Nguyễn Ngọc Nghiệp1
Tóm tắt: Hiến pháp 2013 của Việt Nam có nhiều đổi mới liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việc thay đổi tên chương quyền con người, vị trí của chương, bổ sung thêm một số quyền mới và thay đổi cách thức hiến định đã làm cho những quy định về quyền con người trong Hiến pháp 2013 tiệm cận với những quy định về nhân quyền quốc tế. Cũng như Hiến pháp 2013, Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 có nhiều đổi mới so với hiến pháp trước đó là Hiến pháp Minh Trị. Những quy định mới về quyền con người và quyền công dân đã làm cho Hiến pháp Nhật Bản không những có tính tiến bộ mà thậm chí còn có tính vượt trước so với luật nhân quyền quốc tế. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích những điểm tương đồng và khác biệt trong việc hiến định quyền con người, quyền công dân ở hai bản hiến pháp hiện hành của Nhật Bản và Việt Nam.
Từ khóa: Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân, Nhật Bản, Việt Nam
1. Quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Nhật Bản hiện nay[1]
Hiến pháp Nhật Bản được ban hành năm 1946 nên hiện nay thường được gọi là Hiến pháp 1946. Nội dung hiến pháp chia làm 11 chương và 103 điều, có nhiều thay đổi so với Hiến pháp Minh Trị trước đó của Nhật Bản. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định ở chương III. Đây là chương nổi bật trong bản hiến pháp này, với 31 điều từ Điều 10 đến Điều 40 (chiếm khoảng 30% toàn bộ dung lượng hiến pháp) quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, hôn nhân gia đình bao gồm các quyền cụ thể: quyền có quốc tịch (Điều 10);quyền tự do cơ bản (Điều 11, 12,13);quyền bình đẳng (Điều 14);quyền tự do trong bầu cử (Điều 15);quyền được khiếu nại và bồi thường (Điều16,17);quyền tự do, quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, tôn giáo (Điều18,19, 20,21, 22, 23, 24);quyền về mức sống và giáo dục (Điều 25, 26);quyền lao động và nghỉ ngơi (Điều 27, 28);quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ đóng thuế (Điều 29, 30); các hành vi vi phạm quyền con người bị cấm (từ Điều 31 đến Điều 40)[2]. Cách thức ghi nhận quyền con người trong Hiến pháp Nhật Bản phù hợp với thông lệ chung của đa số hiến pháp hiện nay, đó là ghi nhận các quyền con người, quyền công dân trong phạm vi hiến pháp hiện hành.
Có thể đưa ra một số nhận xét đánh giá về Hiến pháp Nhật Bản 1946 như sau:
- Những điểm tích cực trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Nhật Bản 1946
Thứ nhất,quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Nhật Bản 1946 không bị giới hạn một cách tùy tiện bởi luật. Đây là một điểm mới và rất tiến bộ so với Hiến pháp Minh Trị trước đó của Nhật Bản. Nếu như các điều quy định về quyền công dân trong Hiến pháp Minh Trị đều gắn thêm cụm từ “theo quy định của luật” hoặc “trong giới hạn của luật” dễ dẫn đến cách hiểu tiêu cực theo nghĩa nhà nước có thể ban hành các đạo luật để vô hiệu hóa các quyền năng của con người hoặc hạn chế một phần quyền năng ấy thì nay trong Hiến pháp 1946 của Nhật Bản đã không còn các cụm từ kiểu như vậy nữa. Điều đó cho thấy Nhật Bản đã chủ trương xây dựng một nền dân chủ bắt kịp phương Tây mà ở đó quyền con người, quyền công dân được ghi nhận, tôn trọng và không thể bị tước bỏ hay giới hạn một cách tùy tiện bởi bất cứ một văn bản luật nào.
Thứ hai, Hiến pháp Nhật Bản, bên cạnh việc ghi nhận quyền công dân cho những người có quốc tịch Nhật Bản còn ghi nhận cả quyền con người áp dụng cho người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản. Những quyền nào chỉ dành cho công dân Nhật Bản thì được ghi là công dân có quyền, còn những quyền dành cho tất cả mọi người bao gồm cả công dân Nhật Bản và những người nước ngoài thì được bắt đầu bằng “không ai” hay “mọi người”... Chẳng hạn như Điều 26 Hiến pháp 1946 của Nhật Bản ghi nhận quyền về giáo dục chỉ dành cho công dân của nước này như sau: “Mọi công dân đều có quyền hưởng một nền giáo dục bình đẳng phù hợp với khả năng và đúng theo quy định của luật pháp. Tất cả mọi công dân đều phải đảm bảo cho con trai, con gái của họ được tiếp thu giáo dục phổ thông theo quy định của luật. Giáo dục bắt buộc là miễn phí”. Trong khi đó, tại Điều 31 của Hiến pháp này quy định về quyền con người thì cụm từ “công dân” được thay thế bằng cụm từ “không ai” để chỉ tất cả mọi người nói chung đang sinh sống ở Nhật Bản, không phân biệt có quốc tịch hay không có quốc tịch của nước sở tại. Cụ thể nội dung của điều này được quy định như sau: “không ai bị tước bỏ quyền sống, quyền tự do hay phải chịu các hình phạt hình sự trừ khi bị xét xử theo thủ tục tố tụng được luật pháp quy định”. Tương tự, tại Điều 32 quy định về quyền con người cũng mở đầu bằng “không ai”: “không ai bị tước bỏ quyền tiếp cận các tòa án”... Có thể nói rằng những quy định phân biệt rõ ràng chủ thể của quyền như vậy là một sự tiến bộ không chỉ so với Hiến pháp Minh Trị trước đó mà ngay cả với các bản hiến pháp hiện đại ngày nay trên thế giới. Việc quy định như vậy đã phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân, đồng thời xác định rõ những quyền nào thì người nước ngoài không có quốc tịch Nhật Bản cũng được hưởng và những quyền nào chỉ công dân Nhật Bản (những người có quốc tịch Nhật Bản) mới được hưởng. Hiến pháp Nhật Bản hiện nay được ban hành từ 1946 nhưng những quy định về nhân quyền trong đó không hề lạc hậu so với luật nhân quyền thế giới hiện nay. Những quy định về nhân quyền trong Hiến pháp Nhật Bản 1946 hoàn toàn phù hợp với các quyền về dân sự và chính trị trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948và các Công ước quốc tế về nhân quyền năm 1966 (hai công ước quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1966 vẫn có hiệu lực trong thời đại ngày nay là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị).
Thứ ba,so với hiến pháp của nhiều quốc gia và hệ thống quyền con người được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế thì hệ thống các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 khá phong phú và đa dạng làm cho bản hiến pháp này đứng trong số những hiến pháp ghi nhận số lượng quyền cao trên thế giới.
Căn cứ vào những quy định về quyền con người, quyền công dân trong chương này, chúng ta có thể thấy rằng số lượng quyền con người, quyền công dân được mở rộng hơn so với Hiến pháp Minh Trị trên cả phương diện phạm vi và mức độ. Về phạm vi, số lượng quyền nhiều hơn (31điều so với 15 điều của Hiến pháp Minh Trị) và mở rộng ra nhiều vấn đề, phù hợp với những quy định nhân quyền của một bản hiến pháp hiện đại. Về mức độ, quyền con người, quyền công dân được hiến định theo hướng không có sự can thiệp (giới hạn) từ phía nhà nước trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm nhân quyền được thực thi ở mức tối đa.
Thứ tư,chương quyền và nghĩa vụ công dân được đặt ở vị trí thứ ba cho thấy các nhà soạn thảo Hiến pháp Nhật Bản rất coi trọng vấn đề nhân quyền. Đây là chủ chương của những nhà soạn thảo người Mỹ khi soạn dự thảo hiến pháp sửa đổi cho Nhật Bản, đó là muốn đưa ra một bản hiến pháp mang tính dân chủ,hiện đại và coi trọng nhân quyền. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của các bản hiến pháp trên thế giới trong thời đại ngày nay đó là chương quyền con người, quyền công dân thường ở vị trí thứ hai hoặc thứ ba. Chẳng hạn như Hiến pháp Ba Lan đặt ở chương II, Hiến pháp Hàn Quốc đặt ở chương II, Hiến pháp Trung Quốc đặt ở chương II, Hiến pháp Thụy Điển đặt ở chương II.
- Những hạn chế
Hiến pháp Nhật Bản đã có những quy định rất hiện đại về quyền con người, quyền công dân bắt kịp với xu thế của thời đại và tương đối phù hợp với những quy định về quyền con người trong các văn bản pháp lý quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục để bản hiến pháp hoàn thiện hơn.
Thứ nhất,chương quy định về quyền con người, quyền công dân chỉ ghi là Quyền và nghĩa vụ của công dân như vậy sẽ không phản ánh hết nội dung của chương này và có thể dẫn đến sự hiểu lầm rằng chỉ những công dân Nhật Bản mới có những quyền con người còn người nước ngoài ở Nhật Bản không có, đồng nghĩa với việc những quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận và bảo vệ lại không được Nhật Bản thừa nhận mặc dù thực tế những quyền con người vẫn được thừa nhận ở Nhật Bản nhưng được đặt trong chương quyền công dân. Để tránh hiểu lầm thì tên chương nên đổi thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” sẽ hợp lý hơn.
Thứ hai,thiếu những quy định về thiết chế bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Hiến pháp 1946 của Nhật Bản không có quy định nào về các thiết chế bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
Thứ ba,thiếu những quy định về giới hạn và tạm đình chỉ quyền. Việc quy định về giới hạn hay tạm đình chỉ quyền là điều cần thiết, bởi lẽ, trong khi hưởng thụ các quyền cá nhân phải đảm bảo không xâm hại đến lợi ích của cá nhân khác và lợi ích của cộng đồng hoặc trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng thì quyền con người có thể bị hạn chế. Vấn đề giới hạn quyền đã được đề cập đến trong luật nhân quyền quốc tế và trong nhiều bản hiến pháp của các nước trên thế giới.
2.Quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Việt Nam 2013
Hiến pháp 2013 có 120 điều chia thành 11 chương. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được đặt ở chương II với 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Ngoài việc khẳng định lại các quyền đã quy định trong hiến pháp trước đó trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa... như quyền bầu cử, ứng cử (Điều 27);quyền tham gia quản lý nhà nước (Điều 28);quyền tự do cư trú, đi lại (Điều 23);quyền tự do tín ngưỡng (Điều 24);quyền bất khả xâm phạm thân thể (Điều 20);quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21);quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 22);quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25);quyền sở hữu, sở hữu tư nhân(Điều 32);quyền có việc làm (Điều35);quyền được nghiên cứu khoa học(Điều 40);quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa (Điều 41)..., Hiến pháp 2013 đã bổ sung thêm một số quyền mới là: quyền sống (Điều 19); quyền sống trong môi trường trong lành (Điều 43); quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp(Điều 42); quyền của công dân không bị trục xuất, giao nộp cho nước khác (Điều 17); quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22); quyền hưởng an sinh xã hội (Điều 34); các quyền về văn hóa (Điều 41). Với việc bổ sung thêm một số quyền mới so với hiến pháp trước đó, Hiến pháp 2013 đã mở rộng phạm vi bảo vệ đối với các quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội.
Có thể đưa ra một số nhận xét, đánh giá về bản hiến pháp này như sau:
Thứ nhất,tên chương về quyền và nghĩa vụ của công dân trong hiến pháp trước đây được đổi thành “quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân” và chuyển lên vị trí thứ hai trong Hiến pháp 2013. Việc thay đổi tên chương và vị trí của chương không chỉ là việc thay đổi câu chữ hay chuyển dịch vị trí một cách đơn thuần, mà là sự thay đổi trong tư duy của các nhà lập hiến. Việc thay đổi đó cho thấy sự coi trọng vấn đề quyền con người, quyền công dân, thể hiện sự nhận thức về tầm quan trọng của chế định quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp.
Thứ hai, Hiến pháp 2013 không đồng nhất quyền con người với quyền công dân như hiến pháp trước đó (Điều 50 Hiến pháp 1992).Những quyền nào chỉ công dân Việt Nam được hưởng thì ghi công dân có quyền, những quyền nào thuộc về tất cả mọi người không phân biệt có quốc tịch hay không có quốc tịch Việt Nam thì ghi “mọi người” hoặc “không ai”. Cách phân định rõ các khái niệm này đã làm rõ chủ thể một số quyền không chỉ là công dân Việt Nam (theo cách quy định của Hiến pháp 1992) mà còn là những người nước ngoài sinh sống hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam ví dụ như quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học nghệ thuật, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền bất khả xâm phạm thân thể, quyền sống...
Thứ ba,khi đề cập đến nghĩa vụ của Nhà nước đối với quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp 2013 đề cập cả ba nghĩa vụ của quốc gia theo Luật nhân quyền quốc tế, đó là tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người (Điều 3 và Điều 14). Sự thay đổi này thể hiện sự ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước đối với những quyền hiến định. Nhà nước không chỉ là tôn trọng (ghi nhận) mà còn phải bảo vệ (để các quyền không bị xâm phạm) và bảo đảm (thúc đẩy, tạo điều kiện để các quyền được thực thi trên thực tế)
Thứ tư, Hiến pháp 2013 lần đầu tiên quy định nguyên tắc giới hạn quyền (Khoản 2, Điều 14). Mặc dù vẫn còn những hạn chế trong nguyên tắc này nhưng việc quy định như vậy đã tiệm cận với luật nhân quyền quốc tế[3]. Điều đó cho thấy những quy định về quyền con người trong Hiến pháp 2013 của chúng ta rất tiến bộ, bắt kịp tiến bộ của thời đại.
Thứ năm,những quyền con người, quyền công dân cũng như trách nhiệm của Nhà nước đối với các quyền hiến định ghi trong Hiến pháp 2013 phù hợp với luật nhân quyền quốc tế và cũng tương đồng với quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trong các hiến pháp hiện đại của các nước phát triển ngày nay.
Thứ sáu,quan điểm và cách thức hiến định các quyền trong Hiến pháp 2013 đã được thay đổi so với các hiến pháp trước đây (Hiến pháp 1959,1980,1992) từ mô thức “nhà nước quyết định”, “nhà nước trao” quyền cho người dân sang mô thức các quyền con người là tự nhiên vốn có. Nhà nước phải ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện[4].
3.Những điểm giống và khác nhau về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Nhật Bản và Việt Nam
- Giống nhau
Thứ nhất,quyền con người, quyền công dân trong hai bản hiến pháp hiện hành của Nhật Bản và Việt Nam đều là kết quả của quá trình sửa đổi, bổ sung thông qua các lần sửa đổi hiến pháp. Các quyền này ngày càng được bổ sung và hoàn thiện hơn trên các phương diện số lượng, phạm vi và cách thức hiến định.
Thứ hai,những quy định về quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp hiện hành ở Nhật Bản và Việt Nam tương đối giống nhau về số lượng, phạm vi và chiếm một tỷ lệ gần như nhau trong tổng dung lượng hiến pháp mỗi nước (khoảng 30% tổng dung lượng nội dung hiến pháp). Quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Nhật Bản 1946 và Hiến pháp Việt Nam 2013 đều khá đầy đủ, phong phú, phù hợp với quy định về quyền con người trong luật nhân quyền quốc tế và tương đồng với nhiều quy định về nhân quyền trong các hiến pháp tiến bộ của các nước trên thế giới.
Thứ ba,quyền con người, quyền công dân được coi trọng ở cả hai nước Nhật Bản và Việt Nam thể hiện ở những vị trí trang trọng của chương quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp hiện hành của mỗi nước. Hiến pháp Nhật Bản 1946 đặt chương quyền con người ở vị trí thứ ba, trong khi đó Hiến pháp 2013 của Việt Nam để ở vị trí thứ hai đều là các thứ bậc cao trong nội dung hiến pháp của hai nước.
Thứ tư,cách thức hiến định quyền con người và quyền công dân trong hiến pháp hiện hành của cả Nhật Bản và Việt Nam đều tiến bộ và phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, đó là đề cao chủ thể quyền bằng những cụm từ “mọi người có quyền”, “mọi công dân có quyền”, “không ai”, “ không người nào” chứ không dùng cụm từ “nhà nước quy đinh”, “theo pháp luật”, đây là cách ghi nhận, tôn trọng các quyền vốn có của con người từ phía nhà nước. Nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng và ghi nhận các quyền con người chứ không phải là người quy định hay “ban phát ” các quyền đó.
Thứ năm,cách ghi nhận quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam và Nhật Bản đều giống nhau, đó là tập trung vào một chương trong hiến pháp, ngoài ra có thể có một vài điều nằm rải rác ở các chương nhưng vẫn nằm trọn trong bản hiến pháp. Đây là cách ghi nhận phổ biến trên thế giới hiện nay.
- Khác nhau
Một là,cách đặt tên chương về quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp hiện hành của Việt Nam (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân) hợp lý hơn của Nhật Bản (Quyền và nghĩa vụ của công dân). Cách đặt tên như vậy trong Hiến pháp Nhật Bản dễ gây hiểu lầm là chỉ công dân Nhật Bản mới có quyền, còn người nước ngoài ở Nhật Bản không có quyền con người.
Hai là, Hiến pháp 2013 Việt Nam tiến bộ hơn Hiến pháp 1946 của Nhật Bản ở điểm quy định về giới hạn quyền. Cụ thể tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Ba là, trên phương diện nào đó có thể nói rằng tư duy lập hiến về quyền con người, quyền công dân ở Nhật Bản tiến bộ hơn ở Việt Nam. Những quyền con người, quyền công dân ở Nhật Bản mặc dù được hiến định từ năm 1946 và chưa một lần được sửa đổi nhưng vẫn mang giá trị thời đại, không hề tỏ ra lạc hậu trong khi để đạt được điều đó, chúng ta đã phải sửa đổi, bổ sung 6 lần, lần cuối là năm 2013. Điều đó cho thấy khả năng dự liệu và tiến bộ trong tư duy lập hiến của những nhà soạn thảo Hiến pháp Nhật Bản.
Bốn là,hiến pháp hiện hành của Nhật Bản đã quy định một số quyền con người phù hợp với các công ước quốc tế trong khi Hiến pháp hiện hành của Việt Nam chưa quy định, cụ thể là các quyền sau: (i) Quyền không bị bắt làm nô lệ và nô dịch:quyền này đã được quy định tại Điều 8 Công ước về các quyền dân sự và chính trị và Điều 4 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền[5]. Việc ghi nhận những quyền này là rất cần thiết vì đây là những quyền cơ bản của con người đã được quốc tế ghi nhận. Về quyền này, Nhật Bản đã ghi nhận trong hiến pháp từ khá lâu, thậm chí trước khi Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 ra đời. Việc ghi nhận quyền này cũng thể hiện sự tiến bộ về tư duy lập hiến của các nhà soạn thảo Hiến pháp Nhật Bản. (ii) Quyền tự do tư tưởng, đây là một quyền tự do quan trọng của con người đã được luật nhân quyền quốc tế ghi nhận[6]. Cũng giống quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền tự do tư tưởng được Hiến pháp Nhật Bản ghi nhận ngay từ khi Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền chưa ra đời. Điều 19 Hiến pháp nước này quy định: “Tự do tư tưởng và lương tâm không bị xâm phạm”. Có thể thấy rằng đây là một điểm tiến bộ nữa về quy định nhân quyền trong Hiến pháp Nhật Bản, vừa đảm bảo được quyền cơ bản của con người, vừa đảm bảo được sự phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.
Như vậy, có thể thấy rằng việc quy định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Việt Nam và Hiến pháp Nhật Bản tuy có một số điểm khác biệt trên các phương diện số lượng quyền, nguyên tắc áp dụng quyền, cũng như tên chương, song, về cơ bản có thể nói rằng những quy định về quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp cả hai nước là tương đồng và cùng phù hợp với luật nhân quyền quốc tế tại thời điểm hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Công Giao, Đào Trí Úc (2014),Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, Nxb Lao động xã hội.
2. Vũ Công Giao, Phạm Văn Ba, Nguyễn Thị Báo (2015), Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp Việt Nam
3. Quốc hôi (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Lao động – Xã hội, Hà Nội.
4. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, https://thuvienphapluat. vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx.
5. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế,xã hội và văn hóa năm 1966, https://thuvien phapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Cong-uoc-quoc-te-cac-quyen-kinh-te-xa-hoi-va-van-hoa-1966-269761.aspx.
6. “Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/ Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx.
7. Tsuneo Inako (1993), Tìm hiểu pháp luật Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
8. “Meiji Constitution”, https://www. ndl.go.jp/constitution/e/etc/c02.html.
9. “Japanese Constitution”, https://japan. kantei.go.jp/constitution_and_government_of_japan/constitution_e.html.
[1]ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2]XemHiếnphápNhậtBảnnăm 1946 chương III -Quyềnvànghĩavụcủacôngdân
[3]XemĐiều 29 Tuyênngônquốctếvềnhânquyềnnăm 1948vàĐiều 4 Côngướcquốctếvềcácquyềndânsựvàchínhtrị 1966.
[4]XemVănphòngQuốchội (2017),Hiếnphápnăm 1946 nhữnggiátrịlịchsử, NxbChínhtrịQuốcgiaSựthật.
[5]Điều 8 khoản 1 Côngướcquốctếvềcácquyềndânsựvàchínhtrịquyđịnh: “không ai bịbắtlàmnôlệ, mọihìnhthứcnôlệvàbuônbánnôlệđềubịcấmvàkhoản 2 quyđịnh: “không ai bịbắtlàmnôdịch”vàĐiều 4 Tuyênngônquốctếvềnhânquyềnnăm 1948quyđịnh: “không ai cóthểbịbắtlàmnôlệ hay nôdịch, chếđộnôlệvàviệcmuabánnôlệdướimọihìnhthứcđềubịcấm”.
[6]Điều 18 Tuyênngônquốctếvềnhânquyềnnăm 1948quyđịnh: “Ai cũngcóquyềntự do tưởng, tự do lươngtâmvàtự do tôngiáo…”.