Trang chủ

Một số giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển du lịch ở Nhật Bản từ năm 2012 đến nay

Đăng ngày: 10-02-2023, 15:15 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 9

Trần Ngọc Nhật1

 

Tóm tắt: Từ năm 2012 đến nay, Nhật Bản đã chú trọng thúc đẩy phát triển các ngành du lịch vốn có nhiều tiềm năng sẵn có nhưng chưa được khai thác triệt để. Trên nền tảng của chính sách kinh tế Abenomics, nhiều giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ các ngành du lịch nhằm thu hút khách quốc tế cũng như khách nội địa đã được ban hành và thực hiện khá hiệu quả. Nhờ đó, ngành du lịch ở Nhật Bản đã có sự khởi sắc, đem lại thêm nhiều nguồn thu cho đất nước, quảng bá và tạo dựng uy tín và vị thế của Nhật Bản ở nước ngoài. Bài viết phân tích một số giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển du lịch ở Nhật Bản từ năm 2012 đến nay.

Từ khóa: Chính sách, giải pháp, phát triển, du lịch, Nhật Bản

 

 

N

hật Bản là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ ba thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc). Trong những thập kỷ trước đây, Nhật Bản chủ yếu phát triển các ngành công nghiệp chế tạo phục vụ cho xuất khẩu, ngành du[1]lịch chưa thực sự được chú trọng phát triển. Tuy nhiên, kể từ sau khi nền kinh tế bong bóng bị sụp đổ vào đầu những năm 1990 đến nay, kinh tế Nhật Bản luôn trong tình trạng trì trệ, các ngành công nghiệp chế tạo hướng về xuất khẩu không còn duy trì được các lợi thế cạnh tranh như trước. Hơn nữa, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Nhật Bản đã phải trải qua một thảm họa động đất – sóng thần gây ra những tổn thất hết sức nghiêm trọng cho nền kinh tế. Ngành du lịch, vốn đã kém phát triển, lại đứng trước tình trạng suy giảm hơn nữa do ảnh hưởng của thảm họa kép này. Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe Shinzo đã ban hành nhiều giải pháp chính sách nhằm khôi phục nền kinh tế. Trong đó, du lịch – một ngành vốn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác tốt – đã được chú trọng xây dựng và phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của Nhật Bản.

1. Bối cảnh Nhật Bản thúc đẩy phát triển du lịch

- Thảm họa động đất, sóng thần ngày 9/3/2011 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch.

Trước năm 2012, ngành du lịch Nhật Bản chưa được xem là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của đất nước mặt trời mọc. Một phần do Nhật Bản ít chú trọng tới việc thu hút khách du lịch quốc tế, chính phủ thường ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp điện tử. Thêm vào đó, tháng 3/2011, ba thiên tai ập đến Nhật Bản cùng lúc, cuốn đi mạng sống của gần 20.000 người, nhấn chìm hơn 3% GDP của nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Thiệt hại trực tiếp về vật chất do sóng thần gây nên ước tính lên tới 16.900 tỷ yên, tức 147 tỷ euro, tương đương với khoảng 3,5% tổng sản phẩm nội địa[2]. Sóng thần ngày 11/03/2011 hủy hoại hơn 23.000 hécta hoa màu ở khu vực miền đông bắc Nhật Bản, nhận chìm 25.000 thuyền đánh cá. Ngành du lịch cũng chịu nhiều thiệt hại nặng nề khi ngành du lịch toàn cầu đã ban hành một cảnh báo người dân của họ không nên đi du lịch đến Nhật Bản trừ khi thực sự cần thiết. Số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản năm 2011 là 6,22 triệu, chỉ bằng 72,2% so với năm 2010. Đáng chú ý, số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 4 năm 2011 chỉ đạt 37,5% so với tháng 4 năm 2010, đây là mức giảm lớn chưa từng có[3]. Tuy nhiên, sang tháng 5 năm 2011, sự sụt giảm đã dần ít hơn, lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đang có xu hướng phục hồi.

- Sự ra đời của chính sách Abenomics đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển các ngành du lịch.

Sau khi quay lại cương vị Thủ tướng Nhật Bản từ cuộc tổng tuyển cử năm 2012, Abe Shinzo đã ban hành chiến lược kinh tế mới Abenomics hay còn gọi là chiến lược “3 mũi tên” vào đầu năm 2013 với mục tiêu là thông qua “chính sách nới lỏng tiền tệ” (mũi tên thứ nhất) để xoay chuyển tình trạng giảm phát trong nền kinh tế Nhật Bản và thông qua “chính sách thúc đẩy chi tiêu công” (mũi tên thứ hai) để nâng cao nhu cầu thực tế, xóa bỏ lỗ hổng cung cầu, thoát khỏi giảm phát, đồng thời thực hiện “chính sách tăng trưởng kinh tế sâu rộng” (mũi tên thứ ba) nhằm khơi dậy sức sống cho nền kinh tế Nhật Bản.

+ Chính sách nới lỏng tiền tệ: Đây là chính sách thực hiện giảm lãi suất thực được Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) áp dụng nhằm nới lỏng tiền tệ, hạ giá đồng yên, cũng như thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Nhật Bản trên thị trường nước ngoài. Tỷ giá đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định thói quen chi tiêu của khách du lịch. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Nhật Bản trong năm 2013 đạt 10,36 triệu do đồng yên giảm giá.

+ Chính sách thúc đẩy chi tiêu công: từ năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã ban hành các gói kích thích kinh tế trị giá 20,2 nghìn tỷ yên (210 tỷ USD), trong đó có 10,3 nghìn tỷ yên (116 tỷ USD) là chi tiêu trực tiếp của chính phủ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng (cầu, đường hầm và đường chống động đất). Tiếp theo đó, Nhật Bản công bố thêm gói kích thích 5,5 nghìn tỷ yên vào tháng 4/2014 và gói kích thích trị giá 3,5 nghìn tỷ yên sau cuộc bầu cử tháng 12/2014. Giai đoạn 2015-2017, do kinh tế phục hồi chưa được như kỳ vọng nên Nhật Bản tiếp tục thực hiện các gói kích thích như ngày 02/08/2016, Chính phủ Nhật Bản thông qua gói kích thích trị giá 28.100 tỷ yên (274 tỷ USD) tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội; ngày 11/10/2016, Nhật Bản phê chuẩn gói kích thích thứ hai trong năm 2016 trị giá hơn 4.000 tỷ yên (40 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng; ngày 27/3/2017, Thượng viện Nhật Bản thông qua ngân sách cho năm tài khóa 2017 trị giá 97.400 nghìn tỷ yên (880 tỷ USD). Đây là quy mô ngân sách lớn nhất từ trước đến nay, với mục tiêu tiếp tục tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, du lịch và những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế[4].

+ Chính sách tăng trưởng kinh tế sâu rộng: việc bãi bỏ quy định thị thực tiến bộ của Abe đối với khách du lịch Trung Quốc và ASEAN đã tạo nên một điểm đến du lịch mới cho tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở châu Á. Chính phủ Nhật Bản còn cho phép tăng số giờ cất/hạ cánh của máy bay tại các sân bay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc cấp phép xây dựng các khách sạn. Nhờ vậy, các nền kinh tế khu vực của Nhật Bản hiện đang xây dựng lại và tự tái tạo thành các điểm đến du lịch.

- Các tiềm năng du lịch vẫn còn rất lớn nhưng chưa được khai thác triệt để.

Ngành du lịch Nhật Bản còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển, vì tổng lượng du khách nước ngoài vẫn còn nhỏ so với nhiều quốc gia khác. Ví dụ, tại Pháp, điểm đến du lịch hàng đầu thế giới với 87 triệu lượt khách du lịch nước ngoài vào năm 2017, ngành du lịch chiếm 9% GDP năm 2017. Tokyo đứng thứ 9 về chi tiêu của du khách quốc tế trong năm 2017. Một số tiềm năng có thể khai thác hiệu quả tại Nhật Bản:

+ Phát triển các khu nghỉ dưỡng du lịch trượt tuyết: du khách nước ngoài giờ không chỉ đến các điểm tham quan của Nhật Bản dọc theo “Con đường vàng” nổi tiếng Tokyo- Núi Phú Sĩ - Kyoto. Nhật Bản còn rất nhiều khu vực du lịch cần phát triển đẩy mạnh quảng bá cho du khách. Nhằm phân loại các khu vực du lịch dựa trên thế mạnh và tiềm năng, Sách trắng du lịch năm 2019 của Nhật Bản nêu rõ, tám thành phố lớn gồm Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Aichi, Osaka, Kyoto và Hyogo thuộc vào loại đô thị, còn 41 khu vực còn lại là nông thôn. Theo đó, trượt tuyết đang là một trong những môn thể thao phổ biến và đang được chú trọng đầu tư. Hướng đi mới này được cho là đã giúp cho thị trấn Niseko của Hokkaido được mệnh danh là khu nghỉ dưỡng và trượt tuyết mang đẳng cấp thế giới. Không chỉ vậy, hướng phát triển du lịch mới này cũng đang khiến cho Niseko trở thành một trong những thị trường bất động sản “nóng” nhất Nhật Bản, khi ngày càng nhiều nhà chung cư xuất hiện nhằm phục vụ cho những khách trượt tuyết nước ngoài [5].

+ Phát triển sòng bạc: hiện nay, cá cược đua ngựa, đua thuyền và đua xe đạp được coi là hợp pháp ở Nhật Bản. Tuy nhiên, cho tới nay, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn cấm hoạt động sòng bạc. Tiềm năng lớn của thị trường casino Nhật đã thu hút sự chú ý của các tập đoàn sòng bạc hàng đầu thế giới như Sands, MGM hay Wynn. Các khu nghỉ dưỡng có sòng bạc có thể thúc đẩy tăng trưởng du lịch hơn nữa. Vào tháng 12 năm 2016, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật hợp pháp hóa hoạt động cờ bạc trong sòng bạc và vào tháng 7 năm 2018 đã cho phép xây dựng ba sòng bạc nghỉ dưỡng. Sòng bạc đầu tiên có khả năng sẽ ra mắt vào năm 2025 và tổng doanh thu từ ba sòng bạc dự kiến ​​sẽ lên tới 12 tỷ USD. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành thị trường cờ bạc, sòng bạc lớn nhất thế giới với doanh thu ở Ma Cao đạt gần 38 tỷ USD vào năm 2018[6].

2. Mục tiêu và các giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển du lịch

2.1. Mục tiêu

Mục tiêu của chiến lược du lịch nhằm nâng tầm ngành du lịch lên đẳng cấp thế giới. Nhật Bản sẵn sàng chào đón du khách quốc tế. Chính phủ muốn thúc đẩy trao đổi đa văn hóa để Nhật Bản có thể thực sự mở cửa với thế giới, phát triển nhanh chóng các dịch vụ và đổi mới trong lĩnh vực du lịch và từ đó tạo ra một chu kỳ tích cực giúp tăng trưởng nền kinh tế và công nghiệp khu vực. Để đạt được điều này, cần phải phát triển các nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú của Nhật Bản và quảng bá chúng theo những cách mà du khách trong nước và quốc tế có thể hiểu được. Cần tạo việc làm trong các ngành kinh tế khu vực thông qua du lịch, phát triển nguồn nhân lực và cải cách ngành du lịch để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, cần cải thiện nhanh chóng môi trường du khách: hải quan và xuất nhập cảnh, khách sạn và các hệ thống lưu trú, viễn thông, vận chuyển và thanh toán khác. Đồng thời, cần phải tạo ra cơ sở hạ tầng để cho phép mọi du khách, bao gồm cả người già và người khuyết tật, trải nghiệm "niềm vui khi đi du lịch".

Mục tiêu cụ thể Nhật Bản đặt ra cho ngành du lịch là: (i) khách quốc tế đến Nhật Bản đạt con số 40 triệu người vào năm 2020, và 60 triệu người vào năm 2030; (ii) chi tiêu của khách quốc tế đến Nhật Bản là 8000 tỷ yên (năm 2020) và 15.000 tỷ yên (năm 2030); (iii) chi tiêu của khách du lịch nội địa: 21.000 tỷ yên (năm 2020) và 22.000 tỷ yên (năm 2030); (iv) lượng khách du lịch quốc tế quay lại Nhật Bản: 24 triệu người (năm 2020) và 36 triệu người (năm 2030)[7].

2.2. Giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển du lịch

Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng việc thu hút khách du lịch quốc tế bởi đây là một

phương thúc xuất khẩu du lịch có hiệu quả

cao. Để tăng cường thu hút khách du lịch

quốc tế, Chính phủ Nhật Bản đã thực thi nhiều chính sách cụ thể:

Thứ nhất, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.

Nhật Bản là nước rất coi trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và du lịch. Họ có cả một quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhờ vậy mà du lịch của Nhật Bản đạt được nhiều kết quả. Những danh mục đầu tư cho phát triển du lịch mà Chính phủ Nhật Bản chú trọng gồm:

- Đầu tư quy hoạch và phát triển đường giao thông.

Năm 2016, Nhật Bản dành 6,2 nghìn tỷ yên (61 tỷ USD) cho phát triển cơ sở hạ tầng để tăng gấp đôi lượng khách du lịch đến nước này và nhắm đến mục tiêu tăng lên 40 triệu du khách đến thời điểm Olympics mùa hè ở Tokyo vào năm 2020. Khoản chi tiêu này, được chấp thuận bởi nội các là một phần của gói kích thích trị giá 28 nghìn tỷ yên mà Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã tuyên bố trong một bài phát biểu, nhằm hồi phục nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và tăng tốc tiến trình thoát khỏi tình trạng giảm phát. Chính phủ sẽ hỗ trợ mở rộng các cảng biển, nơi các du thuyền lớn neo đậu, tăng quy mô sân bay ở Tokyo và các vùng kinh tế, và củng cố các trạm giao thông. Chính phủ cũng sẽ đưa ra các khoản vay giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đường ray đệm từ trường nối liền Nagoya và Osaka sớm hơn 8 năm, ban đầu được dự kiến hoàn thiện vào năm 2045. Cùng với đó, công ty đường sắt trung ương Nhật Bản đang phát triển một đường ray đệm từ trường trị giá 9 nghìn tỷ yên. Phần đường ray nối Tokyo và Nagoya được dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027 với tổng chi phí 5,5 nghìn tỷ yên, trong khi đường ray đi đến Osaka sẽ được bắt đầu xây dựng vào năm 2035[8].

- Đầu tư và cải tạo các cơ sở lưu trú.

Khi số lượng khách du lịch đến Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh, ngành du lịch của quốc gia này phải đối mặt với các vấn đề về nơi lưu trú. Cả chính phủ và các doanh nghiệp cần phải xem xét các cách để ngăn chặn vấn đề này có tác động tiêu cực đến du lịch. Tỷ lệ lấp đầy phòng trung bình trên toàn quốc tại các khách sạn tại thành phố từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2015 là 78%, nhưng con số này là 83% ở Tokyo và 87% ở Osaka. Một số khách du lịch tiềm năng được cho là đã từ bỏ việc đến Nhật Bản vì họ không thể đảm bảo việc đặt phòng khách sạn. Một giải pháp để thu hút nhiều khách du lịch hơn mà không cần phải mở rộng xây dựng thêm các khách sạn mới là quảng bá các nhà trọ truyền thống của Nhật Bản (ryokan) dễ tiếp cận hơn đối với du khách nước ngoài. Tỷ lệ lấp đầy cho các nhà trọ như vậy thấp hơn nhiều so với các khách sạn  63% ở Tokyo và 51% ở Osaka. Việc đặt phòng qua internet sẽ giúp khách du lịch đặt phòng dễ dàng hơn tại các nhà trọ này, nhân viên cần được đào tạo để có thể phục vụ tốt những du khách nước ngoài và biển hiệu nên được viết bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Anh và tiếng Trung[9].

Thứ hai, khôi phục và phát triển các ngành du lịch truyền thống của địa phương.

Hiện nay, ở Nhật Bản, hơn 100 làng nghề đã được công nhận là những làng nghề cổ kính, lịch sử và trở thành những điểm du lịch văn hóa nổi tiếng. Nhật Bản được biết đến với nghệ thuật và thủ công truyền thống trong các mặt hàng như giấy washi, kimono, gốm sứ, đồ sơn mài và nhạc cụ. Ẩm thực Nhật Bản cũng đang có được sức hút như sushi, rượu sake, mì soba, trà và mochi. Đây là cơ sở quan trọng để đất nước Nhật Bản ban hành một chiến lược phát triển du lịch mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản. Chiến lược đặt mục tiêu: “Ngành công nghiệp du lịch đẳng cấp thế giới” Nhật Bản sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế. Phát triển du lịch làng nghề truyền thống cũng là hướng đi Nhật Bản rất quan tâm, trong đó coi trọng việc giữ gìn cảnh quan môi trường. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều biện pháp nhằm tối đa hóa sự hấp dẫn của các tài nguyên du lịch để đưa du lịch thành nền tảng cho sự khôi phục cấp vùng; thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế vào tham quan các điểm di sản công. Dự án cần thực hiện sẽ là: các điểm di sản nổi bật về giá trị lịch sử và truyền thống của quốc gia sẽ được mở cửa cho tất cả các đối tượng du khách, như Akasaka State Guest House[10], Kyoto State Guest House[11].

Thứ ba, kích cầu du lịch trong nước.

Vào tháng 4/2020, ngành du lịch Nhật Bản chịu thiệt hại nặng vì đại dịch Covid-19.

Riêng trong tháng đó, Nhật Bản chỉ đón khoảng 2.900 du khách quốc tế, giảm 99,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1964 số du khách quốc tế đến Nhật Bản xuống dưới 10.000 người. Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go to travel” được Chính phủ Nhật Bản công bố từ cuối tháng 7 năm 2020 nhằm vực dậy ngành du lịch của đất nước mặt trời mọc đang bị “tấn công nặng nề” bởi các lệnh hạn chế đi lại nhằm ngặn chặn sự lây lan của Covid-19. Chiến dịch “Go to” là một sáng kiến trị giá 1,7 nghìn tỷ yên bao gồm các lĩnh vực du lịch, ẩm thực và giải trí nhằm giúp kích thích nền kinh tế Nhật Bản đang trong đà suy thoái vì Covid-19. “Go to travel” là một chương trình nằm trong chiến dịch bốn phần nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch - những phần khác là Go to eat, Go to eventGo to shotengai (phố mua sắm). Đối tượng của “Go to travel” là tất cả người dân, gồm cả người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản. Theo đó, chương trình “Go to travel” tài trợ tới 50% chi phí đi lại cho các chuyến đi trong nước, gồm các chuyến đi qua đêm và trong ngày (giới hạn 20.000 yên/người/đêm và 10.000 yên/người/ngày), bao gồm phí ăn ở và phí vận chuyển. Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp 35% tổng chi phí; 15% còn lại là phiếu giảm giá có thể được sử dụng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, tham quan và mua sắm có đăng ký tham gia chương trình này. Với ưu đãi tuyệt vời thông qua “Go to travel”, Japan Rail cũng đã tham gia giảm giá lớn cho nhiều dịch vụ Shinkansen và thẻ 3 ngày mới, chỉ dành cho những người mang hộ chiếu nước ngoài[12]. Theo báo cáo của Bộ Đất đai, Giao thông và Hạ tầng cơ sở, thống kê trong tháng 8 năm 2020, số người nghỉ trọ được hỗ trợ từ chính sách kích cầu du lịch "Go to travel" của Chính phủ là 13,39 triệu người, tương đương với trên 20% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát và đang có xu hướng gia tăng và có trên 22.000 doanh nghiệp kinh doanh nghỉ trọ, chiếm trên 63% tổng số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, đã tham gia chiến dịch kích cầu du lịch[13].

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển du lịch.

Công nghệ làm cho cuộc sống trở nên thuận tiện, thoải mái và dễ dàng hơn. Chúng ta có thể nhận được bất cứ thứ gì chỉ bằng một cú nhấp chuột. Những thay đổi này cũng xảy ra trong lĩnh vực du lịch. Một số tiện ích từ công nghệ cao vào phát triển du lịch có thể được kể đến như sau:

- Nhật Bản đã cho áp dụng công nghệ để hỗ trợ cho quá trình tiếp nhận hồ sơ và cấp visa, thực hiện chính sách miễn visa cho 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhật Bản có chính sách thị thực đặc biệt cho công dân của các quốc gia CIS (trừ Nga) và Gruzia. Nếu công dân của các quốc gia này không thể chứng minh tài chính và tự xin thị thực thì họ phải xin qua một đại lý du lịch được cấp phép hoặc được mời bởi một công dân hoặc người định cư tại Nhật Bản.

- Xây dựng hành lang du lịch mới, cho phép du khách có thể đi đến mọi miền đất nước của Nhật Bản. Để hỗ trợ cho chính sách trên, công ty đường sắt Nhật Bản JR đã phát hành loại vé Japan Railway Pass nhằm giúp cho các du khách nước ngoài được dễ dàng và thuận tiện hơn khi du lịch tại Nhật Bản. Đây là loại vé đặc biệt, có thể lên xuống thoải mái các tuyến tàu, xe buýt trên toàn quốc do công ty JR vận hành, kể cả shinkansen với chi phí tiết kiệm nhất.

- Cộng đồng người Nhật đã tạo ra những sản phẩm du lịch ấn tượng và đầy tính nghệ thuật bằng cách áp dụng các kĩ thuật của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp như: sử dụng các phần mềm thiết kế trên máy tính để vẽ và tính toán hình ảnh để làm sao có thể nhìn thấy từ xa nhằm mục đích tăng tính quảng cáo thương mại, sau đó khi thời vụ đến người ta chọn ra các giống lúa/giống hoa/giống trái cây (loại chuyển đổi gen) để tạo ra nhiều gam màu khác lạ như đỏ đậm, vàng, trắng và pha trộn với các giống cây truyền thống để làm ra các thiết kế như đã vẽ trên máy vi tính, biến những ruộng lúa/vườn cây thành những bức tranh đẹp, trở thành điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua.

3. Một số kết quả đạt được

Nhờ vào những chính sách hợp lý, kịp thời của chính phủ mà ngành du lịch của Nhật Bản đã có bước phát triển thần kỳ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Số lượng khách quốc tế đến Nhật Bản luôn tăng mạnh qua các năm gần đây.


Biểu đồ: Số lượng khách quốc tế du lịch đến Nhật Bản

Một số giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển du lịch ở Nhật Bản từ năm 2012 đến nay

Nguồn: https://statistics.jnto.go.jp/en/graph/#graph--inbound--travelers--transition


Qua số liệu thống kê của ngành du lịch Nhật Bản từ năm 2012 trở lại đây, số lượng khách Nhật Bản đi du lịch nước ngoài thường dao động ở con số 16 triệu đến hơn 20 triệu khách/năm[14]. Năm 2016, khách du lịch đến Nhật Bản tăng 21,79% so với năm trước đó; năm 2017 tăng 19,34%, năm 2018 tăng 8,71% và năm 2019 tăng 2,2%. Năm 2011, khi thảm họa xảy ra, số lượng khách quốc tế tới Nhật Bản chỉ khoảng 6,21 triệu khách; nhưng đến năm 2019, số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản ghi dấu cao nhất từ trước tới nay, đạt 31,88 triệu lượt. Năm 2018, hoạt động lữ hành và du lịch của Nhật Bản đã đóng góp 40.604,2 tỷ yên cho nền kinh tế, tương đương với 367,7 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành nền kinh tế lữ hành và du lịch lớn thứ 3 trên thế giới. Lữ hành và du lịch tại Nhật Bản đã đạt tỷ lệ tăng trưởng 3,6%/năm, đóng góp 7,4% GDP cho nền kinh tế Nhật Bản; đã hỗ trợ được 4,6 triệu việc làm chiếm 6,9% tổng số việc làm[15].

Về cơ cấu khách du lịch, nhiều nhất là từ các nước và vùng lãnh thổ khu vực Đông Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Theo Cơ quan du lịch quốc gia Nhật Bản, khoảng 75% khách du lịch quốc tế đến Nhật chọn lưu trú tại khách sạn, 18% ở tại các khách sạn kiểu Nhật, 12% ở nhà dân và phòng trọ gọi là “minpaku” cho khách du lịch thuê. Tỷ lệ kín phòng ở các khách sạn trong thành phố và khách sạn công vụ đạt khoảng 80% trên toàn quốc, nhưng thường kín phòng tại Tokyo và các thành phố chính như Nagoya, Osaka và Fukuoka và các khu vực phụ cận[16]. Tuy nhiên, trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 đang bùng phát tại Nhật Bản đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của Nhật Bản. Lượt khách quốc tế cũng như chỉ số chi tiêu tiêu dùng của du khách giảm mạnh trong năm 2020.

Lượng chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ, sản phẩm của Nhật Bản đạt kỷ lục 4,81 nghìn tỷ yên (tương đương 43,6 tỷ USD) trong năm 2019. Đến nay, việc du khách nước ngoài đến Nhật Bản gia tăng được xem là liều thuốc cho Nhật Bản đang phải đối mặt với giảm phát và tăng trưởng thấp. Nhật Bản có thể tận dụng hiệu quả nhu cầu từ các quốc gia đang tăng trưởng nhanh. Với sự gia tăng về số lượng, tiêu dùng của khách du lịch đến Nhật Bản cũng tăng liên tục từ năm 2011 đến 2019. Năm 2011, lượng chi tiêu mới chỉ đạt 813,5 tỷ yên, đến năm 2019 con số này lên đến 4.811,3 tỷ yên. Đặc biệt là khách du lịch đến từ châu Á, họ mua nhiều thứ từ đồ cao cấp đến những vật dụng đơn giản hàng ngày. Tuy nhiên Năm 2020, giá trị chi tiêu cho du lịch của du khách quốc tế tại Nhật Bản đạt khoảng 740 tỷ yên, giảm hơn 4 nghìn tỷ yên so với năm trước. Tiêu thụ du lịch do du khách nước ngoài tạo ra đã giảm đáng kể vào năm 2020, sau sự xuất hiện của đại dịch Covid-19.



Tóm lại, quá trình phát triển của ngành du lịch Nhật Bản trước và trong những năm đầu của thế kỉ XXI chúng ta có thể thấy rằng chưa bao giờ du lịch được đánh giá là một ngành kinh tế phát triển, có ảnh hưởng to lớn đến cán cân thương mại và kinh tế của Nhật Bản. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay thì du lịch lại được xem là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng thần kì khi lượng khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản ngày càng gia tăng. Nhật Bản trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á. Kết quả trên phần nào đã cho thấy sự thành công của việc xây dựng, hoạch định chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp của Chính phủ Nhật Bản mà điểm nhấn là chính sách “Abenomics” với việc làm cho các thủ tục tài chính được dễ dàng, thuận lợi, cũng như làm suy yếu đồng yên Nhật để thuận lợi cho hoạt động giao thương - xuất khẩu hàng hóa Nhật Bản ra nước ngoài như đã trình bày ở trên. Chính sách này ngay lập tức đã giúp cho giá cả hàng hóa và dịch vụ du lịch ở Nhật Bản rẻ hơn, qua đó kích thích du lịch trong nước phát triển và thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế tới thăm Nhật Bản, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường châu Á.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Thúy Hạnh (2017), “Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững ở Nhật Bản và một số gợi ý cho ngành du lịch Việt Nam”, Nghiên cứu Văn hóa, số 22, tháng 12.
  2. Hoàng Thị Mai Hồng, “Chính sách kinh tế Abenomics của Nhật Bản và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam”, Tạp chí Công thương, https://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/chinh-sach-kinh-te-abenomics-cua-nhat-ban-va-mot-so-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam-77357.htm.
  3. Phạm Trương Hoàng (2008), “Kinh nghiệm du lịch sinh thái tại Nhật Bản đối với Việt Nam”, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 6.
  4. Trần Văn Kinh (1998), “Tìm hiểu về đặc điểm của văn hóa Nhật Bản”, Nghiên cứu Nhật Bản, số 3 (15)-1998, tr. 37 - 42.
  5. Hà Thái, “Kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch và nghiên cứu áp dụng cho Việt Nam”, http://itdr.org.vn/kinh-nghiem-cua-nhat-ban-trong-van-de-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-de-phat-trien-du-lich-va-nghien-cuu-ap-dung-cho-viet-nam/.
  6. Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism (2007), “White Paper on Land, Infrastructure, Transport and Tourism”, Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism, http://www.mlit.go.jp/common/00003 3279.pdf.
  7. Hirota Masakazu (2009), Sustainable Tourism Development and Japan Policies, Mejiro University Tokyo, Japan and Japan Foundation.
  8. Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism (2016), “New tourism strategy to invigorate the Japanese economy”, Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism, https://www.mlit.go.jp/common/0011 72615.pdf.

 


[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Thanh Hà, “Những thách thức đặt ra cho kinh tế Nhật sau thảm họa sóng thần 2011”, https://www.rfi.fr/vi/kinh-te/20120313-nhung-thach-thuc-dat-ra-cho-kinh-te-nhat-sau-tham-hoa-song-than-2011.

[3] “White Paper on Tourism in Japan, 2012”, MLIT, https://www.mlit.go.jp/common/000221177.pdf.

[4] Nguyễn Cẩm Tâm, “Chính sách Abenomics và những bài học với kinh tế Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/chinh-sach-abenomics-va-nhung-bai-hoc-voi-kinh-te-viet-nam-13712.html.

[5] The Government of Japan, “Tapping the Potential ofJapan’s Undeveloped Tourism Resources”, JapanGov, https://www.japan.go.jp/tomodachi/2016/spring-sum mer2016/tapping_potential_of_tourism_resources.html.

[6] Masakazu Takeda, “Japan's Tourism Industry Taking Off”, Hennessyfunds, https://www.hennessyfunds.com/ insights/sector-highlight-japan-toursim.

[7] Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism (2016), “New tourism strategy to invigorate the Japanese economy”, Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism, https://www.mlit.go.jp/common/00117 2615.pdf.

[8] Minh Vy, “Nhật Bản chi 61 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng”, Thời báo Tài chính Việt Nam, http:// thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2016-08-04/nhat-ban-chi-61-ty-usd-cho-phat-trien-co-so-ha-tang-34262.aspx.

[9] “Expanding tourist accommodations”, The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/opinion/2016/01/04/editorials/expanding-tourist-accommodations/.

[10] Nơi ở của Hoàng thái tử, được xây dựng từ năm 1909 và trở thành một trong những cung điện hoàng gia đẹp của Nhật Bản. Ngày nay, nơi này được dùng để tiếp đón các phái đoàn ngoại giao và các quan chức nhà nước.

[11] Được xây dựng vào năm 2005 với mục đích tiếp đón và làm nơi lưu trú cho các nguyên thủ quốc gia của các nước đến tham dự những hội nghị quan trọng được tổ chức tại Nhật Bản.

[12] Minh Châu, “Chính phủ Nhật Bản cấp tiền cho người dân đi du lịch trong nước”, https://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-phu-nhat-ban-cap-tien-cho-nguoi-dan-di-du-lich-trong-nuoc-20200527133445142.htm.

[13] Quang Hưng, “Hơn 13 triệu người Nhật tham gia chiến dịch "go to travel", https://vtv.vn/kinh-te/hon-13-trieu-nguoi-nhat-tham-gia-chien-dich-go-to-travel-20200 91710172993.htm.

[14] Anh Anh, “Sự phát triển thần kỳ của du lịch Nhật Bản”, https://travelmag.vn/su-phat-trien-than-ky-cua-du-lich-nhat-ban-d16674.html.

[15] Phạm Thị Thu Hà, “Phát triển du lịch bền vững của Nhật Bản và một số gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Công thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-du-lich-ben-vung-cua-nhat-ban-va-mot-so-goi-y-cho-viet-nam-.htm.

[16] Hoàng Mai, “Chính sách phát triển du lịch Nhật Bản và những bài học cho xây dựng chính sách phát triển du lịch Việt Nam”, http://itdr.org.vn/nghien_cuu/chinh-sach-phat-trien-du-lich-nhat-ban-va-nhung-bai-hoc-cho-xay-dung-chinh-sach-phat-trien-du-lich-viet-nam/.

 

0thảo luận