung Quốc chỉ rõ: “Tăng cường xây dựng tổ chức xã hội, coi trọng đồng thời cả bồi dưỡng sự phát triển của các tổ chức xã hội và quản lý đối với các tổ chức xã hội, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và phát huy vai trò của tổ chức xã hội trong cung ứng dịch vụ công, trong phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cũng như trong quản lý xã hội[8]. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (11/2013) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành Quyết định một số vấn đề quan trọng về cải cách theo chiều sâu một cách toàn diện. Quyết định này đã đề ra mục tiêu tổng thể trong cải cách toàn diện theo chiều sâu ở Trung Quốc là “hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia và nâng cao năng lực quản trị quốc gia”; đồng thời chỉ rõ “cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, đẩy nhanh việc phân tách giữa nhà nước và các đoàn thể xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức xã hội, cũng như phát huy đúng mức vai trò của tổ chức xã hội trong quản trị xã hội”[9]. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII và các Hội nghị trung ương 2, 3, 4, 5 khóa XVIII, tháng 6 năm 2016, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành Văn bản về cải cách thể chế quản lý tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, có trật tự của tổ chức xã hội. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tổ chức xã hội cũng như chỉ rõ vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức xã hội trong quản trị quốc gia, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các tổ chức xã hội ở Trung Quốc trong bối cảnh mới.

Với những nguyên nhân nói trên, trong thời kỳ cải cách, nhất là từ năm 2004 đến nay, tổ chức xã hội ở Trung Quốc đã phát triển rất mạnh mẽ. Nếu vào năm 1988, các đoàn thể xã hội có đăng ký thành lập và hoạt động với Bộ Dân chính Trung Quốc chỉ có 4.446 tổ chức; thì đến năm 2004, số lượng tổ chức xã hội ở Trung Quốc là gần 289.000 tổ chức. Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2011, chỉ trong vòng 8 năm, số tổ chức xã hội ở Trung Quốc đã tăng lên khoảng 60%. Theo đó, năm 2011 số lượng tổ chức xã hội ở Trung Quốc là 462.000 tổ chức, tăng gấp 100 lần so với năm 1988. Năm 2011, riêng các tổ chức xã hội mang tính nghề nghiệp (hội, hiệp hội ngành nghề) đã thu nhận và giải quyết việc làm cho khoảng 5,9 triệu người với tài sản cố định khoảng 1,88 tỷ nhân dân tệ; đồng thời thu hút các khoản quyên góp từ xã hội đạt khoảng 39,3 tỷ nhân dân tệ[10]. Cũng theo Báo cáo của Bộ Dân chính Trung Quốc, đến năm 2019, đã có hơn 770.000 tổ chức xã hội đăng ký và hoạt động, với hơn 7 triệu nhân viên hoạt động trong các tổ chức này. Các tổ chức xã hội ở Trung Quốc hoạt động trong 14 lĩnh vực chủ yếu, như khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, y tế, thể dục thể thao, pháp luật, môi trường sinh thái, tôn giáo, bảo trợ xã hội, phát triển nông nghiệp và nông thôn... Số lượng các  ở địa phương cũng không ngừng phát triển. Chẳng hạn, nếu năm 2012, thành phố Thiên Tân có tổng số 16.000 tổ chức xã hội; thì đến năm 2016, số lượng tổ chức xã hội ở thành phố này tăng lên 31.500[11]. Đến năm 2020, số tổ chức xã hội đã đăng ký hoạt động ở Trung Quốc là 800.000, số nhân lực làm việc trong các tổ chức xã hội là 10 triệu người, tổng số vốn và tài sản cố định của các tổ chức xã hội khoảng từ 1 đến 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ[12].

Tuy có sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng vào sự phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Trung Quốc, song hiện nay, theo các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc, sự phát triển của tổ chức xã hội ở Trung Quốc vẫn ở giai đoạn bước đầu; các tổ chức xã hội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong hoạt động, chủ yếu là:

Một là, tính chủ đạo của nhà nước trong quá trình hình thành và hoạt động của các tổ chức xã hội thể hiện rất rõ. Theo đó, số lượng các tổ chức xã hội do nhà nước thúc đẩy thành lập lớn hơn rất nhiều so với số lượng các tổ chức xã hội do người dân tự nguyên lập nên. Các tổ chức xã hội có quy mô lớn, hoạt động tương đối thành thục về cơ bản đều do nhà nước thúc đẩy việc thành lập, chẳng hạn như các hiệp hội hay hội liên hiệp… Trong khi đó, các tổ chức xã hội ở khu dân cư do người dân thành lập chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, người cao tuổi… Kinh phí hoạt động của các tổ chức xã hội chủ yếu là từ ngân sách nhà nước hoặc sự hỗ trợ về mặt tài chính của nhà nước. Chẳng hạn, một số tổ chức xã hội ở khu Tây Thành, Bắc Kinh, ngân sách nhà nước và sự hỗ trợ tài chính của chính quyền chiếm gần 95%[13]. Số lãnh đạo các tổ chức xã hội do cơ quan nhà nước bổ nhiệm hay do người đứng đầu các cơ quan đảng, nhà nước kiêm chức lớn hơn nhiều so với lãnh đạo các tổ chức xã hội do bản thân tổ chức xã hội bầu ra. Chẳng hạn, ở một số khu vực của thành phố Thượng Hải, khoảng 60-70% tổ chức xã hội do cơ quan đảng hoặc chính quyền bổ nhiệm người đứng đầu hoặc do lãnh đạo cơ quan đảng, nhà nước kiêm nhiệm. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tính độc lập tương đối và tính tự chủ của các tổ chức xã hội.

Hai là, sự không cân bằng giữa các loại hình tổ chức xã hội. Theo đó, các tổ chức xã hội như hiệp hội, hội ngành nghề số lượng tương đối nhiều, trong khi đó, các tổ chức xã hội mang tính công ích, tính từ thiện, tính phục vụ số lượng tương đối ít.

Ba là, tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội còn nhiều hạn chế. Tuy việc đăng ký để thành lập các tổ chức xã hội đều lấy tư cách pháp nhân, nhưng trong thực tế hoạt động, một số tổ chức xã hội lại thiếu cơ cấu quản trị nội bộ đúng nghĩa của một tổ chức xã hội, thể hiện ở chỗ: (i) một số tổ chức xã hội quy mô nhỏ thiếu ban hay hội đồng thường trực; một số tổ chức xã hội quy mô lớn tuy có ban hay hội đồng thường trực nhưng thành viên của ban hay hội đồng này chủ yếu là người sáng lập, thiếu sự tham gia của đại diện các tầng lớp trong xã hội; (ii) do tính chủ đạo của nhà nước trong hoạt động của các tổ chức xã hội nên nhiều tổ chức xã hội thiếu tính tự chủ trong hoạt động, trở thành “một cơ quan hay đơn vị trực thuộc của chính quyền”; (iii) do thiếu nhân sự và kinh phí hoạt động nên một số tổ chức xã hội khó triển khai hoạt động theo đúng mục tiêu, tôn chỉ được nêu trong điều lệ; (iv) các tổ chức xã hội vừa chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan chủ quản, vừa chịu sự giám sát và quản lý của cơ quan cấp phép (cấp trung ương là Bộ Dân chính). Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội.

Bốn là, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực hoạt động còn hạn chế. Tuy trong những năm gần đây, các tổ chức xã hội ở Trung Quốc phát triển rất mạnh mẽ, song một khó khăn chung đối với các tổ chức xã hội, đó là thiếu nhân viên có trình độ cao. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến năng lực hoạt động của các tổ chức xã hội.

3. Định hướng và giải pháp phát triển tổ chức xã hội ở Trung Quốc

Từ những hạn chế, bất cập về tổ chức, hoạt động của tổ chức xã hội nói trên và trước yêu cầu phát huy đầy đủ vai trò của tổ chức xã hội trong quản trị quốc gia, Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đã đề ra nhiều định hướng và giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của tổ chức xã hội. Định hướng và giải pháp phát triển sự lành mạnh của các tổ chức xã hội ở Trung Quốc chủ yếu gồm:

Thứ nhất, tập trung bồi dưỡng sự phát triển của các tổ chức xã hội ở khu dân cư thông qua các biện pháp như: (i) giảm rào cản thành lập và đơn giản hóa thủ tục thành lập các tổ chức xã hội hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ cộng đồng, chăm sóc người cao tuổi, từ thiện, văn hóa thể thao, dịch vụ kỹ thuật... ở khu dân cư vùng nông thôn và thành thị; (ii) tích cực hỗ trợ các tổ chức xã hội cung ứng dịch vụ cho các nhóm yếu thế, cũng như thành lập các trung tâm, trạm phục vụ tổng hợp ở khu dân cư thông qua các phương thức, như chính quyền tăng cường mua sắm dịch vụ đối với các tổ chức xã hội, thành lập các quỹ và trợ cấp kinh phí hoạt động; (iii) phát huy vai trò tích cực của tổ chức xã hội trong đổi mới quản trị xã hội ở cơ sở, thúc đẩy việc hình thành mạng lưới quản trị xã hội ở khu dân cư với sự tham gia của nhiều bên.

Thứ hai, hoàn thiện các biện pháp chính sách để hỗ trợ sự phát triển của các tổ chức xã hội, cụ thể là: (i) thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi chức năng của nhà nước theo hướng, thông qua phương thức cạnh tranh nhằm chuyển giao cho các tổ chức xã hội đảm nhận việc cung ứng một số loại hình dịch vụ công và thực hiện một số công việc quản lý mang tính sự vụ; mở rộng quy mô và phạm vi mua sắm dịch vụ công của chính quyền đối với các tổ chức xã hội; (ii) hoàn thiện chính sách hỗ trợ về tài chính và thuế theo hướng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương thiết lập quỹ cần thiết để hỗ trợ các tổ chức xã hội triển khai các hoạt động liên quan đến phục vụ công cũng như xây dựng năng lực của tổ chức xã hội; thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính, thuế nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia quyên góp kinh phí phục vụ các hoạt động từ thiện, công ích do các tổ chức xã hội tổ chức; (iii) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các tổ chức xã hội thông qua việc coi phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các tổ chức xã hội là một bộ phận cấu thành trong chiến lược nhân tài của quốc gia; (iv) phát huy vai trò tích cực của tổ chức xã hội trong phát triển kinh tế, quản lý các vấn đề xã hội cũng như trong cung ứng dịch vụ công; ủng hộ các tổ chức xã hội, nhất là các hiệp hội, hội ngành nghề phát huy vai trò của mình trong các phương diện, như phát triển dịch vụ ngành nghề, thiết lập tiêu chuẩn, duy trì quyền và lợi ích của hội viên, cũng như trong giải quyết các tranh chấp thương mại; ủng hộ các tổ chức xã hội phát huy vai trò tích cực của mình trong đổi mới quản trị xã hội, hóa giải mâu thuẫn xã hội, duy trì trật tự xã hội cũng như thúc đẩy việc xây dựng xã hội hài hòa.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác thẩm định và đăng ký thành lập hội thông qua các biện pháp như: (i) tạo điều kiện để các tổ chức xã hội hoạt động trong một số lĩnh vực, như các hiệp hội ngành nghề, khoa học công nghệ, phúc lợi cộng đồng, từ thiện… trực tiếp đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương, mà không cần thực hiện chế độ đơn vị chủ quản như trước đây; (ii) nâng cao chất lượng và đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác dân vận, nhất là những người trực tiếp thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức xã hội; (iii) tăng cường chế độ trách nhiệm của người sáng lập, người bảo trợ các tổ chức xã hội theo hướng thiết lập thể chế để người sáng lập, người bảo trợ tổ chức xã hội chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với tính hợp pháp, chính xác và hợp lý của hồ sơ đăng ký thành lập, cũng như nghiêm cấm người sáng lập, người bảo trợ tổ chức xã hội lợi dụng hoặc lấy danh nghĩa tổ chức xã hội để thực hiện một số hoạt động không liên quan đến mục đích, tôn chỉ của tổ chức xã hội.

Thứ tư, tăng cường quản lý và giám sát đối với tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội thông qua các biện pháp như: (i) tăng cường quản lý đối với người phụ trách hay đứng đầu tổ chức xã hội; (ii) tăng cường giám sát và quản lý đối với việc thu - chi tài chính của các tổ chức xã hội thông qua việc tăng cường sự giám sát của các cơ quan tài chính, thuế, kiểm toán của nhà nước đối với việc quản lý và sử dụng nguồn tài chính của tổ chức xã hội; đồng thời, yêu cầu các tổ chức xã hội thực hiện chế độ công khai thông tin về tài chính; (iii) tăng cường quản lý đối với các hoạt động của các tổ chức xã hội, nhất là hoạt động quản trị nội bộ, hoạt động nghiệp vụ, cũng như hoạt động bên ngoài; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với người đứng đầu tổ chức xã hội cũng như tài chính, hoạt động, việc thực hiện công khai thông tin... của các tổ chức xã hội; (iv) tăng cường sự giám sát của xã hội, nhất là giám sát của truyền thông đại chúng và người dân đối với hoạt động của các tổ chức xã hội.

Thứ năm, tăng cường xây dựng năng lực của các tổ chức xã hội thông qua các biện pháp như: (i) kiện toàn cơ chế quản trị nội bộ của các tổ chức xã hội theo hướng đảm bảo để các tổ chức xã hội thực hiện bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ và quản lý dân chủ; (ii) phát huy đầy đủ vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và tính tiền phong gương mẫu của các đảng viên trong các tổ chức xã hội; (iii) hướng dẫn các tổ chức xã hội thiết lập hệ thống tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, cũng như thúc đẩy các tổ chức xã hội thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình; (iv) thúc đẩy sự phân tách giữa nhà nước và tổ chức xã hội nhằm hạn chế sự can thiệp một cách tùy tiện của các cơ quan quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội, cũng như đảm bảo và nâng cao tính tự chủ của các tổ chức xã hội; (v) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức xã hội, lấy hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội làm một trong trong các tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan đảng và chính quyền.

4. Kết luận

Trong công cuộc cải cách, tuy các tổ chức xã hội ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Trung Quốc, song do sự ảnh hưởng bởi thể chế trước đây nên tính tự chủ của các tổ chức xã hội nhìn chung còn chưa cao. Chính vì vậy, để thúc đẩy hiện đại hóa quản trị quốc gia, cũng như nâng cao năng lực quản trị quốc gia, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã coi trọng cải cách thể chế nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các tổ chức xã hội. Việc cải cách thể chế nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các tổ chức xã hội ở Trung Quốc có ý nghĩa tham khảo nhất định đối với Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Trọng Bình (2019), “Cải cách và chuyển đổi mô hình quản trị chính phủ ở Trung Quốc trong quá trình cải cách”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 7 (215).

2. 周俊 (2014),《社会组织管理》, 中国人民大学出版社,北京,第8页 (Zhou Jun, Quản lý tổ chức xã hội, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc).

3. 俞可平 (2014),《国家治理体系的基本内涵》,《理论研究》,第4期 (Yu Keping “Nội hàm bản chất của hệ thống quản trị quốc gia”, Nghiên cứu lý luận, số 4).

4. Putnam, R.D (1993), Making Democracy Work - Civic Traditions in Modern Italy, Princeton University Press.

5. 刘裕(2013),《充分发挥社会组织在基层民主建设中的作用》,《西南部:理论版》, 第12期 (Liu Rong, “Phát huy đầy đủ vai trò của tổ chức xã hội trong xây dựng dân chủ ở cơ sở”, Tạp chí Tây Nam Bộ, 12).

6. Salamon, L.M (2004), America’s nonprofit sector, New York: Foundation Center.

7. 中国民政部 (2011),《2011年社会服务发展统计公报》(Bộ Dân Chính Trung Quốc, Công báo thống kê sự phát triển của phục vụ xã hội năm 2011), http://www.mca.gov.cn/article/ zwgk/mzyw.

8. 中国政府 (2011), 《国民经济和社会发展第十二个五年规划纲要》(Chính phủ Trung Quốc, Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc dân 5 năm lần thứ 12), http://www.gov.cn/2011lh.

10. 中国共产党 (2006),《关于构建社会主义和谐社会若干重大问题的决定》, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI về một số vấn đề quan trọng trong xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, http://cpc.people.com.cn/GB/64162/641 68/64569/72347/6347991.html.

11. 中国共产党(2007),《第十七次全国代表大会文件》(Đảng Cộng sản Trung Quốc, Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVII, http://cpc.people.com.cn/GB/ 64162/64168/106155/106156/6426717.html.

12. 中国共产党 (2011),《中共中央委员会关于国民经济和社会发展第十二个五年规划纲要的意见》(Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương về Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 12), https://baike.baidu.com/item.

13. 中国共产党 (2013),《关于全面深化改革若干重大问题的决定》(Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quyết định một số vấn đề quan trọng về cải cách theo chiều sâu một cách toàn diện, http://cpc.people.com.cn/n/2013/1115/ c64094-23559163.html.

14. 中国人民大学国家发展与战略研究院 (2021),《国家治理创新年度报告 (2021),北京,中国 (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc, 2021, Báo cáo thường niên về đổi mới quản trị quốc gia, Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 3).

15. 夏建中 (2011), 《社区社会组织发展模式研究:中国与全球经验分析》,中国社会出版社,北京 (Xia Jianzhong: Nghiên cứu mô hình phát triển của các tổ chức xã hội ở khu dân cư: Phân tích kinh nghiệm thế giới và Trung Quốc, Nxb xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh).

16. 中共中央办公厅、国务院办公厅 (2016),《关于改革社会组织管理制度促进社会组织健康有序发展的意见》(Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc vụ viện, Ý kiến về cải cách thể chế quản lý tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, có trật tự của tổ chức xã hội), http://cpc.people.com.cn/n1/ 2016/0822/c64387-28653324-2.html.

 

 

 


[1] TS., Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;

[2] 俞可平 (2014), 《国家治理体系的基本内涵》, 《理论研究》,第4期 (Du Khả Bình, “Nội hàm bản chất của hệ thống quản trị quốc gia”, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 4).

[3] Putnam, R.D (1993), Making Democracy Work - Civic Traditions in Modern Italy, Princeton University Press, p.50.

[4] 中国共产党 (2004), 《关于加强党的执政能力建设的决定》(Đảng Cộng sản Trung Quốc (2004), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XVI về tăng cường xây dựng năng lực cầm quyền của Đảng), http://people.com.cn (truy cập ngày 5/5/2021).

[5] 中国共产党 (2006),《关于构建社会主义和谐社会若干重大问题的决定》(Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI về một số vấn đề quan trọng trong xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, http://cpc.people.com.cn/GB/64162/64168/64569/ 72347/6347991.html (truy cập ngày 5/5/2021).

[6] 中国共产党 (2007),《第十七次全国代表大会文件》, (Đảng Cộng sản Trung Quốc (2007), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVII), http://people.com.cn (truy cập ngày 5/5/2021).

[7] 中国共产党 (2011),《中共中央委员会关于国民经济和社会发展第十二个五年规划纲要的意见》(Đảng Cộng sản Trung Quốc, “Ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương về Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 12”), https://baike.baidu.com/item (truy cập ngày 5/5/2021).

[8] 中国政府 (2011), 《国民经济和社会发展第十二个五年规划纲要》(Chính phủ Trung Quốc (2011), “Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc dân 5 năm lần thứ 12”), http://www.gov.cn/2011lh, (truy cập ngày 5/5/2021).

[9] 中国共产党 (2013),《关于全面深化改革若干重大问题的决定》(Đảng Cộng sản Trung Quốc (2013), Quyết định một số vấn đề quan trọng về cải cách theo chiều sâu một cách toàn diện), http://cpc.people.com.cn/ n/2013/1115/c64094-23559163.html (truy cập ngày 5/5/2021).

[10] 中国民政部 (2011), 《2011年社会服务发展统计公报》(Bộ Dân Chính Trung Quốc (2011), Công báo thống kê sự phát triển của phục vụ xã hội năm 2011). http://www.mca.gov.cn/article/zwgk/mzyw (truy cập ngày 6/5/2021).

[11] Nguyễn Trọng Bình (2019), “Cải cách và chuyển đổi mô hình quản trị chính phủ ở Trung Quốc trong quá trình cải cách”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, tr. 20, số 7 (215).

[12] 中国人民大学国家发展与战略研究院 (2021),《国家治理创新年度报告》(Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc (2021), Báo cáo thường niên về đổi mới quản trị quốc gia, Bắc Kinh, Trung Quốc).

[13] 夏建中 (2011), 《社区社会组织发展模式研究:中国与全球经验分析》,中国社会出版社,北京 (Xia Jianzhong (2011), Nghiên cứu mô hình phát triển của các tổ chức xã hội ở khu dân cư: Phân tích kinh nghiệm thế giới và Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc).

0thảo luận