Lê Hồng Hạnh1, Nguyễn Hoài Sơn2
Tóm tắt: Bài viết phân tích quá trình hình thành của tầng lớp trung lưu mới ở Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912). Tầng lớp này là sự hòa trộn, kết nối của nhiều nguồn gốc xã hội khác nhau, trong đó lực lượng nòng cốt là các nông gia khá giả, các võ sĩ đạo cấp thấp và đội ngũ trí thức. Trong giai đoạn đầu thời kỳ Minh Trị, họ tập trung tiếp thu tri thức nền văn minh phương Tây, sau đó chọn lọc và chuyển giao, áp dụng vào xã hội Nhật Bản. Giới trung lưu mới cũng tham gia tích cực vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, giáo dục, cải cách chính trị của Nhật Bản trong thời kỳ này. Họ nhanh chóng đạt được vị thế xã hội tương xứng và phân định được ranh giới với các tầng lớp thượng lưu và hạ lưu trong xã hội về hệ tư tưởng, tầm nhìn, giá trị và lối sống.
Từ khóa: Phân tầng xã hội, tầng lớp trung lưu, trí thức, Minh Trị, Nhật Bản
1. Đặt vấn đề
Tầng lớp trung lưu (middle class) là thuật ngữ chỉ những người nằm ở giữa tầng lớp thượng lưu (upper class) và tầng lớp lao động (working class) trong hệ thống phân tầng xã hội. Ở phương Tây, tầng lớp trung lưu được xem là sản phẩm tự nhiên của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Sự[1]phát triển[2]của các thành thị, các công xưởng, nhà máy, văn phòng là môi trường cho sự ra đời của những nhà quản lý, các nhà chuyên môn, nhân viên văn phòng, kế toán, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư… Những nhóm này thuộc tầng lớp trung lưu. Họ là những người có vị thế và thu nhập trung bình trong xã hội[3].
Quá trình phát triển kinh tế và hiện đại hóa ở châu Á, trong đó có Nhật Bản, khác so với những nước phương Tây. Ở châu Âu, quá trình này diễn ra tuần tự trong vài thế kỷ trong khi ở châu Á hiện đại hóa bắt đầu muộn hơn song lại diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hơn qua hình thức công nghiệp hóa rút gọn. Cùng với đó, các dòng di cư nông thôn – đô thị ở châu Á diễn ra nhanh khiến tầng lớp trung lưu mới ở đô thị là sự hòa trộn của nhiều nguồn gốc xã hội khác nhau. Ở Nhật Bản, công nghiệp hóa và hiện đại hóa bắt đầu có những bước đột phá từ Minh Trị duy tân (1870). Trong giai đoạn này, tầng lớp trung lưu mới ở đô thị xuất hiện với nguồn gốc khá đa dạng: từ tầng lớp nông gia khá giả, võ sĩ đạo cấp thấp, học giả, trí thức, tiểu thương... Sau đó, giới trung lưu mới ở đô thị nhanh chóng lớn mạnh, đạt được vị thế xã hội và tạo ra những ảnh hưởng hết sức quan trọng đến quá trình phát triển của Nhật Bản.
2. Những tiền đề lịch sử
Năm 1868, triều đình Minh Trị tuyên bố “tứ dân bình đẳng” (Shimin byodo) để xóa bỏ sự phân biệt giữa bốn tầng lớp võ sĩ, nông dân, thợ thủ công và thương nhân (shi-no-ko-sho). Đây là bốn giai tầng xã hội cơ bản ở Nhật Bản tồn tại trong chế độ phong kiến trước đó. Sự phân hóa trong nội bộ các nhóm sĩ, nông, công, thương ở Nhật Bản đã diễn ra từ trước Minh Trị duy tân, đặc biệt là trong thời kỳ Tokugawa (1603-1868).
Trong giai đoạn đầu thời kỳ Tokugawa, cơ sở kinh tế của Nhật Bản chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp tự nhiên. Sau đó, chính quyền Edo đã thực thi nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh khai hoang và hoàn thiện hệ thống tưới tiêu. Nông dân nhiều nơi đã cấy được hai vụ lúa nhờ phân bón, nông cụ, thóc giống được cải tiến cũng như áp dụng lối xen canh. Do đó, sản lượng lương thực giai đoạn này cao hơn nhiều so với những thế kỷ trước. Bên cạnh lúa nước, các nông sản khác như lúa mì, đậu tương, khoai, rau, chàm, bông, dâu tằm, thuốc lá cũng được trồng ở nhiều nơi. Chỉ sau hơn một thế kỷ (1603-1720), tổng sản lượng nông nghiệp tăng lên gấp đôi. Dân số Nhật Bản giai đoạn này cũng tăng khoảng 2,5 lần do nguồn cung thực phẩm phong phú và môi trường sống được cải thiện[4].
Sản lượng nông nghiệp dồi dào thúc đẩy nền kinh tế nông thôn thoát ra tình trạng tự cung tự cấp và hình thành nền kinh tế hàng hóa. Các gia đình nông dân khá giả xuất hiện và tách dần khỏi cộng đồng tương trợ sản xuất vốn có để trở thành các đơn vị kinh tế độc lập. Với nguồn lực trong tay, các hộ này tập trung đầu tư vốn, nhân lực, kỹ thuật, tăng năng suất, chế biến các nông sản nổi tiếng kết hợp với sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Họ cũng chính là những người nhiệt thành trong việc tiếp thu, phát triển các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới, thiết lập các mạng lưới thương mại và nắm các ngành tiểu thủ công nghiệp như tơ lụa, dệt, nước tương. Nói cách khác, trong tầng lớp nông dân Nhật Bản đã xuất hiện một lớp nông gia mới[5]. Đây chính là một trong số các nhóm hình thành nên tầng lớp trung lưu mới (new middle-class) ở Nhật Bản sau này. Cùng với đó, những nông dân nghèo, bị bần cùng hóa phải bán đất để trở thành nông dân tự do. Họ cày cấy thuê, làm trong các công xưởng thủ công hoặc rời làng quê vào các đô thị kiếm sống.
Cùng với đó là sự hình thành của các đô thị, nơi tập trung các hoạt động thủ công nghiệp lớn và đầu mối giao thương năng động. Một số công xưởng thủ công nghiệp có tới hàng ngàn lao động. Vào cuối thời kỳ Tokugawa, 20% dân số làm việc trong các ngành sản xuất thủ công nghiệp. Các mặt hàng tơ lụa, luyện kim, đồ gốm sứ, sơn mài, chè... đạt trình độ tinh xảo nổi tiếng thế giới. Từ các công xưởng này, giới chủ mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như khai mỏ, luyện kim, thương mại, vận tải, ngân hàng... Sau này, một trong số họ trở thành các tập đoàn kinh tài và chủ nợ lớn nhất Nhật Bản.
Để nắm bắt hoạt động sản xuất, thương mại, chính quyền Edo giao cho một số người có xuất thân từ đẳng cấp võ sĩ đạo phụ trách việc quản lý và thuế quan. Những công chức hành chính trở thành các thương nhân chuyên nghiệp nắm các dòng chảy thương mại và tiền tệ của đời sống kinh tế. Họ được chính quyền hậu thuẫn, bảo vệ để làm ăn, buôn bán. Tuy vậy, từ khi Nhật Bản thực thi chính sách tỏa quốc (sakoku) (1633-1853), các thương nhân – quan lại này dần trở nên thất thế. Thay thế họ là những thương nhân thị dân (chonin) và đến đầu thế kỷ XIX là các doanh thương tư sản mới. Thương nhân mới hình thành các hiệp hội buôn bán (nakama). Các hiệp hội này hoạt động chặt chẽ, năng động và thích ứng tốt với các thay đổi của thị trường. Về sau, họ trở thành các tập đoàn kinh doanh lớn của Nhật Bản. Ở Osaka và Edo (Tokyo ngày nay), họ là những người quyết định giá hàng hóa, tỷ giá trao đổi tiền tệ trên phạm vi cả nước. Tương tự như tầng lớp nông dân, sự phân hóa trong tầng lớp thương nhân diễn ra khá rõ nét.
Hoạt động kinh tế đa dạng ở các đô thị lớn cũng làm xuất hiện các nhóm xã hội mới như người buôn bán xỉ, thương nhân phân phối hàng hóa, người buôn tiền tệ, ngân phiếu, người vận chuyển quá cảnh... Bên cạnh đó, như đã nói, những người nông dân nghèo đổ về các đô thị kiếm sống, trở thành người phục vụ trong các gia đình giàu có, làm thuê trong các quán ăn, nhà trọ, mở quầy tạp hóa, làm thủ công nhỏ lẻ... Năm 1634, thành Edo có 150.000 dân và con số này tăng lên 350.000 vào năm 1693. Năm 1700, khoảng 10% dân số Nhật Bản sống ở các thành thị. Đến giữa thế kỷ XVIII, dân số đô thị ở Nhật Bản lên đến 1 triệu người [6].
Sau khi tuyên bố xóa bỏ chế độ phân chia đẳng cấp sĩ - nông - công - thương, chính quyền Minh Trị tiếp tục bãi bỏ danh pháp eta và hinin[7] vào năm 1881. Thay vào đó, chính quyền định ra những tên gọi mới là kazoku, shizoku và heimin. Kazoku bao gồm các lãnh chúa (daimyo) và quý tộc cao cấp cũ. Shizoku gồm các cựu võ sĩ đạo trong khi heimin (bình dân) gồm nông - công - thương. Hệ thống này nhằm tiêu trừ những lợi thế của tầng lớp võ sĩ thống trị trước đó và cố gắng thiết lập hệ tư tưởng cho rằng các giai tầng trong xã hội, không phụ thuộc vào thân thế, đều có cơ hội vươn lên. Cũng trong giai đoạn này, Nhật Bản hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào kinh tế tư bản toàn cầu. Chính quyền Minh Trị thực thi nhiều chính sách nhằm phát triển nền công nghiệp sản xuất tiên tiến với hàng loạt nhà máy, công xưởng kéo theo sự ra đời của giai cấp công nhân. Quá trình hội nhập cũng mang đến Nhật Bản những luồng tư tưởng, học thuyết mới như chủ nghĩa tự do, học thuyết xã hội của Darwin...
Tất cả những biến đổi sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội, hệ tư tưởng trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa đặt ra yêu cầu hình thành và phát triển một lực lượng xã hội mới. Sứ mệnh của lực lượng này là duy trì và đảm bảo cho sự phát triển của xã hội. Các thảo luận sôi nổi về chủ đề này diễn ra từ năm 1870 đến 1880. Một số người cho rằng võ sĩ đạo là những người lưu giữ và trao truyền các giá trị tốt đẹp nhất của nước Nhật. Do đó họ xứng đáng nắm giữ sứ mệnh này. Đại diện tiêu biểu của luồng ý kiến này là Iwakura Tomomi.
Cần lưu ý rằng ở giai đoạn này, trong thực tế các võ sĩ đạo vẫn là những nhân vật nắm giữ các vị trí chủ chốt của cuộc cách mạng duy tân. Họ cũng chiếm đa số những sinh viên trong các trường đại học mới. Nhiều võ sĩ đạo trong số này xuất thân từ các gia đình mà theo Thomas Huber gọi là “những công bộc có trình độ học vấn cao cuối thời kỳ Tokugawa”[8]. Họ coi trọng giáo dục và tiếp thu tri thức cũng như công nghệ mới. Họ cũng thường chỉ trích sự hoang đàng của giới võ sĩ đạo cấp cao và ủng hộ nền văn hóa nơi giá trị bản thân được đo lường bằng cách phục vụ cộng đồng. Nhóm này xem mình là đội tiên phong của sự tiến bộ và cải cách quốc gia.
Trái lại, những trí thức, nhà tư tưởng mới, đặc biệt là thành viên của hội trí thức Minh lục xã (Meirokusha)[9] nhận thấy tầm quan trọng của một xã hội được cấu thành bởi các cá nhân độc lập và tự chủ. Đối với những người theo chủ trương văn minh và khai sáng này, không chỉ có các võ sĩ đạo mà những người giàu có và được đào tạo bài bản khác đều xứng đáng là lực lượng dẫn dắt quốc gia trên con đường phát triển.
Đến giữa những năm 1880, như đã phân tích ở trên, các nông gia ngày càng lớn mạnh. Trong thập niên cuối chế độ Mạc phủ, các nông gia ủng hộ các cải cách kinh tế, đạo đức và phong trào làm việc siêng năng, sống tiết kiệm. Sang thời kỳ Minh Trị, các nông gia còn giữ vai trò thúc đẩy giáo dục ở địa phương, phát triển các ngành công nghiệp mới, đảm bảo và cải thiện sinh kế cho các thành viên cộng đồng. Ở nông thôn, họ thường được gắn với hình ảnh về tính ưu việt và trách nhiệm.
Ở đô thị, lớp nông gia nắm trong tay hoạt động sản xuất và thương mại của các mặt hàng quan trọng như tơ lụa, chè. Nguồn tài chính mà họ mang về từ xuất khẩu đóng góp quan trọng cho việc xây dựng một nước Nhật giàu có và hùng mạnh về quân sự. Một mặt, họ tiếp tục các vai trò vốn có như tiếp nhận và thực hành các tri thức mới ở cộng đồng. Mặt khác, họ nhận thấy các ý tưởng mới về nền văn minh và khai sáng như là cơ sở lý luận phù hợp để theo đuổi giáo dục và nâng tầm bản thân trong quốc gia đang trỗi dậy. Cuối những năm 1880, tầng lớp nông gia khá giả là một lực lượng nòng cốt trong các phong trào về quyền phổ thông và trong hội đồng các tỉnh. Tokutomi Soho, chủ biên của tạp chí Kokumin no tomo, gọi họ là những “quý ông quốc dân” (inaka shinshi). Họ là sự kết hợp của quyền lực với tri thức, tài sản và gốc nhân đức. Theo đó, theo Tokutomi, họ đích thị những người trung lưu mới[10].
Năm 1888, Fukuzawa Yukichi (1835-1901) cũng nhận ra rằng võ sĩ đạo không thể tiếp tục là lực lượng cốt lõi duy nhất của quốc gia mà cần phải dựa vào tầng lớp trung lưu mới, những người hội tụ được các đặc trưng về tri thức, đức hạnh, sự ủng hộ của công chúng và năng lực kinh tế. Ông viết trên tạp chí Nihonjin định nghĩa về tầng lớp trung lưu lý tưởng như sau: “Họ là những người đứng ở trung tâm của xã hội, bảo vệ bản thân, khuyến khích công chúng, hoàn thành những nhiệm vụ được phân công, dừng lại ở nơi họ định, không coi thường người khác, không bị người khác lừa dối, không nhận sự hỗ trợ từ người khác, không bị người khác khinh thường; họ có đủ tài chính để đảm bảo sinh kế, đủ trí tuệ và đạo đức để hiểu và cư xử đúng mực, không vụ lợi khi giúp đỡ người khác, không đòi hỏi người khác lệ thuộc vào mình và không quên sự lệ thuộc đó là đáng xấu hổ như thế nào”[11].
Fukuzawa Yukichi lập luận rằng tầng lớp trung lưu mới ở Nhật Bản cần kết hợp những đặc điểm tốt nhất của bốn giai tầng xã hội trước thời kỳ Minh Trị bởi không một nhóm nào sở hữu đủ các điều kiện cần thiết. Tầng lớp trung lưu mới theo ông cần tập hợp các cá nhân có tài chính vừa phải song có trình độ học vấn cao để thu hút được công luận. Họ không được đứng về phía tầng lớp thượng lưu cũng như người ngoài, cần đảm bảo sự trung lập với những người theo trường phái bảo thủ và cấp tiến, duy trì sự ổn định xã hội và bảo vệ tính cách quốc gia. Tầng lớp mới này có thể khai sáng và truyền dạy cho phần còn lại của xã hội thông qua nhân đức của chính họ. Đây là một lực lượng quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp ở Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị.
Những tư tưởng của Tokutomi Shoho (1863-1957) và Fukuzawa Yukichi là nguồn cảm hứng cho rất nhiều trí thức Nhật Bản sau đó về tầng lớp trung lưu. Họ chọn ra được những phẩm chất của các võ sĩ đạo, các nông gia, thương nhân và kết hợp thêm các yếu tố mới như sự thành công trong sự nghiệp, tôn trọng truyền thống, tu dưỡng đạo đức, hướng tới cộng đồng và nỗ lực cải thiện cuộc sống người dân. Cũng trong giai đoạn này, các trung tâm giáo dục, nhất là ở Tokyo, phát triển mạnh mẽ dựa trên mô hình tổ chức xã hội và tiếp thu các tri thức phương Tây. Những nhóm trí thức thành thị này định vị bản thân thuộc về giai tầng trung lưu mới, là trung tâm của trật tự xã hội và thời đại để họ nắm giữ sứ mệnh đã đến.
3. Tầng lớp trung lưu mới và các vấn đề xã hội
Trước chiến tranh Nhật-Thanh (1894-1895), những trí thức trung lưu mới như các nhà báo, nhân viên xã hội, viên chức và những người hoạt động chuyên môn tham gia vào nhiều nhóm khác nhau nhằm nghiên cứu, phân tích các vấn đề xã hội cũng như cách thức để cải thiện chúng. Họ tập trung sự chú ý vào vấn đề của các giai tầng xã hội thấp hơn, đặc biệt là điều kiện sống và quyền bình đẳng. Các doanh nghiệp cũng là nhân tố quan trọng nhằm kết nối nhận thức và tầm nhìn xã hội của tầng lớp trung lưu thông qua việc ủng hộ thành lập, duy trì các mạng lưới kết nối. Một số tổ chức như Thống kê xã hội (Tokei Kyokai), Trường Khoa học xã hội và chính trị (Kokka Gakkai) và tạp chí Kokumin no tomo cũng dành sự quan tâm đến các vấn đề xã hội. Sau chiến thắng của Nhật Bản, công luận chú ý nhiều hơn đến các vấn đề ở đô thị như nhà ở, di dân, đời sống của tầng lớp lao động, tình trạng tội phạm. Nhu cầu lý giải các hệ quả của quá trình đô thị hóa và sự phát triển của tầng lớp lao động công nghiệp cũng rất bức thiết. Trong khi đó, chính phủ muốn tìm các chính sách mới nhằm giảm thiểu các tác động xã hội tiêu cực trong khi vẫn tiếp tục phát triển kinh tế.
Trong thời gian này, nhiều hội học thuật, trường đào tạo, xuất bản, chính trị và dân sự được thành lập như Hội xã hội học (thành lập năm 1896), Hội nhà báo Taguchi Ukichi, Hội khoa học xã hội Takagi Masayoshi, Hội nhân viên xã hội và nhà cải cách Hara Taneaki hay các tổ chức lao động như Katayama Sen. Nhiều người cũng tham gia Hiệp hội nghiên cứu vấn đề xã hội (thành lập năm 1897), trong đó có cả những nhà hoạt động chính trị như Tarui Tokichi, nhà báo Miyazaki Koschoshi, cố vấn của Bộ Nông nghiệp và Thương mại Sakai Yuzaburo. Sự xuất hiện của các tổ chức này trong thập kỷ sau khi chiến tranh Nhật - Thanh kết thúc phản ánh sự thay đổi nhận thức của giới trí thức trung lưu mới. Với họ, hành động để giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa là nhiệm vụ cấp bách. Những nhiệm vụ này được viết trong hướng dẫn của tạp chí Hội xã hội học (Shakai zasshi): “khơi dậy ý thức trách nhiệm của tầng lớp thượng lưu và đảm bảo điều kiện sống cho tầng lớp hạ lưu” và “nâng cao giá trị nhân phẩm và lao động cho sự tiến bộ của người Nhật Bản”[12].
Cùng với đó, đạo Thiên chúa, đặc biệt là nhánh Tin lành thu hút được khá nhiều trí thức và võ sĩ Nhật Bản. Nhiều trường Thiên chúa giáo được thành lập. Người theo đạo Thiên chúa tăng nhanh từ 35.000 vào năm 1894 lên 75.000 vào năm 1909[13]. Cho dù không phải tất cả thành viên của giới trung lưu mới là tín đồ của đạo Thiên chúa song môi trường trí thức Nhật Bản đã bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng của tôn giáo này.
Việc các phật tử tham gia hoạt động công tác xã hội do các tín đồ Thiên chúa giáo khởi xướng cho thấy sự thích ứng với làn sóng thay đổi xã hội đang đe dọa vị thế của đạo Phật trong thời kỳ Minh Trị. Mặt khác, đạo Thiên chúa không chỉ đơn thuần là một hệ thống tôn giáo mà còn là con đường kết nối với phương Tây. Các trí thức trung lưu mới ở Nhật Bản thông qua con đường này để tiếp thu nền văn minh phương Tây và chuyển giao cho những thành viên khác trong xã hội.
4. Tầng lớp trung lưu mới và hoạt động lan tỏa tri thức
Không chỉ hoạt động nhiệt thành nhằm thúc đẩy chính quyền ứng dụng các kiến thức chuyên môn để giải quyết vấn đề xã hội, các chuyên gia này xây dựng khung thể chế cho chính hoạt động của họ, cả trong và ngoài phạm vi của nhà nước. Các thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX chứng kiến sự phát triển đáng kể của các tổ chức chuyên môn do giới trung lưu lĩnh xướng. Bernard Silberman nhận xét rằng các quy trình về tuyển dụng, đề bạt và nghỉ hưu của công chức nhà nước trong giai đoạn 1884-1899 được hoàn thiện dựa trên nền tảng của hệ thống giáo dục phân cấp mà giới trung lưu đã xây dựng[14]. Tương tự, việc hệ thống hóa các tiêu chuẩn trong quy trình tuyển dụng công nhân cổ cồn trắng (white-collar employees) cũng được hoàn thiện và áp dụng phổ biến ở các doanh nghiệp lớn.
Các trí thức trung lưu mới cũng nỗ lực xây dựng nguyên tắc “giáo dục tại gia”. Giáo dục tại nhà cũng là hình thức duy trì sự tương tác giữa nhà trường và gia đình. Nói cách khác, nhà là một thành tố không thể thiếu của hệ thống giáo dục. Nguyên tắc giáo dục tại nhà giúp trẻ em có khả năng tự học và tiếp nhận các tri thức mới từ hệ thống giáo dục quốc dân đang đổi thay từng ngày. Ban đầu, các hướng dẫn này được các nhà giáo dục thực hành, sau đó lan rộng sang giáo viên, nhà quản lý giáo dục và các trí thức trong thời gian chiến tranh Nhật - Thanh. Các nguyên tắc này cũng cố gắng thâm nhập vào các hộ gia đình trung lưu có ảnh hưởng tại đô thị và sau đó là toàn bộ tầng lớp trung lưu thành thị.
Các chuyên gia tâm lý cũng có nhiều cơ hội phát triển trong thập niên đầu thế kỷ XX. Trong đó có Kure Shuzo (1865-1932), người sau khi học tập tại châu Âu từ 1897 đến 1901 đã trở về nước và đưa sáng kiến thành lập Hiệp hội thần kinh Nhật Bản cùng với tạp chí của hiệp hội. Những bài giảng của ông tác động lớn tới nhận thức của xã hội Nhật Bản về bệnh tâm thần, về vai trò của họ và gia đình đối với những người bị vấn đề tâm lý. Năm 1910, Kure bắt đầu xuất bản các báo cáo điều tra nhằm chứng minh rằng các bệnh tâm lý có liên hệ chặt chẽ với điều kiện sống của gia đình của người bệnh.
Bên cạnh đó, các bác sĩ tâm lý cũng tham gia tích cực vào hoạt động của Hội Nghiên cứu trẻ em và các hoạt động xuất bản của hội. Năm 1900, Fujikawa Yu (1865-1940), trong thời gian trao đổi học giả tại Iena, đã công bố bài viết về tình dục của thanh thiếu niên và giới thiệu với người Nhật các trước tác về bệnh lý giáo dục và trị liệu của các học giả Đức. Năm 1908, Miyake tiến hành nghiên cứu về tội phạm vị thành niên ở Saitama. Nghiên cứu này nhận được sự quan tâm của các quan chức Bộ Tư pháp và sau đó họ gửi các nhân viên y tế tới đại học Tokyo để Kure và Miyake đào tạo. Miyake cũng xây dựng mối quan hệ hợp tác với Bộ Nội vụ, nơi mời ông tham gia với tư cách là cố vấn và sau đó (năm 1923) là đặt hàng thực hiện cuộc khảo sát quốc gia về tội phạm vị thành niên tại các trường giáo dưỡng. Miyake đã sử dụng các phương pháp tâm lý học lâm sàng học hỏi được trong quá trình học tập ở Đức và Australia. Kết quả khảo sát là cơ sở để Bộ Nội vụ tiến hành cải cách và chuyên môn hóa hoạt động sức khỏe tâm trí tại các trường giáo dưỡng cho tội phạm vị thành niên.
Những ví dụ nêu trên minh chứng cho vai trò tiếp nhận và phát triển tri thức mới từ phương Tây vào Nhật Bản trong giai đoạn cuối thời kỳ Minh Trị của các trí thức trung lưu mới. Dòng chảy kiến thức bắt đầu từ các học giả, lan ra xã hội thông qua các tổ chức, nhóm, hiệp hội, định chế giáo dục, hướng tới các cơ quan chính phủ để ban hành các chính sách cải cách và sau đó là phần lớn dân số. Những tri thức này vừa đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tự thân của tầng lớp trung lưu. Nó giúp những người làm chuyên môn, thành viên của tầng lớp trung lưu mới, có được vị trí nhất định trong xã hội.
5. Phản biện, hòa nhập xã hội và lối sống
Giới trung lưu mới cũng tham gia sâu rộng vào các hoạt động phản biện xã hội trong giai đoạn cuối thời kỳ Minh Trị. Họ nỗ lực khai sáng cho tầng lớp thượng lưu trên phương diện trách nhiệm xã hội, nổi bật là Tomeoka Kosuke và Kure Shuzo. Các phản biện của Tomeoka tập trung vào tình trạng đạo đức và giới quý tộc. Sau đó (năm 1895), báo chí phanh phui hàng loạt tố cáo liên quan đến tham nhũng và hối lộ của các quý tộc, tướng lĩnh, lãnh đạo đảng phái và các liên minh của họ.
Các nhà báo, người hoạt động cộng đồng, luật sư thuộc tầng lớp trung lưu mới đứng lên đấu tranh nhằm cải cách xã hội và xây dựng nền dân chủ trong hệ thống thể chế Minh Trị. Họ khởi xướng các phong trào khác nhau từ xóa bỏ nạn mại dâm tới đòi bồi thường cho nông dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do công nghiệp hóa. Một số khác tổ chức các chiến dịch đòi quyền bầu cử phổ thông, các cuộc biểu tình khi chính phủ phản ứng chậm chạp trước các sự cố ô nhiễm mỏ đồng Ashio. Cho dù có sự khác biệt trong các hoạt động thực tiễn song điểm chung của những người trung lưu mới là tinh thần phản biện xã hội độc lập và từng bước khẳng định vị thế xã hội của họ. Lúc này, tầng lớp trung lưu là lực lượng trí thức có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống nước Nhật.
Tầng lớp mới nổi này cũng ý thức để hòa nhập xã hội. Những người như Kotoku, Sakai Toshihiko hay Kawakami Kiyoshi xuất bản hàng loạt ấn phẩm nhằm kêu gọi lối sống hòa đồng, đơn giản, tránh xa hoa, lãng phí. Một số khác nỗ lực nhằm cải thiện kinh tế, đời sống và giáo dục gia đình. Hani Motoko khởi xướng việc thiết lập các chuẩn mực cho chi tiêu và tiết kiệm trong gia đình trung lưu. Sổ ghi chép do bà thiết kế giúp những người chưa quen sống bằng lương quản lý tài chính gia đình. Bà còn tạo ra những “công thức phương Tây” cho đời sống gia đình của người Nhật từ trang phục cho tới nhà bếp. Cho dù đối mặt với một số chỉ trích rằng những ý tưởng về bàn ghế, xoong nồi, ga và điện là quá “thượng lưu” và “Tây hóa”, Hani lập luận tầng lớp trung lưu cần phấn đấu để cải thiện điều kiện sống hiện tại và những ý tưởng của bà có thể được ứng dụng khi điều kiện cho phép. Mô hình của Hani thực sự đã hấp dẫn nhiều người, cho dù họ chưa thuộc tầng lớp trung lưu vì mức lương còn thấp, song khao khát hướng tới lối sống trung lưu văn minh và hiện đại.
Trong mối quan hệ gia đình ông Sakai Toshihiko sáng lập tạp chí Katei zasshi nhằm cải thiện mối quan hệ vợ chồng trong gia đình. Sakai cho rằng mô hình gia đình lý tưởng là vợ chồng bình đẳng, yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau và nhà là nơi lý tưởng để thực hiện điều đó[15]. Mẫu hình của Sakai là gia đình Sasa Kumataro, một giám đốc chi nhánh ở Tokyo. Tại nơi làm việc, ông yêu cầu các nhân viên mặc trang phục, sử dụng bút, mực, giấy phương Tây và phát triển phương pháp tính toán không cần dùng đến bàn tính. Ông và vợ tổ chức đời sống gia đình theo nguyên lý kinh tế và hiệu quả. Khác với các gia đình thượng lưu, gia đình Sasa không thuê giúp việc, trừ người trông trẻ vì họ có 6 đứa con. Nhà của Sasa được thiết kế theo lối kiến trúc châu Âu, trung tâm nằm ở phòng khách và bếp, nơi họ không chỉ thưởng thức các bữa ăn mà còn tiếp khách và chơi đùa với con cái. Đó cũng là nơi trẻ em chơi đàn khi có khách viếng thăm.
Mặt khác, giới trí thức trung lưu mới cũng phê phán lối sống tầng lớp hạ lưu, nhất là vấn đề tình dục. Họ cho rằng việc quan hệ tình dục bừa bãi, thiếu suy nghĩ của những người trong các khu ổ chuột (không có hôn thú) khiến những đứa trẻ được sinh ra không được nuôi dưỡng và giáo dục đầy đủ. Đây là một nguyên nhân của tình trạng tội phạm vị thành niên ngày một gia tăng. Họ ủng hộ mô hình một vợ một chồng của giới trung lưu và việc sinh con phải được cân nhắc thấu đáo trong các gia đình của giai tầng này.
Tầm nhìn của giới trung lưu về gia đình đã hình thành quan điểm mới về vai trò của nữ giới trong gia đình và xã hội. Các bà mẹ cần kiểm soát bản thân, khiêm tốn, lịch thiệp và đức hạnh, tránh xa sự lừa dối và các hủ tục. Họ chính là người quản lý tài chính ra đình, tỉ mỉ trong chi tiêu, luôn siêng năng và tiết kiệm. Hình ảnh phụ nữ là “chủ nhân của gia đình” được nhà nước khuyến khích thực hành trong tầng lớp trung lưu đô thị.
6. Kết luận
Lịch sử hình thành tầng lớp trung lưu mới ở Nhật Bản cho thấy định nghĩa về giai tầng xã hội có lẽ không chỉ giới hạn trong chiều cạnh về mặt kinh tế mà cần đặt trong các mối quan hệ với bối cảnh lịch sử cụ thể. Giới trung lưu mới trong thời kỳ Minh Trị là một lực lượng xã hội và văn hóa quan trọng, đã ghi những dấu ấn đậm nét vào quá trình phát triển của Nhật Bản. Sự pha trộn đa dạng về nguồn gốc xã hội và con đường hình thành của tầng lớp trung lưu mới ở Nhật Bản cũng cho thấy không thể áp dụng cứng nhắc các lý thuyết về phân hóa và phân tầng xã hội xuất phát từ thực tiễn phương Tây.
Trong giai đoạn đầu thời kỳ Minh Trị, tầng lớp trung lưu mới đã phát triển ý thức về giai tầng thông qua nhiều hệ tư tưởng. Vị thế chính trị của họ cũng đã thay đổi nhanh chóng thông qua các hoạt động kinh tế và thay đổi văn hóa, xã hội. Khởi xướng các phong trào cải cách, giai tầng này vừa góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của đất nước, vừa thu hút được công luận và xây dựng mối quan hệ hợp tác với chính quyền. Họ phân định được ranh giới với các tầng lớp thượng lưu và hạ lưu trong xã hội về mặt hệ tư tưởng, tầm nhìn, giá trị và lối sống.
Tuy vậy, những ảnh hưởng của giới trung lưu đối với khu vực nông thôn trong giai đoạn đầu thời kỳ Minh Trị là không quá rõ rệt. Kết quả nghiên cứu thực địa của John Embree và Ella Wiswell năm 1935-1936 cho thấy những tư tưởng tiến bộ về giới và hôn nhân tác động không đáng kể đến đời sống hàng ngày ở nông thôn khu vực Kyushu. Thậm chí, những thành viên của giới trung lưu còn xa lánh cộng đồng nơi mà họ cư trú hoặc xuất thân. Cho dù một số tạp chí như tờ Ie no Hikari, ấn phẩm được đọc nhiều nhất ở các vùng nông thôn thời đó cung cấp những thông tin về lối sống của giới trung lưu và người nội trợ ở các đô thị thì quá trình thấm những giá trị này vào trong các hoạt động sống hàng ngày chưa diễn ra mà phải đợi cho đến giai đoạn tăng trưởng thần kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945).
Thậm chí trong xã hội đô thị, khó có thể khẳng định các trí thức trung lưu đã thành công trong việc phát triển một định dạng và tầm nhìn xã hội cho toàn bộ giai tầng của họ. Mặc cho các chỉ trích của Tomeoka Kosuke, Abe Isoo về đời sống tình dục bừa bãi, tiêu dùng lãng phí hay những vấn đề về đạo đức, rất nhiều “công nhân cổ cồn trắng” ở đô thị và sinh viên vẫn đổ xô đến các buổi biểu diễn, các quán cà phê, quán bar và sử dụng rượu bia bừa bãi cùng với lối sống thiếu kỷ luật.
Tầng lớp trung lưu mới sau đó đã phân hóa và xa dần chương trình chính trị và bản sắc ban đầu. Tiếp đó, để đáp ứng các vấn đề như nhu cầu về luật lao động, phong trào bãi bỏ mại dâm, thành viên của giai cấp này đã theo đuổi những quan điểm khác nhau. Điều đó dẫn đến việc họ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước khác nhau và thuộc về các phân khúc khác nhau của công luận. Cho dù tầm ảnh hưởng của giới trung lưu ngày càng lớn mạnh thì cũng cần nhớ rằng giới tư bản công nghiệp và các quan chức chính phủ cấp cao có khả năng kiềm chế phạm vi hoạt động của họ hoặc áp đặt các chương trình nghị sự về kinh tế, chính trị và xã hội của giai tầng này. Do vậy, cần nhìn nhận tầng lớp trung lưu mới ở Nhật Bản trong các hoạt động xã hội mà họ tham gia cũng như bối cảnh chuyển đổi của các điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị ở Nhật Bản.
Mặc dù tồn tại những hạn chế nêu trên, những nhà chuyên môn và cải cách thuộc tầng lớp trung lưu mới đã thành công trong việc hội nhập vào các mối quan hệ quyền lực rộng lớn và thiết lập vị thế có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống hàng ngày của quốc gia. Thông qua việc phát triển và lan tỏa các tri thức, tư tưởng và mô hình về các quan hệ xã hội, tầng lớp trung lưu mới đã có những đóng góp quan trọng để kiến tạo một quốc gia mới từng bước trở thành đất nước hùng cường và giàu bản sắc sau này.
1. Ezra F. Vogel (1971), The Salary Man and His Family in a Tokyo Suburb, Berkeley, University of California Press.
2. Hsiao, Hsin-Huang M., ed (1993), Discovery of the Middle Classes in East Asia, Taipei, Academia Sinica.
3. Liechty, Mark (2003), Suitably Modern: Making Middle Class Culture in a New Consumer Society, Princetion, University Press.
4. Kenji Kosaka., ed (2011), Social Stratification in comtemporary Japan, Routledge, New York.
5. Murakami Yasusuke (1982), “The Age of New Middle Mass Politics: The Case of Japan”, The Journal of Japanese Studies, Vol. 8, No. 1, pp. 29-72.
[1] Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
[2] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
[3] Về khái niệm tầng lớp trung lưu, xin xem thêm trong bài viết “Sự hình thành và phát triển của tầng lớp trung lưu ở Hàn Quốc trong thập niên 1960 và 1970’’ đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 2 năm 2021.
[4] Takausa Nakamura, Bernard R.G. Grace (1985), Phát triển kinh tế của nước Nhật hiện đại, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tr. 27.
[5] Các nhà nghiên cứu về nông thôn và nông dân trên thế giới vào đầu thập niên 1950 đã đưa ra một sự phân biệt quan trọng giữa ba khái niệm sau đây: người sơ khai (primitive), người nông dân (peasant), và nông gia (farmer). Theo Robert Redfield (1953) và Eric Wolf (1955), người sơ khai là người sống hoàn toàn tự cấp tự túc trong những cộng đồng biệt lập với thế giới bên ngoài; nông dân là những người tuy có sản xuất hàng hóa nhưng chưa thoát hẳn ra khỏi tình trạng tự cấp tự túc và sống trong những cộng đồng nông thôn có mối liên hệ với thành thị; nông gia là những người có mức độ sản xuất hàng hóa cao theo nhu cầu của thị trường, coi ruộng đất là hàng hóa, biết tái đầu tư vào nông nghiệp và không còn sống phụ thuộc vào một cộng đồng địa phương nữa. Eric R. Wolf, “Types of Latin American Peasantry: A Preliminary Discussion”, American Anthropologist, Vol. 57, No. 3, 6-1955.
[6] John W. Hall (1970) “The Castle Town and Japan Modern Urbanization”, Studies in the Institutional History Early Modern Japan, Princeton University, tr.183.
[7] Trong thời kỳ Tokugawa, eta là những người đổ tề, thợ thuộc da và người làm dịch vụ tang lễ. Hinin làm gác thành, quét đường và đao phủ.
[8] Thomas M. Huber (1981), The Revolutionary Origins of Modern Japan, Stanford: Stanford University Press, tr. 214-217.
[9] Tháng 2 năm 1875, Meirokusha được chính thức thành lập từ nỗ lực của Mori Arinori và Nishimura Shigeki. Sau khi ở Hoa Kỳ về, Mori nhận thấy ở đó mọi ngành nghiên cứu đều có học hội, mở ra nhiều cơ hội trao đổi và truyền bá tri thức, trong khi ở Nhật Bản các học giả ai cũng cô lập, không chịu liên lạc với nhau. Thời kỳ đầu, hội viên Meirokusha có 10 người gồm các “danh sĩ” đương thời, trong đó có Fukuzawa Yukichi. Các hội viên Meirokusha có một số điểm tương đồng rất đáng chú ý: tất cả hội viên (Sugi là ngoại lệ) đều xuất thân từ gia đình samurai cấp dưới, lúc nhỏ họ đều theo học chữ Hán (Kangaku, Hán-học), sau đó chuyển sang Rangaku (Lan-học), tức học tiếng Hà Lan và nghiên cứu khoa học Tây phương bằng tiếng Hà Lan, rồi cuối cùng chuyển sang Yogaku (Dương-học) - tức là ngành nghiên cứu Tây phương qua những ngôn ngữ Tây phương khác như tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Đức.
[10] Carol Gluck (1985), Japan’s Modern Myths: Ideology in the Late Meiji Period, Princeton University Press, tr. 71.
[11] David R. Ambaras (1998), “Social Knowledge, Cultural Capital, and the New Middle Class in Japan, 1895-1912”, The Journal of Japanese Studies, Vol. 24, No.1, tr. 7-8.
[12] David R. Ambaras (1998), Sđd, tr. 10.
[13] Carol Gluck, Sđd, tr. 202.
[14] Bernard S. Silberman (1982), “The Bureaucratic State in Japan: The Problem of Authority and Legitimacy” in Conflict in Modern Japanese History: The Neglected Tradition, Princeton University Press, tr. 236-239.
[15] David R. Ambaras (1998), Sđd, tr. 25.