Trang chủ

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Đài Loan và gợi ý chính sách cho Việt Nam

Đăng ngày: 10-02-2023, 15:21 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 9

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Đài Loan và gợi ý chính sách cho Việt Nam

Trương Phan Thanh Thủy1

 

Tóm tắt:Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi mô hình phát triển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên thế giới. Mỗi nước trên thế giới lại có những cách thức thực hiện khác nhau để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Từ năm 2016,kinh tế tuần hoàntrở thành mục tiêu quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của Đài Loan, vàchính quyền Đài Loan đã đề xuất một loạt chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Bài viết trình bày tình hình và kết quả thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của Đài Loan từ năm 2016, từ đó rút ra gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn, Đài Loan, tái chế, chất thải

 

 

K

inh tế tuyến tính truyền thống (linear economy) là mô hình kinh tế bắt đầu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, đến sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là phát thải. Cách thức vận hành như vậy khiến tài nguyên[1]liên tục bị khai thác và khối lượng chất thải ra môi trường gia tăng. So với kinh tế tuyến tính, kinh tế tuần hoànlà thuật ngữ chung chỉ các hoạt động được thực hiện trong quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu dùng theo nguyên tắc 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế), là mô hình phát triển kinh tế dựa trên việc tái chế liên tục các nguyên vật liệu, sử dụng các nguyên lý sinh thái tự nhiên để tổ chức các hoạt động kinh tế thành một quá trình tuần hoàn “tài nguyên → sản phẩm → tài nguyên tái tạo”.Đây là một mô hình kinh tế mới, tiêu thụ ít năng lượng, ít tạo ra ô nhiễm và khí thải, mang lại lợi ích kinh tế cao. Nó nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Có thể nói, kinh tế tuần hoàn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong khi giảm khai thác tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường. Vì thế, việc chuyển đổi mô hình phát triển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên thế giới.

Đối với Đài Loan, vùng lãnh thổ có diện tích nhỏ và dân cư đông đúc, phụ thuộc nhiều vào tài nguyên nhập khẩu, đó không chỉ là rủi ro mà còn là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững. Thiếu tài nguyên khoáng sản, Đài Loan phải thông qua chuyển đổi kinh tế tuần hoàn (kinh tế tuần hoàn) để nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên và tỷ lệ sử dụng tuần hoàn. Bằng cách phát triển các mô hình kinh doanh mới, chuyển từ bán sản phẩm sang cung cấp dịch vụ và tạo ra giá trị gia tăng theo định hướng dịch vụ, Đài Loan có thể giảm phụ thuộc vào nguồn lực nhập khẩu và do đó thoát khỏi cuộc cạnh tranh cắt giảm chi phí giữa các OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc). Quá trình chuyển đổi này không chỉ tác động tích cực đến môi trường mà còn phục vụ cho chuỗi cung ứng xanh toàn cầu. Vì thế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của Đài Loan.

1. Quá trình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Đài Loan

Vào tháng 5 năm 2016, trong bài phát biểu nhậm chức của mình, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã đề cập đến kinh tế tuần hoàn là chìa khóa cho sự thịnh vượng trong tương lai của Đài Loan. Đây là mục tiêu mà Đài Loan phải phấn đấu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đài Loan cần phải thay đổi các mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại và giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, để đảm bảo các thế hệ tương lai sẽ được hưởng các nguồn tài nguyên đó. Bà nói: “Chúng ta không được sử dụng vô tận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe của công dân như chúng ta đã làm trong quá khứ. Vì vậy, chúng tôi sẽ giám sát và kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn gây ô nhiễm. Chúng tôi cũng sẽ đưa Đài Loan vào thời đại kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên tái tạo. Chúng tôi sẽ từng bước điều chỉnh các lựa chọn năng lượng của mình dựa trên các khái niệm về tính bền vững. Chính quyền mới sẽ nghiêm túc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo tồn đất đai và phòng chống thiên tai. Rốt cuộc, chúng ta chỉ có một trái đất, và chúng ta chỉ có một Đài Loan”[2]. Kể từ đây, chính quyền Đài Loan đã đưa kinh tế tuần hoàn trở thành một phần của chiến lược quốc gia.

Để tăng tốc phát triển kinh tế và chuyển đổi kinh tế, năm 2016, chính quyền Đài Loan đã đề xuất “Kế hoạch đổi mới công nghiệp 5+2” làm cốt lõi của các chính sách công nghiệp trong tương lai. “5+2” đề cập đến năm ngành công nghiệp chính là Thung lũng Silicon châu Á, năng lượng xanh, y sinh, máy móc thông minh, quốc phòng và hàng không vũ trụ, và hai chiến lược chuyển đổi kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp mới. kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp mới trong “+2” không phải là một ngành cụ thể mà nhằm giúp các ngành nghề đưa tái chế tài nguyên vào chiến lược và mô hình của mình. Hệ thống kinh tế tuần hoàn cho phép các nguồn lực và sản phẩm được bảo toàn với giá trị cao hơn và được tuần hoàn nhiều lần. Công nghệ nông nghiệp mới sử dụng nhà máy lọc sinh học và phân tầng để sản xuất nguyên liệu thô cần thiết cho các ngành công nghiệp của Đài Loan. “5+2” đưa kinh tế tuần hoàn vào chính sách công nghiệp của Đài Loan, khiến ngày càng nhiều ngành nghề chú ý đến kinh tế tuần hoàn. Các ngành nghề đã và đang tìm hiểu cách sử dụng khái niệm kinh tế tuần hoàn để nâng cấp và chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ, thoát khỏi mô hình tuyến tính dựa vào tiêu thụ tài nguyên để tạo ra lợi nhuận, để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường. “+2” được thiết kế để không chỉ đẩy nhanh việc nâng cấp năm ngành công nghiệp đổi mới trong thời gian ngắn mà còn thúc đẩy sự chuyển đổi và tái thiết kế của tất cả các ngành trong thời gian dài, tạo ra một mô hình công nghiệp đổi mới, bền vững và tuần hoàn[3].

Vào tháng 12/2018, Bộ Kinh tế Đài Loan (MOEA) đã ban hành “Kế hoạch thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”. Kế hoạch này dựa trên haitrục chính và bốnchiến lược. Hai trục chính là sự công nghiệp hóa của kinh tế tuần hoàn và sự tuần hoàn của các ngành công nghiệp. Bốn chiến lược là thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ tuần hoàn và đổi mới vật liệu và thành lập một đặc khu cho mục đích này; xây dựng khu trưng bày kinh tế tuần hoàn mới; thúc đẩy giao dịch và tiêu dùng xanh; và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp năng lượng và tài nguyên cũng như cộng sinh công nghiệp. MOEA mong muốn sử dụng các phương pháp liên ngành để giải quyết những khó khăn khi theo đuổi phát triển công nghiệp hoặc bền vững và đào tạo nhân tài cho kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ ngành công nghiệp vật liệu, chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính của Đài Loan thành mô hình tuần hoàn, để tạo động lực mới cho công nghiệp phát triển. Năm 2019, MOEA đã thành lập Văn phòng Xúc tiến kinh tế tuần hoàn. Văn phòng điều phối các bộ, ngành và học viện, phụ trách “điều phối chính sách” và “tổng hợp nguồn lực”[4].

Việc thiết lập cơ chế trao đổi tài nguyên cũng rất quan trọng trong thực hiện mô hình tuần hoàn. Sản phẩm phụ của nhà máy này có thể là nguyên liệu thô của nhà máy khác, tránh lãng phí tài nguyên. Cơ chế này có thể được thực hiện bởi các nhà máy trong cùng khu công nghiệp hoặc thậm chí liên vùng. Cục phát triển công nghiệp (IDB) thuộc MOEA đã thúc đẩy tổng hợp năng lượng và tài nguyên trong khu vực trong nhiều năm. Đến nay, IDB đã thực hiện tổng hợp tài nguyêntại 23 khu công nghiệp, và trong mỗi trường hợp, có một ngành là cốt lõi, như ngành thép, nhà máy điện đồng phát, nhà máy hơi nhiên liệu sinh học, ngành xi măng, ngành giấy và bột giấy và ngành môi trường. Một ví dụ nổi tiếng là khu công nghiệp Lâm Hải ở Cao Hùng, ở đây tổng hợp năng lượng và tài nguyên đã được thực hiện bởi một nhóm các ngành công nghiệp thép và dầu khí được hình thành với sự hợp nhất giữa Tập đoàn Sinosteel và Tập đoàn Dầu khí Đài Loan[5].

Vào năm 2019, MOEA đã thành lập “kinh tế tuần hoàn Đài Loan 100” (TCE100), tập hợp các đại diện từ khu vực tư nhân, chính phủ và học viện để thúc đẩy hợp tác liên quan đến kinh tế tuần hoàn giữa các ngành khác nhau. Tuyên bố chung của TCE100 có ba điểm chính: các công ty nên bắt đầu chuyển đổi theo mô hình tuần hoàn, mở rộng hợp tác về năng lượng và tài nguyên, và hợp tác với nhau để xây dựng một hệ thống tài nguyên tuần hoàn[6].

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan (TEPA) đã phát triển một chiến lược quản lý tài nguyên, tương tự như chiến lược của EU, dựa trên mô hình vòng đời sản phẩm. Đó là Kế hoạch tái chế và phục hồi tài nguyên (2018-2020). Chiến lược nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường trong cả 4 giai đoạn của vòng đời sản phẩm: sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và thị trường nguyên liệu thứ cấp. Kế hoạch gồm bốnchiến lược chính là tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên, giảm thiểu việc sử dụng lãng phí tài nguyên, giảm chất thải và cải thiện khả năng tái chế[7]. Bằng cách đó, TEPA đã nâng cấp trọng tâm từ quản lý chất thải sang quản lý tài nguyên.

Kể từ năm 2018, các nhóm xã hội dân sự ở Đài Loan đã tự nguyện thúc đẩy Thỏa thuận xanh, dựa trên các khái niệm tham khảo về Thỏa thuận xanh của Hà Lan. “Liên minh kinh tế tuần hoàn về chất thải nhựa trên biển”, “Liên minh tài nguyên điện tử xanh” và “Liên minh tài nguyên tuần hoàn cho ngành xây dựng” của Đài Loan đã được thành lập. Mục đích của các liên minh này nhằm tái chế và tái sử dụng nhựa phế thải, rác thải điện tử, chất thải sinh ra từ quá trình xây dựng và phá dỡ, xỉ và tro ở đáy lò đốt. Nhiều nhóm đã tự nguyện xúc tiến việc ký Thỏa thuận xanh và hiện cố gắng tạo ra tình trạng hai bên cùng có lợi cho kinh tế và bảo vệ môi trường thông qua hợp tác với khu vực công[8].

Ngoài ra, TEPA tích cực thúc đẩy “tái chế tài nguyên và không chất thải” bằng cách giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, phục hồi năng lượng, cải tạo đất và thiết kế lại. Thúc đẩy việc tái sử dụng viên nén tái chế vô cơ sẽ làm giảm nhu cầu xử lý chất thải cuối cùng. Do các cơ sở xử lý chất thải cuối cùng không đủ công suất và gặp khó khăn trong việc thiết lập các cơ sở, TEPA hiện đang tích cực thúc đẩy sự chuyển hướng và ứng dụng thích hợp của viên nén tái chế, bao gồm việc sử dụng viên nén tái chế trong các công trình công cộng, sử dụng viên nén tái chế trong cải tạo đất cảng và lò nung xi măng làm trung tâm tái chế tài nguyên[9].

2. Kết quả thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Đài Loan

Từ năm 2016 đến nay chính quyền Đài Loan đã triển khai một loạt các chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Sau năm năm thực hiện, Đài Loan đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận.

Lượng chất thải rắn đô thị (MSW) trung bình được thu gom để xử lý đạt 0,400 kg/người/ngày vào năm 2020, giảm 61,12% so với giá trị cao nhất vào năm 1998. Tỷ lệ MSW được xử lý hợp lý tăng từ 60,17% năm 1989 lên 96,86% năm 2020[10]. Lượng MSW được xử lý theo cách tái chế tăng từ 4.327.760 tấn năm 2016 lên đến 5.807.647 tấn năm 2020, chiếm 59,8% số lượng chất thải được xử lý năm 2020. Trong đó, lượng chất thải có thể tái chế (bao gồm cả rác thải cồng kềnh) có xu hướng tăng, từ 3.751.828 tấn vào năm 2016 lên đến 5.278.079 tấn năm 2020, chiếm 90,9% tổng số chất thải được xử lý theo cách tái chế năm 2020[11]. Tỷ lệ tái chế MSW năm 2020 là 58,84%[12], bao gồm tỷ lệ tái chế chất thải có thể tái chế (56,40%), tỷ lệ tái chế chất thải thực phẩm (5,71%) và tỷ lệ tái chế rác thải cồng kềnh (0,60%)[13].

Lượng chất thải thực phẩm được tái chế, tái sử dụng có xu hướng giảm, từ 575.932 tấn năm 2016 xuống còn 529.567 tấn năm 2020, chiếm 9,1% tổng số chất thải được xử lý theo cách tái chế năm 2020. Chất thải thực phẩm có thể được tái chế thành phân trộn, thức ăn cho lợn, và chuyển thành điện. Trong đó, chất thải thực phẩm được tái chế làm phân trộn tăng từ 197.307 tấn năm 2016 lên đến 261.480 tấn năm 2020, chiếm 49,4% tổng số chất thải thực phẩm được tái chế năm 2020. Chất thải thực phẩm được tái chế làm thức ăn cho lợn giảm từ 372.280 tấn năm 2016 xuống còn 243.795 tấn năm 2020, chiếm 46%[14]. Các nhà máy năng lượng sinh học từ chất thải thực phẩm đang được xây dựng ở thành phố Đài Trung, Đào Viên, Đài Bắc, Tân Đài Bắc và Cao Hùng, trong đó một nhà máy ở Đài Trung đã hoàn thành và đang đi vào hoạt động. Thành phố Đào Viên có kế hoạch hoàn thành xây dựng nhà máy vào cuối tháng 7/2021, và tất cả các nhà máy được ước tính sẽ hoàn thành vào năm 2024. Sau khi hoàn thành, các nhà máy có thể xử lý 230.000 tấn chất thải thực phẩm mỗi năm và lượng điện được tạo ra mỗi năm là 41.970.000 kWh, có thể cung cấp lượng điện một năm cho hơn 11.000 ngôi nhà. Các nhà máy sẽ tạo ra doanh thu hàng năm là 214,79 triệu Đài tệ từ việc bán điện và giảm lượng khí thải carbon khoảng 22.200 tấn/năm. Các nhà máy sẽ tăng đáng kể công suất xử lý chất thải thực phẩm ở Đài Loan và giúp đạt được kinh tế tuần hoàn[15].

Việc tái chế và xử lý thích hợp các thiết bị gia dụng điện tử phế thải không chỉ làm giảm lượng khí thải carbon và tiêu thụ tài nguyên mà các vật liệu tái chế có tiềm năng tạo ra giá trị thị trường khổng lồ. Vì thế, 3,36 triệu thiết bị gia dụng phế thải trên khắp Đài Loan đã được tái chế vào năm 2020 với khối lượng khoảng 120.000 tấn. Trong số các thiết bị này, hơn 100.000 tấn vật liệu có thể tái sử dụng như đồng, sắt, nhôm, thủy tinh và nhựa đã được tái chế, tạo ra giá trị khoảng 1,3 tỷ Đài tệ[16].

Lốp xe phế thải không dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên và là nguồn ô nhiễm nếu được vứt bỏ một cách ngẫu nhiên. Đài Loan có tổng cộng 13 doanh nghiệp xử lý lốp xe hiện đang hoạt động, trong đó đã tái chế 133.000 tấn lốp xe phế thải từ tháng 1 đến tháng 11/2019 với tỷ lệ tái chế là 93,6%. Hơn 120.000 tấn nguyên liệu phụ làm từ lốp xe phế thải được sử dụng hàng năm[17].

Đối với chất thải công nghiệp, số lượng chất thải công nghiệp được xử lý tăng từ 17.926.246 tấn năm 2016 lên đến 20.034.785 tấn năm 2020. Trong đó, chất thải công nghiệp chủ yếu được xử lý theo cách tái chế, tái sử dụng tăng từ 14.687.364 tấn năm 2016 lên đến 16.938.318 tấn năm 2020, chiếm 84,5% tổng số chất thải công nghiệp được xử lý năm 2020. Ngoài ra, chất thải công nghiệp xử lý theo cách ủy thác hoặc cùng xử lý từ 2.587.214 tấn năm 2016 giảm còn 2.342.817 tấn năm 2020, chiếm 11,7% tổng số chất thải công nghiệp được xử lý. Tự xử lý chất thải công nghiệp tăng từ 635.845 tấn năm 2016 lên đến 744.833 tấn năm 2020, chiếm 3,7%. Xuất khẩu chất thải công nghiệp giảm từ 15.823 tấn năm 2016 xuống còn 8.816 tấn năm 2020, chiếm 0,04%[18].

Số lượng địa điểm/nhà máy xử lý chất thải có xu hướng giảm, từ 198 nhà máy năm 2007 giảm xuống còn 151 nhà máy năm 2020. Trong đó, lò đốt rác hầu như không tăng, năm 2020 có 25 lò đốt rác. Bãi chôn rác có xu hướng giảm, từ 132 bãi năm 2007 giảm xuống còn 68 bãi năm 2020. Địa điểm ủ phân trộn có xu hướng tăng, từ 29 chỗ năm 2007 tăng lên đến 54 chỗ năm 2020. Kho chứa rác có xu hướng giảm, từ 12 kho năm 2007 giảm xuống còn 4 kho năm 2020[19]. Năm 2020, 39,1% chất thải được xử lý trong lò đốt rác và 1,1% được chôn lấp[20]. Trong năm 2019, các nhà đốt rác đã tạo ra tổng cộng 3,459 tỷ kWh điện, tương đương với trung bình 530 kWh điện cho mỗi tấn chất thải được đốt. Cả tổng sản lượng năng lượng và hiệu suất hoạt động của các lò đốt trong năm 2019 đều đạt mức cao kỷ lục. Khoảng 756.000 tấn tro đáy được tái chế vào năm 2019, đạt tỷ lệ tái chế là 82,7%[21]. Công suất của các nhà máy là 24.650 tấn/ngày[22].

Ngoài ra, năm 2018, 211 trang trại đã được chấp thuận lên men yếm khí chất thải chăn nuôi trước khi sử dụng làm phân bón trên đất nông nghiệp. Điều này làm giảm ô nhiễm hữu cơ 5.574 tấn/năm, và tiết kiệm 10,1 tỷ Đài tệ vì điều này tương đương với việc xây dựng 101 cơ sở xử lý ôxy hóa tiếp xúc với sỏi. Tổng cộng 921.000 tấn phân bón được sử dụng mỗi năm trên 819,7 ha đất canh tác, bao gồm 287 tấn nitơ. Nông dân cũng giảm chi phí phân bón hóa học lên tới 13,92 triệu Đài tệ[23].

3. Gợi ý cho Việt Nam

Để thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam cần có những chính sách toàn diện và hệ thống kinh tế tuần hoàn hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tận dụng vật liệu, mà cần được xem xét toàn diện theo 4 giai đoạn: (1) sản xuất (bao gồm thiết kế và thực hiện sản xuất); (2) tiêu dùng; (3) quản lý chất thải; và (4) chuyển chất thải thành tài nguyên. Từ những kinh nghiệm của Đài Loan, bài viết đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật hoàn thiệnvề phát triển kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dụng, sử dụng, phát thải khí thải và tái chế, tái sử dụng tài nguyên. Mỗi lĩnh vực trên đều có các yêu cầu về chính sách và quy định. Chỉ có xây dựng và thực hiện các luật, quy định về hành vi của người sản xuất, người bán và người sử dụng, cũng như người tái sử dụng, mới có thể đảm bảo sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, cần phải lấy pháp luật quốc gia làm hướng dẫn chỉ đạo và chính sách quốc gia làm cơ sở để đẩy nhanh việc xây dựng hàng loạt chính sách và quy định thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển, hình thành hệ thống chính sách và quy định tương đối hoàn thiện. Đồng thời, xây dựng các quy định giám sát và quản lý đối với xử lý rác thải đô thị, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí, làm rõ các tiêu chuẩn và yêu cầu mà các phương pháp xử lý cần đạt được, các thông số kỹ thuật xử lý, trách nhiệm, quyền hạn của công ty xử lý,trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan giám sát, và các hình thức xử phạt khi vi phạm.

Thứ hai, tăng cường nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ. Thông qua phát triển công nghệ, chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống, thúc đẩy nâng cấp cơ cấu, đào thải các kỹ thuật sản xuất lạc hậu, tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu nhiều, gây ô nhiễm cao càng sớm càng tốt, nâng cao năng suất tài nguyên, từng bước hình thành cơ cấu ngành nghề hợp lý có lợi cho việc liên tục sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ tái tạo tài nguyên khiến việc phát triển sản phẩm và tái tạo tài nguyên trở thành hiện thực. Trên cơ sở tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, sử dụng toàn diện tài nguyên, dựa vào thị trường, từng bước hình thành hệ thống kỹ thuật hoàn thiện sử dụng tuần hoàn tài nguyên năng lượng và tái chế tài nguyên, thúc đẩy phát triển hệ thống kinh tế tuần hoàn sử dụng năng lượng tái tạo, tài nguyên tái chế.

Thứ ba, tăng cường đầu tư cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Là cốt lõi của nền kinh tế hiện đại, tài chính đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh chóng và lành mạnh. Một trong những đặc điểm của kinh tế tuần hoàn là rủi ro cao và đầu tư cao, chỉ có cung cấp các cơ chế và phương tiện hỗ trợ tài chính hiệu quả thì nhu cầu tài chính chokinh tế tuần hoàn mới được đáp ứng đầy đủ. Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn và coi phát triển kinh tế tuần hoàn là lĩnh vực đầu tư trọng điểm của chính phủ, đặc biệt là phát triển năng lượng xanh và công nghệ xanh. Các doanh nghiệp cần đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế sản phẩm để sau khi sản phẩm hết hạn sử dụng chất thải có thể tái chế. Ngoài ra, cần đầu tư cho xây dựng các khu công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ tái chế để nâng cao tỷ lệ tái chế. Chính phủ cũng cần hỗ trợ tài chính cho các công ty tái chế để các công ty này có thể hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ tư, xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn.Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn là sự sắp xếp tổng thể các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong một thời kỳ nhất định và trong một phạm vi nhất định.Phải đưa khái niệm kinh tế tuần hoàn vào các kế hoạch phát triển để có thể xây dựng kế hoạch phù hợp với mục tiêu phát triểnkinh tế tuần hoàn. Chính quyền các cấp phải xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế - kỹ thuật của địa phương, đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.Trong kế hoạch phát triển kinh tế cần chú trọng phát triển các ngành công nghiệp tiết kiệm tài nguyên, công nghiệp tái chế tài nguyên, hạn chế phát triển các ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong quy hoạch đô thị, các khu công nghiệp cần được quy hoạch cơ sở hạ tầng xử lý nước thải và rác thải có thể đáp ứng nhu cầu, hệ thống cơ sở có lợi cho việc tái chế tài nguyên. Thúc đẩy xây dựng các khu phát triển kinh tế, khu công nghiệp phù hợp với yêu cầu của kinh tế tuần hoàn, từ quy hoạch, thiết kế đến toàn bộ quá trình thực hiện.Ngoài ra,sử dụng khái niệm kinh tế tuần hoàn để định hướng phát triển vùng, chuyển đổi ngành và cải tạo các cơ sở công nghiệp cũ, thúc đẩy điều chỉnh hợp lý bố trí công nghiệp vùng.

Thứ năm, tuyên truyền và giáo dục.Kinh tế tuần hoàn liên quan đến mọi công dân, mọi gia đình, mọi cộng đồng, mọi doanh nghiệp, mọi khu vực và thậm chí toàn bộ quốc gia. Mỗi cá nhân, đơn vị đều có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Phải sử dụng các con đường và phương tiện truyền thông để triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về kinh tế tuần hoàn, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, các doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, khiến toàn xã hội tạo ratư duy mới, quan niệm mới về kinh tế tuần hoàn. Sử dụng đài phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng internet để tiến hành tuyên truyền, phổ cập những kiến thức cơ bản về kinh tế tuần hoàn, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của phát triển kinh tế tuần hoàn, khiến toàn xã hội tạo ra quan niệm sản xuất và tiêu dùng đúng đắn. Tổ chức các hoạt động đào tạo và thực hành về kinh tế tuần hoàn dưới nhiều hình thức, cố gắng biến tiêu dùng xanh thành hành vi có ý thức của mọi công dân, và hình thành bầu không khí xã hội tốt cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm xanh, chống hành vi lãng phí tài nguyên như đóng gói nhiều, tuyên truyền người dân tự giác tiết kiệm năng lượng, nước, thực phẩm, phân loại và tái chế rác thải, giảm sử dụng các sản phẩm dùng một lần.Cần đưa kinh tế tuần hoàn vào nội dung giáo dục của trường học, khiến học sinh nắm giữ kiến thức cơ bản về kinh tế tuần hoàn, từ đó ảnh hưởng đến gia đình, xã hội, khiến phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành hành động tự giác của toàn thể nhân dân, dần dần hình thành một lối sống và cách tiêu dùng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

4. Kết luận

Trong bối cảnh gia tăng dân số toàn cầu gay gắt, thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi sinh thái, phát triển kinh tế tuần hoàn đã trở thành một biện pháp chiến lược quan trọng để các quốc gia nâng cao sức mạnh tổng thể và giảm bớt xung đột xã hội. Từng quốc gia lại có những chính sách, chủ trương khác nhau để phát triển kinh tế tuần hoàn. Đài Loan có rất nhiều kinh nghiệm trong tái chế và cũng đã đề xuất nhiều chính sách để chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là từ khi kinh tế tuần hoàn trở thành mục tiêu chính sách quan trọng của Đài Loan vào năm 2016. Sau năm năm thực hiện, Đài Loan đã đạt đạt được những kết quả đáng ghi nhận về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việc xây dựng kinh tế tuần hoàn ở nước ta còn ở giai đoạn ban đầu, vì thế, chúng ta không chỉ phải học hỏi những biện pháp, kinh nghiệm quốc tế mà còn phải kết hợp với tình hình trong nước để phát triển những lợi thế của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Circular economy: Turning waste into resources”, Executive Yuan,Taiwan, https://english.ey.gov.tw/News3/9E5540D592A5FECD/fa9bc434-0a7a-4cda-8db8-1e9455426e61.

2. “Development of circular economy in Taiwan”, Circular Taiwan Network, https:// circular-taiwan.org/en/city/taiwan/.

3. Environmental Protection Administration R. O. C. (Taiwan), “Diversified Waste Treatment Policies”, Environmental Policy Quarterly, Vol. 2 Issue 3 (9/2018), pp. 1-3.

4. Environmental Protection Administration (Taiwan), “Strengthening Industrial Waste Management”, Environmental Policy Quarterly, Vol. 3 Issue 3 (9/2019), pp. 1-3.

5. Environmental Protection Administration (Taiwan), “Table 5-1. Clearance and Disposal of Municipal Waste”, Environmental Protection Statistics Monthly,No. 390/2021, pp. 54-61.

6. Environmental Protection Administration (Taiwan), “Table 5-2. The Operation of Municipal Waste Incineration Plants”, Environmental Protection Statistics Monthly, No. 390/2021, pp. 62-63.

7. Food Waste Repurposed to Achieve a Circular Economy, TEPA, R.O.C. (Taiwan), 2020, https://www.epa.gov.tw/eng/F7AB26007 B8FE8DF/69baea64-27e4-4f37-98c1-8d30d95e485b.

8. “Inaugural address of ROC 14th-term President Tsai Ing-wen”, Office of the President, Taiwan,https://english.president.gov.tw/News/4893.

9. “Incineration Plants Awarded for Great Performance in Energy Production and Bottom Ash Recycling”, Environmental Protection Administration, Taiwan, https://www.epa.gov.tw/ENG/F7AB26007B8FE8DF/fc6fffd1-456c-4256-887b-d47999af7f3c.

10. 循環經濟推動方案, 行政院, 2019 (Kế hoạch thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Viện Hành chính Đài Loan, 2019), https://www.ey. gov.tw/Page/5A8A0CB5B41DA11E/18ef26a4-5d05-4fb3-963e-6b228e713576.

11. “Table 4-5 Reported Volume of Industrial Waste,” Environmental Protection Administration, Taiwan, 2021, https://www.epa. gov.tw/DisplayFile.aspx?FileID=9FB1FDAAF14EC763&P=5761c8be-4f28-4243-adf1-6004442883aa.

12. “Table 4-7: The Number of Waste Disposal Plants/Sites”, Environmental Protection Administration, Taiwan, 2021, https://www.epa.gov.tw/DisplayFile.aspx?FileID=FE52AE4748F0655E&P=c9701d65-5fb3-47c0-83a8-452bc02808b1.

13. Waste Tire Recycling Rate Reaches 93.6%, TEPA, R.O.C. (Taiwan), 2020, https://www.epa.gov.tw/eng/F7AB26007B8FE8DF/7a327b75-896b-433a-8ef9-9ee21ebf1f3e.

14.“Zero Waste and Resource Recycling Promotion”, Environmental Protection Administration, Taiwan, https://www.epa.gov.tw/eng/D6DCECB911CD0DEB.

 

 


[1]ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2]“Inaugural address of ROC 14th-term President Tsai Ing-wen”, Office of the President, Taiwan,https://englishpresident.gov.tw/News/4893.

[3]“Development of circular economy in Taiwan”, Circular Taiwan Network, https://circular-taiwan.org/en/city/ taiwan/.

[4]循環經濟推動方案,行政院 (Kế hoạch thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Viện Hành chính Đài Loan), https://www.ey.gov.tw/Page/5A8A0CB5B41DA11E/18ef26a4-5d05-4fb3-963e-6b228e713576.

[5]“Development of circular economy in Taiwan”, Tlđd.

[6]“Development of circular economy in Taiwan”, Tlđd.

[7]“Circular economy: Turning waste into resources”, Executive Yuan,Taiwan, https://english.ey.gov.tw/News3/9E5540D592A5FECD/fa9bc434-0a7a-4cda-8db8-1e9455426e61.

[8]Environmental Protection Administration(Taiwan), “Strengthening Industrial Waste Management”,Environmental Policy Quarterly, Vol. 3 Issue 3 (9/2019), pp. 2.

[9]“Zero Waste and Resource Recycling Promotion”, Environmental Protection Administration, Taiwan, https://www.epa.gov.tw/eng/D6DCECB911CD0DEB.

[10]“Zero Waste and Resource Recycling Promotion”, Tlđd.

[11]Environmental Protection Administration(Taiwan), “Table 5-1. Clearance and Disposal of Municipal Waste”, Environmental Protection Statistics Monthly,No. 390/2021, pp. 55.

[12]Environmental Protection Administration (Taiwan), “Table 5-1. Clearance and Disposal of Municipal Waste”, Tlđd,pp.57.

[13]“Zero Waste and Resource Recycling Promotion”, Tlđd.

[14] TEPA, R.O.C. (Taiwan), “Table 5-1. Clearance and Disposal of Municipal Waste”, Environmental Protection Statistics Monthly,No. 390/2021, pp. 55.

[15] Food Waste Repurposed to Achieve a Circular Economy, TEPA, R.O.C. (Taiwan), 2020, https://www.epa.gov.tw/eng/F7AB26007B8FE8DF/69baea64-27e4-4f37-98c1-8d30d95e485b.

[16] Free Recycling for Household Appliances before Lunar New Year, TEPA, R.O.C.(Taiwan), 2021, https://www.epa.gov.tw/ENG/F7AB26007B8FE8DF/da948180-6dcd-4a9a-8377-1f914dd6cf57.

[17] Waste Tire Recycling Rate Reaches 93.6%, TEPA, R.O.C. (Taiwan), 2020,https://www.epa.gov.tw/eng/F7AB26007B8FE8DF/7a327b75-896b-433a-8ef9-9ee21ebf1f3e.

[18]“Table 4-5: Reported Volume of Industrial Waste”, Environmental Protection Administration, Taiwan, 2021, https://www.epa.gov.tw/DisplayFile.aspx?FileID=9FB1FDAAF14EC763&P=5761c8be-4f28-4243-adf1-6004442883aa.

[19]“Table 4-7: The Number of Waste Disposal Plants/Sites”,Environmental Protection Administration, Taiwan, 2021, https://www.epa.gov.tw/DisplayFile.aspx? FileID=FE52AE4748F0655E&P=c9701d65-5fb3-47c0-83a8-452bc02808b1.

[20]Environmental Protection Administration(Taiwan), “Table 5-1. Clearance and Disposal of Municipal Waste”, Tlđd, pp. 56.

[21]“Incineration Plants Awarded for Great Performance in Energy Production and Bottom Ash Recycling”, Environmental Protection Administration, Taiwan, https://www.epa.gov.tw/ENG/F7AB26007B8FE8DF/fc6fffd1-456c-4256-887b-d47999af7f3c

[22]Environmental Protection Administration(Taiwan), “Table 5-2. The Operation of Municipal Waste Incineration Plants”, Environmental Protection Statistics Monthly,No. 390/2021, pp. 63.

[23] Environmental Protection Administration R. O. C. (Taiwan), “Diversified Waste Treatment Policies”,Environmental Policy Quarterly, Vol. 2 Issue 3 (9/2018), pp. 3.

0thảo luận