Nguyễn Ngọc Phương Trang1
Tóm tắt: Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, do sự thay đổi về Luật Pháp nhân tôn giáo cũng như sự biến động của đời sống xã hội, số lượng các tổ chức tôn giáo mới ở Nhật Bản tăng lên nhanh chóng. Ngoài các tổ chức mới thành lập, còn có các tổ chức đã ra đời trước khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, song bây giờ mới có điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Trong số đó, Soka Gakkai (創価学会- Sáng giá Học hội) là tổ chức Phật giáo mới, có số tín đồ đông đảo, tham gia nhiều lĩnh vực như giáo dục, xuất bản, chính trị... Đặc biệt, ảnh hưởng của Soka Gakkai ở các quốc gia ngoài Nhật Bản cũng khá đáng kể, hội Soka Gakkai quốc tế (Soka Gakkai International - SGI) hoạt động tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một tổ chức Phật giáo mới ra đời từ năm 1930 ở Nhật Bản lại có sức hấp dẫn như vậy, chính là nhờ vào giáo lý chặt chẽ, thiết thực và cách truyền giáo và tổ chức hoạt động linh hoạt, bám sát hoàn cảnh thực tế.
Từ khóa: SGI (Soka Gakkai International), Soka Gakkai, Nhật Liên Tông
1. Giới thiệu chung về Soka Gakkai[1]
1.1. Sự ra đời và phát triển của Soka Gakkai
Soka Gakkai (創価学会- Sáng giá Học hội) khởi nguồn vào năm 1930, khi hai ông Makiguchi Tsunesaburo (1871-1944) và Toda Josei (1900-1958) sáng lập ra “Soka Kyoiku Gakkai” (創価教育学会- Học hội giáo dục Sáng giá) với mục đích cải cách giáo dục dựa vào triết lý giáo dục của Makiguchi, gọi là “Học thuyết giáo dục Soka” (創価教育学説), nhằm xây dựng xã hội và con người theo hướng Phật pháp. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Makiguchi và Toda không theo tư tưởng lấy Thần đạo quốc gia làm trung tâm nên bị bắt giam năm 1943, Makiguchi đã mất trong thời gian ngồi tù. Tháng 7 năm 1945, Toda được phóng thích, ông quyết tâm gây dựng lại tổ chức, đổi tên thành “Soka Gakkai” với ý nghĩa là Học hội Sáng (tạo) giá (trị), trở thành Hội trưởng đời thứ hai sau Makiguchi, đẩy mạnh hoạt động truyền giáo Shakubuku (折伏 - Chiết phục)[2]. Nhờ vậy, cùng với việc được công nhận tư cách pháp nhân tôn giáo tại Nhật Bản năm 1952, số lượng tín đồ Soka Gakkai đã đạt tới 765.000 hộ gia đình (世帯-setai)[3] vào năm 1957. Sau khi Toda qua đời năm 1958, Ikeda Daisaku nhận chức Hội trưởng đời thứ ba từ năm 1960 tới năm 1979 (song vẫn giữ chức Hội trưởng danh dự cho tới nay), tiếp theo là Hojo Hiroshi (giữ chức từ năm 1979 tới năm 1981), Akiya Einosuke (giữ chức từ năm 1981 tới năm 2006), Harada Minoru (giữ chức từ năm 2006 tới nay). Theo Niên giám tôn giáo hàng năm, vào năm 1961, số lượng tín đồ của Soka Gakkai ở Nhật Bản là 1.300.000 hộ gia đình, tới năm 1968, con số này đã vượt qua con số 8.000.000 hộ. Cơ cấu tổ chức của Soka Gakkai bao gồm Hội Soka Gakkai Quốc tế (SGI, chính thức được thành lập năm 1975) và Soka Gakkai Nhật Bản, hai bên tuy đều thuộc Soka Gakkai và đều có trụ sở tại Tokyo song hoạt động độc lập. Trong đó Soka Gakkai Nhật Bản có số gia đình hội viên chính thức tại Nhật là 8.270.000 hộ gia đình[4], từ Hokkaido tới Okinawa được chia làm 13 vùng quản lý, cùng với các chi nhánh ở từng tỉnh, tạo thành mạng lưới tổ chức chặt chẽ. Hội SGI, là tập hợp của tín đồ Soka Gakkai các quốc gia ngoài Nhật Bản, đã có mặt tại 192 nước và vùng lãnh thổ với 2.200.000 tín đồ[5].
1.2. Giáo lý của Soka Gakkai
Soka Gakkai là một tổ chức Phật giáo mới, dựa trên nền tảng Phật giáo Nhật Liên Tông[6] (日蓮宗-Nichirenshu), với giáo lý kinh điển của Nhật Liên Tông là Pháp Hoa Kinh (tên tiếng Anh là Lotus Sutra, tiếng Nhật là Hokekyou-法華経), nhấn mạnh vào hai phẩm của Pháp Hoa Kinh là “Phương tiện phẩm, Thọ lượng phẩm” (方便品・寿量品), “Tân biên Nhật Liên đại thánh nhân ngự thư toàn tập” và “Nhật Liên đại thánh nhân ngự thư từ điển”. Trên cơ sở đó, Soka Gakkai lấy phương châm hoạt động hướng tới “hạnh phúc của muôn người”, “hòa bình thế giới”, “tôn trọng sinh mệnh”. Mục tiêu của Soka Gakkai là truyền bá Pháp Hoa Kinh và xây dựng giới đàn bản môn (本門戒壇) để thờ phụng bản tôn của bản môn (本門の本尊) trong chùa Taiseki (大石寺)[7]. Do xuất phát từ nền tảng Nhật Liên Tông, Soka Gakkai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Gohonzon[8] (御本尊 - Ngự bản tôn), tập trung tụng câu “Nam mô Diệu pháp Liên Hoa Kinh”[9], đồng thời triển khai một hình thức Phật giáo cụ thể hơn, đó là Kosen rufu[10] (広宣流布 - Quảng tuyên lưu bố), hướng tới một hình thức Phật giáo mang tính toàn cầu.
Tư tưởng “Lập chính an quốc” (立正安国) của Đại sư Nhật Liên cũng được Soka Gakkai kế thừa, trong đó “Lập chính” là con người lấy chính pháp làm nền tảng cuộc sống của họ, và lý tưởng “Tôn trọng sinh mệnh” được xác lập như nguyên lý cơ bản để vận hành xã hội. Từ đó, sẽ thực hiện được “An quốc”, tức hòa bình thịnh vượng cho xã hội và an vui cho mỗi người[11]. Đây cũng là một trong những mục tiêu hướng tới trong hoạt động của Soka Gakkai. Với nền tảng triết lý của Nhật Liên Tông, Hội trưởng Ikeda Daisaku đã vận dụng tính thực hành trong tư tưởng của phái này, viết nên các tác phẩm “Cách mạng con người” (人間革命), “Tân cách mạng con người”(新・人間革命), dẫn dắt tín đồ của Soka Gakkai thực hành Phật giáo Nhật Liên vào trong đời sống thật, với quyết tâm “cùng với cuộc cách mạng con người vĩ đại trong từng cá nhân, sẽ đưa tới sự thay đổi vận mệnh của đất nước, hơn nữa có thể thay đổi vận mệnh của cả nhân loại”[12]. Lối thực hành Zadankai (座談会- Tọa đàm hội) được tổ chức định kỳ trong các chi hội của Soka Gakkai khắp thế giới, trong đó từng nhóm tín đồ tầm 10-20 người, ngồi thành vòng tròn quay mặt vào nhau, cùng tụng Daimoku (tức câu tụng “Nam mô Diệu pháp Liên Hoa Kinh”), sau đó trao đổi các kinh nghiệm tu tập, giải đáp các thắc mắc của nhau, khuyến khích và giúp đỡ những người mới gia nhập. Các tín đồ Soka Gakkai sống và làm việc trong xã hội và gắn việc thực hành Phật pháp vào thói quen hàng ngày trong cuộc sống.
2. Hoạt động của tổ chức SGI
2.1. SGI tại Hoa Kỳ
Hiện nay, ở khu vực Bắc Mỹ, số lượng tín đồ Soka Gakkai là 352.000 người[13], riêng ở Mỹ có khoảng 3.000 nhóm thảo luận thực hành theo khu phố (một hình thức của Zadankai) và 100 chi hội[14]. Tuy tổ chức SGI được chính thức thành lập năm 1975, nhưng Soka Gakkai đã có mặt ở các quốc gia ngoài phạm vi Nhật Bản từ trước đó. Ở châu Mỹ, quốc gia mà Soka Gakkai có ảnh hưởng sớm nhất cũng như có hoạt động mạnh mẽ nhất cho tới bây giờ chính là Mỹ. Bắt nguồn từ việc sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, những người Nhật là tín đồ Soka Gakkai, kết hôn với quân nhân Mỹ và theo chồng về Mỹ, đã giới thiệu Soka Gakkai cho chồng, gia đình cũng như bạn bè của chồng. Trong giai đoạn đầu ở Mỹ, Soka Gakkai được khá nhiều người nhập cư từ Nhật Bản hướng tới, lúc này Soka Gakkai như một cộng đồng kết nối những người nhập cư từ Nhật Bản. Các cuộc Zadankai được tổ chức theo cách truyền thống, trong đó “những người tham gia nói tiếng Nhật, bỏ giày ở ngoài cửa và quỳ trên sàn để tụng Daimoku” và ngồi “theo nhóm giới tính”[15]. Tiếp theo, Masayasu Sadanaga[16], hay còn gọi là George Williams đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của Soka Gakkai trong cộng đồng người Mỹ không phải gốc Nhật. Năm 1960, Hội trưởng Ikeda Daisaku tới thăm các chi hội tại Mỹ, Canada, Brasil và năm 1963, trụ sở chính thức của Soka Gakkai được khai trương ở Los Angeles. Cách truyền giáo Shakubuku, cộng thêm vào đó là những buổi Zadankai với nhiều hoạt động thú vị, khác hẳn với những buổi giảng đạo nghiêm trang thông thường ở các nhà thờ, đã giúp Soka Gakkai có thêm một lượng lớn tín đồ từ cuối những năm 1960 cho tới giữa những năm 1970. Theo thống kê vào đầu năm 2000, nơi có số lượng tín đồ lớn nhất là ở California, khoảng 60.000 đến 70.000, các địa phương còn lại ở Mỹ ước tính có khoảng 50.000 tín đồ, tổng cộng có khoảng 110.000 đến 120.000 tín đồ[17]. Trong đó, 75% số tín đồ là người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Phi, chưa tới 15% là người Mỹ gốc Nhật. Phương thức truyền giáo chủ yếu sau khi không áp dụng phương thức Shakubuku[18], là qua các mối quan hệ cá nhân, ví dụ như một tín đồ sẽ giới thiệu Soka Gakkai tới với bạn mình, nếu thành công thì người bạn đó lại giới thiệu tới những người bạn riêng của họ. Ở Hawaii, tổ chức có số tín đồ tuy nhỏ hơn ở lục địa, song cũng không quá ít, từ 16 tín đồ vào năm 1960 cho tới khoảng 10.000 đến 12.000 người vào năm 1997[19]. Tuy nhiên, so với ở lục địa thì Soka Gakkai ở Hawaii không thu hút được nhiều tín đồ không có gốc Nhật, những người trẻ tuổi, đặc biệt là nam giới. Độ tuổi trung bình của các tín đồ cũng khá lớn, khoảng 60% đến 70% là người trên 45 tuổi, số lượng tín đồ nữ chiếm tới khoảng 70%. Các lãnh đạo chi hội ở Hawaii cố gắng thu hút thêm tín đồ không phải gốc Nhật, họ tập trung vào khía cạnh văn hóa như những buổi trình diễn, hoặc nhấn mạnh vào các tác phẩm viết về hòa bình, khoa học của Ikeda Daisaku nhằm giúp những người xa lạ với tôn giáo phương Đông có thể nhận ra sự hấp dẫn của Soka Gakkai.
Các tín đồ ở California, tham gia Soka Gakkai vào những năm 1960, cho biết trước khi biết tới Soka Gakkai, bản thân họ đang cố gắng tìm ra một lý tưởng về mặt tinh thần để giải thoát mình khỏi những khổ đau của con người, bởi vì họ đang mất lòng tin về cuộc sống. Triết lý của Soka Gakkai đã đáp ứng yêu cầu đó, thay đổi cách họ nhận thức về mọi việc, thông qua nghi lễ và tụng Daimoku hàng ngày. Soka Gakkai giúp họ tìm thấy cách giải thích về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, từ những tư tưởng của đại sư Nhật Liên, nhận ra những trở ngại lớn trong chính bản thân, trong đó có cả chủ nghĩa cá nhân và sự ích kỷ. Họ nhận thấy Soka Gakkai là một hệ tư tưởng mang tính toàn cầu, không né tránh thực tại mà đương đầu với những thách thức của xã hội đương thời. Việc tụng Daimoku nghiêm túc sẽ khai phá được sức mạnh tiềm ẩn của vũ trụ tâm linh, điều có ảnh hưởng đến những hiện tượng và sự kiện tự nhiên. Điều này xuất phát từ quan niệm của đại sư Nhật Liên, ông kịch liệt phản đối cõi Tịnh độ (Pure Land) và Phật giáo truyền thống Nhật Bản chỉ nhấn mạnh đến một thiên đường ở một thế giới khác. Ông cho rằng điều đó làm cá nhân con người quên mất trách nhiệm của mình, đó là đưa Nhật Bản trở thành mô hình lý tưởng của xã hội loài người, tức trở thành một quốc gia Phật giáo, được ánh sáng của Phật pháp soi tỏ, mỗi tín đồ đều có nhiệm vụ hoằng pháp để xây dựng một xã hội phúc lợi tốt đẹp, hoàn mỹ cho từng cá nhân và cộng đồng. Các trung tâm văn hóa và giáo dục của Soka Gakkai cũng được thiết lập tại Mỹ, như “Trung tâm Ikeda: Hòa bình, Học tập và Đối thoại” (năm 1993), tên trước đây là “Trung tâm Boston: Nghiên cứu thế kỷ XXI” ở Cambridge, Massachusetts; “Viện Toda: Nghiên cứu chính sách và hòa bình toàn cầu” ở Tokyo và Honolulu, Hawaii (năm 1996); đặc biệt là Đại học Soka của Mỹ (Soka University of America) chuyên về khoa học xã hội, thành lập năm 2001 tại Aliso Vejio, California[20].
Những tín đồ gia nhập Soka Gakkai những năm 1960-1970 cho biết Soka Gakkai đã giúp tinh thần của họ được sáng tỏ, từ đó có thể tham gia vào việc kiến thiết xã hội và đem lại hòa bình cho thế giới, đồng thời tìm được năng lượng sống tích cực cho bản thân. Hơn nữa, Soka Gakkai thích nghi được trên toàn cầu vì không yêu cầu tín đồ nào phải từ bỏ nền văn hóa bản địa hoặc quốc tịch của mình nếu muốn tham gia đầy đủ các buổi thảo luận Zadankai cũng như hoạt động của Soka Gakkai. Một điều đáng chú ý là các cuộc họp của Soka Gakkai được tổ chức vào chủ nhật để phù hợp với thói quen đi nhà thờ của người phương Tây, nhưng tại Nhật Bản thì nó thường được diễn ra vào các ngày trong tuần. Các nhà nghiên cứu cho rằng “trải nghiệm yên bình ở Mỹ của Soka Gakkai thể hiện ở chỗ SGI Hoa Kỳ tuân thủ các thể chế xã hội của Mỹ và ở lịch sử cải cách nhằm làm cho tôn giáo từ Nhật Bản này giống Mỹ nhất có thể”[21].
2.2. SGI ở châu Âu
So với châu Mỹ- nơi có cộng đồng gốc Nhật đông đảo và giao lưu cởi mở với Nhật Bản, hay châu Á- gần gũi về văn hóa và địa lý, thì châu Âu không có nhiều điều kiện thuận lợi để tôn giáo mới Nhật Bản thu hút tín đồ, do yếu tố khách quan như vị trí địa lý, về văn hóa thì mang ảnh hưởng của Kitô giáo, chưa kể cộng đồng gốc Nhật không lớn. So sánh với chỉ riêng vùng Bắc Mỹ, tổng số tín đồ SGI ở châu Âu khá khiêm tốn, chỉ khoảng 130.000 người[22]. Năm 1970, ở Đức có hơn 500 tín đồ, ở Thụy Sỹ có trên dưới 30 tín đồ, còn ở Áo chỉ vỏn vẹn 15 tín đồ vào năm 1974, tất cả là người Nhật. Tới năm 2013, Áo có 853 tín đồ[23]. Ở Italia, số tín đồ khá lớn, hơn 60.000 người[24]. Tuy nhiên, những người được giới thiệu tới với Soka Gakkai dần có niềm tin khá vững chắc và trở thành tín đồ lâu năm, mặc dù được trưởng thành trong gia đình theo Kitô giáo. Bà Susanne Pritchard, phụ trách ban Phụ nữ của SGI châu Âu[25], đã có kinh nghiệm hoạt động trong SGI gần 30 nước từ Tây Âu tới Đông Âu, cho biết: “Tôi đến với Soka Gakkai khi tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học. Khi đó, tôi vẫn là một người theo Kitô giáo, đều đặn tới nhà thờ. Song chứng kiến tình cảnh thế giới khi đó, tôi không thấy tin tưởng lắm vào tình yêu của thánh thần. Trên thế giới tỷ lệ tội phạm cũng tăng lên, thảm họa tự nhiên cũng nhiều hơn, tôi thấy như đang sống ở một thời đại bất ổn. Đó là khởi đầu việc tôi tới với Soka Gakkai. Tôi được bạn thân rủ tới buổi thảo luận về Phật pháp, khi đó tôi chỉ nghĩ mình thử đi xem sao. Mọi người ở đó vô cùng vui vẻ, nồng hậu, và thảo luận sôi nổi về triết học cũng như cuộc đời. Trong lúc thảo luận với mọi người, tôi tiếp cận với các cách cảm nhận về Phật pháp khác nhau. Khi trải nghiệm việc tụng Daimoku, từ bên trong tôi sôi sục một nguồn năng lượng, khiến tôi cảm thấy phấn chấn. Tuy là chuyện từ 40 năm trước, song bây giờ tôi vẫn nhớ rõ cảm giác đó. Nhật Liên Phật pháp chính là giúp con người tự tìm hiểu bản thân, đó như một cuộc hành trình. Sau một năm trải nghiệm như vậy, tôi đã gia nhập Soka Gakkai”[26]. Song do là tín đồ của Kitô giáo nên Susanne khi đó vẫn thường tới nhà thờ. Tuy vậy, bà nhận ra trong Kitô giáo, thánh thần là tuyệt đối, con người nằm trong mối quan hệ phụ thuộc vào thánh thần. Tất nhiên Kitô giáo có rất nhiều điểm hay, song Susanne thấy ở đó mình không cảm nhận được giá trị của bản thân và luôn phải ý thức về tội lỗi của mình. Bà hồi tưởng lại: “Trong Kitô giáo có nghi thức “xưng tội”, tín đồ thú nhận những tội lỗi đã phạm phải, tuy là giúp bản thân nhìn lại chính mình, song tôi cảm thấy cảm xúc tiêu cực vẫn còn đó. Phật pháp tất nhiên không phải là bỏ qua dễ dãi điểm chưa tốt của bản thân, nhưng với Phật pháp, tôi thấy mình có thể làm được nhiều điều, có thể đương đầu với thử thách của cuộc đời. Tôi quyết tâm thay đổi điểm chưa tốt của bản thân, đây cũng là cách mạng trong cuộc đời tôi. Tôi không tìm thấy cảm xúc đó khi là một tín đồ Kitô giáo. Trong Kitô giáo, thiện và ác là hai phần riêng biệt. Trong Phật pháp Nhật Liên cũng có thiện và ác, song nó là một tổng thể, như mặt trái và mặt phải của đồng xu, ác có thể biến đổi thành thiện qua tu tập. Đối với tôi, đó là một điểm khác biệt rất lớn”[27].
Qua lời kể của Susanne, có thể thấy Soka Gakkai đã có sức mạnh lay động và thay đổi quan niệm sống của bà, giúp bà có cái nhìn tích cực về cuộc sống, sau một thời gian trải nghiệm thì từ một người trưởng thành trong gia đình theo Kitô giáo, bà đã hoàn toàn trở thành tín đồ của Soka Gakkai. Việc tụng Daimoku để tinh thần trở nên thông suốt, đạt được sự tỉnh thức hoàn hảo để thực hiện các mục tiêu của Soka Gakkai như “tôn trọng sinh mệnh” và “hạnh phúc của muôn người”, được Susanne áp dụng vào công việc của bà. Vốn là một nhạc công tự do, bà chú trọng xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, vì đối với một nhạc công cùng diễn tấu, nếu giữa hai người có quan hệ giao hảo tốt đẹp, biết động viên điểm tốt của nhau, nhất định sẽ phối hợp với nhau tạo ra buổi biểu diễn tuyệt vời. Khi đi theo triết lý của Soka Gakkai, bà nhận ra nên chấp nhận sự đa dạng của tính cách con người, dù có gặp người không hợp mình về mặt tính cách, song đầu tiên bà bỏ qua các mặt tiêu cực, tập trung tìm ra mặt tích cực của người kia. Mang một thái độ tích cực như vậy trong công việc nên các buổi biểu diễn của bà và đồng nghiệp khá suôn sẻ, được nhiều bình phẩm tốt. Ở đây, Soka Gakkai đã chứng tỏ được vai trò của mình, hướng tín đồ áp dụng tinh thần Phật giáo thực hành, đem Phật pháp vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống hiện tại, nhấn mạnh “tất cả mọi người đều có tiềm năng đạt được Phật quả” như lời dạy của đại sư Nhật Liên, nhằm đạt tới “hòa bình thế giới” và “lập chính an quốc”. Các buổi Zadankai có vai trò quan trọng trong việc đưa các tín đồ mới hòa nhập với tổ chức, thông qua việc ngồi tụng niệm và thảo luận vòng tròn, những người mới gia nhập có thể mở lòng mình, bày tỏ nỗi băn khoăn về cuộc sống hiện tại cũng như các điểm còn chưa rõ trong giáo lý của Soka Gakkai, cũng như cách áp dụng nó vào cuộc sống. Đây là điểm khác biệt so với cách truyền giáo truyền thống của phái Nhật Liên Tông.
2.3. SGI ở Hồng Kông
Hiện nay, số tín đồ của SGI ở châu Á và châu Đại Dương là 1.420.000 người[28]. Số lượng tín đồ ở khu vực này vượt trội so với các châu lục khác, xuất phát từ vị trí địa lý gần Nhật Bản thuận lợi cho công cuộc hoằng pháp cũng như tư tưởng Phật giáo trong Soka Gakkai vốn khá gần gũi với các nước châu Á, đặc biệt là các nước Phật giáo Đại thừa khá quen thuộc như Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông. Trong khuôn khổ bài tạp chí này, chúng ta sẽ tìm hiểu trường hợp Soka Gakkai ở Hồng Kông.
Dân số của Hồng Kông bao gồm số lượng lớn dân số gốc Hoa và các nhóm sắc tộc đa dạng[29]. Nhiều tổ chức tôn giáo ở Hồng Kông tham gia hỗ trợ người lao động nhập cư, trong đó nhà thờ Kitô giáo có vai trò quan trọng đối với công nhân Philippines nhập cư ở Hồng Kông, nhà thờ Hồi giáo hỗ trợ những người Hồi giáo nhập cư. Ngoài những lao động nhập cư tự nguyện, còn có những lao động nhập cư là nhân viên được các công ty chủ quản ở nước ngoài cử tới Hồng Kông tạm thời hoặc bán vĩnh viễn và khá nhiều người là người nhập cư Nhật Bản. Số lượng công dân Nhật Bản tại Hồng Kông trong năm 2017 lên tới 25.527 người, trong đó 17.834 người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, 49 người trong lĩnh vực truyền thông, 1.256 người làm nghề tự do và 691 người là sinh viên, nhà nghiên cứu hoặc giáo viên[30]. Câu lạc bộ người Nhật và Hiệp hội Nhật Bản tại Hồng Kông chú trọng thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa người Hồng Kông và người Nhật, song họ ít quan tâm đến vấn đề tôn giáo của người nhập cư Nhật Bản. Vì vậy, Soka Gakkai đã hướng tới những người này trong công cuộc hoằng pháp của mình. Bắt đầu với chỉ 15 tín đồ vào năm 1961, số tín đồ của Soka Gakkai ở Hồng Kông (tức HKSGI) ngày nay đã lên đến 50.000 người[31]. Hiện nay, HKSGI có 11 trung tâm cộng đồng ở khắp Hồng Kông, Cửu Long và Lãnh thổ Mới. Trong đó, có 9 trung tâm dành cho người gốc Hoa, 1 dành cho người nói ngôn ngữ Anh song không phải là người Hoa như người Philippines, Ấn Độ, Mỹ và Anh và 1 trung tâm còn lại dành người nói tiếng Nhật. HKSGI tạo dựng một mạng lưới cơ sở bằng cách tổ chức các hoạt động văn hóa và xã hội khác nhau, có 4 hội sinh hoạt văn hóa ở Cửu Long Đường, Vịnh Đồng La và Tuen Mun, Sai Wan Ho; 1 trường mẫu giáo ở Cửu Long Đường và 1 trung tâm giải trí ở Tai Po.
HKSGI có khoảng 400 tín đồ người Nhật và 400 tín đồ người nước ngoài nói tiếng Anh trong số 50.000 tín đồ. Tuy nhiên, con số về lượng tín đồ nhập cư từ Trung Quốc Đại lục không được thống kê. Quan điểm của Hội trưởng Ikeda Daisaku coi nhập cư là một hiện tượng xã hội phổ biến hiện nay, quy mô và tốc độ nhập cư đang ngày càng mạnh mẽ hơn do quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Mặt khác, ông cho rằng nhập cư ồ ạt cũng có thể có tác động không tốt cho xã hội, lo ngại “sự không thấu hiểu nhau do khác biệt sắc tộc hoặc quốc gia có thể trầm trọng hơn thông qua các cuộc di dân mang tính quốc tế” và “các cuộc di dân mang tính quốc tế có thể là nguyên nhân của các vụ xung đột và bạo lực, theo đó xã hội sẽ có sự chia rẽ nghiêm trọng”[32]. Để giải quyết vấn đề này, Ikeda chủ trương xây dựng ý thức về quyền công dân toàn cầu, nhằm thúc đẩy nhân loại gắn kết với nhau bởi các giáo lý Phật giáo. Ông tin rằng Phật giáo là liều thuốc cho những thách thức liên quan về nhập cư. Người nhập cư hòa nhập được ở một môi trường mới phụ thuộc nhiều vào việc các cơ quan hỗ trợ và mạng xã hội ở nước họ tới có sẵn sàng giúp đỡ họ hay không. Ý thức được điều đó, mạng lưới liên lạc giữa các chi nhánh Soka Gakkai ở Nhật Bản và SGI ở nước ngoài được thiết lập chặt chẽ, đảm bảo việc di cư của các tín đồ Soka Gakkai đã được báo trước với các chi nhánh ở vùng đất mới. Do đó, khi nào một tín đồ nước ngoài đến Hồng Kông, các tín đồ ở đó đã chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ những người mới. Soka Gakkai nhấn mạnh ý thức gia đình và các tín đồ được liên kết với nhau về mặt tinh thần, theo chủ trương “Dị thể đồng tâm” (異体同心- Itai doushin), nghĩa là “cơ thể khác nhau, tâm hồn giống nhau”, mọi người đều có chung một ý thức gắn kết với nhau, cùng tụng Daimoku và thực hành giáo lý Nhật Liên Tông, kết hợp với các mục tiêu cụ thể của Soka Gakkai. Hình ảnh Soka Gakkai như một gia đình lớn, tôn trọng tất cả sinh mệnh, và đề cao sự giác ngộ của cá nhân khiến nó trở nên “dễ gần” và “hấp dẫn” đối với những người nhập cư từ Trung Quốc đại lục - những người chưa từng tiếp cận với tổ chức Phật giáo mới này khi còn ở Đại lục, do khác biệt về chính sách tôn giáo. Đối với nhiều người nhập cư có hoàn cảnh khó khăn, chủ trương của Soka Gakkai nhấn mạnh khả năng thay đổi nỗi bất hạnh, thông qua tu tập và giác ngộ, đã mang lại niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Hồng Kông.
3. Kết luận
Tổ chức SGI, tức Soka Gakkai quốc tế, có nhiều phương thức linh hoạt để thu hút tín đồ ở các khu vực địa lý khác nhau, từ việc chăm lo tín đồ gốc Nhật có sẵn nền tảng về Soka Gakkai khi di cư tới vùng đất mới, tới việc nhấn mạnh bản thân là một tôn giáo phương Đông, là một tổ chức Phật giáo, khuyến khích cách sống tịnh tiến theo tư tưởng Phật giáo khi cần tiếp cận tín đồ ở xã hội Âu Mỹ vốn truyền thống theo Kitô giáo. Đối với người Trung Hoa Đại lục nhập cư ở Hồng Kông, việc nhấn mạnh mình là một tổ chức Phật giáo có lẽ không gây ấn tượng mạnh, vì Phật giáo vốn hiện diện ở phương Đông từ rất lâu, vì vậy Soka Gakkai cần đẩy mạnh giúp đỡ họ hòa nhập về mặt xã hội, xây dựng hình ảnh một gia đình lớn, một tổ chức Phật giáo mới theo tư tưởng Nhật Liên Tông với những mục tiêu cụ thể và thiết thực.
Với niềm tin rằng tất cả mọi người đều có thể đạt tới quả vị giác ngộ tối thượng, đồng thời việc chuyển biến bên trong mỗi cá nhân có thể ảnh hưởng tích cực tới toàn xã hội, nên Soka Gakkai luôn nhấn mạnh việc giáo dục và hỗ trợ mọi người. Tổ chức SGI hoạt động trên toàn thế giới như một tổ chức phi chính phủ và gắn kết khá chặt chẽ với Liên Hợp Quốc, đẩy mạnh những hoạt động vì hòa bình, giải trừ quân bị, giáo dục, bảo vệ nhân quyền.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Peter B. Clarke (2000) (edited), Japanese New Religions in Global Perspective, Curzon Press, Great Britain.
2. Ka Shing Ng (2018), “A New Home for New Immigrants? A case study of the role of Soka Gakkai in the Intergration of Japanese and Mainland Chinese Immigrants in Hong Kong”, Multidisciplinary Digital Publishing Institute (MDPI), Religions (Volume 9, Issue 11, No.336), Switzerland.
3. Lukas Pokorny (2014), “A Grand Stage for Kosen rufu in the future: Soka Gakkai in Austria, 1961-1981”, Religion in Austria (Volume2), Department of Religious Studies, University of Vienna, Austria.
4. 秋庭.裕 (2016), 欧米多民族社会における日本型新宗教の受容と発展・新たな共同性と宗教の役割, 科学研究費助成事業・研究成果報告書, 大阪府立大学・人文社会学部, 日本 (Akiba Yutaka (2016), Sự phát triển và tiếp nhận của tôn giáo mới Nhật Bản ở xã hội đa sắc tộc Âu Mỹ- Vai trò của tôn giáo và tính cộng đồng mới, Báo cáo kết quả nghiên cứu của chương trình nghiên cứu được tài trợ chi phí; khoa Xã hội nhân văn, Đại học Phủ lập Osaka, Nhật Bản).
5. 田原総一郎 (2018), なぜこれほどまでに強いのか?『創価学会』), 毎日新聞, 日本 (Tahara Souichiro (2018), Soka Gakkai, tại sao lại mạnh tới như vậy? Nxb Mainichi Shinbun, Nhật Bản).
[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Trong Nhật Liên Tông có hai cách thuyết pháp. Một là Shoju (Nhiếp thụ), tức là khi truyền giáo sẽ tôn trọng quan điểm của đối phương để dẫn dụ một cách ôn hòa và cách còn lại gọi là Shakubuku, tức là không cần xem đối phương có thái độ như thế nào mà cứ truyền đạt thẳng những suy nghĩ của mình để thuyết phục đối phương. Soka Gakkai đã chọn phương pháp Shakubuku. Họ đứng trên lập trường của chủ nghĩa hiện thế và cho rằng kết quả của niềm tin đó sẽ thể hiện ngay trong hiện thế cũng là lý do để có thể thu được nhiều tín đồ hơn. Nguồn: http://www.sgi.org/about-us/buddhism-in-daily-life/shakubuku-reveal-true-potential.html (trang web của SGI).
[3] Số liệu theo Niên giám tôn giáo hàng năm. Trong Soka Gakkai, số lượng tín đồ được thống kê theo hộ gia đình, chứ không theo số lượng người.
[4] Nguồn: https://www.sokanet.jp/info/ (trang web của Soka Gakkai), truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2021
[5] Nguồn: https://www.sokanet.jp/sgi/gaiyo.html. Số liệu này của SGI, không bao gồm số lượng tín đồ ở Nhật Bản.
[6] Nhật Liên Tông do Đại sư Nhật Liên (1222-1282) thành lập vào thế kỷ XII. Tông phái này lấy Pháp Hoa Kinh làm căn bản cho tư tưởng và sự thực hành.
[7] Chùa tổ của phái Nhật Liên Tông Nhật Bản, địa điểm ở dưới chân núi Phú Sĩ, tỉnh Shizuoka.
[8] Tức “vật quan trọng được tôn thờ”, trong Nhật Liên Tông là bức giấy cuộn, trên đó là Mạn Đà La bằng văn tự, ở giữa viết câu tụng có bảy âm vận “Nam mô Diệu pháp Liên Hoa Kinh”.
[9] Nam mô Diệu pháp Liên Hoa Kinh-南無妙法蓮華経 là câu tụng Đề mục (題目- Daimoku) của hành giả Nhật Liên Tông. Vì là tông phái thiên về thực hành, nên thay vì niệm danh hiệu Phật (như Nam mô A Di Đà Phật), họ niệm danh hiệu Pháp, tập trung vào câu tụng trên, chứ hiếm khi trì nguyên vẹn cả bộ Pháp Hoa Kinh như phái Thiên Thai Tông. Mặc dù nó chỉ đơn giản là 7 âm tiết, nhưng mỗi âm tiết biểu hiện cho những sự thật sâu xa của vũ trụ, vấn đề của sự sống, cái chết, và luật nhân quả.
[10] Mục tiêu của Soka Gakkai là Kosen rufu, nghĩa là chuyển hóa thế giới qua giáo lý Nhật Liên Tông, hoạt động nhiều mặt: tôn giáo, văn hóa, chính trị, xã hội... Nguồn: https://www.sokanet.jp/kyougakunyuumon/rish ouankoku-kousenrufu/ (trang website của Soka Gakkai.
[11] Nguồn: https://www.sokanet.jp/kyougakunyuumon/ rishouankoku-kousenrufu/.
[12] Nguồn: https://www.sokanet.jp/info/kyougi_rinen.html.
[13] Nguồn: https://www.sokaglobal.org/about-the-soka-gakkai/at-a-glance/a-global-organization.html, số lượng tín đồ riêng ở Mỹ không được đề cập.
[14] Nguồn: https://www.sgi-usa.org/about-us/ (trang web của SGI-USA).
[15] Ka Shing Ng (2018), “A New Home for New Immigrants? A case study of the role of Soka Gakkai in the Intergration of Japanese and Mainland Chinese Immigrants in Hong Kong”, Multidisciplinary Digital Publishing Institute (MDPI), Religions (Volume 9, Issue 11, No.336, p.3/19), Switzerland.
[16] Ông là người gốc Hàn, sinh ra ở Hàn Quốc, nhập cư và lớn lên ở Nhật Bản, sau đó đã nhập cư vào Mỹ.
[17] Peter B. Clarke (2000) (edited), Japanese New Religions in Global Perspective, Curzon Press, Great Britain, tr. 279.
[18] Shakubuku còn gọi là cách truyền giáo dùng công kích để “đột phá và chinh phục”, thúc giục mọi người cải đạo từ bỏ những sai lầm. Những đối tượng lễ bái của các phái khác đều bị gạt bỏ; cảnh cáo về những điều phiền muộn được đưa ra nếu như “niềm tin chân chính” không được chấp nhận. Shakubuku làm nảy sinh mối hiềm khích của các giáo đoàn vốn có trước kia và bị xã hội lên án nên cuối cùng bị thu gọn hoạt động. Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a10580/chuong-24-lich-su-hien-dai-cua-phat-giao-o-a-chau (từ điển Phật giáo online).
[19] Peter B. Clarke (2000) (edited), Tlđd, tr. 279.
[20] Lukas Pokorny (2014), “A Grand Stage for Kosen rufu in the future: Soka Gakkai in Austria, 1961-1981”, Religion in Austria (Volume 2), tr. 7, Department of Religious Studies, University of Vienna, Austria.
[21] Ka Shing Ng (2018), Tlđd.
[22] Nguồn: https://www.sokaglobal.org/about-the-soka-gakkai/at-a-glance/a-global-organization.html, số lượng tín đồ riêng ở từng nước châu Âu không được đề cập.
[23] Lukas Pokorny (2014), “A Grand Stage for Kosen rufu in the future: Soka Gakkai in Austria, 1961-1981”, Religion in Austria (Volume2), tr. 16, 19, 3; Department of Religious Studies, University of Vienna, Austria.
[24] 秋庭裕(2016), 欧米多民族社会における日本型新宗教の受容と発展・新たな共同性と宗教の役割, 科学研究費助成事業・研究成果報告書, 大阪府立大学・人文社会学部, 日本 (Akiba Yutaka (2016), Sự phát triển và tiếp nhận của tôn giáo mới Nhật Bản ở xã hội đa sắc tộc Âu Mỹ - Vai trò của tôn giáo và tính cộng đồng mới, Báo cáo kết quả nghiên cứu của chương trình nghiên cứu được tài trợ chi phí; khoa Xã hội nhân văn, Đại học Phủ lập Osaka, Nhật Bản).
[25] Trong Soka Gakkai, cơ cấu tổ chức chia ra các ban như Ban Thanh niên, Ban Phụ nữ…
[26] 田原総一郎 (2018), なぜこれほどまでに強いのか?『創価学会』), p.337, 毎日新聞, 日本 (Tahara Souichiro (2018), Soka Gakkai, tại sao lại mạnh tới như vậy?, tr. 337, Nxb Mainichi Shinbun, Nhật Bản).
[27] 田原総一郎 (2018), なぜこれほどまでに強いのか?『創価学会』), p.338, 毎日新聞, 日本 (Tahara Souichiro (2018), Soka Gakkai, tại sao lại mạnh tới như vậy ?, tr. 338, Nxb Mainichi Shinbun, Nhật Bản).
[28] Nguồn: https://www.sokaglobal.org/about-the-soka-gakkai/at-a-glance/a-global-organization.html, không có số liệu riêng của từng quốc gia, ở đây không tính số tín đồ ở Nhật Bản.
[29] Năm 2020, Hồng Kông có tổng dân số là 7.474.200 người, theo bản Điều tra nhóm sắc tộc mới nhất (năm 2016) của Cục Điều tra dân số và Thống kê Hồng Kông thì trong đó 92% là người gốc Hoa và 8% là người dân tộc thiểu số. Nhóm thứ hai bao gồm người Philippines (2,5%), người Indonesia (2,1%), người da trắng (0,8%), người Ấn Độ (0,5%), người Nepal (0,3%), người Pakistan (0,2%), người Thái (0,1%), người Nhật Bản (0,1%), người châu Á khác (0,3%) và những người khác (0,9%).
[30] Ka Shing Ng (2018), Tlđd.
[31] Ka Shing Ng (2018), Tlđd.
[32] Ka Shing Ng (2018), Tlđd.