Nguyễn Tiến Lực1
Tóm tắt: Hội Meirokusha (Minh Lục xã) là một tổ chức trí thức khai sáng ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX. Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, Hội Meirokusha đã tổ chức các hoạt động có tính học thuật: dịch, viết các tác phẩm khai sáng, phổ biến tư tưởng đó trong nhân dân; tổ chức các cuộc tranh luận tạo ra không khí sinh hoạt học thuật mang tính tự do, dân chủ, đặt nền móng cho sự phát triển của học thuật thời cận đại (1868-1945). Những hoạt động đó góp phần to lớn vào sự nghiêp văn minh hóa, hiện đại hóa của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX. Bài viết này là sự nối tiếp bài viết “Quá trình thành lập hội Meirokusha (Minh Lục xã) ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 5 (231), 2020, trong nỗ lực nghiên cứu có hệ thống và toàn diện về hội trí thức khai sáng này.
Từ khóa: Nhật Bản, khai sáng, thế kỷ XIX, Meirokusha, Meiroku Zasshi
Hội Meirokusha được thành lập năm 1873, tập hợp những trí thức nổi tiếng đương thời, tổ chức các hoạt động học thuật nhằm khai sáng tư tưởng cho dân chúng, góp phần to lớn vào sự nghiệp “văn minh khai hóa” của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX.
Trong bài viết “Quá trình thành lập hội Meirokusha (Minh Lục xã) ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX”, chúng tôi đã trình bày chi tiết về quá trình thành lập và cơ cấu tổ chức của Meirokusha. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu nghiên cứu các hoạt động của Meirokusha và bước đầu đánh giá vai trò của tổ chức này đối với sự nghiệp văn minh hóa, hiện đại hóa Nhật Bản.
Hội Meirokusha tập hợp những trí thức “danh gia” của Nhật Bản với mục đích thông qua những hoạt động của mình khai sáng cho dân chúng Nhật Bản. Hoạt động khai sáng của họ rất đang dạng, phong phú. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số hoạt động chính của hội
1. Dịch thuật, viết sáchvà phổ biến các tác phẩm khai sáng trong nhân dân
Công việc đầu tiên của các nhà khai sáng Nhật Bản là dịch thuật và viết các tác phẩm khai sáng để phổ biến trong xã hội Nhật Bản.
Về dịch thuật, năm 1868, Nishi Amane dịch “Vạn quốc công pháp” (Bankoku Koho). Nguyên bản của “Vạn quốc công pháp” là Elements of International Law của Henry Wheaton xuất bản năm 1836 ở London và Philadelphia. Lúc đầu, “Vạn quốc công pháp” được Wiliams Martin dịch ra chữ Hán, được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc và các nước Đông Á như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Bản chữ Hán của “Vạn quốc công pháp” được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản. Ngay sau đó, nhiều người Nhật đã dịch từ bản chữ Hán của W. Martin ra tiếng Nhật, trong đó có Nishi. Đó là bản dịch Luật quốc tế thời cận đại, phổ cập luật quốc tế vào các nước Đông Á, là một trong những cuốn sách khai sáng quan trọng, có tác động vô cùng to lớn đến chính trị, tư tưởng và luật pháp của các nước Đông Á.
Năm 1871, Nakamura Masanao (中村政直, 1832-1891) dịch cuốn “Tây quốc lập chí biên” (西国立志編/Saikoku Rishi-hen) từ nguyên bản tiếng Anh Self-help của Samuel Smiles. Tác phẩm này của Samuel Smiles xuất bản lần đầu tại Anh vào năm 1859. Cuốn sách là câu chuyện thành công của hơn 300 người thành đạt ở Anh. Bản dịch tiếng Nhật cuốn sách này của Nakamura được bán hơn 1 triệu bản ở Nhật Bản, sánh ngang hàng với cuốn Khuyến học (学問のすすめ/ Gakumon no susume) của Fukuzawa Yukichi, trở thành sách bán chạy lâu dài nhất (best long-sell) Nhật Bản. Trong lời nói đầu của cuốn sách có một luận điểm rất quan trọng: “Trời chỉ trợ giúp cho những ai biết tự trợ” (Heaven helps those who help themselves). Nội dung và tư tưởng của cuốn sách này cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường ở Nhật Bản.
Năm 1872, Nakamura dịch một tác phẩm quan trọng khác là “Bàn về tự do” (tiếng Nhật: 自由之理/Jiyu no ri= Tự do chi lý) từ nguyên bản tiếng Anh On liberty của John Stuart Mill xuất bản năm 1859. Trong tác phẩm này, tiếp cận từ chủ nghĩa tự do, Mill phân tích tình hình chính trị, tư tưởng và xã hội châu Âu, đặc biệt là ở Anh. Ông cho rằng, tự do là quyền của cá nhân đối với quyền lực quốc gia và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng nhân cách cá nhân, tôn trọng cá tính của từng người và quyền tự do của con người.
Năm 1872, Kato Hiroyuki (加藤弘之: 1825-1886) dịch “Luận về quốc pháp” (国法汎論/Kokuho Hanron = Quốc pháp phàm luận) từ bản tiếng Đức Allgemeines Staatsrechtcủa Johann Kaspar Bluntschli, một luật sư và chính trị gia người Thụy Sĩ, xuất bản năm 1851-1852.
Về tác phẩm, năm 1861, Kato Hiroyuki đã viết tác phẩm “Lân thảo” (隣草/ Tonarigusa). Đây là tác phẩm đầu tiên ở Nhật Bản bàn về chế độ lập hiến. Tư tưởng chủ đạo của ông về thể chế chính trị là mối quan hệ giữa “nhân hòa” (人和/ninwa) và “công hội” (公会/kokai). Theo ông, để có được “nhân hòa”, cần thiết phải thiết lập được “công hội” mà “công hội” là một nền “chính trị công minh chính đại với cốt lõi là nhân nghĩa”, nhưng chính trị nhân nghĩa “nhân chính” (人政/ninsei) không tùy thuộc vào nhà cầm quyền mà phụ thuộc vào “chính thể”. Kato không muốn đối đầu với chính quyền Bakufu (1192-1868) nên không bàn trực diện về chính thể Nhật Bản mà mượn chuyện nhà Thanh (Trung Quốc) để nói về Nhật Bản. Kato cho rằng lý do khiến Trung Quốc thất bại trong chiến tranh Thuốc phiện không phải vì yếu kém về quân sự mà là do Trung Quốc không có một chính thể thích hợp. Theo Kato, thể chế thích hợp nhất cho Trung Quốc là chế độ lập hiến. Qua đó, ông ngầm ủng hộ chế độ lập hiến ở Nhật Bản.
Vào năm 1868, khi chế độ Minh Trị được thành lập, xu hướng chính trị thuận lợi cho việc truyền bá tư tưởng lập hiến, Kato cho xuất bản tác phẩm “Lập hiến chính thể lược” (立憲政体略/Rikken Seitai-ryaku) giới thiệu các chính thể ở phương Tây như chế độ quân chủ, chế độ quân chủ lập hiến, chế độ cộng hòa. Ông ca ngợi chế độ quân chủ lập hiến là chính thể quang minh chính đại, trong đó nhân dân và chính phủ cùng nhau giải quyết những yêu cầu của mỗi bên một cách thành ý và đó là chế độ phù hợp với Nhật Bản.
Năm 1870, Kato lại phát hành tác phẩm “Chân chính đại ý” (真政大意/Shinsei Tai-i). Trong tác phẩm này, ông phê phán chế độ chuyên chế là bất công, ca ngợi thể chế quân chủ lập hiến, nền chính trị chân chính. Ông cho rằng chân ý của trị quốc là an dân, chính quyền phải là nhân chính, hai bên phải thực hiện nghĩa vụ và phải có quyền lợi. Năm 1875, ông công bố tác phẩm “Quốc thể Tân luận” (国体新論/Kokutai Shinron) giới thiệu về tư tưởng nhân quyền dân quyền của Charles-Louis de Secondat (Montesquieu), François-Marie Arouet (Voltaire) và Jean-Jacques Rousseau.
Fukuzawa Yukichi (福沢諭吉, 1834-1901) viết “Tây Dương sự tình” (西洋事情Seiyo Jijo, 1866-1870) ghi chép những điều mắt thấy tai nghe về tình hình các nước Âu Mỹ sau ba chuyến thăm và khảo sát Mỹ và Tây Âu. Sách có nhiều hình minh họa, bàn về những điều cụ thể mà độc giả đương thời náo nức muốn tìm hiểu về các nước Tây phương trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự, phong tục tập quán… Ngoài các nước Tây phương, Fukuzawa cũng đề cập đến tình trạng đen tối ở các nước thuộc địa ở châu Á và châu Phi. Ý thức sâu sắc về vai trò giáo dục của người cầm bút, văn phong của Fukuzawa sáng sủa, gãy gọn mà hàm súc, được độc giả đủ mọi tầng lớp yêu thích. Cùng với “Lân thảo” của Kato, “Tây Dương sự tình” đã bán được hơn 1 triệu cuốn, trở thành sách bán chạy nhất ở Nhật Bản thời bấy giờ.
Vào những năm 1870, Fukuzawa cho công bố một loạt cuốn sách nổi tiếng như “Khuyến học”, “Khái lược về văn minh luận” (文明論之概略/Bunmeiron no Gairyaku, 1875). Đây là hai tác phẩm quan trọng, biểu hiện rõ nhất tư tưởng về văn minh của ông, khích lệ Nhật Bản tiếp thu văn minh phương Tây để văn minh hóa đất nước. Fukuzawa có quan niệm rất sâu sắc về mối quan hệ văn minh hóa và bảo vệ độc lập. Ông nhấn mạnh chính văn minh hóa là phương cách bảo vệ độc lập quốc gia: “Độc lập quốc gia là mục tiêu và nền văn minh của quốc dân là phương tiện để đạt mục tiêu đó”.
Nishi Amane (西周, 1829-1897) dịch và diễn giải nhiều vấn đề về khoa học, chính trị, văn hóa phương Tây từ từ điển Encyclopedia viết ra tiếng Nhật với tựa đề “Bách học Liên hoàn” (百学連環/Hyakugaku Renkan) và từ năm 1870 được sử dụng như sách giáo khoa để giảng dạy trong các trường thuộc hệ thống trường Ikuei (育英/Dục Anh).
Năm 1874, ông xuất bản “Bách nhất Tân luận” (百一新論/Hyakuichi Shinron) phê phán Nho giáo và kêu gọi trí thức Nhật Bản đi vào thực tiễn góp phần cho sự nghiệp duy tân đất nước. Có thể nói tư tưởng của Nishi là viên gạch nối giữa tư tưởng truyền thống ở Nhật Bản và văn hóa Tây phương.
Các tác phẩm được các thành viên Meirokusha lựa chọn và dịch thuật là những tác phẩm nổi tiếng của các nhà khai sáng phương Tây. Các tác phẩm được các thành viên Meirokusha xuất bản là các tác phẩm tiêu biểu cho tư tưởng khai sáng ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX. Các tác phẩm dịch thuật và trước tác của họ được độc giả Nhật Bản đón nhận nồng nhiệt. Nhờ đó mà tư tưởng khai sáng đã lan tỏa sâu rộng vào xã hội Nhật Bản. Nó vừa là động lực, vừa là sự khích lệ tinh thần văn minh hóa, hiện đại hóa Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912).
2. Xuất bản tạp chí, trao đổi, tranh luận các vấn đề quan trọng của đất nước, tạo dựng không khí học thuật tự do, dân chủ
Gần một năm sau khi thành lập, vào tháng 3/1874, Meirokusha phát hành Meiroku Zasshi (明六雑誌: Minh Lục tạp chí), công bố nhiều bài viết quan trọng, khai sáng tư tưởng cho dân chúng và cổ vũ cho sự nghiệp văn minh hóa ở Nhật Bản.
Trong thời gian tồn tại của mình, Meiroku Zasshi phát hành được tất cả 43 số, với hơn 100 bài kiến luận, bình luận. Đề tài của các bài luận đó đề cập đến hầu hết các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lịch sử, giáo dục, triết học, tôn giáo, luật pháp, khoa học thiên nhiên… Với mục tiêu khai sáng, những quan niệm mới trình bày trong Meiroku Zasshi đã mang tới tinh thần khai sáng, tư tưởng khai sáng trong giới trí thức Nhật Bản lúc bấy giờ. Chúng ta thử xem đề tài và nội dung của một số bài tiêu biểu.
Các bài luận trên Meiroku Zasshi thực chất là những bài tranh luận có tính học thuật cao từ các vấn đề chính trị, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, tài chính đến các vấn đề về khoa học, lịch sử, triết học, xã hội, tôn giáo, chữ viết, xuất bản của đất nước. Theo Nishi Amane, thì nội dung của các chủ đề tranh luận “có chất lượng rất cao, vượt qua trình độ khai sáng thông thường”. Xin nêu ra đây 4 vấn đề được tranh luận nhiều nhất: (i) vấn đề chức phận của học giả; (ii) vấn đề thiết lập quốc hội do dân bầu; (iii) vấn đề đi lại của người nước ngoài ở Nhật Bản; và (iv) vấn đề phụ nữ.
Thứ nhất, về bổn phận, trách nhiệm của trí thức (từ đương thời sử dụng là “chức phận của học giả”), Fukuzawa Yukichi khởi xướng vấn đề này khi viết “Bàn về chức phận của học giả” (学者の職分を論ず/Gakusha no shokubun o ronzu) in trong Tập 4 của “Khuyến học”. Fukuzawa cho rằng, “để bảo vệ độc lập, để vận hành quốc gia một cách suôn sẻ, cần phải có đủ và cân bằng giữa hai yếu tố: chính phủ và quốc dân… không có sự kích thích của quốc dân, một mình chính phủ thì không bảo vệ độc lập cho đất nước”. Nhưng theo ông, ở Nhật Bản, bấy giờ mới chỉ có “dân” mà chưa có “quốc dân”, tức là người dân có hiểu biết về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm với đất nước. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản bấy giờ là người dân “nhiễm bản tính vốn nhu nhược, không thấy bản sắc của mình” nên cần khai sáng tư tưởng cho họ. Lúc bấy giờ, muốn khai sáng tư tưởng cho dân chúng thì phải dựa vào các nhà Tây học (Yogakusha) làm việc ở cơ quan nhà nước nhưng, theo Fukuzawa, rất “khó phó thác trách nhiệm này cho họ được”. Vì sao vậy? Fukuzawa giải thích như sau: “Hầu hết các nhà Tây học trong xã hội ta đều muốn chức vụ trong chính phủ, họ không thích làm việc cho khu vực tư nhân. Nhận thức của họ chẳng khác là bao so với các nhà Nho học trước đây, học để làm quan. Bụng dạ hủ nho đội lốt phương Tây, đúng y như câu nói người xưa “bình mới rượu cũ”. Fukuzawa cho rằng “khai hóa văn minh cho con người không thể là sự nghiệp độc quyền của chính phủ” mà là của quốc dân và các học giả nên ở “trong khu vực tư nhân để nghiên cứu”. Ông kết luận: “trước áp lực của phương Tây, để bảo vệ độc lập của dân tộc vị trí của các trí thức Nhật Bản ở chỗ nào? Ở trong chính phủ thì trở thành quan chức, nỗ lực làm việc thì tốt hơn, hay nằm ngoài chính phủ, làm trong các khu vực tư nhân thì tốt hơn. Tôi đưa ra kết luận: ở ngoài chính phủ thì hơn”.
Quan niệm đó của Fukuzawa, tất nhiên, những học giả-quan chức (học giả làm việc trong các cơ quan chính phủ) như Kato, Mori, Tsuda và Nishi lập tức phản biện lại.
Trong bài viết “Về quan niệm của tiên sinh Fukuzawa Yukichi” cũng đăng ở số 2 của Tạp chí Meiroku Zasshi, Kato viết rằng: “Quan niệm của tiên sinh Fukuzawa là khai phóng (liberal) và điều đó chẳng có gì xấu nhưng khi khai phóng quá mức thì quốc quyền (quyền lực quốc gia) chắc chắn sẽ bị suy yếu, mà quốc quyền suy yếu thì không thể hình thành quốc gia tân tiến được”.
Còn trong bài “Luận về quan niệm chức phận của học giả”, cũng đăng ở số 2 của Tạp chí Meiroku Zasshi, Mori biện luận rằng “nếu nghĩ rằng việc nước (国務/kokumu= quốc vụ) và việc dân (民事/Minji = dân sự) đều quan trọng, thì những học giả Tây học, tùy theo năng lực và chuyên môn của mình, người thì làm cho chính phủ, người thì làm cho tư nhân đều tốt cả. Thiết nghĩ như thế mới là không có thành kiến”. Ông phê phán Fukuzawa đã đi quá mức khi chủ trương rằng “nhân dân và chính phủ” phải “độc lập với nhau mới có hiệu quả”. Theo cách nhìn của Mori, “nhân viên chính phủ cũng là dân, quý tộc cũng là dân và người bình dân cũng đều là dân cả. Mỗi một người mang quốc tịch Nhật Bản không thể không gọi là người dân nước Nhật và do đó phải san sẻ trách nhiệm. Chính phủ là chính phủ của muôn người, được thiết lập vì dân và do dân. Nếu nói như tiên sinh (Fukuzawa) là tất cả học giả phải rời chính phủ, thì hóa ra lợi ích quốc gia kết cục sẽ được phó thác vào tay của những người thất học trong chính phủ hay sao? Bởi vậy, thiết nghĩ cao kiến của tiên sinh cũng chưa hẳn là đúng”. Do đó để xúc tiến văn minh thì cần loại bỏ thiên kiến phân biệt giữa quan chức chính phủ và những người làm việc ở cơ quan tư nhân.
Nishi cho rằng “lập luận của Fukuzawa tuy nghe khoái tai nhưng vẫn có những vấn đề”. Nishi xác nhận là ông hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Fukuzawa rằng “chính phủ thì vẫn là chính phủ chuyên chế như trước mà dân thì trước sau vẫn là một đám dân ngu không có khí lực”. Tuy nhiên, theo Nishi, tình trạng đó đã không xảy ra một sớm một chiều nên cũng không dễ gì có thể cải thiện trong chốc lát. Ông cho rằng cần có những học giả có tinh thần khai sáng ở trong chính phủ mới có thể “kích thích sinh lực của chính phủ”. Đồng thời, cũng phải có những học giả ở ngoài chính phủ mới có thể gây tác dụng kích thích dân chúng, có điều là những tác dụng này phải có mức độ thích nghi”.
Riêng Tsuda có quan niệm gần hơn với quan niệm của Fukuzawa. Ông coi quốc gia như cơ thể của con người mà chính phủ là “sinh lực” hay “tinh thần”, nhân dân là “phần ngoài” hay “thân xác”. “Tinh thần và thân xác có hòa hợp với nhau mới gọi là thân thể con người, chính phủ và nhân dân hòa hợp với nhau mới có quốc gia”, quốc gia sẽ không còn tồn tại nếu thiếu chính phủ hay thiếu nhân dân. Tsuda nhận xét: “Tôi mong mỏi rằng khi ra sức chủ trương tự do dân chủ cho nhân dân, chúng ta sẽ nuôi dưỡng phong khí tự chủ tự do trong dân chúng để người dân biết rằng họ có thể cự tuyệt những yêu cầu, những đòi hỏi không hợp lý của chính phủ. Cho dù học giả làm việc trong chính phủ hay ở ngoài chính phủ, mỗi người sẽ tùy theo cương vị của mình mà tận tâm tận lực”.
Thứ hai, về vấn đề thiết lập quốc hội dân tuyển (Quốc hội do dân bầu ra), năm 1873, Itagaki Taisuke (板垣退助,1837-1919), một nhà lãnh đạo duy tân từ quan về quê, đã gửi tới chính phủ “Kiến bạch thư”(健白書) kêu gọi thành lập quốc hội dân tuyển (chữ ông dùng: dân tuyển nghị viện). Các thành viên của Meirokusha lấy đó làm đề tài tranh luận. Về vấn đề này, nhìn một cách tổng quát, ý kiến của các thành viên chủ chốt trong Meirokusha phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất có Fukuzawa, Tsuda, ủng hộ “Kiến bạch thư” của Itagaki, chủ trương phải nhanh chóng thiết lập quốc hội dân tuyển; nhóm thứ hai có Nishi, Kato, Sakatani (坂谷), Nakamura (中村), Nishimura (西村), Kanda, chủ trương chưa vội thực hiện “Kiến bạch thư” vì dân trí Nhật Bản còn thấp và vì hoàn cảnh cụ thể của Nhật Bản.
Về quan điểm của nhóm thứ nhất, theo Fukuzawa, ở Nhật Bản thật ra cũng có thức giả và chính do “sinh lực” của họ mà chính quyền Tokugawa đã bị lật đổ và sinh lực này đang được thể hiện qua các nhà lãnh đạo trong chính phủ Minh Trị. Fukuzawa cho rằng trên thực tế, chính phủ Minh Trị không phải là một chính phủ chuyên chế như Mạc phủ Tokugawa (1603-1868) nhưng sở dĩ người ta thấy chính phủ Minh Trị có vẻ chuyên chế bởi vì các chính trị gia hãy còn bị ràng buộc bởi những luật lệ cũ và những lối suy nghĩ đã bám rễ từ lâu đời. Họ lầm tưởng rằng ngoài những biện pháp chuyên chế thì không còn cách nào khác để vận hành chính quyền. Bởi thế, theo Fukuzawa, việc cần kíp nhất là phá vỡ các luật lệ cũ và tư duy lỗi thời bằng cách thiết lập những cơ chế để chính phủ phải san sẻ “quốc quyền” với dân chúng, cụ thể là dân được quyền bầu cử quốc hội và các hội đồng địa phương các cấp.
Tsuda là người rất am hiểu chế độ pháp luật, quốc hội phương Tây, ủng hộ thiết lập quốc hội thông qua bầu cử. Ông cho rằng để phát huy được “khí tượng” (tinh thần tự do) của nhân dân, cần thiết phải cho dân có quyền đối với các vấn đề quốc gia, có quyền bầu ra những đại biểu quốc hội thay mặt mình quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thành viên Meirokusha chưa đồng ý thiết lập quốc hội do nhân dân bầu vào thời điểm bấy giờ.
Kato thì cho rằng vì dân chúng Nhật Bản chưa được mở mang bao nhiêu, nên nếu phó thác quốc sự cho người dân, để họ tham gia biên soạn hiến pháp, luật lệnh, khi họ chưa có sự hiểu biết đầy đủ thì chẳng khác gì “trèo cây bắt cá”. Dựa trên lý luận của Bluntschli, Kato viết bài “Bàn về tính bất khả thi của dân tuyển nghị viện”, đăng trên Meiroku Zasshi số 3, phản đối “Kiến bạch thư” của Itagaki. Giống như Kato, Nishi cho rằng một khi dân trí hãy còn chưa được mở mang thì chưa nên nghĩ tới việc thiết lập quốc hội do dân bầu. Nishi cho rằng trong “Kiến bạch thư”, có nhiều mâu thuẫn: “Kiến bạch thư” viết rằng, để chấn hưng “khí tượng”, mở mang kiến thức cho nhân dân, để kẻ trên người dưới cùng chung vui buồn thì phải thiết lập quốc hội nhưng “khí tượng” đó chỉ kỳ vọng vào tầng lớp trí thức, chứ không phải toàn dân. Ông cho rằng, một khi dân trí hãy còn chưa được mở mang thì chưa nên nghĩ tới việc thiết lập dân tuyển nghị viện, và vấn đề đó, phải được áp dụng “tùy thời tùy lúc”.
Mặt khác, Nishimura Shigekigián tiếp phản đối thiệt lập quốc hội dân tuyển vào lúc đó, vì mặc dù ông tin rằng chính thể cộng hòa là tốt nhất, tuy nhiên, thực tế, ông thấy chính thể “quân chủ lập hiến” sẽ thích hợp hơn cho nước Nhật vì theo ông, dân chúng ở Nhật Bản chưa được khai sáng đến mức độ có thể áp dụng chính thể cộng hòa.
Kanda Kohei và Sakatani Shiroshi cho rằng chính thể quân chủ lập hiến hiện tại là phù hợp với Nhật Bản, chưa nhất thiết phải thiết lập quốc hội dân tuyển. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên khác lại cho rằng, việc thiết lập quốc hội dân tuyển không hoàn toàn đối lập với thể chế quân chủ lập hiến hiện hànhnhưng do thực tế năng lực của người dân nên việc thành lập quốc hội do dân bầu là hơi sớm, cần thời gian để nâng cao năng lực chính trị của nhân dân. Cuộc tranh luận về đề tài này kéo dài trong 25 số báo và vẫn tiếp tục sau khi Meiroku Zasshi đóng cửa.
Thứ ba, về vấn đề đi lại của người nước ngoài ở các cảng và thành phố mở (nội địa lưu hành), Nishi từ lập trường tự do chủ nghĩa cho rằng cần phải cho phép người nước ngoài được tự do đi lại tham quan, buôn bán ở các cảng và thành phố mở cửa. Ông đã dùng phương pháp diễn dịch và quy nạp để giải thích cho chủ trương chấp nhận quyền tự do đi lại của người nước ngoài ở khu vực mở. Tuy nhiên, ông lại cho rằng nếu cho phép người nước ngoài được tự do đi lại ở Nhật Bản thì sẽ có nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Trong vấn đề này, thật ngạc nhiên, Fukuzawa lại có ý kiến phản đối. Ông viết: Nishi tiên sinh nói rằng, đã 7 năm sau ngày duy tân, con người Nhật Bản đã biến đổi, sự nghiệp văn minh cũng đã tiến triển, nhưng thực chất là gì? Mạc phủ được thay bằng triều đình, các tham nghị (quan chức cao cấp của chính quyền Minh Trị) thì vẫn là các nguyên lão của cựu Mạc phủ, nhân dân thì vẫn dựa dẫm vào chính phủ, không có khí lực. Phải nói ngay rằng trong điều kiện đó, việc cho phép người nước ngoài đi lại tự do trong các khu mở là quá sớm, rất nguy hiểm cho độc lập của đất nước.
Tsuda có nhận thức khác. Ông cho rằng người Nhật bây giờ cũng dần dần tiến tới văn minh khai hóa, đã biết đến lợi ích của khoa học kỹ thuật phương Tây, biết tiếp nhận văn minh phương Tây, biết trau dồi kiến thức, nếu cho phép người nước ngoài tự do đi lại thì sau 10 năm nữa trình độ văn minh hóa của nhân dân sẽ cao hơn ta tưởng tượng.
Thứ tư, về vấn đề phụ nữ, Mori khởi xướng vấn đề này trong một chuỗi bài luận “Thê thiếp luận” (妻妾論/Saisho-ron) đăng nhiều kỳ trên Meiroku Zasshi. Ông chủ trương nam nữ bình quyền. Ông cho rằng, quan niệm “nam ưu nữ liệt”, nữ phải phục tùng nam là quan niệm lạc hậu (chữ ông dùng: dã man). Do đó, vấn đề nam nữ bình đẳng không chỉ là cơ sở để xây dựng một nền văn hóa và xã hội mới mà còn có quan hệ mật thiết với vấn đề độc lập quốc gia. Nếu không thực hiện nam nữ bình đẳng thì Nhật Bản không thể trở thành quốc gia hàng đầu của thế giới văn minh.
Fukuzawa đồng tình với quan niệm này. Ông tán thành đưa vào sách giáo khoa tư tưởng nam nữa bình đẳng. Ông cho rằng, tư đức trong mỗi gia đình là cội nguồn của công đức xã hội, mà cội nguồn của tư đức có nguyên nhân từ luân lý của vợ chồng. Ông phê phán tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhất phu đa thê.
Trong thời gian tồn tại của mình, Hội Meirokusha đã khởi xướng các cuộc tranh luận về những vấn đề lớn của Nhật Bản thời kỳ Minh Trị. Những cuộc tranh luận đó đã đề cập đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội Nhật Bản, góp phần tư vấn cho chính phủ trong việc hoạch định chính sách quan trọng của đất nước. Mặt khác, các cuộc tranh luận của các thành viên Meirokusha đã góp phần xây dựng không khí học thuật tự do, dân chủ, điều chưa từng có ở các nước phương Đông trước đây, góp phần cho sự nghiệp khai sáng, văn minh hóa Nhật Bản.
3. Thay lời kết
Meirokusha chỉ tồn tại không đầy 2 năm nhưng đã đóng vai trò rất to lớn trong phong trào khai sáng, văn minh hóa, hiện đại hóa ở Nhật Bản thời kỳ Minh Trị. Vai trò của Meirokusha được biểu hiện trên các mặt sau đây:
Thứ nhất, các thành viên của Meirokusha là những trí thức “danh gia”, chuyên sâu về các lĩnh vực khác nhau, tạo thành nhóm “bách khoa toàn thư” của nước Nhật. Họ xác lập được vị trí tiên phong trong sự nghiệp nghiên cứu và giáo dục của Nhật Bản thời kỳ Minh Trị. Ví dụ: Fukuzawa đi tiên phong trong sự nghiệp cách tân giáo dục; Nishi chuyên sâu về các vấn đề triết học, chính trị học; Mitsukuri Rinsho (箕作麟祥) chuyên sâu về luật pháp; Kanda Kohei (神田浩平) nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp; Tsuda Sen (津田) nghiên cứu về kinh tế tài chính; Sugi là người đi tiên phong xây dựng ngành thống kê học; Nakamura Masanao để lại nhiều tác phẩm dịch thuật có giá trị, tiêu biểu là hai cuốn Self-help (Tự trợ luận, 1859) của Samuel Smiles và On liberty(Tự do luận,1859) của J. S. Mill... Hơn nữa, năm 1879, khi Viện học sĩ Tokyo (東京学士院/ Tokyo Gakushi Kaiin) được thành lập theo mô hình của các viện hàn lâm khoa học phương Tây, Fukuzawa được cử làm Viện trưởng đầu tiên và 7 trong 11 thành viên đầu tiên của Viện là cựu thành viên của Meirokusha.
Thứ hai, các thành viên của Meirokusha đã dịch, viết một khối lượng sách báo rất lớn để truyền bá, phổ cập tư tưởng văn minh cho dân chúng Nhật Bản. Các sách báo của Meirokusha đề cập đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội Nhật Bản, cổ vũ sự nghiệp duy tân, phát triển thuận chiều với sự nghiệp duy tân nên có ảnh hưởng và sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản. Ngoài ra, Meirokusha tổ chức các cuộc tranh luận tự do, dân chủ về những vấn đề trọng đại của đất nước, góp phần cho sự nghiệp khai sáng, văn minh hóa Nhật Bản. Chính những cuộc thảo luận trên Meiroku Zasshi đã đóng góp quan trọng trong việc tạo dựng cho truyền thống tự do thảo luận những vấn đề học thuật ở Nhật Bản.
Thứ ba, Meirokusha là tập đoàn trí thức, thông qua những hoạt động khai sáng của họ, đã góp phần tư vấn chính sách cho Chính phủ Minh Trị.
Mặc dầu các thành viên của Minh Lục xã có những quan niệm khác nhau về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội nhưng họ là một “tập đoàn trí thức” và các thành viên của họ đều có tư tưởng khai sáng, có tên tuổi ở Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị. Thông qua những hoạt động phong phú của mình, họ thực sự đóng vai trò to lớn vào công cuộc khai sáng tư tưởng cho nhân dân, vào sự nghiệp văn minh hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các thành viên của Meirokusha bao gồm cả những quan chức Chính phủ Minh Trị và những trí thức danh tiếng làm việc ở các trường đại học và cơ quan nghiên cứu tư là những người có tư duy chiến lược, trao đổi, tranh luận với nhau về những vấn đề có tầm chiến lược của đất nước, từ văn hóa, giáo dục, tư tưởng, đến luật pháp, tổ chức nhà nước pháp quyền, khoa học kỹ thuật, gợi mở cho chính phủ nhiều quyết sách đúng đắn cho sự phát triển của đất nước. Meirokusha đã hoạt động như một nhóm tư vấn chính sách thực sự, giống như tổ chức Think Tank Group ở các nước tiên tiến hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Fukuzawa Yukichi (2007), Khuyến học hay những bài học về tinh thần thần độc lập về tư tưởng của người Nhật Bản, Phạm Hữu Lợi dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội
2. Fukuzawa Yukichi (2018), Khái lược văn minh luận, Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội.
3. Nguyễn Tiến Lực (2010), Minh Trị duy tân và Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội
4. 庄栄治郎「明六社について」日本学士院紀要、第二十六巻、第二号、昭和四十三年(Honjo Eijiro (1968), Về Meirokusha, Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Nhật Bản, Quyến 36, Số 2, 1968).
5. 影山昇:「明六社の社会教育活動と静岡藩の人びと」『放送教育開発センター研究紀要』、第9号、1993年 (Kageyama Noboru (1993), Hoạt động giáo dục xã hội của Meirokusha và người Shizuoka-han, Kỷ yếu khoa học của Trung tâm phát triển giáo dục Hoso,số9, 1993).
6. 北田耕也「明六社」啓蒙思想について―明治社会教育思想の源流―」明治大学社会教育報告、第一号、1992年 (Kitada Koya (1992), Về tư tưởng Khai sáng của Meirokusha- khởi nguồn tư tưởng giáo dục xã hội Nhật Bản, Thông báo khoa học về giáo dục xã hội của Đại học Meiji, Số 1, 1992).
7. 戸沢行夫:「知識人集団としての明六社ー森有礼と福沢諭吉の視点からー」、『近代日本研究』、第2集、慶應義塾大学、1985年 (Tozawa Yukio (1985), Meirokusha với tư cách là tập đoàn trí tthức – Từ quan điểm của Mori Arinori và Fukuzawa Yukichi- Nghiên cứu Nhật Bản cận đại, Tập 2, Trung tâm nghiên cứu Fukuzawa Yukichi, Đại học Keio Gijuku, 1985).