Nguyễn Thị Nhật Thu1
Tóm tắt: Bài viết giới thiệu khái quát về chiến lược công nghiệp Made in China 2025 (MIC2025) của Trung Quốc, các lĩnh vực chủ chốt và lộ trình thực hiện, đồng thời đưa ra đánh giá về khả năng thành công của MIC 2025 dựa trên phân tích hệ thống các chính sách, kế hoạch, sáng kiến cấp quốc gia bổ trợ cho MIC 2025 mà Trung Quốc đang thực hiện. Trên cơ sở đó, bài viết phân tích một số cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi Trung Quốc triển khai MIC 2025.
Từ khóa: Made in China 2025, MIC 2025, công nghệ cao, chiến lược công nghiệp, cơ hội, thách thức
C |
hiến lược công nghiệp quốc gia Made in China 2025 hay còn gọi là “Chiến lược Trung Quốc chế tạo 2025” ra đời năm 2015. Là một chiến lược mới về phát triển công nghiệp công nghệ cao, MIC 2025 được coi là một phiên bản Trung Quốc của Công nghiệp 4.0. Thông qua chiến lược này, Trung[1]Quốc muốn trở thành một cường quốc chế tạo hàng đầu của thế giới, tự sản xuất được các thiết bị công nghệ cốt lõi của các lĩnh vực quan trọng, tạo ra những thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới. Trung Quốc là quốc gia láng giềng đồng thời là đối tác thương mại số một của Việt Nam. Những thay đổi từ nền kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, chính sách công nghiệp, công nghệ… của Trung Quốc rõ ràng sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới Việt Nam.
1. Tổng quan về chiến lược MIC 2025
1.1. Sự ra đời của chiến lược MIC 2025
Cho đến nay thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu vào khoảng những năm 1970 ở Anh rồi lan sang khắp phần còn lại của châu Âu cũng như nước Mỹ và thế kỷ XIX. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất gắn với sự ra đời của động cơ hơi nước, đưa máy móc vào sản xuất trong các nhà máy và tạo ra hàng triệu việc làm mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai gắn với sản xuất hàng loạt, dây chuyền lắp ráp, động cơ chạy điện được đưa vào sử dụng đã tạo ra phân công lao động và sự chuyên môn hóa sâu sắc trong sản xuất công nghiệp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba gắn với sự ra đời của máy vi tính, sự phát triển của công nghệ thông tin, ứng dụng rộng rãi của công nghệ số hóa cho phép thúc đẩy tự động hóa trong sản xuất và dịch vụ. Tiếp theo là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nảy sinh từ Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và sinh học. Công nghệ mới sẽ làm ranh giới giữa các lĩnh vực này bị mờ đi, các trọng tâm của Cách mạng công nghiệp lần thứ tưsẽ gắn với trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (Internet of Things-IoT), dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, robot, công nghệ in 3D, xe tự lái, vật liệu mới và công nghệ nano[2]. Khái niệm về cách mạng công nghệ có thể nói là bắt nguồn từ kế hoạch “Công nghiệp 4.0” của Đức năm 2013. Hai năm sau vào tháng 5/2015, Trung Quốc giới thiệu với thế giới Chiến lược “Trung Quốc chế tạo 2025” (中国制造2025) hay được biết đến rộng rãi trên thế giới với cái tên “Made in China 2025”. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói Made in China 2025 là một phiên bản Trung Quốc của Công nghiệp 4.0.
1.2. Mục tiêu của chiến lược Made in China 2025
1.2.1. Mục tiêu tổng quát
Mục tiêu chiến lược chính của Trung Quốc, như được thông qua trong MIC 2025 và các kế hoạch liên quan, là trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất sản phẩm công nghệ cao và chất lượng cao. Trung Quốc đang cố gắng áp dụng một quy trình gồm nhiều bước để đạt được các mục tiêu của mình[3].
- Bản địa hóa: MIC 2025 nhằm mục đích tập trung hóa R&D và kiểm soát các phân đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đổi mới bản địa là chủ đề cốt lõi xuyên suốt MIC 2025 và các quy định thực hiện tiếp theo. MIC 2025 hỗ trợ mạnh mẽ các công ty Trung Quốc trong nỗ lực phát triển công nghệ và thương hiệu bản địa.
- Thay thế: một khi sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài đã được giảm bớt, bằng cách phát triển trong nước hoặc mua từ ở nước ngoài, MIC 2025 và các kế hoạch liên quan kêu gọi thay thế như một mệnh lệnh chiến lược. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi sự tiến bộ của sản xuất trong nước, thay thế bản địa và các kế hoạch thay thế có thể kiểm soát.
- Nắm bắt thị phần toàn cầu:sau khi phát triển hoặc mua lại công nghệ và thương hiệu của riêng mình, Trung Quốc đặt mục tiêu chiếm thị phần trong nước và quốc tế trên các ngành và công nghệ MIC 2025.
1.2.2.Mục tiêu cụ thể
Các mục tiêu cụ thể của MIC 2025[4]:
- Nắm vững công nghệ nguồn trong một số ngành sản xuất chính;
- Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của các ngành có lợi thế và cải thiện chất lượng sản phẩm;
- Thúc đẩy mức độ kết hợp giữa tin học hóa và công nghiệp hóa, sản xuất thông minh;
- Giảm rõ rệt chỉ số tiêu hao năng lượng, phát thải ô nhiễm của các ngành trọng điểm;
- Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các ngành chế tạo;
- Hình thành các tập đoàn và các cụm công nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Hình1: Mục tiêu thị phần nội địa của một số ngành công nghệ cao của Trung Quốc
Đơn vị: %
Nguồn:Zenglein, Max J.& Holzman, Anna (2019), Evolving Made in China 2025: China’s industrial policy in the quest for global tech leadership, Mercator Institute for China study, July 2019, https://merics.org/sites/default/files/2020-04/MPOC_8_MadeinChina_2025_final_3.pdf(p43)
1.2.3 Mục tiêu nội địa hóa trong một số ngành
Hình 1 cho thấy mục tiêu thị phần nội địa của một số ngành công nghệ cao của Trung Quốc như máy CNC cao cấp và thiết bị chế tạo, các bộ phận cốt lõi của robot, robot công nghiệp, điện toán đám mây và dữ liệu lớn, công nghệ thông tin cho chế tạo thông minh, phần mềm công nghiệp. Mục tiêu này lấy bamốc thời gian là năm 2020, năm 2025 và năm 2030.
Hình 2 cho thấy mục tiêu thị phần nội địa đến năm 2020 và 2025 của một số sản phẩm Trung Quốc chế tạo được cụ thể hóa trong MIC 2025. Các sản phẩm tiêu biểu được lựa chọn là xe năng lượng mới, thiết bị năng lượng mới hoặc có thể làm mới, linh kiện tàu thủy công nghệ cao, thiết bị y tế hiệu suất cao, xe tải cỡ lớn và máy gặt, chip điện thoại di động, máy bay thân rộng. Tham vọng thị phần nội địa lớn nhất là đối với xe năng lượng mới khi mục tiêu đến năm 2020 đã đạt 80% và năm 2025 đạt 90%. Thiết bị năng lượng mới hoặc có thể làm mới và linh kiện tàu thủy công nghệ cao cũng là những sản phẩm mục tiêu chiếm thị phần nội địa rất cao ngay từ năm 2020.
Hình 2: Mục tiêu thị phần nội địa của một số sản phẩm Trung Quốc chế tạo
Đơn vị: (%)
Nguồn:Zenglein, Max J.& Holzman, Anna (2019), Evolving Made in China 2025: China’s industrial policy in the quest for global tech leadership, Mercator Institute for China study, July 2019, https://merics.org/sites/default/files/2020-04/MPOC_8_MadeinChina_2025_final_3.pdf(p38)
Tầm nhìn dài hạn của MIC 2025 về một “siêu cường sản xuất” cho phép chính phủ đưa ra các biện pháp cần thiết ngay lập tức và thực hiện trên lộ trình từng bước hiện đại hóa công nghiệp. Theo lộ trình cập nhật, các ngành công nghiệp chế tạo robot, tự động hóa cao cấp và phương tiện năng lượng mới của Trung Quốc đều có khả năng xếp thứ 2 hoặc thứ 3 trên toàn cầu vào năm 2025[5].
1.3. Các lĩnh vực trọng điểm của MIC 2025
Chiến lược xác định 10 lĩnh vực ưu tiên phát triển là:công nghệ thông tin thế hệ mới;máy móc tự động hóa và robot cao cấp; vũ trụ và hàng không; thiết bị hàng hải và tàu công nghệ cao; thiết bị vận chuyển đường sắt tiên tiến; phương tiện tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; trang thiết bị năng lượng; máy móc nông nghiệp; vật liệu mới; thuốc sinh học và thiết bị y tế tiên tiến.
Hình 3: Mười lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của MIC 2025
Nguồn:Zenglein, Max J.& Holzman, Anna (2019), Evolving Made in China 2025: China’s industrial policy in the quest for global tech leadership, Mercator Institute for China study, July 2019, https://merics.org/sites/default/files/2020-04/MPOC_8_MadeinChina_2025_final_3.pdf(p20)
1.4. Lộ trình thực hiện MIC 2025
Thực chất, MIC 2025 là một chương trình hành động 10 năm lần thứ nhất, là bước đầu tiên trong một kế hoạch tổng thể dài hơi gồm bagiai đoạn, đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc chế tạo hàng đầu thế giới vào năm 2049, dấu mốc Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ba giai đoạn được đề cập bao gồm:
- Giai đoạn 1(từ 2015-2025): Trung Quốc đặt mục tiêu lọt vào hàng ngũ các cường quốc chế tạo.
- Giai đoạn 2 (từ 2026-2035): trong giai đoạn này Trung Quốc sẽ đạt trình độ trung bình trong hàng ngũ các cường quốc chế tạo.
- Giai đoạn 3 (từ 2036-2049): Trung Quốc trở thành cường quốc chế tạo đứng đầu thế giới.
2. Đánh giá khả năng thành công của chiến lược
Không dễ dàng để đánh giá khả năng thành công của chiến lược MIC 2025 cho đến thời điểm này, sau khi MIC 2025 đã triển khai được 5 năm, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới khó khăn vì dịch bệnh hiện nay. Các nghiên cứu của Mỹ, Đức hoặc một số quốc gia châu Âu khác cũng có những đánh giá và dự đoán khác nhau, nhưng hầu hết đều cho rằng Trung Quốc không thể thành công với các mục tiêu quá tham vọng trong MIC 2025.
Hình 4: Mạng lưới kế hoạch, chương trình, sáng kiến hỗ trợ cho MIC 2025
Nguồn:US Chamber of Commerce (2017), Made in China 2025 Global Ambitions Built On Local Proctections,US Chamber of Commerce, https://www.uschamber.com/report/made-china-2025-global-ambitions-built-local-protections-0.
Chiến lược MIC 2025 là một phần của nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy đổi mới bản địa và xây dựng các công ty hàng đầu thông qua liên kết với các kế hoạch khác. Các chủ đề và mục tiêu trong các kế hoạch quốc gia và địa phương cũng như kế hoạch chiến lược phát triển ngành của Trung Quốc phần lớn trùng lặp với MIC 2025, bổ sung và hỗ trợ định hướng chính sách tổng thể cho chiến lược phát triển và đổi mới rộng lớn hơn của Trung Quốc như đã nêu trong MIC 2025. Hình 4 minh họa Mạng lưới kế hoạch, chương trình, sáng kiến hỗ trợ cho MIC 2025.
- Kế hoạch quốc gia.
Đồng thời với MIC 2025 ra đời năm 2015, Trung Quốc cũng bắt đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 và các kế hoạch 5 năm cụ thể của từng ngành trong giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch 5 năm quốc gia cũng ưu tiên các lĩnh vực và công nghệ phần lớn trùng lặp với MIC 2025. Một số ngành của MIC 2025, bao gồm công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo, hàng không và vật liệu mới, được đưa vào Danh mục hướng dẫn các ngành chiến lược và mới nổi gần đây nhất[6]. Mới đây, Trung Quốc đã công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó bao gồm Kế hoạch toàn diện để trở thành cường quốc sản xuất tiên tiến. Kế hoạch này nêu ra các mục tiêu phát triển và kinh tế giai đoạn 2021-2025, phản ánh quyết tâm của chính phủ nước này trong theo đuổi chuyển đổi công nghệ cao trong 8 lĩnh vực ưu tiên là: đất hiếm và vật liệu đặc biệt;robot;động cơ máy bay;phương tiện năng lượng mới và ô tô thông minh;thiết bị y tế và phát minh y học như vaccine;máy móc nông nghiệp;thiết bị sử dụng trong các ngành đóng tàu, hàng không và đường sắt cao tốc;các ứng dụng công nghiệp của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu[7]. Có thể thấy chiến lược này về cơ bản giống với MIC 2025, chỉ khác nhau về tên gọi.
MIC 2025 cũng có chung mục tiêu với Kế hoạch hành động Internet Plus, một kế hoạch công nghiệp cấp cao khác của Trung Quốc. Kế hoạch hành động Internet Plus nhằm mục đích số hóa nền kinh tế và xã hội Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy một số công nghệ - bao gồm điện toán đám mây, dữ liệu lớn, thương mại điện tử và internet vạn vật, cũng là đặc điểm nổi bật trong sự phát triển tương lai của các ngành công nghiệp trong MIC 2025.
- Phác thảo ngành côngnghiệp.
Các chính sách, kế hoạch và bài phát biểu chính thức về đổi mới khoa học và công nghệ của Trung Quốc cũng đang tập trung vào các chủ đề và mục tiêu tương tự đối với MIC 2025. Phác thảo chiến lược lưu ý rằng mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là trở thành cường quốc đổi mới sẽ đạt được bằng cách xây dựng một hệ thống công nghiệp và công nghệ mang tính toàn cầu cạnh tranh, bản địa và có thể kiểm soát. Phác thảo chiến lược kêu gọi Trung Quốc tiếp tục con đường đổi mới bản địa đặc biệt của mình.
Mặc dù báo chí chính thức của Trung Quốc đã giảm bớt ca ngợi kế hoạch MIC 2025 kể từ khi diễn ra cuộc chiến thương mại với Mỹ, songít có khả năng Trung Quốc thực sự lùi bước trong kế hoạch nâng cấp công nghiệp quan trọng nhất trong lịch sử nước này. Trái lại, sức ép từ bên ngoài - nhất là cảnh báo trừng phạt từ Mỹ đối với những sản phẩm công nghiệp và công nghệ chủ chốt - sẽ thúc đẩy nước này tăng cường quản trị và rót vốn vào thúc đẩy nâng cấp công nghệ, "tự cung tự cấp" cho các ngành công nghiệp chiến lược của đất nước. Các chính quyền địa phương của Trung Quốc rất tích cực trong việc chuyển tầm nhìn quốc gia vào các chỉ thị địa phương. Trung Quốc thực ra không hề từ bỏ MIC 2025 mà chỉ là thực hiện nó một cách kín đáo hơn. Trung Quốc chắn chắn sẽ luôn căn cứ vào tình hình thực tế trước mắt để đưa ra các kế hoạch mới, kế hoạch bổ sung về phát triển sản xuất tiên tiên, không mang tên MIC 2025 nhưng về cơ bản vẫn mang những nội dung cốt lõi như cũ. Khả năng thành công của MIC 2025 là chắc chắn trong dài hạn.
3. Cơ hội, thách thức đối với Việt Nam
3.1. Cơ hội
- Cơ hội nhập khẩu thiết bị công nghệ cao hơn với giá rẻ hơn từ Trung Quốc.
Với các nước phát triển, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tăng thêm cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ cao. Cơ hội của Việt Nam là có thể có khoảng trống tham gia sâu hơn vào các phân đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu và mạng sản xuất trong khu vực và trên thế giới do các doanh nghiệp Trung Quốc đang tiến lên các nấc thang cao hơn.
Việc quyết tâm triển khai MIC 2025 sẽ tạo đà để Trung Quốc nâng cấp công nghệ sản xuất. Các loại thiết bị, máy móc, phụ tùng được sản xuất với công nghệ cao hơn, tiết kiệm hơn, thân thiện với môi trường hơn, hiệu suất cao hơn. Do được sản xuất quy mô lớn, giá thành các sản phẩm này còn có khả năng giảm xuống. Là thị trường nhập khẩu máy móc thiết bị lớn của Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam luôn rất lớn. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam được nâng cấp công nghệ, chấm dứt tình trạng nhập khẩu thiết bị lạc hậu, công nghệ thấp của Trung Quốc đã tồn tại trong một thời gian khá dài.
- Hưởng lợi từ làn sóng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Việc triển khai MIC 2025 là một nguyên nhân quan trọng làm dấy lên cuộc chiến tranh thương mại dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Hệ lụy của cuộc chiến này là có nhiều nhà đầu tư đã dịch chuyển khỏi Trung Quốc và tìm kiếm một quốc gia phù hợp hơn. Tuy đầu tư trực tiếp nước ngoàivào Trung Quốc đang tăng trở lại, nhưng xu hướng các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam là khá rõ ràng.
Chỉ trong đầu năm 2020, Việt Nam đã đón nhận một loạt dự án quy mô lớn. Đã có nhiều công ty công nghệ cao chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình như Sanyo, Samsung, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec, Intel, Microsoft[8]. Đây là dấu hiệu rất khả quan cho thấy Việt Nam có cơ hội trở thành “thiên đường sản xuất mới” ở Đông Nam Á hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ đang muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh những căng thẳng do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
3.2. Thách thức
- Sức ép lớn hơn trong cạnh tranh thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Quỹ hỗ trợ từ chính phủ cho MIC 2025 khiến cho ngành sản xuất của Trung Quốc có sự phát triển mạnh. Các doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.Trong thời gian tới, chiến lược MIC 2025 sẽ chắc chắn gây nên tình trạng sản xuất thừa ở một số lĩnh vực. Tình trạng này khiến sản lượng tăng quá mức, giá thành xuất khẩu sẽ giảm mạnh tạo nên sự cạnh tranh về giá trên thị trường thế giới. Với những sản phẩm tương đồng với Trung Quốc, Việt Nam cũng như một số quốc gia khác trong khu vực sẽ vấp phải sự cạnh tranh vốn đã lớn nay còn lớn hơn.
- Sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoàivào ngành công nghiệp sản xuất.
Để triển khai MIC 2025, bên cạnh sự trợ cấp lớn từ chính phủ, Trung Quốc cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp. Trung Quốc vẫn có những lợi thế vượt trội so với các nước đang phát triển như Việt Nam nhờ hệ thống chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao, mức thuế quan thấp, hệ thống logistics tích hợp sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu…
Bên cạnh đó, Trung Quốc rất linh hoạt trong điều chỉnh chính sách. Để giữ chân các nhà đầu tư Mỹ. Mới đây, Trung Quốc đã loại bỏ mọi hạn chế với các hình thức đầu tư nước ngoài mà không nằm trong “danh sách từ chối” của nước này. Trung Quốc cũng sẽ không buộc các nhà đầu tư hay các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoàisẽ ngày càng khó khăn hơn đối với Việt Nam, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển.
- Nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc.
Như đã phân tích, một trong những cơ hội mà MIC 2025 đem đến cho Việt Nam là khả năng được sử dụng máy móc thiết bị với công nghệ cao hơn từ Trung Quốc. Nhưng song song với đó vẫn tồn tại nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc do tác động của việc triển khai MIC 2025 đến từ ba nguyên nhân: thông qua nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, thông qua đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, thông qua các gói thầu EPC do Trung Quốc làm tổng thầu tại Việt Nam.Cùng với đà triển khai MIC 2025, lượng máy móc, thiết bị, phụ tùng lỗi thời chắc chắn sẽ tiếp tục đổ vào Viêt Nam trong thời gian tới.
Với quyết tâm cao độ cùng hệ thống kế hoạch, chương trình, sáng kiến hỗ trợ, chiến lược MIC 2025 của Trung Quốc khả năng rất cao sẽ thành công. Việc Trung Quốc triển khai MIC 2025 mang lại cho Việt Nam cả cơ hội và thách thức. Trước áp lực của MIC 2025, rất có thể cơ hội nâng cấp ngành, tham gia vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi sản xuất khu vực của quốc gia của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]TS., Trường Đại học Ngoại thương
[2]Institute for Security&Development Policy, “Made in China 2025 Backgrounder”,2015,https://isdp.eu/content/uploads/2018/06/Made-in-China-Backgrounder.pdf.
[3]US Chamber of Commerce (2017), Made in China 2025 Global Ambitions Built On Local Proctections,US Chamber of Commerce, https://www.uschamber.com/ report/made-china-2025-global-ambitions-built-local-protections-0.
[4]Wubbeke et all (2016), Made in China 2025 The making of a high-tech superpower and consequences for industrial countries, Mercator Institute for China Studies, https://www.merics.org/sites/default/files/2017-09/MPOC_No.2_Madein China2025.pdf.
[5]US Chamber of Commerce (2017), Made in China 2025 Global Ambitions Built On Local Proctections,US Chamber of Commerce, https://www.uschamber.com/report/made-china-2025-global-ambitions-built-local-protections-0.
[6]Naughton (2021), The rise of China’s Industrial Policy 1978-2020, Academic Network of Latin America and the Caribbean on ChinaPublisher, https://dusselpeters.com/ CECHIMEX/Naughton2021_Industrial_Policy_in_China_CECHIMEX.pdf.
[7]Meidan, Michal et al (2021), Key issues for China’s 14th Five Year Plan, The Oxford Istitute for energy studies, March, 2021, https://www.oxfordenergy.org/wpcms/wp-content/uploads/2021/03/Key-issues-for-Chinas-14th-Five-Year-Plan.pdf,p. 4.
[8]Nguyên Đức, “Cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI”, Báo Đầu tư,https://baodautu.vn/canh-tranh-gay-gat-trong-thu-hut-fdi-d137121.html.