Nguyễn Thị Hồng Nga1, Ushiyama Ryuichi2
Tóm tắt:Nhật Bản là một quốc gia hải đảo, bao quanh bốn bề là biển khơi, vì vậy, biển có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của người dân nơi đây. Trong suốt tiến trình lịch sử của Nhật Bản, các giá trị văn hóa biển không ngừng được lưu giữ và phát huy, mối liên kết xã hội với biển cũng không ngừng được hun đúc và phát triển. “Xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển” cũng là một trong sáu nhóm giải pháp đã được đưa ra trong “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với tầm quan trọng này, bài viết sẽ phân tích kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình xây dựng và bảo tồn văn hóa biển, qua đó rút ra một số bài học cho Việt Nam để góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước.
Từ khóa: Nhật Bản, văn hóa biển, đại dương, bảo tồn văn hóa
1. Khái quát về văn hóa biển của Nhật Bản[1][2]
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của Nhật Bản, biển và đại dương luôn gắn bó mật thiết với đời sống của người dân nơi đây, vì thế, những nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản cũng mang đậm các đặc trưng của biển. Nhiều nhà nghiên cứu của Nhật Bản như Kitami Toshio (1989)[3] hay Sakurada Katsunori (1970)[4] đều khẳng định gốc rễ văn hóa Nhật Bản bắt nguồn từ mối quan hệ giữa đất liền và biển cả, dựa trên những tương tác qua lại giữa cộng đồng dân cư ven biển và các sản phẩm khai thác từ đại dương với đất liền. Obayashi (1996)[5] nhấn mạnh ngay cả văn hóa của giới tinh hoa cầm quyền ở Nhật Bản mặc dù luôn chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố lục địa nhưng cũng mang dấu ấn văn hóa của biển và đại dương[6].
Trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng ở Nhật Bản, "Shinto" hay Thần đạo được coi là tôn giáo đặc trưng của người dân bản địa, trong đó biển là một phần không thể thiếu của Thần đạo. Một trong bảy vị thần quan trọng nhất của Thần đạo là thần Izanami và Izanagi - vị thần khởi nguồn và trung tâm của Thần đạo đã khuấy động biển cả để tạo nên hòn đảo đầu tiên của nước này và tiếp đó tạo thêm tám hòn đảo chính trên khắp Nhật Bản. Ngoài ra, còn có rất nhiều vị thần ở Nhật Bản liên quan đến biển được người dân thờ phụng và đặt niềm tin như thần ngư nghiệp Hachiman, thần Ebisu... với ước vọng các vị thần mang đầy cá cho ngư dân...; hay thần hộ mệnh trên biển Konpira, nữ thần biển Mazu... với mong ước bảo vệ ngư dân và thủy thủ trong mỗi chuyến ra khơi. Ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, các loài động vật dưới biển như cá heo, cá voi, rùa biển, cá hồi, lươn, hay cá trích... được mệnh danh là linh hồn của biển khơi, là biểu trưng, là "đại sứ" đại diện cho các vị thần của biển. Các ngôi đền tọa lạc ở Nhật Bản cũng mang nhiều ý nghĩa về biển cả như đền Konpirasan ở Kagawa được xây dựng nhằm tưởng niệm những thủy thủ và người đi biển, hay đền Itsukushima ở Hiroshima trước đây là nơi cầu nguyện phước lành cho hoàng gia, bảo vệ đất nước và an toàn cho các thủy thủ...
Đại dương và sinh vật biển là một biểu tượng không thể thiếu trong các nghi thức tôn giáo và lễ hội truyền thống của Nhật Bản. Người dân Nhật Bản tin rằng muối biển có thể xua đuổi tà ma, vì vậy, trước mỗi trận đấu sumo, các đấu sĩ thường thực hiện nghi lễ tung muối để xua trừ ma quỷ và chứng minh sự trong sạch của mình. Muối biển cũng được sử dụng trong các lễ tang, đám cưới, trong nghi lễ tẩy uế tại các ngôi đền thờ Thần đạo, được các bà mẹ sử dụng sau khi sinh nở với niềm tin thanh tẩy không gian sống và cơ thể của mình[7]. Cùng với muối biển, các loài cá cũng xuất hiện trong một số lễ hội và nghi thức ở Nhật Bản. Phổ biến nhất là nghi thức treo cờ cá chép để kỷ niệm Ngày lễ Thiếu nhi (Ngày bé trai) vào tháng 5 hàng năm. Hình ảnh "cá vượt vũ môn" - cá chép bơi ngược dòng thác - mang ý nghĩa cầu mong cho các bé trai khỏe mạnh, trưởng thành, tự lập và thành công trong cuộc sống.
Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản, không khó để bắt gặp những hình tượng của biển khơi như sóng, nước biển hay các loài sinh vật biển... được lồng ghép vào các tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm hội họa "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa" của họa sĩ Hokusai đã trở thành kiệt tác bất hủ và là một trong những bức tranh có tiếng tăm nhất thế giới trong suốt gần 200 năm qua. Những đợt sóng biển cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều họa sĩ Nhật Bản như bức tranh nổi tiếng "Những con sóng ở Matsushima" của họa sĩ Tawaraya Sotatsu, hay "Bóng ma Taira no Tomomori ở vịnh Daimotsu" của họa sĩ Utagawa Kuniyoshi... Một loại hình nghệ thuật độc đáo khác khá phổ biến ở Nhật Bản đó là "gyotaku" - "nghệ thuật in cá", theo đó các bức tranh sẽ được tạo ra từ những con cá sống được bôi mực in và ép hình lên giấy. Nghệ thuật "gyotaku" phát triển hưng thịnh dưới thời kỳ Edo (1603-1868), sau đó từng có thời gian bị suy tàn nhưng ngày nay đã quay trở lại và được lưu truyền rộng rãi.
Cùng với hội họa, biển và đại dương cũng là trung tâm, là nguồn tư liệu vô tận cho các loại hình âm nhạc, các bài hát dân ca và điệu múa truyền thống ở Nhật Bản. "Soran-bushi" là một trong những bài hát và vũ điệu phổ biến nhất của đất nước này, có nguồn gốc từ điệu hò đánh cá của ngư dân vùng Hokkaido. Hình tượng "cá heo" cũng được sử dụng trong hơn 50 bài hát dân ca của Nhật Bản trong thời kỳ Edo và đã được truyền miệng, ghi chép, lưu trữ và ngân lên trong mỗi dịp lễ hội truyền thống[8]. Hình ảnh những đợt sóng biển, hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi, quăng lưới... cũng được tái hiện trong nhiều vũ điệu ở Nhật Bản, phản ánh thiên nhiên cũng như đời sống thường nhật của người dân.
Hải sản được coi là linh hồn trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản nói riêng và văn hóa của người Nhật nói chung. Trước thời kỳ Minh Trị (1868-1912), việc ăn thịt được xem là bất hợp pháp, vì thế, người Nhật sớm hình thành thói quen ăn cá và các loài sinh vật khai thác từ đại dương. Không chỉ ở trong nước, các món ăn Nhật Bản sử dụng nguyên liệu hải sản như sashimi, sushi, tempura, cơm lươn... ngày càng được ưa chuộng trên thế giới. Carroll (2009)[9]thậm chí còn đưa ra thuật ngữ "văn hóa sushi" để phản ánh sự phổ biến và sức ảnh hưởng của món đặc sản này. Không khó để tìm thấy sushi ở bất cứ thành phố nào ở châu Âu, châu Mỹ hay châu Á, từ siêu thị, các tiệm đồ ăn nhanh cho tới các nhà hàng sang trọng bậc nhất...
2. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa biển
2.1. Xây dựng thể chế về văn hóa biển
Việc gắn kết và phát huy các giá trị văn hóa biển trong những năm gần đây đã trở thành một chủ đề được nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế quan tâm. Hội nghị về Đại dương của Liên Hợp Quốc năm 2017 đã kêu gọi các quốc gia "xây dựng các chiến lược toàn diện để nâng cao nhận thức về văn hóa biển cũng như tầm quan trọng của tri thức bản địa về vai trò và sức khỏe của đại dương"[10]. Mặc dù là một nhiệm vụ hết sức cần thiết nhưng nội dung này lại hiếm khi được đề cập tới trong các chiến lược, chính sách, chương trình hành động về biển của các quốc gia, khu vực và quốc tế. Đối với Nhật Bản, chính phủ nước này đặc biệt chú trọng tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển thông qua nhiều công cụ về luật pháp, chính sách. Trên phương diện pháp lý, năm 2007, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành "Đạo luật cơ bản về chính sách biển", nhấn mạnh tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, duy trì đời sống ổn định cho người dân và đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa con người với đại dương. Trong đó, đạo luật đã lồng ghép một số điều khoản liên quan tới việc bảo tồn và phát huy văn hóa biển, xây dựng xã hội gắn bó với biển, cụ thể:
Thứ nhất, duy trì và phổ biến các nét văn hóa biển truyền thống của Nhật Bản. Điều 13 của đạo luật này tái khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục kỷ niệm “Ngày của Đại dương” (Umi no hi) và yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa truyền thống về biển trong ngày này để tăng cường sự hiểu biết và quan tâm của người dân đối với biển.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức của người dân về biển, trong đó: (i) nâng cao nhận thức và sự quan tâm của người dân đối với biển,(ii) tăng cường giáo dục trong nhà trường và ngoài xã hội về biển, đẩy mạnh giáo dục liên ngành và các hoạt động nghiên cứu về biển ở trường đại học, nâng cao nguồn nhân lực cả về kiến thức và năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh và phát triển kinh tế biển (Điều 28)[11].
Để triển khai đạo luật này, ngay từ năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành "Kế hoạch cơ bản về chính sách đại dương" lần thứ nhất giai đoạn 2008-2013, tiếp sau đó là Kế hoạch lần thứ hai và Kế hoạch lần thứ ba lần lượt cho giai đoạn 2013-2018 và 2018-2023, nhằm cụ thể hóa các chính sách biển của Nhật Bản cho từng giai đoạn. Những nội dung về việc duy trì và phát huy văn hóa biểntrong đạo luật năm 2007 đã được chi tiết hóa trong ba bản kế hoạch này.
2.2. Bảo tồn các lễ hội văn hóa biển
Trân trọng các giá trị của tự nhiên, trong đó có biển và đại dương là một truyền thống tốt đẹp và lâu đời của Nhật Bản, vì vậy, không chỉ Chính phủ Nhật Bản mà mỗi người dân đều có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ những giá trị của biển cả. Để tỏ lòng biết ơn biển và ước vọng về sự phồn vinh của quốc đảo này, năm 1996, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định chọn ngày thứ hai tuần thứ ba tháng 7 hàng năm là “Ngày của Đại dương”. Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới tổ chức ngày lễ này và quy định đây là một trong những ngày nghỉ lễ quốc gia. Ngày này trước đó có tên gọi là Ngày Tưởng niệm Đại dương nhằm đánh dấu sự kiện Thiên hoàng Minh Trị trở lại cảng Yokohama vào năm 1876.
Theo "Đạo luật cơ bản về chính sách biển"năm 2007, các sự kiện văn hóa cần được tổ chức trong Ngày của Đại dương để cảm tạ biển khơi và thu hút sự quan tâm của các quốc gia khác trên thế giới. Trong các chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày lễ này, người dân có ba ngày nghỉ để cùng gia đình khám phá các vùng biển và tham gia vào các hoạt động, lễ hội biển. Nhiều lễ hội, sự kiện được tổ chức trên khắp đất nước giúp mọi người hiểu hơn về biển và những câu chuyện xoay quanh đại dương bao la. Một trong những hoạt động phổ biến nhất trong ngày này là sự kiện ném bùn - trong đó người dân sử dụng các loại bùn khô có chứa các hạt vi sinh vật hữu hiệu (EMs) giúp loại bỏ bụi bẩn trong nước biển, hay những chiến dịch làm sạch biển được phát động khắp cả nước. Những dải đèn lồng rực rỡ trên Vịnh Odaiba Tokyo, những con tàu được trang hoàng lộng lẫy và các màn bắn pháo hoa rực rỡ tại những bãi biển lớn của Nhật Bản... cũng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày của Đại dương để hấp dẫn khách du lịch quốc tế biết tới ngày lễ này.
Cùng với đó, mỗi năm, hàng loạt lễ hội tạ ơn biển để thể hiện tình cảm của ngư dân đối với biển và khát khao chinh phục biển khơi... cũng được tổ chức ở nhiều địa phương trên khắp đất nước. Vào mỗi dịp năm mới, người dân thành phố Takada ở tỉnh Oita lại tổ chức lễ hội cầu nguyện cho một năm đi biển thuận hòa và an toàn khi ra khơi đánh cá. Lễ hội biển ở Ichinomiya, tỉnh Chiba với truyền thống hơn 1.200 năm cũng được tổ chức hàng năm để kỷ niệm sự đoàn tụ của các vị thần biển và cầu mong một năm thuận buồm xuôi gió. Lễ hội Johyara ở Saiki, tỉnh Oita được tổ chức để thể hiện sự biết ơn của người dân đối với thiên nhiên, ngư dân sẽ chèo thuyền với những khẩu hiệu đầy màu sắc với dòng chữ "Lưới đầy" nguyện mong một năm lưới đầy cá tôm và tràn trề nhựa sống…
Thông qua những lễ hội này, các thế hệ ở Nhật Bản vừa được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa gia tăng kết nối giữa con người với biển và thiên nhiên, vừa nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường biển và giữ gìn tài nguyên biển.
2.3. Bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống
Các ngành nghề truyền thống liên quan tới biển không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thốngcủa Nhật Bản, mà còn đem lại những lợi ích kinh tế đáng kể (không chỉ thông qua lợi nhuận từ kinh doanh các sản phẩm này mà còn thông qua lợi nhuận từ các hoạt động du lịch, trải nghiệm). Một trong những ngành nghề truyền thống liên quan tới biển ở Nhật Bản khá nổi tiếng là nghề làm muối biển agehama. Ngoài ý nghĩa tâm linh, muối còn là nguyên liệu không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản, là nguyên liệu quan trọng cho các món ăn truyền thống của nước này như nước tương, súp miso và các loại cá muối, dưa củ cải muối… Trải qua hàng thiên niên kỷ, cộng đồng dân cư ven biển đã phát triển những kỹ thuật làm muối điêu luyện, cho ra đời những hạt muối tinh khiết, chất lượng, đặc biệt là kỹ thuật làm muối biển agehama ở bán đảo Noto, vùng Ishikawa. Tuy nhiên, năm 1958, việc ứng dụng tiến bộ công nghệ và các biện pháp hiện đại hóa ngành công nghiệp làm muối của Chính phủ Nhật Bản đã gần như xóa sổ nghề làm muối biển agehama ở Noto (vốn được cho là thâm dụng lao động) và khi đó chỉ còn một hộ gia đình duy nhất duy trì nghề làm muối này.
Trước nguy cơ nghề làm muối bị xóa sổ, chính quyền thành phố Suzu của tỉnh Ishikawa đã cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho hộ gia đình ở đảo Noto để tiếp tục làm nghề. Mặt khác, đến năm 2002, Chính phủ Nhật Bản cũng đã xem xét lại chính sách và quyết định cởi trói cho ngành công nghiệp làm muối tự do phát triển, chấm dứt độc quyền nhà nước và tạo dư địa cho các hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia sản xuất. Ngay khi các quy định của chính phủ được dỡ bỏ, Nhật Bản đã chứng kiến sự bùng nổ số lượng các hộ gia đình làm muối dọc theo các bờ biển và các quần đảo, đảo ở Nhật Bản. Hàng trăm loại muối mới được sản xuất với mùi vị đặc trưng của từng địa phương, với kỹ thuật sản xuất, lưu trữ và sử dụng khác biệt. Nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương và những điều chỉnh chính sách của chính phủ, nghề làm muối biển agehama đã “sống lại” và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2008[12]. Muối trở thành biểu trưng của từng địa phương cũng như của quốc gia, là món quà lưu niệm đầy ý nghĩa cho du khách trong và ngoài nước. Sự phát triển trở lại của nghề cũng lôi kéo bộ phận lao động từ thành phố quay về quê hương để làm việc, thậm chí còn thu hút được lao động từ các thành phố lớn di cư tới các vùng biển để thử sức với công việc làm muối[13].
Ngoài nghề làm muối, người dân Nhật Bản rất có ý thức trong việc bảo tồn các kỹ thuật chế biến hải sản truyền thống như kỹ thuật lên men, ướp muối, phơi khô, hun khói… Có những gia đình Nhật Bảnhiện vẫn lưu truyền được các công thức chế biến sushi truyền thống hơn 400 năm (trải qua 18 thế hệ). Những trung tâm dạy nấu ăn, các học viện ẩm thực đang hoạt động trên khắp nước Nhật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến và lưu giữ những công thức nấu ăn, kỹ thuật chế biến cá khô, hải sản xông khói,cá bào, tảo sấy…
Nhật Bản cũng chú trọng bảo tồn ngành đánh bắt cá truyền thống thông qua các chương trình hỗ trợ cải thiện thu nhập cho ngư dân, triển khai các chương trình bảo hiểm đặc biệt và giảm chi phí đầu vào như hỗ trợ phí xăng dầu, đóng tàu… nhằm hạn chế xu hướng dịch chuyển lao động khỏi ngành công nghiệp đánh bắt cá này.
2.4. Bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa biển khắp toàn cầu
Mấu chốt thành công của Nhật Bản trong việc phủ sóng các giá trị văn hóa biển của nước này là người Nhật luôn biết cách xây dựng, khai thác và phát huy những nét văn hóa điển hình và độc đáo, không để chúng bị hòa lẫn với những nét văn hóa của các dân tộc khác. Mô hình đấu giá cá ngừ ở chợ cá Tsukiji, nghệ thuật trình bày món ăn khéo léo, các chuỗi nhà hàng sushi băng chuyền, kỹ thuật cắt cá điêu luyện, hay những làng chài cổ kính ven biển... đều gợi nhớ tới văn hóa Nhật Bản. Chính nhờ sự tỉ mỉ, chi tiết, nghiêm túc của người Nhật và những đòi hỏi cao về tính chính xác, chất lượng mà dấu ấn văn hóa của Nhật Bản luôn nổi bật và trường tồn với lịch sử.
Bảo tồn và quảng bá ẩm thực Nhật Bản: sự nổi lên của Nhật Bản những năm 1970 như một điểm đến kinh doanh hấp dẫn chính là chất xúc tác giúp Nhật Bản phổ biến các nét văn hóa truyền thống và quảng bá giá trị văn hóa biển tới tầng lớp doanh nhân và khách du lịch nước ngoài. Những món ăn truyền thống có lợi cho sức khỏe với cơm, cávà các loại hải sản tươi sống đã trở thành đặc trưng riêng có của Nhật Bản. Chính từ đây người Nhật đã chinh phục được khẩu vị của người nước ngoài và biến sushi trở thành món ăn quen thuộc ở nhiều quốc gia phương Tây. Sự góp mặt của sushi trong những nhà hàng, quán cafe tại Cambridge hay Massachusetts, hay sự xuất hiện của các nguyên liệu Nhật Bản trong những món ăn phương Tây như khoai tây nghiền kết hợp mù tạt(wasabi), sốt gừng sushi, hay steak cá hồi trên bàn ăn của người Mỹ... cho thấy sức lan tỏa âm thầm nhưng mạnh mẽ của ẩm thực Nhật Bản trên toàn cầu. Sushi còn trở thành một xu hướng thời trang với sự ra đời của những thỏi son đỏ với tên gọi “màu sushi” - màu đỏ của cá ngừ tươi sống, hay sơn móng tay với tên gọi “màu wasabi”[14].
Dù ở New York, Los Angeles, Amsterdam, Madrid, Tel Aviv, Buenos Aires hay Moscow, sushi và các món ăn truyền thống của Nhật Bản vẫn mang đậm hồn cốt của ẩm thực nước này. Đó là nhờ sự góp sức của hàng chục nghìn đầu bếp nhập cư người Nhật đang làm việc miệt mài ở các thành phố lớn nhỏ trên thế giới. Sự xuất hiện của những đầu bếp người Nhật đã góp phần gìn giữ nét thuần khiết của văn hóa ẩm thực Nhật Bản và phổ biến chúng ở nhiều nơi trên thế giới. Chính phủ Nhật cũng tạo điều kiện để giới trẻ nước này có thể trở thành đầu bếp trong các nhà hàng, quán ăn Nhật Bản ở nước ngoài. Mỗi năm văn phòng lãnh sự Mỹ ở Nhật Bản cấp khoảng hơn 1.000 visa cho các đối tượng là đầu bếp sushi, các thương lái cá ngừ và lao động làm việc trong "ngành công nghiệp sushi". Ở Tokyo còn có trường Đại học Sushi (Sushi Daigaku) tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về cách chế biến sushi. Sau khi tốt nghiệp, học viên được cấp chứng chỉ hành nghề và với chứng chỉ này sinh viên sẽ thuận lợi hơn khi tìm kiếm việc làm.
Trong những năm qua, trữ lượng hải sản của Nhật Bản đã giảm sút khá nhanh, vì thế hải sản được khai thác ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên, những dấu ấn của người Nhật từ công đoạn đánh bắt, sơ chế cho tới chế biến vẫn còn khá rõ nét. Tại những bến cảng đánh bắt cá ở New England, Dakota, Mỹ, không khó để bắt gặp các kỹ thuật viên đánh cá được cử từ Nhật Bản tới để làm việc. Nhiệm vụ của đội ngũ chuyên gia này là hướng dẫn lao động tại Mỹ kỹ thuật đánh bắt, xử lý và đóng gói cá xuất khẩu. Dù được khai thác ở Mỹ nhưng cá ngừ vẫn phải đáp ứng những "thông số kỹ thuật" cơ bản mà người Nhật đưa ra như màu sắc, hàm lượng mỡ, hình dáng, kết cấu... Cá sau khi đánh bắt được đóng gói bằng một loại giấy gói đặc biệt nhập khẩu từ Nhật Bản, được ướp lạnh và vận chuyển nguyên con về Nhật Bản, do chính bàn tay khéo léo của người Nhật cắt miếng và xử lý, sau đó mới chuyển lại về Mỹ hoặc xuất khẩu sang các quốc gia khác[15].
Quảng bá văn hóa thông qua du lịch: mỗi năm Nhật Bản đón hàng triệu khách du lịch tới tham quan và khám phá quốc đảo này, vì vậy, du lịch được coi là kênh quảng bá nhanh chóng và hiệu quả những nét văn hóa biển truyền thống của Nhật Bản tới thế giới. Điểm nhấn trong các tour du lịch, đặc biệt là các tour du lịch thiết kế cho du khách nước ngoài, đó là những trải nghiệm ẩm thực biển của Nhật Bản. Du khách được tới chợ cá để thưởng thức hải sản tươi sống ngay khi vừa đánh bắt, hay khi lưu trú theo mô hình ryokan (nhà trọ truyền thống của người Nhật), du khách sẽ được tiếp đón bằng những bữa tối theo phong cách “kaiseki ryouri” với các loại hải sản đặc trưng của từng địa phương và bữa sáng điển hình với cơm, súp miso và cá nướng. Ở hầu hết các thành phố của Nhật Bản đều có các bảo tàng đại dương, khách tham quan sẽ được giới thiệu về ngành đóng tàu, ngành đánh cá, tham quan tàu chiến, tàu đánh cá của Nhật, hay di sản văn hóa từ biển khơi… Du khách cũng dễ dàng tìm thấy những món quà lưu niệm mô phỏng một số tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Nhật Bản như bức tranh sóng biển, đèn lồng cá chép, mô hình tàu biển, tượng thần biển, hay trải nghiệm các lớp học làm sushi…
Bảo tồn các làng chài cổ: Nhật Bản không chỉ được biết tới với những thành phố sôi động, hiện đại và bận rộn nhất nhì thế giới mà còn nổi tiếng bởi các làng chài cổ kính. Hiện nay, nhiều làng chài ở Nhật Bản vẫn giữ được hơi thở của lịch sử như làng chài Ine ở Kyoto với kiến trúc nhà thuyền gỗ (funaya) trên mặt nước biển, hay những “khu phố ngủ quên” ở thành phố cảng Tomonoura, tỉnh Hiroshima với các dãy nhà cổ mộc mạc nối tiếp nhau mang đậm hương vị của thời kỳ Edo hàng trăm năm về trước… “Hiệp hội Những ngôi làng đẹp nhất Nhật Bản” được thành lập năm 2005 với mục tiêu phát hiện và bảo tồn những ngôi làng này như một di sản văn hóa của Nhật Bản, đồng thời tìm ra hướng đi để phát triển bền vững cho du lịch ở những địa danh này. Khi mới thành lập, Hiệp hội chỉ có 7 thành viên, tuy nhiên đến nay, số lượng các ngôi làng truyền thống tham gia đã lên tới con số 60. Vai trò của hiệp hội này là: (i) xây dựng và quảng bá hình ảnh của những làng cổ, tổ chức triển lãm ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, tổ chức các cuộc thi ảnh đẹp về kiến trúc, văn hóa, đời sống của người dân…; (ii) làm cầu nối, không gian kết nối giữa các làng, thị trấn để cùng hợp tác phát triển du lịch, thu hút khách du lịch tới những địa điểm này; (iii) nâng cao nhận thức của người dân về đặc trưng văn hóa của địa phương mình và phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo tồn, tôn tạo những di sản văn hóa độc đáo của địa phương cho các thế hệ tương lai.
3. Một số gợi ý cho Việt Nam
Là quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam cũng được biết tới như một quốc gia có nền văn hóa biển đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trước vòng xoáy của toàn cầu hóa, nhu cầu phát triển kinh tế nhanh và ý thức của người dân chưa cao mà nhiều nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam đã và đang có nguy cơ bị mai một, xói mòn. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy cốt lõi của việc phát huy các giá trị văn hóa biển đó là lôi kéo được sự tham gia có trách nhiệm của tất cả mọi thành phần xã hộitrong công tác gìn giữ văn hóa biển. Do đó, chính phủ, chính quyền các địa phương ven biển, người dân và các chủ thể có liên quan… cần tích cực chung tay bảo tồn không gian văn hóa biển và những đặc trưng văn hóa biển đảo của đất nước. Những biện pháp cụ thể cần làm ngay là:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư quảng bá văn hóa biển của Việt Nam. Thành công của một số chương trình quảng bá ẩm thực Việt Nam trên sóng truyền hình quốc tế là minh chứng cho tính hiệu quả củaphương thức này. Mặc dù vậy, cách làm này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, chiến lược đầu tư đúng hướng và nỗ lực không nhỏ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp cũng như người dân.Do đó, các bộ, sở, ban, ngành về văn hóa – du lịch và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với khối doanh nghiệp để huy động nguồn tài chính, đồng thời hợp tác với các công ty truyền thông có uy tín nhằm lựa chọn và xác định những sản phẩm văn hóa biển đặc trưng nhất để đầu tư quảng bá (đặc sản ẩm thực, di sản văn hóa vật thể/phi vật thể…). Song song với các chiến dịch quảng bá hình ảnh, bản thân người dân và chính quyền địa phương cũng cần nghiên cứu và thực thi các biện phápbảo tồn và nâng cao giá trị của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống, tạo cho chúng những nét đặc thù, riêng có, khác biệt với các sản phẩm, dịch vụ của những nước láng giềng.
Thứ hai, gìn giữ và phát huy các làng nghề truyền thống ven biển như đánh bắt cá, chế biến hải sản, chế biến nước mắm, chế tạo đồ thủ công mỹ nghệ, nuôi cấy ngọc trai… Các địa phương và doanh nghiệp cần phát triển tốt mô hình du lịch làng nghề, khéo léo kết hợp chương trình tham quan làng nghề vào các tour du lịch, tạo cơ hội để du khách vừa được giới thiệu về lịch sử của làng nghề, vừa được trải nghiệm văn hóa địa phương (ẩm thực, lễ hội, trang phục, các hình thức nghệ thuật…). Tuy nhiên, các làng nghề cũngcần xây dựng những chương trình tham quan đa dạng, hấp dẫn, độc đáo, đặc biệt cần đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm kinh doanh.Đội ngũ phục vụ cần được trang bị đầy đủ những kiến thức về văn hóa địa phương cũng như kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp.
Thứ ba, bảo tồn các lễ hội biển truyền thống.Đây là nỗ lực để các địa phương ven biển vừa duy trì những nét sinh hoạt truyền thống của dân tộc, vừa bảo tồn và truyền bá các giá trị văn hóa đặc sắc như điệu hò, điệu múa, trang phục truyền thống… cho thế hệ tiếp nối, vừa là kênh quảng bá hữu ích cho văn hóa và du lịch địa phương. Trong những năm gần đây chính quyền các thành phố biển đã bắt đầu chú trọng phát triển hình ảnh thông qua các festival, các lễ hội văn hóa biển. Song những lễ hội này đang dần có xu hướng bị “thương mại hóa” vàcó sự trùng lặp lẫn nhau, vì vậy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo và định hướng cộng đồng trong công tác tổ chức lễ hội, đảm bảo tính thiết thực, truyền thống - tập trung thực hành các nghi lễ truyền thống, phát huy các giá trị của di sản lễ hội hơn là đặt nặng yếu tố chuyên nghiệp, biểu diễn…
Thứ tư,khuyến khích và phát huy vai trò của các tổ chức, hiệp hội trong việc hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển, các địa phương ven biển bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển. Học tập mô hình hiệp hội giúp phát triển các làng nghề ở Nhật Bản, Việt Nam cũng có thể thành lập những hiệp hội tương tự, hoặc tận dụng những hiệp hội hiện đang hoạt động như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội doanh nghiệp… để nối kết các thành viên, phát huy sức mạnh tập thể và xác định định hướng phát triển lâu dài cho địa phương. Việc gắn kết các thành viên trong cộng đồng dân cư ven biển cũng chính là một giá trị văn hóa sâu sắc và là tiền đề để thực hành, phát huy các truyền thống văn hóa biển.
Thứ năm, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị văn hóa biển của địa phương và tầm quan trọng của bảo tồn văn hóa biển của địa phương. Chính quyền địa phương có thể cân nhắc tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức về văn hóa địa phương cho người dân, một phần để gìn giữ các nét văn hóa truyền thống, một phần để những thông tin truyền tải tới khách du lịch được đầy đủ, chính xác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] ThS., Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] ThS., Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (Japan Center of Economic Research), Tokyo, Nhật Bản
[3] Kitami, T. (1989), Nihonkaitobunka no kenkyu Minzokufudorontekikousatu, Nochi Hoseidaigaku, Tokyo
[4] Sakurada, K. (1970), Umi no shukyo, Tankosha, Kyoto.
[5] Obayashi, T. (1996), Umi no michi umi no tami, Shogakukan, Tokyo.
[6]Rambelli, F. (2018), The sea and the sacred in Japan: aspects of maritime religion, Bloomsbury Publishing, London.
[7]Tamas, C. (2014), "The Ritual Significance of Purification Practices in Japan", Humanities Review, Vol.19, p.2.
[8]Greenland, F. (2011), "Whaling Songs in Japan as a Reflection of Cultural Practice", Journal of the Faculty of Letters, Vol. 95, p.98.
[9]Carroll, W. F. (2009), "Sushi: Globalization through food culture: Towards a study of global food networks", Journal of East Asian Cultural Interaction Studies, p. 454.
[10]International Union for Conservation of Nature (2017), Raising and integrating the cultural values of the Ocean, https://www.iucn.org/news/commission-environmental-economic-and-social-policy/201710/raising-and-integrating-cultural-values-ocean.
[11]Cabinet Office of Japan (2018), “The Basic Plan on Ocean Policy”, https://www8.cao.go.jp/ocean/english/ plan/pdf/plan03_e.pdf.
[12]Cocora, L. & Kaori, B (2010), “Preserving Japan’s Sea Salt Making Tradition”, Our World United National University, https://ourworld.unu.edu/en/preserving-japans-sea-salt-making-tradition.
[13]Schiller, T. (2016), Sea Salt,https://www.oishisojapan.com/home/2016/12/14/japanese-sea-salt.
[14]Bestor, V. & Bestor, T. (2014), “Japan and the Sea”, Education in Asia, Vol. 19 No. 2 Fall 2014, p.54.
[15] Bestor, T. (2000), "How Sushi Went Global", Foreign Policy, No. 121, p.54.