Đinh Quốc Thắng1, Nguyễn Duy Dũng2
Tóm tắt: Quá trình già hóa dân số của Nhật Bản đang tiếp tục diễn ra và kéo theo đó là nhu cầu về nhân lực chăm sóc sức khỏe cho người già. Thực tế, Nhật Bản đã xây dựng nhiều cơ chế tiếp nhận lao động người nước ngoài sang Nhật Bản làm điều dưỡng và hộ lý chăm sóc cho người cao tuổi. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý hiện nay.
Từ khóa: Già hóa dân số, điều dưỡng, lao động, Nhật Bản, Việt Nam
1. Xã hội siêu già hóa và vấn đề nhân lực chăm sóc người già[1][2]
Tháng 6 năm 2016, Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố số liệu điều tra quốc gia năm 2015. Điều tra quốc gia được tổ chức 5 năm mộtlần vào thời điểm ngày 1/10. Kết quả cho thấy dân số Nhật Bản là 127.110.000 người, giảm so với 5 năm trước đây. Trong đó, số dân trên 65 tuổi là 33.422.000 người, chiếm tỉ lệ 26,7% trên tổng dân số, cao nhất từ trước đến nay và tăng hơn 3,7 điểm % so với năm 2010. Tỉ lệ này ở Italia và Đức tương ứng là 22,4% và 21,2%, Nhật Bản có tỉ lệ cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển. Xét theo tỉnh thành, cao nhất là Akita (33,5%), Kouchi (32,9%), Shimane (32,6%). Thấp nhất là ở Okinawa (19,7%), Tokyo (22,9%) và Aichi (23,8%).Số trẻ dưới 15 tuổi là 15.864.000 chiếm 12,7%, giảm 0,5 điểm so với lần điều tra trước, thấp nhất từ trước đến nay. Vào năm 1920, lần đầu tiên số lượng người già trên 65 tuổi nhiều hơn số trẻ em dưới 15 tuổi và năm 1980, số trẻ em dưới 15 tuổi giảm 8 lần liên tiếp so với điều tra trước đó.
Mặt khác, tỉ lệ lực lượng lao động là những người đang làm việc và có nhu cầu làm việc, số đàn ông do ảnh hưởng của già hóa giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay là 70,8%, phụ nữ cao nhất từ năm 1975 đến nay là 49,8%. Trong các lứa tuổi, số lượng phụ nữ làm việc đều tăng lên, lứa tuổi 25-29 là 80,9%, lần đầu tiên vượt mức 80%. Tỉ lệ lao động chính thức ở nam giới là 64,45, nữ chỉ là 38,9[3].
Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64) đang ngày thu hẹp, trong khi tỷ lệ người già độ tuổi từ 65 trở lên gia tăng khá nhanh đặt ra nhiều vấn đề xã hội đối với Nhật Bản hiện nay. Năm 2000 dân số trong độ tuổi 15-64 là 86,22 triệu, tương đương 68,1% tổng dân số, đến năm 2015 con số này giảm xuống 76,29 triệu, tương đương 60,7%. Trong khi tỷ lệ người trên 75 tuổi gia tăng với tỷ lệ trên tổng dân số năm 2000 là 7,1% và năm 2015 là 12,8% (Hình 1).
Trong những năm tới đây, tỉ lệ người già Nhật Bản càng tăng nhanh hơn nữa bởi thế hệ Danka (thế hệ sinh ra trong cuộc bùng nổ dân số lần thứ nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tức khoảng 1948-1952) bước vào lứa tuổi 70. Đây là độ tuổi cần đến sự chăm sóc điều dưỡng và buộc Nhật Bản cần chuẩn bị nguồn nhân lực lao động đáp ứng nhu cầu này.
Trên thực tế, Nhật Bản đang thiếu hụt nhân lực chăm sóc người già trầm trọng, cụ thể là lực lượng điều dưỡng và hộ lý khiến khá nhiều gia đình có nhu cầu sử dụng nhưng không được đáp ứng dịch vụ này. Có doanh nghiệp dù muốn cung ứng dịch vụ chăm sóc cũng không thể thực hiện được do thiếu lao động. Theo thống kê tháng 4 năm 2016, nhu cầu về người làm công việc chăm sóc người già cao gấp 2,69 lần so với cung. Tỉ lệ cao nhất là ở Tokyo với 5,29 lần, có nghĩa cần hơn 5 người chỉ đáp ứng được 1 người. Bởi vậy, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc phải thu hẹp hoạt động cả về phạm vi và số lượng dịch vụ. Theo một điều tra vào tháng 9 năm 2015 tại Tokyo, có 8 cơ sở y tế dù còn phòng trống vẫn không tiếp nhận người già cần chăm sóc vì thiếu lực lượng lao động. Nhiều cơ sở khác giảm số lượng người tiếp nhận, thậm chí tạm ngừng cung cấp dịch vụ[4]. Để giảm gánh nặng chăm sóc cho các gia đình, Chính phủ Nhật Bản dự định tăng số lượng cơ sở có thể tiếp nhận nhiều người già hơn nữa song vấn đề là thiếu trầm trọng nguồn nhân lực điều dưỡng và hộ lý để chăm sóc. Có thể nhận thấy nếu không cung cấp đủ nhân lực thì không thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc người già không chỉ trong hiện tại mà còn cả trong tương lai.
2. Nhân lực lĩnh vựcđiều dưỡng, hộ lý
Thực trạng đáng lo ngại là khá nhiều người già ở Nhật Bản hiện nay gặp khó khăn trong sinh hoạt, tự chăm sóc bản thân hoặc do bị bệnh và tuổi cao sức yếu và thiếu các điều kiện, dụng cụ hỗ trợ. Nhóm người này luôn cần phải có sự trợ giúp của người khác trong cuộc sống hàng ngày. Trong xã hội Nhật Bản hiện nay, những công việc trợ giúp chăm sóc người già như vậy thuộc lĩnh vựcđiều dưỡng, hộ lý. Hai nghề này có sự liên quan mật thiết đến nhau, nhưng thực tế khái niệm và nội dung công việc có sự khác nhau.
Hộ lý là những người phụ trách, giúp đỡ bệnh nhân tại bệnh viện trong những việc như ăn uống, đại tiểu tiện, tắm giặt, trông nom vệ sinh phòng tắm... Bên cạnh đó, hộ lý cũng hỗ trợ các bác sĩ, y tá, theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân để báo cáo lại với bác sĩ. Hộ lý cũng được đào tạo các kiến thức cơ bản về y học.
Điều dưỡng được công nhận là một chuyên môn độc lập trong hệ thống y tế nhằm bảo vệ, nâng cao, tối ưu về sức khỏe và các khả năng, dự phòng bệnh, xoa dịu nỗi đau qua chẩn đoán, điều trị đáp ứng con người, tăng cường chăm sóc các cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Những người làm công việc này được gọi là điều dưỡng viên. Họ có nhiệm vụ là phụ trách công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, kiểm tra tình trạng bệnh nhân, toa thuốc, các công việc khác để phục vụ cho quá trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đến khi phục hồi[5].
Tuy nhiên, nhân viên hộ lý và điều dưỡng viên đều là "nhân viên phúc lợi", người chủ yếu hỗ trợ cuộc sống hàng ngày với mục đích duy trì và nâng cao cuộc sống của người cần chăm sóc. Công việc chính của họ là hỗ trợ và giúp đỡ người cần chăm sóc có thể sống theo cách của họ. Ngoài việc hỗ trợ ăn uống, thay quần áo, bài tiết, tắm rửa… có trường hợp thay đổi tư thế cho những người có mức độ cần chăm sóc cao. Hộ lý, điều dưỡng viên là người theo dõi để người già được chăm sóc trải qua cuộc sống hàng ngày một cách an toàn mà không bị thương. Vì cần phải hợp tác chặt chẽ với người được chăm sóc, điều quan trọng là phải tiếp xúc thường xuyên, xây dựng mối quan hệ tin cậy sâu sắc với gia đình người được chăm sóc. Nhân viên hộ lý, điều dưỡng dành nhiều thời gian hơn cho công việc chăm sóc, và đôi khi, gia đình của người được chăm sóc có thể tham khảo ý kiến của họ. Nếu đó là một cơ sở chăm sóc dài hạn, cần có sự hỗ trợ và trợ giúp phù hợp với từng người dùng theo kế hoạch chăm sóc. Tuy nhiên, nhân viên hộ lý và điều dưỡng không thể tham gia hành nghề y tế vì không có chuyên môn hoặc bằng cấp về y tế. Ví dụ như việc chỉ định bôi thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ, thay băng gạc… cũng là những biện pháp y tế, dù làviệc nhỏ, nhưng vì đây là một thủ thuật y tếnên chỉ bác sĩ hay y tá mới có thể phán đoán tình trạng của vết thương hoặc khu vực bị ảnh hưởng để có thể chỉ định thực hiện thủ thuật. Thông thường thu nhập trung bình hàng nămcủa một điều dưỡng viên là khoảng 2,5 triệu yên, và gần đây, cơ chế cải thiện đãi ngộ cho các hộ lý, điều dưỡng viên đã được đưa ra.
Công việc của hộ lý và điều dưỡng khác với y tá. Y tá có thể chủ động thực hiện hành động chăm sóc bệnh nhân, nhưng các hỗ trợ của y tá vẫn cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Công việc chính của y tá là quản lý thuốc, theo dõi và duy trì tình trạng sức khỏe của người được chăm sóc, phòng bệnh theo chỉ định của bác sĩ. Đối với những chấn thương và bệnh tật đột ngột của người được chăm sóc, họ sẽ nhanh chóng tìm kiếm hướng dẫn của bác sĩ và tham khảo ý kiến của cơ sở y tế. Các thủ thuật y tế như truyền tĩnh mạch, tiêm thuốc, hoặc phức tạp hơn chính là công việc của y tá. Người y tá cần có kiến thức và trình độ chuyên môn. Về nguyên tắc pháp lý, y tá có thể làm công việc của hộ lý và điều dưỡng do khi đủ điều kiện làm y tá tức là họ đã có kiến thức cần thiết để làm hộ lý. Trong một số trường hợp, do thiếu hộ lý, điều dưỡng viên và y tá được yêu cầu theo dõi người cần chăm sóc. Thu nhập trung bình hàng năm của y tá thường cao hơn so với thu nhập của hộ lý, điều dưỡng viên do có khác biệt về kiến thức y tế[6].
Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản hiện đang lên kế hoạch và thực hiện nhiều biện pháp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực hộ lý, điều dưỡng để chăm sóc người già. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này vào năm 2025 được dự tính sẽ thiếu đến 377.000 người. Vì vậy, đào tạo và duy trì nguồn nhân lực y tế nói chung, điều dưỡng viên nói riêng đang trở thành nhiệm vụ cấp bách của Nhật Bản hiện nay và trong thời gian tới.
Theo khảo sát của Mizuho Corporate Bank, quy mô thị trường cho người cao tuổi là 62,9 nghìn tỷ yên vào năm 2007, sẽ đạt 101,3 nghìn tỷ yên vào năm 2025, trong đó riêng lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng đạt 15,2 nghìn tỷ yên. Quy mô thị trường của ngành công nghiệp cho cuộc sống người cao tuổi dự kiến sẽ tăng từ 40,3 nghìn tỷ yên vào năm 2007 lên 51,1 nghìn tỷ yên vào năm 2025[7]. Với số lượng người cao tuổi dự báo sẽ ngày càng tăng, ngành liên quan đến chăm sóc người cao tuổi sẽ có tiềm năng phát triển trong tương lai.
3. Hợp tác lao động lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý Việt Nam-Nhật Bản
3.1. Thực trạng
Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có truyền thống hữu nghị hợp tác khá lâu đời. Hiện nay mối quan hệ của hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác phát triển nguồn nhân lực (đào tạo, xuất khẩu lao động, bao gồm cả lao động trong lĩnh vực y tế…).
Trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc liên tục gia tăng. Năm 2012, Việt Nam đã đưa 80.320 lao động ra nước ngoài làm việc, đến năm 2019, con số này đã lên đến 147.387 người. Trong đó, thị trường Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động trọng yếu và hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước ngày càng được coi trọng. Nhiều chương trình, dự án đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đang phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu lợi ích của cả hai bên và đóng góp quan trọng trong hợp tác, phát triển quan hệ giữa hai nước. Năm 2019, số lao động Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 54% tổng số lao động xuất khẩu và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam.
Hình 2: Lao động Việt Nam sang làm việc tạiNhật Bản (2012-2019)
Đơn vị: người
Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2020
Chương trình đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) đã được hai nước chính thức triển khai từ năm 2012. Chương trình VJEPA của chính phủ là một chương trình uy tín và có quyền hạn tuyển chọn, tiến cử lao động theo ngành này sang Nhật Bản. Đến năm 2019, chương trình đã tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 8 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý.
Điều dưỡng viên sẽ tạm trú ở Nhật Bản 3 năm (mỗi năm gia hạn một lần) và thực hiện công việc hỗ trợ chăm sóc tại bệnh viện nhằm đạt được chứng chỉ điều dưỡng viên. Hộ lý sẽ tạm trú ở Nhật Bản 4 năm (mỗi năm gia hạn một lần) và tham gia cung cấp dịch vụ hộ lý tại cơ sở chăm sóc sức khỏe. Hộ lý và điều dưỡng sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ngành điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ngành hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ tư. Nếu vượt qua được các kỳ thi đó, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản.
Theo Cơ quan Phúc lợi Quốc tế, tổ chức điều phối tiếp nhận duy nhất tại Nhật Bản trong việc tiếp nhận các ứng viên điều dưỡng và chăm sóc viên dựa trên hiệp định đối tác kinh tếvới Việt Nam, kết quả việc hợp tác thực hiện chương trình từ năm 2012-2018 rất khả quan. Đặc biệt, với kết quả là 63% đối với điều dưỡng viên và 93,7% hộ lý của Việt Nam thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản ở lần thi đầu tiên, uy tín và hình ảnh điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam tại Nhật Bản đang được đánh giá cao[8].
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng lao động xuất khẩu lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ khi triển khai chương trình đến nay, có 1.440 lao động tham gia, 1.109 lao động chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản. Con số này chỉ chiếm 0,01% tổng số lao động xuất khẩu trong riêng năm 2019[9].
Mặc dù tổng số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản tăng liên tục qua các năm với mức tăng mạnh, số lao động lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý lại có xu hướng ổn định, mức độ tăng không nhiều. Con số thực tế còn khá khiêm tốn so với những ngành nghề khác.Nguyên nhân có thể đến từ nhiều khía cạnh khác nhau, cả về phía cung (Việt Nam) và cầu (Nhật Bản). Ở Việt Nam hiện đang đào tạo điều dưỡng theo các trình độ sau: trung cấp, cao đẳng, đại học,thạc sĩ, chuyên khoa I và tiến sĩ. Hiện Việt Nam có khoảng 149 nghìnđiều dưỡng viên, hộ lý chiếm 50% nhân viên y tế, tỷ lệ điều dưỡng viên trên vạn dân của Việt Nam là 11,4, chưa bằng mức trung bình của toàn cầu[10]. Rõ ràng, ngay trong nước tình trạng thiếu điều dưỡng viên nói chung, điều dưỡng viên có trình độ cao nói riêng đã ảnh hưởng phần nào đến việc xuất khẩu loại lao động lĩnh vực này sang các nước, trong đó có Nhật Bản.
Đối với Nhật Bản, điều dưỡng, hộ lý là một lĩnh vực đòi hỏi khá cao cả về chuyên môn và các kiến thức xã hội cũng như phẩm chất của nhân viên. Người lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam không những phải đáp ứng trình độ về điều dưỡng, hộ lý, mà còn phải có trình độ tiếng Nhật đạt mức thành thạo (N2) để có thể giao tiếp cơ bản và chuyên môn đối với người bệnh. Đây là rào cản rất lớn đối với người lao động Việt Nam. Ngoài ra, người lao động phải đáp ứng về sức khỏe, kỹ năng và thái độ tốt để có thể làm việc trong môi trường áp lực cao như Nhật Bản. Không những vậy, lao động theo lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý khi sang Nhật Bản vừa học vừa làm, muốn có cơ hội ở lại làm việc thì cần đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản về điều dưỡng, hộ lý.
3.2. Triển vọng
Năm 2020 là năm mà sự di chuyển của con người bị hạn chế nghiêm trọng để ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19. Số lượng lao động nước ngoài ở Nhật Bản đã tăng lên từ năm 2013, song từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát,tỷ lệ tăng lao động nước ngoài ở Nhật Bản năm 2020 giảm xuống còn khoảng 30% so với năm 2019. Sự gia tăng số lượng lao động nước ngoài giảm xuống trong hầu hết các ngành công nghiệp song lại mở rộng đặc biệt trong ngành y tế và phúc lợi.Số liệu của năm 2019 và năm 2018 cho thấy lao động người nước ngoài làm việc tập trung vào các ngành sản xuất, ngành dịch vụ, ngành bán buôn/bán lẻ, ngành xây dựng, ngành dịch vụ lưu trú/nhà hàng…
Hình 3: Lao động xuất khẩu lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam sang Nhật Bảntheo chương trình VJEPA
Đơn vị: người
Nguồn: Bộ Lao động thương binh xã hội, 2020
Tuy nhiên, đến năm 2020, số lượng lao động nước ngoài trong các ngành sản xuất, dịch vụ lưu trú và ăn uống… bắt đầu giảm. Ngoài những hạn chế về nhập cư trên toàn thế giới, những ngành này đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch Covid-19. Đáng chú ý là số lượng người lao động nước ngoài tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phúc lợi đã tăng trong năm 2020 so với năm 2019[11].
Hiện nay và trong thời gian sắp tới, Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách thu hút lao động điều dưỡng đến từ các nước, trong đó có Việt Nam. Mục đích là để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân viên điều dưỡng khi dân số Nhật Bản tiếp tục già hóa. Nhật Bản đã banhành nhiều cơ chế mới nhằm tiếp nhận điều dưỡng và hộ lý người Việt Nam. Đây là cơ hội rất thuận lợi để đưa lao động điều dưỡng Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực nhà nước, ngành y tế và các cơ sở đào tạo ở Việt Nam đang rất quan tâm đào tạo, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sinh viên. Tuy nhiên, số sinh viên tốt nghiệp đại học điều dưỡng vẫn còn khá khiêm tốn (riêng năm 2018 mới có 3.589/16.640 tốt nghiệp đại học). Trong số các trường đại học đào tạo nghề điều dưỡng, TrườngĐại học Điều dưỡng Nam Định đào tạo số lượng cử nhân nhiều nhất.
Với sự nỗlực của chính phủ hai nước và các ngành có liên quan, triển vọng hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản, trong đó có lĩnh vực điều dưỡng là rất khả quan. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và chính người lao động phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo cả về chuyên môn và tiếng Nhật. Đây chính là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đưa lao động sang Nhật Bản, trong đó có lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung, điều dưỡng, hộ lý nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]TS., TrườngĐại học Điều dưỡng Nam Định
[2]PGS.TS., Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[3] 65歳以上、人口の4分の1超える 主要国で最高の割合 (Hơn ¼ dân số trên 65 tuổi, tỷ lệ ở một số nước), http://www.huffingtonpost.jp/2016/06/29/census-2015-japan_n_10744430.html?utm_hp_ref=japan.
[4]介護サービスがうけられない?(“Dịch vụ điều dưỡng không được tiếp nhận?”), truy cập ngày 30/10/2016 tại http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/700/247909.html.
[5]“Điều dưỡng và hộ lý khác nhau như thế nào?”, https://caodangyduocsaigon.com/cao-dang-dieu-duong/ho-ly-va-dieu-duong-khac-nhau-nhu-the-nao-c10966.html.
[6]介護士と看護師の仕事の違い (Công việc khác nhau giữa điều dưỡng và hộ lý), https://kaigokango.jp/column/3061/
[7]来る2025年、高齢者向けの市場規模は100兆円超え!介護産業は15兆円規模に!果たして介護ビジネスに“儲かる”土壌はあるのか!? (Vào năm 2025, quy mô thị trường dành cho người cao tuổi sẽ vượt quá 100 nghìn tỷ yên! Ngành công nghiệp chăm sóc dài hạn có quy mô 15 nghìn tỷ yên! Có cơ hội “sinh lời” trong kinh doanh dịch vụ chăm sóc lâu dài không !?), https://www.minnanokaigo.com/news/kaigogaku/no60/.
[8] Khảo sát đánh giá chương trình quốc gia đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi học tập và làm việc tại Nhật Bản, http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=222151.
[9] Triển vọng xuất khẩu lao động điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản, https://dangcongsan.vn/xa-hoi/trien-vong-xuat-khau-lao-dong-dieu-duong-ho-ly-viet-nam-sang-nhat-ban-562184.html.
[10] Báo cáo điều dưỡng thế giới năm 2020.
[11]コロナ下でも、外国人介護人材は増加 (Dù ảnh hưởng của Corona điều dưỡng người nước ngoài vẫn gia tăng), https://www.dir.co.jp/report/research/economics/japan/20210611_022333.html.