Trang chủ

Nền tảng kinh tế thực hiện chính sách mới của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

Đăng ngày: 6-01-2023, 10:09 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 7

Nguyễn Thị Thắm1

Tóm tắt:Cộng hòa Dân chủ Nhân dânTriều Tiên (sau đây gọi là Triều Tiên) chính thức công bố đã hoàn thành chính sách Song tiến và chuyển sang thực hiện chính sách Tập trung tổng lực phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa (사회주의경제건설총력집중노선) vào đầu năm 2018. Để có thể thực hiện thành công chính sách mới,ngoài các nền tảng chính trị, quân sự, ngoại giao... thì nền tảng kinh tế rất quan trọng,nhất là khi trọng tâm của chính sách là phát triển kinh tế. Bài viết phân tích, tìm hiểu kinh tế vĩ mô, cơ cấu ngành, tình hình xuất nhập khẩu của Triều Tiên trong thời gian 10 năm (2007-2017) để có được một cái nhìn tổng thể về nền tảng kinh tế khi Triều Tiên bắt đầu thực hiện chính sách mới, cũng như có dự kiến bước đầu về những thay đổi trong kinh tế và các lĩnh vực khác trong thời gian tới.

Từ khóa:Nền tảng kinh tế, kinh tế vĩ mô, cơ cấu kinh tế, xuất nhập khẩu, Triều Tiên

 

1. Kinh tế vĩ mô của Triều Tiên[1]

Triều Tiên đã ngừng công bố các số liệu thống kê kinh tế từ những năm 1960 và trong 4 thập kỷ tiếp theo, chỉ có những con số rất hạn chế về nguồn thu và chi tiêu ngân sách được thể hiện trong báo cáo ngân sách mà nước này công bố hàng năm. Đến đầu những năm 2000, Triều Tiên quyết định ngừng công bố các số liệu tuyệt đối, kể từ đó đến nay chỉ công bố số liệu tăng trưởng hàng năm ở một số chỉ tiêu rời rạc. Các số liệu từcác nguồn thu thập được thường không nhất quán, có số liệu tính bằng đồng bản tệ, số liệu khác tính bằng USD theo thị giá hiện tại trong khi có lúc số liệu lại được tính bằng USD chưa điều chỉnh theo lạm phát. Nhiều nguồn thường sử dụng tỷ lệ GDP Hàn Quốc/Triều Tiên để thể hiện quy mô của nền kinh tế bí ẩn nhất thế giới. Trong 26 năm qua, Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) ước tính kinh tế Triều Tiên có quy mô lớn gấp khoảng 1,8 lần so với ước tính của Liên Hợp Quốc. Trong khi đó CIA lại từng thừa nhận rằng, dù cơ quan này ước tính GDP Triều Tiên (theo phương pháp ngang giá sức mua PPP) là 40 tỷ USD, nhưng thực chất "sai số có thể lên đến 10 tỷ USD".

Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) được coi là nguồn thống kê có hệ thống và chính thống nhất về các số liệu kinh tế Triều Tiên, sử dụng các số liệu được biên soạn bởi Chính phủ Hàn Quốc và các cơ quan tình báo để ước tính. Họ dựa vào rất nhiều yếu tố, từ dòng nước chảy tại các đập thủy điện, khói bốc lên từ các ống khói cho đến kích thước của các cánh đồng…


Hình 1: Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên (2007-2017)

Đơn vị: %

Nền tảng kinh tế thực hiện chính sách mới của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

 

Nguồn: Hình vẽ dùng số liệu của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) tháng 04/2019.

 

Theo ước tính của BOK, trong giai đoạn 2007-2017, tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên đạt mức trung bình 0,4%. Trong đó có một số thời điểm nền kinh tế tăng giảm với biên độ lớn bất thường. Có thể thấy, một số thời điểm như năm 2007, 2009, 2010, 2015, 2017, Triều Tiên có tăng trưởng âm. Nhất là năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Triều Tiên là -3,5%, thấp nhất trong cả giai đoạn 2007-2017. Nhưng chỉ một năm trước, tỷ lệ này đạt tới 3,9%, cao nhất trong cả giai đoạn 2007-2017. Tương tự, năm 2007, tăng trưởng kinh tế Triều Tiên đạt -1,2%, nhưng sau đó năm 2008, tỷ lệ này đạt tới 3,1%, đây là thời điểm mức tăng giảm với biên độ lớn thứ hai trong cả giai đoạn 2007-2017 (Hình 1). Năm 2017 được biết đến là một năm quan trọng khi Triều Tiên tiến hành hàng chục vụ thử tên lửa, đặc biệt là tên lửa xuyên lục địa ICBM và bom nhiệt hạch, tuyên bố hoàn  thiện chương trình hạt nhân quốc gia và liên tiếp bị Mỹ và Liên Hợp Quốcgia tăng mức độ trừng phạt. Trong khi đó năm 2007 khá yên ắng, không có vụ thử tên lửa nào sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ nhất vào năm 2006.

Thu nhập trung bình hàng năm của người dân Triều Tiên cũng là một ẩn số gần như không thể tính một cách chính xác. Cùng một thời điểm nhưng thu nhập bình quân đầu người năm 2011 theo nhiều tổ chức ước tính cũng khác nhau rất lớn. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên được Liên Hợp Quốc ước tính là 571 USD thì Bộ Tài chính Mỹ ước tính là 612 USD, Ngân hàng Hàn Quốc ước tính là 1.197 USD, còn dự án Maddison ước tính tới 1.718 USD2. Có thể thấy, ước tính giữa các tổ chức về thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên chênh nhau có khi tới hơn 1.000USD.

Còn theo số liệu của BOK, tháng 4 năm 2019, tổng thu nhập bình quân đầu người (GNI) của Triều Tiên trong giai đoạn 2007-2017 là 1,31 triệu won, tương đương khoảng 1.200 USD. Trong thời gian này thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên tăng ổn định, không có đột biến. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên là 1,04 triệu won, năm 2012 là 1,37 triệu won và năm 2017 là 1,46 triệu won – tương đương khoảng 1.350 USD (mức dự tính của The World Factbook (CIA) là khoảng 1.700 USD vào năm 2017).

Tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Triều Tiên, theo BOK, năm 2017 đạt khoảng 30.882 tỷ won, xấp xỉ 30 tỷ USD. Trong giai đoạn 10 năm (2007-2017), năm 2016, tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Triều Tiên đạt mức cao nhất, khoảng 32 nghìn tỷ won, tương đương 32 tỷ USD. Trong khi đó năm 2007 có mức thấp nhất là 29,5 nghìn tỷ won và mức trung bình cả giai đoạn 2007-2017 là 30,5 nghìn tỷ won (tham khảo bảng 1). Trong khi đó, như để khẳng định không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, Triều Tiên đã phá lệ trong hàng thập kỷ qua và công bố GDP của 2 năm 2016-2017. Theo chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa họcxãhộiTriều Tiên, GDP của Triều Tiên năm 2016 đạt 29,595 tỷ USD và năm 2017 đạt 30,704 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 1.200 USD. Như vậy, có thể thấy GDP của Triều Tiên năm 2017 theo số liệu của haiquốc gia trên hai miền bán đảo Triều Tiên đưa ra dao động trong khoảng trên dưới 30 tỷ USD. Lạm phát ở Triều Tiên có vẻ như được kiểm soát tốt trong giai đoạn trước năm 2010. Từ sau năm 2010 trở lại đây, Triều Tiên liên tục đứng trước tình trạng lạm phát tăng cao và ngày càng trở nên nghiêmtrọng hơn.


Bảng 1: Tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Triều Tiên (2007-2017)

Đơn vị: triệu won


Năm

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

GDP danhnghĩa

24.758

27.241

28.484

29.880

32.228

33.212

33.614

33.949

34.137

36.103

36.382

GDP thựctế

29.487

30.297

30.022

29.880

30.118

30.512

30.839

31.161

30.805

31.997

30.882

Lạmphát

-

-

-

-

+

+

+

+

+

+

+

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Ngân hàng Hàn Quốc (BOK), truy cập tháng 4/2019.

 

Triều Tiên được biết đến là một quốc gia thiếu lương thực và tình trạng này càng trở nên nặng nề hơn khi cấm vận ngày càng siết chặt từ Mỹ và Liên Hợp Quốc. Do đó, việc tự chủ, tự cung tự cấp về lương thực được Triều Tiên coi trọng. Trong hoàn cảnh bị cấm vận, Triều Tiên có khoảng trên 24 triệu dân, nhu cầu lương thực trong mộtnăm vào khoảng 5,3 triệu tấn. Trong khi đó, theo ước tính của LiênHợpQuốc, năng lực tự sản xuất lương thực của Triều Tiên năm 2009 là 5,01 triệu tấn, năm 2013 là 5,69 triệu tấn, năm 2016 là 5,89 triệu tấn, năm 2017 là 5,45 triệu tấn. Năm 2018 mặc dù phải chịu nhiều thiên tai hạn hán nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt 4,95 triệu tấn3. Về cơ bản Triều Tiên bị thiếu lương thực, sản xuất lương thực đang cố gắng đáp ứng nhu cầu cơ bản trong nước như chủ trương tự chủ, tự cung tự cấp của Triều Tiên. Nhưng nếu cấm vận nghiêm ngặt vẫn tiếp tục duy trì như hiện nay và bị mất mùa thì Triều Tiên sẽ gặp khó khăn về lương thực. Cùng với lạm phát, giá gạo ở Triều Tiên được ghi nhận đã tăng nhanh chóng từ năm 2010 đến năm 2013 với mức khoảng 7 lần với giá cao nhất khoảng 7.000 won/kg. Từ năm 2014, giá gạo đã giảm xuống khoảng 4.000 won và duy trì ở mức trên dưới 5.000 won, tạm thời cắt được đà tăng giá. Năm 2014 cũng là năm sản lượng lương thực của Triều Tiên tăng lên, thậm chí đã vượt mức dự trù cơ bản.

Nền kinh tế Triều Tiên chứa đựng nhiều ẩn số. Triều Tiên được cholà có hai nền kinh tế song song tồn tại là kinh tế chính thức của nhà nước và nền kinh tế ngầm. Theo thời gian, quy mô của nền kinh tế ngầm càng lớn mạnh và xuất hiện nhiều người giàu. Năm 2009, Triều Tiên tiến hành cải cách tiền tệ và nói đơn giản hơn là giảm giá trị của đồng tiền won với mục tiêu được cho là để giảm sự ảnh hưởng của nền kinh tế ngầm này. Triều Tiên áp dụng chế độ giảm giá trị tiền won 100 lần. Ví dụ, tờ 1.000 won chỉ còn giá trị là 10 won. Sự mất giá của tiền won và sự bất ổn của nó đã làm cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng đô la Mỹ được sử dụng nhiều hơn trong các giao dịch bên ngoài. Thực tế, ở Triều Tiên tồn tại hai tỷ giá cho đồng đô la Mỹ với cách biệt lớn. Ví dụ, tỷ giá hối đoái của Chính phủ Triều Tiên đưa ra năm 2013 chỉ là 96 won/1 USD. Nhưng trên thị trường, tỷ giá này khoảng 8.000 won/1 USD4. Sự chênh lệch này dẫn tới một số giao dịch ngân hàng chính phủ, giao dịch ở các đặc khu hay các tính toán của các công ty nhà nước lớn đã có những điều chỉnh theo hướng ngày càng đi gần hơn với thị trường bên ngoài. Lượng ngoại tệ lưu thông ngoài thị trường ở Triều Tiên năm 2018 được ước tính khoảng 3 tỷ USD5.

Ngân hàng trung ương Triều Tiên có chức năng của một ngân hàng trung ương và của cả một ngân hàng thương nghiệp theo chế độ một ngân hàng duy nhất. Điều này được cho là để nhà nước dễ dàng hơn trong việc điều phối và kiểm soát dòng tiền một cách thống nhất. Tuy nhiên, trước sự mất kiểm soát tỷ giá ngoại tệ ngoài thị trường, nền kinh tế khó khăn và nhu cầu cải cách tiền tệ ngày càng cấp thiết, năm 2004, Triều Tiên công bố Luật Ngân hàng trung ương và năm 2006 công bố Luật Ngân hàng thương nghiệp để tách bạch hai chức năng này. Các quy định về việc thành lập và hoạt động của ngân hàng thương nghiệp và ngân hàng thanh toán quốc tế được thông qua.

Ngân hàng Trung ương Triều Tiên quản lý các giao dịch bằng tiền won Triều Tiên, trong khi đó các ngân hàng thương nghiệp như Ngân hàng mậu dịch Triều Tiên giao dịch ngoại tệ.


Hình 2: Cơ cấu ngành kinh tế Triều Tiên (2007-2017)

Nền tảng kinh tế thực hiện chính sách mới của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

Đơn vị:%

Nguồn: Hình vẽ dùng số liệu của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) tháng 04/2019.

 

Đây là các ngân hàng quản lý các giao dịch của nhà nước như dịch vụ gửi tiết kiệm, cấp vay vốn cho doanh nghiệp quốc doanh, cơ quan nhà nước, người dân. Các ngân hàng như Ngân hàng Koryo, Ngân hàng thống nhất phát triển Choson, Ngân hàng tín dụng Choson, Ngân hàng Đông Bắc Á... giao dịch ngoại tệ trong nội bộ của Triều Tiên. Còn các ngân hàng dành cho đầu tư nước ngoài, giao dịch bằng ngoại tệ gồm Ngân hàng thương nghiệp Koryo, Ngân hàng Toàn cầu Koryo, Ngân hàng tín dụng Deadong... Hiện nay, 70% người dân Triều Tiên sử dụng thẻ ngân hàng và các cửa hàng, bách hóa có thể thanh toán bằng thẻ ngày càng nhiều lên6.

2. Cấu trúc ngành kinh tế của Triều Tiên

Trước đây, Triều Tiên từng được mệnh danh là nước công nghiệp mạnh có thể sánh ngang hàng với Nhật Bản và đi trước Hàn Quốc. Thời hoàng kim diễn ra vào thập kỷ 60, 70 củathế kỷ XX, Triều Tiên đã từng cùng Nhật Bản được coi là hai nước công nghiệp lớn của châu Á, là một trong những quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất ở khu vực Đông Á. Cho đến nay, trong hoàn cảnh bị cấm vận hàng thập kỷ với nhiều khó khăn, nền kinh tế Triều Tiên vẫn là một nước công nghiệp, chú trọng ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ cũng khá mạnh mẽ và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Còn nông nghiệp đứng ở vị trí thứ ba, được phát triển để hướng tới tự cung tự cấp trong hoàn cảnh bị cấm vận. Cơ cấu này trong một thập niên gần đây vẫn tiếp tục được duy trì. Trong giai đoạn 2007-2017, trung bình ngành công nghiệp và khai thác mỏ chiếm tỷ trọng 34,3%, ngành dịch vụ chiếm 31,3%, nông lâm ngư nghiệp chiếm 21,9% GDP của Triều Tiên. Các ngành khác như xây dựng chiếm 8,3%, ngành điện, khí ga, nước chiếm 4,2% GDP trong thời kỳ này.

Năm 2017, trong khi ngành công nghiệp và khai thác mỏ của Triều Tiên và ngànhxây dựng, điện nước, khí ga so với 10 năm trước là năm 2007 ít thay đổi thì ngành dịch vụ và nông lâm ngư nghiệp có sự thay đổi đáng kể. Ngành dịch vụ chiếm 34,1% năm 2007 giảm xuống còn 31,7% GDP vào năm 2017. Còn ngành nông lâm ngư nghiệp từ 21,2% năm 2007 tăng lên 23,4% năm 2012 và đạt 22,8% GDP của Triều Tiên vào năm 2017 (tham khảo hình 2). Gần như đang có sự dịch chuyển giữa hai lĩnh vực này của nền kinh tế Triều Tiên. Ngành dịch vụ bao gồm các phục vụ tiện ích, nhà hàng, du lịch trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên Hợp Quốc ngày càng đượcsiết chặt có lẽ đang gặp khó khăn hơn trước đó. Còn ngành nông lâm ngư nghiệp với các thay đổi chính sách của Triều Tiên, hướng tới giao khoán ruộng, làm đến đâu hưởng đến đó cho các phân tổ quy mô nhỏ 2-5 người và hộ gia đình đang có hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn là quá sớm để khẳng định những dấu hiệu này.

Theo The World Factbook (CIA), ước tính năm 2017, nông nghiệp chiếm 25,4%, công nghiệp chiếm 41% và dịch vụ chiếm 33,5% GDP của Triều Tiên. Đây là những ước tính tuy có thể khác vài con số nhưng cơ cấu cơ bản của kinh tế Triều Tiên được thể hiện khá tương đồng. Cũng theo nguồn tài liệu này, nông nghiệp Triều Tiên sử dụng 37% lực lượng lao động trong tổng số 14 triệu lao động và ngành công nghiệp và dịch vụ sử dụng 63% lực lượng lao động (ước tính năm 2008).

Cơ cấu kinh tế chú trọng phát triển công nghiệp, đồng thời cũng phát triển nông nghiệp và các ngành khác ở Triều Tiên cho đến nay là sản phẩm của một nền kinh tế kế hoạch hóa theo đường lối lãnh đạo của nhà nước. Với chủ trương ưu tiên cho quân đội (chính sách tiên quân, 선군정책) trong hàng thập kỷ trước đây và chủ trương phát triển song song kinh tế và quốc phòng (병진정책) dưới thời kỳ của ông Kim Jong-un từ năm 2012, ngành công nghiệp quốc phòng chủ yếu là công nghiệp nặng được chú trọng. Và ngành công nghiệp quốc phòng thường là dưới sự quản lý của nhà nước (quốc doanh/quân đội). Với chính sách song tiến, Triều Tiên xác định phát triển kinh tế tự lập, đồng thời phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, cho phép hàng hóa lưu thông tự do ở khu vực ngoài quân đội/quốc doanh/kế hoạch hóa. Do đó, cơ cấu kinh tế của Triều Tiên, trên một góc độ khác là một cơ cấu phức hợp, đa thành phần. Nhìn một cách tổng quát, kinh tế Triều Tiên là nền kinh tế gồm kinh tế kế hoạch hóa và kinh tế thị trường. Nhìn một cách cụ thể trên góc độ sở hữu thì đây là nền kinh tế gồm kinh tế của đảng, của quân đội, của chính phủ và của người dân7. Trong khi ngành công nghiệp nặng nghiêng về hoạt động theo kế hoạch và chỉ thị của đảng và nhà nước thì ngành công nghiệp nhẹ, nông nghiệp và các ngành khác liên quan nhiều hơn đến đời sống nhân dân  đang dần chuyển sang cho thị trường và cho người dân, giảm nhẹ sự quản lý, chỉ đạo của nhà nước.

3. Tình hình xuất nhập khẩu của Triều Tiên

Giai đoạn 2007-2017, theo tính toán của BOK, trung bình mỗi năm kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên là 2,18 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu là 3,35 tỷ USD. Nhìn chung, xuất nhập khẩu của Triều Tiên cơ bản theo xu hướng tăng. Tổng kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 10 năm qua vào thời điểm năm 2014 đạt 7,61 tỷ USD (tham khảo hình 4).Các mặt hàng xuất khẩu chính là các sản phẩm luyện kim, khoáng sản, sản xuất (kể cả vũ khí), dệt may, nông sản và thủy sản. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Triều Tiên là dầu mỏ, than cốc, máy móc và thiết bị, dệt may và ngũ cốc. Một trong những đặc trưng trong xuất nhập khẩu của Triều Tiên là xuất khẩu để thu ngoại tệ và dùng ngoại tệ này nhập khẩu các mặt hàng cần thiết mà Triều Tiên không có để phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân.

Triều Tiên có 10 đối tác thương mại chủ yếu là Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Nga, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Đức, Pháp, Nhật Bản. Trong những năm gần đây, điểm đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu có mức độ kỹ thuật trung bình của Triều Tiên vào 10 đối tác thương mại chủ yếu tăng lên. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng có kỹ thuật trung bình tăng hơn 2 lần và tiếp tục tăng ở các năm sau đó. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng có kỹ thuật trung bình đạt khoảng 5 triệu USD (tham khảo hình 3). Các sản phẩm có kỹ thuật trung bình gồm hàng gia công đồ da, áo len và các hàng dệt may, túi, ví, giày dép, đồ sứ, đồ nội thất gia đình, sản phẩm sắt thép…


Hình 3: Kim ngạch xuất khẩu theo mức độ kỹ thuật của Triều Tiên sang 10 đối tác thương mại chủ yếu

Đơn vị: triệu USD

Nền tảng kinh tế thực hiện chính sách mới của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

Nguồn:
Choi Jang-ho và đồng nghiệp, 2017, p.131

 

Triều Tiên có hiện tượng nhập siêu và tình hình này gần như tồn tại trong nhiều thập niên qua. Thâm hụt thương mại năm 2017 được ghi nhận là trầm trọng nhất khi kim ngạch nhập khẩu là 3,78 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu đột ngột giảm mạnh, chỉ đạt 1,77 tỷ USD. Xuất khẩu của Triều Tiên so với năm 2016 giảm 37,2% và giảm tới 45% so với năm 2013 (tham khảo hình 4). Có thể thấy, các lệnh trừng phạt ngày càng khắt khe hơn của Liên Hợp Quốc dường như đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Triều Tiên khi các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Triều Tiên như than đá, sản phẩm luyện kim bị các lệnh trừng phạt hạn chế tối đa.


Hình 4: Tình hình xuất nhập khẩu của Triều Tiên (2007-2017)

Đơn vị: trăm triệu USD

Nền tảng kinh tế thực hiện chính sách mới của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

Nguồn: Hình vẽ dùng số liệu của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) tháng 04/2019

 

Trung Quốc và Ấn Độ là các đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc. Theo thống kê của Global Trade Atlas, gần 86% lượng hàng xuất khẩu của Triều Tiên được xuất thẳng sang Trung Quốc. Kinh tế Bình Nhưỡng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Năm 2016, Trung Quốc chiếm 85,6% trong tổng sản phẩm xuất khẩu và 90,3% lượng hàng hóa nhập khẩu vào Triều Tiên. Là đối tác lớn thứ hai nhưng Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 3-4% thương mại của Triều Tiên, có một khoảng cách vô cùng lớn với ngôi số một của Trung Quốc. Cho nên, thực chất, hiện tượng nhập siêu của Triều Tiên chính là nhập siêu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, giao thương giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2017 khi Trung Quốc quyết định áp dụng các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc lên Triều Tiên8. Có vai trò quan trọng trong xuất nhập khẩu của Triều Tiên, nên khi Trung Quốc dừng các hoạt động thương mại thì kinh tế Triều Tiên ngay lập tức bị ảnh hưởng. Nhìn vào số liệu thương mại của Triều Tiên tháng 12 năm 2017, có thể thấy tổng giao dịch thương mại với Trung Quốc giảm 51%. Tương tự, đốivới Ấn Độ, tổng kim ngạch thương mại đã giảm 55% (tham khảo bảng 2).

Lúc gặp khó khăn, cũng có thể thấy thương mại Triều Tiên đang cố gắng tìm đối tác mới. Trong khi giao dịch với các đối tác chính truyền thống giảm thì giao dịch với các đối tác khác tăng lên nhanh chóng.

 

Bảng 2: Thương mại với các đối tác chính của Triều Tiên vào một số thời điểm của năm 2017

Đối tác (thời điểm)

Triệu USD

So sánh với cùng kì năm ngoái (%)

Trung Quốc (tháng 12)

308,5

-51

Ấn Độ (tháng 11)

3,6

-55

Philippines (tháng 11)

2,8

Không thay đổi

Sri Lanka (tháng 12)

2,1

+10

Nga (tháng 11)

1,3

-78

Hồng Kông (tháng 11)

1,1

+98

Ghana (tháng 11)

1,0

Không thay đổi

Châu Âu (EU) (tháng 12)

1,0

-6,5

Thụy Sĩ (tháng 11)

0,6

Không thay đổi

Brazil (tháng 9)

0,3

-42

Nguồn: Global Trade Atlas

 

Đó là trường hợp của Hồng Kông, trong tháng 11 năm 2017, lượng giao dịch với Triều Tiên đã tăng tới 98% với tổng kim ngạch đạt 1,1 triệu USD. Giao dịch với Sri Lanka vào tháng 12/2017 cũng tăng 10% với tổng kim ngạch đạt 2,1 triệu USD. Như vậy, có thể nhận thấy rằng mặc dù phải chịu nhiều thiệt hại do các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm và trở nên khắc nghiệt hơn trong vài năm gần đây của các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ, nhưng Triều Tiên vẫn đang cố gắng thoát ra với việc tăng cường thương mại với các đối tác tiềm năng khác. Kể từ năm 2013, Triều Tiên cũng bắt đầu mở rộng, xây dựng mới hàng chục đặc khu, khu vực phát triển kinh tế (경제개발구) cấp trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc. Trong khi đó, dù có tiềm năng song thương mại giữa Triều Tiên với Việt Nam còn khá khiêm tốn, nhỏ lẻ và không ổn định. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên năm 2010 đạt tới hơn 16 triệu USD, nhưng năm 2016 chỉ đạt 2,99 triệu USD (toàn bộ là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên). Thống kê sơ bộ, năm 2017 Việt Nam xuất siêu sang Triều Tiên 7,322 triệu USD (chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo) và không có số liệu nhập khẩu từ Triều Tiên9.

Triều Tiên đã có một sự thay đổi lớn về đường lối chính sách, chuyển từ song song phát triển kinh tế và hạt nhân sang tập trung trọng tâm cho chỉ lĩnh vực kinh tế, huy động tất cả nguồn lực để xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới từ năm 2018. Có thể nói, với nền tảng kinh tế được xây dựng trong khoảng một thập niên trước đó có những tín hiệu tích cực, Triều Tiên có niềm tin để bắt đầu tiến hành thực hiện chính sách mới. Các chỉ số kinh tế vĩ mô tăng nhẹ, đặc biệt là trong hai năm 2016-2017, sản lượng lương thực cũng gia tăng, lượng lưu thông tiền tệ cao hơn, cho phép sử dụng ngoại tệ trong nước, yếu tố thị trường tồn tại song song với sự kiểm soát của kinh tế kế hoạch, gia tăng xuất nhập khẩu và đa dạng hóa đối tác thương mại, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài… Ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế đang có sự phân hóa theo hướng công nghiệp nặng do nhà nước và quân đội quản lí, công nghiệp nhẹ chuyển sang cho thị trường. Trong khi đó, tỷ trọng ngành dịch vụ cũng có xu hướng tăng lên. Trên nền tảng kinh tế có những tín hiệu tích cực, chính sách mới tập trung tổng lực phát triển kinh tế của Triều Tiên có những điểm tựa nhất định. Tuy nhiên, những thách thức trong bối cảnh quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ với Mỹ và các vấn đề hạt nhân hóa, cấm vận quốc tế, mất mùa do thiên tai… cũng tạo áp lực không nhỏ đối với việc thực hiện chính sách mới của Triều Tiên gần đây.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Bộ Ngoại giao Việt Nam (2018), Tài liệu cơ bản về Triều Tiên và quan hệ Việt Nam - Triều Tiên.
  2. Tất Đạt, “Vượt mọi cấm vận, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng liên tục, không có “nạn đói” như đồn đại”, Soha, 4/6/2018, https://soha.vn/vuot-moi-cam-van-kinh-te-trieu-tien-tang-truong-lien-tuc-khong-co-nan-doi-nhu-don-dai-20180604114200925.htm.
  3. Thu Hương, “Kinh tế Triều Tiên lớn đến đâu”,Cafef,https://cafef.vn/kinh-te-trieu-tien-lon-den-dau-20180611142128656.chn.
  4. 북한의무역과산업정책의연관성분석,북한의무역과산업정책의연관성분석,KIEP, 연구보고서 17-06 (Choi Jang-ho và đồng nghiệp (2017), Phân tích thương mại của Triều Tiên và mối quan hệ với chính sách công nghiệp, Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc).
  5. Daniel Tudor, James Pearson (2017), Bí mật Triều Tiên (North Korea Confidential), Cheon Byung Geun dịch,  bản tiếng Hàn, ViaBook Publisher.
  6. Hong Min và đồng nghiệp (2018), Nghiên cứu thực tế thay đổi của Bắc Hàn: Phân tích tổng hợp thị trường hóa (북한변화실태연구: 시장화종합분석), KINU (Viện Nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc),18-19 연구총서.
  7. 쌀이금보다귀하다북한식량난10년새최악서울시대북식량지원나선다), 한겨래신문 (Kwon Hyuk-chol, Thóc quý hơn vàng, Tình trạng thiếu lương thực ở Bắc Hàn trầm trọng nhất trong 10 năm qua, Thành phố Seoul đứng ra hỗ trợ lương thực cho miền Bắc), 02/05/2019.
  8. 북한경제재생산구조의전개와정치변화: 선군정치경제의시원을중심으로),북한학연구제7권제2호 (Kwon Oh Guk & Moon In-chol (2011, Thay đổi chính trị và vận hành cơ cấu tái sản xuất kinh tế ở Bắc Hàn: Trọng tâm nhìn từ kinh tế chính trị Tiên quân.
  9. Trang web Ngân hàng Hàn Quốc (BOK): http://www.bok.or.kr.
  10. Trang web Global Trade Atlas: http://www.tradeatlas.com.

 

 


[1]TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

2Sốliệucủa Bloomberg, dẫn lại từ Thu Hương,“Kinh tế Triều Tiên lớn đến đâu”, Cafef, https://cafef.vn/kinh-te-trieu-tien-lon-den-dau-20180611142128656.chn.

3 Kwon Hyuk-chol (2019),“Thócquýhơnvàng, Tìnhtrạngthiếulươngthực ở BắcHàntrầmtrọngnhấttrong 10 năm qua, Thànhphố Seoul đứng ra hỗtrợlươngthựcchomiềnBắc” (쌀이금보다귀하다북한식량난 10년새최악서울시대북식량지원나선다), 한겨래신문), 02/05/2019.

4 Daniel Tudor, James Pearson (2017), BímậtTriềuTiên (North Korea Confidential), Cheon Byung Geundịch, bảntiếngHàn, ViaBook Publisher, tr.26.

5 Hong Min và đồng nghiệp (2018), Nghiên cứu thực tế thay đổi của Bắc Hàn: Phân tích tổng hợp thị trường hóa (북한변화실태연구: 시장화종합분석, 18-19 연구총서, KINU (Viện Nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc), tr.223.

6Hong Min và đồng nghiệp (2018), Tlđd, tr.211, 229.

7북한경제재생산구조의전개와정치변화: 선군정치경제의시원을중심으로), 북한학연구제7권제2호(Kwon Oh Guk & Moon In-chol (2011), Thay đổi chính trị và vận hành cơ cấu tái sản xuất kinh tế ở Bắc Hàn: Trọng tâm nhìn từ kinh tế chính trị Tiên quân), tr.149.

8Tất Đạt, “Vượt mọi cấm vận, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng liên tục, không có “nạn đói” như đồn đại”, Soha, 4/6/2018, https://soha.vn/vuot-moi-cam-van-kinh-te-trieu-tien-tang-truong-lien-tuc-khong-co-nan-doi-nhu-don-dai-20180604114200925.htm.

0thảo luận