Nguyễn Hữu Phúc1
Tóm tắt: Từ năm 2016, Đài Loan đã thực hiện chính sách hướng Nam mới, xoay trục hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những đối tác chính của chính sách này. Theo đó, cùng với thương mại, hợp tác phát triển trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo trở thành nhân tố đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Đài Loan. Những thành tựu đạt được trong giáo dục - đào tạo giữa hai bên từ 2016 đến nay đã bước đầu cho thấy tính hiệu quả của những nỗ lực hợp tác giữa hai chính quyền. Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả muốn làm rõ quan hệ giữa Việt Nam – Đài Loan kể từ khi chính quyền Thái Anh Văn thực thi chính sách hướng Nam mới, đi sâu phân tích những tác động từ sự hợp tác giữa hai bên trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Từ khóa: Chính sách hướng Nam mới, Đài Loan, giáo dục – đào tạo, Việt Nam
1. Việt Nam - đối tác chính trong chính sách hướng Nam mới của chính quyền Đài Loan[1]
Chính sách hướng Nam mới (New Southbound Policy – NSP) của Đài Loan được chính quyền Thái Anh Văn đưa ra ngày 20/5/2016 và chính thức được triển khai từ tháng 1/2017 với mục tiêu nhằm tăng cường quan hệ và thúc đẩy liên kết giữa Đài Loan với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc lục địa. Chính sách hướng Nam mới được phát triển trên nền tảng những nỗ lực của hai nhà lãnh đạo Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển đã góp phần đưa Đài Loan hội nhập và hợp tác tích cực với khu vực ASEAN. Việc nhà lãnh đạo Thái Văn Anh thêm chữ “mới” vào tên gọi của chính sách này cho thấy mối quan tâm mới đối với sự phát triển các quan hệ kinh tế giữa Đài Loan với 18 nước (10 nước ASEAN, 6 nước Nam Á, Australia và Newzealand) trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động. NSP không chỉ chú trọng vào các lĩnh vực kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa, chia sẻ các nguồn lực, tài năng và thị trường, mà còn chú trọng cả lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Bên cạnh đó, NSP cũng hướng đến “thiết lập các cơ chế cho đối thoại và thương lượng rộng lớn hơn; hình thành sự đồng thuận cho hợp tác với các quốc gia mục tiêu của NSP; giải quyết hiệu quả các vấn đề và bất đồng liên quan; xây dựng niềm tin lẫn nhau và ý thức về cộng đồng”[2]. Như vậy, mục tiêu mà Đài Loan theo đuổi khi thực hiện NSP về cơ bản là phù hợp với mục tiêu và lợi ích phát triển kinh tế của các nước Đông Nam Á.
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, quan hệ Đài Loan – Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực, tiêu biểu như kinh tế thương mại, giáo dục - đào tạo, phát triển du lịch… cho thấy tính năng động và chủ động trong việc thúc đẩy cũng như mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai bên. Sau 3 năm thực thi, NSP đã mang lại những kết quả khả quan với Việt Nam, vì so với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế khá ổn định, sở hữu thị trường rộng lớn và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa mạnh, là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan khi muốn đầu tư tại khu vực Đông Nam Á.
Có thể nói, Đài Loan là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên có mặt tại Việt Nam và luôn đứng trong số 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại đây. Năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Đài Loan đạt 19,562 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2018. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 4,391 tỷ USD (tăng 39,3%), nhập khẩu đạt 15,172 tỷ USD (tăng 14,7%). Theo thống kê của phía Đài Loan, Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 7 của Đài Loan[3].
Về lực lượng lao động, tính đến năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đến làm việc tại Đài Loan là 54.480 người (theo thống kê của cơ quan lao động Đài Loan), chiếm 37% trên tổng số 147.387 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. So với các nước cùng đưa lao động vào Đài Loan đến thời điểm này, trong tổng số 705.595 lao động nước ngoài đang làm việc tại Đài Loan thì Việt Nam là quốc gia có số lượng đông đảo nhất. Trong năm 2019, số lượng doanh nghiệp mới được phía Đài Loan cấp phép là 09 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp bị mất giấy phép Đài Loan do chậm làm hồ sơ đổi giấy phép (giấy phép quá hạn) là 07 doanh nghiệp. Như vậy, hiện nay số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng lao động sang Đài Loan là 175 doanh nghiệp[4].
Khác với các chính sách hướng Nam (Go South Policy) được thực hiện dưới thời các lãnh đạo tiền nhiệm là Lý Đăng Huy và Trần Thuỷ Biển, chính sách hướng Nam mới do nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đề ra đã mở rộng quan hệ hợp tác giữa Đài Loan với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực mới như du lịch, y tế, nông nghiệp thông minh và hợp tác lao động. Để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác này, chính quyền Thái Anh Văn đề ra nhiều biện pháp như nới lỏng điều kiện cấp visa, thậm chí miễn visa ngắn hạn cho công dân Việt Nam nhằm thu hút người Việt sang Đài Loan làm việc. Công dân Việt Nam và một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào được cấp visa Đài Loan (không áp dụng với visa lao động), hoặc hết hạn trong vòng 10 năm trở lại đây mà không vi phạm pháp luật có thể truy cập trang web của Tổng cục Di dân[5] để đăng ký xin visa miễn phí trên mạng, sau khi xét duyệt sẽ được cấp chứng nhận cho phép nhập cảnh Đài Loan nhiều lần, thời gian lưu trú 30 ngày và thời hạn sử dụng trong ba tháng.
Sự căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã góp phần thúc đẩy các công ty Đài Loan tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Theo báo cáo của Ban Quan hệ quốc tế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tổng số vốn đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam trong năm 2019 đạt 32.367 triệu USD, Đài Loan là đối tác đầu tư thứ 4/131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Nếu tính cả nguồn đầu tư từ các nước thứ ba, tổng vốn FDI lũy kế của Đài Loan tại Việt Nam có thể lên tới 50 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam và có khoảng chênh lệch đến hơn 17 tỷ USD so với Singapore (đối tác FDI thứ ba của Việt Nam đứng trên Đài Loan). Các dự án đầu tư của Đài Loan được phân bổ ở 55/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó Hà Tĩnh đứng đầu với 35 dự án và hơn 11,15 tỷ USD, Bình Dương đứng thứ hai với 832 dự án và 5,39 tỷ USD, Đồng Nai đứng thứ ba với 330 dự án và 5,17 tỷ USD. Dự án lớn nhất của Đài Loan tại Việt Nam là dự án nhà máy gang thép Formosa và cảng nước sâu Sơn Dương tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh với tổng vốn đăng ký là 10,687 tỷ USD[6].
Để khẳng định vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á, trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, Chính phủ Đài Bắc đã viện trợ khẩu trang cho các nước châu Á đang diễn ra dịch bệnh nghiêm trọng thông qua chính sách “Đài Loan có thể giúp đỡ” (Taiwan can help). Theo đó, Việt Nam cùng một số quốc gia khác ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Myanmar, Malaysia và Singapore được Đài Loan viện trợ gần 1,6 triệu chiếc trong đợt thứ hai. Việc thực hiện “ngoại giao khẩu trang” của chính quyền Thái Anh Văn là một động thái nhằm thắt chặt quan hệ hơn nữa với các nước Đông Nam Á trong NSP.
2. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Đài Loan trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo từ sau chính sách hướng Nam mới
Trong quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á, Việt Nam nổi lên như một nhân tố có đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế Đài Loan, từng bước đưa Đài Loan thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, nhất là sau cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung diễn ra gay gắt. Tuy nhiên, tình hình trên cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho kinh tế Đài Loan là phải giữ được thế cân bằng và tránh để mất một trong hai khách hàng nặng ký là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh sự tăng cường hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, chính quyền Đài Loan cũng muốn đẩy mạnh tăng cường các chương trình hợp tác giáo dục – đào tạo với Việt Nam.
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn coi trao đổi tri thức là một lĩnh vực ưu tiên trong việc thúc đẩy hội nhập với Việt Nam. Tháng 10/2016, Bộ Giáo dục Đài Loan đã ban hành Kế hoạch phát triển tài năng hướng Nam mới, trong đó nhấn mạnh đến chiến lược của chính quyền Đài Loan trong việc hợp tác giáo dục – đào tạo với trọng tâm là đặt con người lên hàng đầu, giao lưu song phương và chia sẻ nguồn lực. Để thực hiện kế hoạch này, Đài Loan tập trung vào ba chương trình: (i) thu hút sinh viên đến Đài Loan từ các nước đối tác của chính sách hướng Nam mới, (ii) tài trợ cho sinh viên Đài Loan có cơ hội học tập về khoa học và chuyên ngành tại các nước này và (iii) tăng cường khả năng tiếp cận với giáo dục chất lượng cao đối với trẻ em nhập cư từ các nước Đông Nam Á[7]. Năm 2017, Bộ Giáo dục Đài Loan cấp 162 triệu Đài tệ để triển khai thành lập nhóm công tác “Chiến lược phát triển nhân tài”, Trung tâm “Taiwan Connection”, Chương trình Phát triển tài năng và Trung tâm giáo dục tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á nhằm kết nối các trường đại học với các cơ sở nghiên cứu hàng đầu của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Với mục tiêu khuyến khích những học sinh, sinh viên ưu tú Việt Nam sang học tại Đài Loan, nhất là từ sau khi NSP được triển khai, chính quyền và các trường đại học Đài Loan đã cung cấp các suất học bổng hấp dẫn, tương đương 40% hoặc lên đến 70% học phí, thậm chí là học bổng du học Đài Loan 100%. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện NSP, chính quyền Đài Loan đã cấp 23 suất học bổng theo 3 nhóm (học bổng tiếng Hoa, học bổng Đài Loan, học bổng ICDF) dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đăng ký sang Đài Loan học tiếng Hoa và nghiên cứu các chuyên ngành[8]. Ngoài học bổng tiếng Hoa, Bộ Giáo dục Đài Loan còn tăng số lượng học bổng đại học và trên đại cho những sinh viên ưu tú, nghiên cứu sinh Việt Nam.
Đánh giá một cách toàn diện, Việt Nam và Đài Loan đã đa phương hóa, đa dạng hóa các loại hình hợp tác, đẩy mạnh hợp tác giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Hai bên tăng cường mở rộng và chính thức hóa các hoạt động hợp tác trao đổi giảng viên và sinh viên, phát triển hoạt động liên doanh, liên kết trong việc tuyển sinh, đào tạo đại học cho sinh viên Việt Nam và Đài Loan và đẩy mạnh các dự án nghiên cứu nhằm tăng cường học tập và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam và Đài Loan tăng cường các chương trình hợp tác về giáo dục cũng như hợp tác văn hóa và thúc đẩy ngoại giao nhân dân, xúc tiến chương trình hợp tác xây dựng giáo dục quần chúng và tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học, phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, tổ chức triển lãm giáo dục. Trong những năm gần đây, có thể kể đến một số chương trình hợp tác giáo dục giữa Việt Nam – Đài Loan như sau:
Hợp tác về giảng dạy tiếng Hoa: thông qua việc đẩy mạnh giáo dục tiếng Hoa tại Việt Nam, các trường đại học Đài Loan đã có nhiều dự án hợp tác giảng dạy tiếng Hoa ở các trường đại học Việt Nam như: dự án dạy tiếng Hoa của Trung tâm Giáo dục Đài Loan tại Hà Nội (Taiwan Education Center in Hanoi) đặt dưới sự chỉ đạo của hiệu trưởng hai trường là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo (Đài Loan); dự án mở lớp dạy tiếng Hoa, tổ chức cuộc thi hùng biện, quảng bá, tổ chức cuộc thi năng lực Hoa ngữ (TOCFL) và nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Hoa cho giáo viên giữa Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội với Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc; dự án xúc tiến chương trình giảng dạy tiếng Hoa và tổ chức các đoàn du học sinh tham quan kết hợp học tập, nghiên cứu văn hóa – ngôn ngữ tại Đài Loan của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với Trường Đại học Quốc tế Chi Nan.
Hợp tác giáo dục về khoa học kĩ thuật: hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực khoa học kĩ thuật đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ngay sau khi NSP có hiệu lực, đại diện các trường đại học của Đài Loan gồm Đại học Khoa học kỹ thuật ứng dụng Cao Hùng và Cao đẳng Kĩ thuật – Đại học Quốc gia Chung Cheng đến thăm, làm việc và thảo luận cơ hội hợp tác giáo dục kĩ thuật với Trường Đại học Đà Nẵng (tháng 3/2017). Tại Cần Thơ, Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Cao Hùng đã kí kết bản ghi nhớ hợp tác giáo dục với Trường Đại học Cần Thơ. Trên cơ sở đó, Trường Đại học Khoa học ứng dụng Cao Hùng đã tiếp nhận 16 sinh viên của khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ trao đổi ngắn hạn tại Đài Loan, cấp 02 suất học bổng trao đổi sinh viên thời hạn 01 năm cho sinh viên khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông. Cũng trong chương trình hợp tác giữa hai trường, hai bên cũng đề xuất kí bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa hai Trường và Trung tâm nghiên cứu và phát triển kim loại, Trường Đại học Khoa học ứng dụng Cao Hùng trong việc tiếp nhận sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đến thực tập tại Đài Loan. Bản ghi nhớ hợp tác đã được kí kết trong khuôn khổ Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Đài Loan vào ngày 17/9/2017 tại Đài Loan. Tại diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam- Đài Loan lần thứ 6, tổ chức vào ngày 20/12/2019 ở Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật Công nghiệp đã kí biên bản hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, có khả năng ứng dụng nghề nghiệp sát với thực tiễn trong các lĩnh vực kinh tế, kĩ thuật, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của ngành công thương và cả nước với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Minh Tân và Đại học Quốc gia Cao Hùng.
Hợp tác về giáo dục môi trường: Một trong những dự án tiêu biểu về tăng cường hợp tác giáo dục môi trường giữa hai bên là “Chương trình Mạng lưới Giáo dục môi trường Đài Loan – Việt Nam”. Chương trình được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Việt Nam – Đài Loan, đặt tại Đại học Quốc gia Đông Hoa (Đài Loan) và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi Trường và các vấn đề xã hội (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác tư vấn khoa học công nghệ môi trường – Đài Loan, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Khoa học tự nhiên; và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Chương trình được thực hiện dưới sự tài trợ của Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan.
Hợp tác về nâng cao chất lượng đào tạo: mục tiêu giáo dục của Đài Loan là “Đài Loan sáng tạo, nhìn ra thế giới” (Creative Taiwan, Eye on the World), theo đó, Đài Loan không chỉ phát triển về số lượng mà còn quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học, trong đó có việc hợp tác về nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo với Việt Nam. Cũng theo tinh thần “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, Việt Nam cũng đã chủ động hợp tác với Đài Loan trong việc đẩy mạnh công tác giáo dục – đào tạo ở cả hai bên, đặc biệt trong việc học tiếng Hoa và tiếng Việt. Việt Nam và Đài Loan đã kí kết nhiều biên bản về nâng cao chất lượng giáo dục như: Bản ghi nhớ hợp tác “Trao đổi giáo dục Việt Nam – Đài Loan” (24/1/2018), Hiệp định công nhận lẫn nhau các văn bằng giáo dục đại học Đài Loan – Việt Nam” (20/12/2019)…
Hợp tác về giáo dục nghề nghiệp: giáo dục nghề nghiệp là một trong những chương trình hợp tác mà cả Đài Loan và Việt Nam đều hết sức quan tâm. Với mục đích tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau nhằm thúc đẩy hợp tác về giáo dục nghề nghiệp khi chính sách hướng Nam mới có hiệu lực, Đài Loan và Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác. Tại Diễn đàn Việt Nam - Đài Loan ngày 18/9/2017, hai bên đã thảo luận sáu nội dung hợp tác về giáo dục nghề nghiệp bao gồm:
(1) Phía Đài Loan hỗ trợ cho giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, tư vấn phát triển hệ thống, xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển giáo dục nghề nghiệp thông qua các hội thảo, diễn đàn; hỗ trợ chuyên gia cho Việt Nam...
(2) Phía Đài Loan hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp (Kế hoạch Vest 500 sẽ mở rộng thêm đối tượng là giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; cung cấp các suất học bổng để đào tạo giáo viên – thông qua các lớp dài hạn và ngắn hạn); đặc biệt bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ năng nghề, kĩ năng sư phạm mới cho đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.
(3) Hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo sinh viên có chất lượng cao gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động; hỗ trợ huấn luyện sinh viên thi tay nghề ASEAN, thế giới; tạo điều kiện để học sinh, sinh viên của Việt Nam có cơ hội sang thăm quan, học tập tại Đài Loan.
(4) Hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở đào tạo của Đài Loan với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác, liên kết đào tạo; Đài Loan sẽ tổng hợp danh sách các trường đại học có đào tạo nghề (45 trường) để cung cấp cho phía Việt Nam nhằm giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tìm đối tác hợp tác.
(5) Nghiên cứu, thúc đẩy việc hợp tác và công nhận văn bằng chứng chỉ lẫn nhau trong giáo dục nghề nghiệp.
(6) Tăng cường giao lưu, hợp tác về công tác quản lý nhà nước giữa Bộ Giáo dục Đài Loan với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)[9]. Ngoài ra, một số cơ quan giáo dục Đài Loan còn sang thăm, làm việc và thảo luận nhiều chương trình hỗ trợ cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang đào tạo nghề nghiệp tại Đài Loan như Bộ Giáo dục Đài Loan, Hiệp hội Phát triển giáo dục đào tạo nghề Đài Loan,… Tại các diễn đàn về hợp tác doanh nghiệp, kinh tế của hai bên cũng đã thảo luận nhiều vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong các lĩnh vực dệt may, công nghiệp nhẹ, công nghệ nông nghiệp, công nghệ cao, ngân hàng…
Có thể thấy, hợp tác giáo dục – đào tạo của Việt Nam với Đài Loan trong thời kì chính sách hướng Nam mới so với trước đây có nhiều điểm mới với nhiều chương trình hợp tác hơn. Với mục tiêu “giao lưu song phương” và “chia sẻ nguồn lực”, NSP đã tạo điều kiện thúc đẩy sự hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam - Đài Loan, số lượng du học sinh Việt Nam đến Đài Loan mỗi ngày một đông hơn. Nếu như trước đây, khi chính phủ Đài Bắc chưa xác định trọng tâm hợp tác tại khu vực Đông Nam Á và hiển nhiên chưa có quan hệ ngoại giao chính thức thì “sự phát triển của quan hệ hợp tác văn hóa – giáo dục giữa hai bên còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng vốn có”[10]. Việc NSP được phát động cùng nội dung trao đổi giáo dục được xác định là lĩnh vực ưu tiên trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á đã khắc phục những hạn chế trên và tạo nền tảng để giúp hai bên có thêm sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa của nhau cũng như tiếp thu những kinh nghiệm và phương pháp giáo dục tiên tiến. Việc hợp tác giáo dục này còn góp phần mở rộng các cơ sở giáo dục của Việt Nam và Đài Loan, góp phần tạo ra nhu cầu và điều kiện cho việc thực hiện cải cách nền giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
3. Những tác động từ hợp tác giáo dục- đào tạo trong quan hệ Việt Nam – Đài Loan
Đánh giá một cách tích cực, hợp tác giáo dục giữa Đài Loan và Việt Nam đã mang lại nhiều cơ hội để sinh viên và học giả hai bên hiểu thêm về văn hóa, con người, phong tục, tập quán, di tích lịch sử, tôn giáo của nhau, từ đó, quan hệ hợp tác giữa hai bên càng được củng cố và nâng tầm lên một bước mới. Những hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai bên không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn tác động rất lớn đến việc thực thi NSP của chính quyền Đài Loan,
Thứ nhất, thắt chặt quan hệ với Việt Nam- một trong đối tác chính của chính sách hướng Nam mới.
Hiện nay, chính sách hướng Nam mới được xem là một trong những chiến lược kinh tế quan trọng và được chính quyền Thái Anh Văn tích cực triển khai. Với mục tiêu lấy con người làm trọng tâm, biện pháp nhằm xây dựng NSP là thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác song phương giữa Đài Loan với các quốc gia ASEAN và Nam Á trong 4 trụ cột chính: hợp tác kinh tế thương mại, giao lưu về nhân lực, chia sẻ tài nguyên và liên kết khu vực[11]. Theo đó, Bộ Giáo dục Đài Loan khi triển khai “Kế hoạch thúc đẩy đào tạo nhân tài chính sách hướng Nam mới” từ năm 2016 đến nay đã tích cực đẩy mạnh mối giao lưu giáo dục hai chiều giữa Đài Loan với Việt Nam, đồng thời khuyến khích học sinh Việt Nam sang du học tại Đài Loan thông qua các học bổng, chính sách miễn visa, từ đó giúp tỉ lệ sinh viên Việt Nam sang du học và làm việc tại Đài Loan tăng lên qua từng năm. Bên cạnh đó, thông qua các buổi toạ đàm, diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam – Đài Loan, các chuyến thăm và làm việc giữa các cơ quan giáo dục, các trường đại học hai nước đã và đang hợp tác mạnh mẽ với nhau để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và đào tạo về văn hóa, ngôn ngữ nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như thúc đẩy các hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên và thực hiện nghiên cứu khoa học chung. Như vậy, hợp tác giáo dục – đào tạo với Việt Nam như một công cụ nhằm tăng cường củng cố hơn nữa quan hệ với Việt Nam”, và tiến tới xác lập “Cộng đồng kinh tế” với 18 quốc gia đối tác NSP của Đài Loan.
Thứ hai, hoàn thành mục tiêu chia sẻ các nguồn tài lực và tạo ra phương thức hợp tác mới của chính sách hướng Nam mới.
Hợp tác giáo dục với Việt Nam không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực đào tạo nhân lực khoa học trình độ và có tay nghề cao, mà còn đóng vai trò sản xuất tri thức mới, chuyển giao công nghệ hiện đại, tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác hơn nữa trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, chính quyền Đài Loan rất quan tâm đến các vấn đề như xử lí môi trường, đầu tư kinh tế, giao lưu văn hóa với các đối tác chính trong NSP. Giáo dục được xác định là cầu nối để Đài Loan hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao vị thế Đài Loan tại khu vực châu Á và đảm bảo cho sự thành công lớn đối với NSP.
Việc trao tặng các suất học bổng và thực hiện việc miễn visa cho người Việt là những biện pháp để thực hiện mục tiêu chia sẻ các nguồn tài liệu và tạo ra phương thức hợp tác mới trong NSP. Lợi ích từ việc hợp tác giáo dục – đào tạo với Việt Nam đối với Đài Loan là rất lớn, đây là kênh quảng bá và khẳng định nền giáo dục Đài Loan thuộc nền giáo dục chất lượng cao của thế giới. Chính môi trường học tập ở Đài Loan thân thiện, chất lượng tốt, chi phí thấp và nhiều học bổng hấp dẫn đã thu hút sự quan tâm của sinh viên không chỉ từ Việt Nam mà từ cả nhiều quốc gia Đông Nam Á, Nam Á khác. Một lợi thế khác nữa khi du học sinh Việt Nam sang học tại Đài Loan là cơ hội làm thêm dành cho các du học sinh Việt Nam tại Đài Loan khá nhiều, đặc biệt là những công việc phổ thông với mức thu nhập khá cao mà không quá vất vả hay ảnh hưởng đến việc học tập. Ngoài ra, du học sinh Việt Nam giỏi tiếng Trung có thể làm phiên dịch bán thời gian cho các công ty với mức lương cao, ước tính mỗi lần đi phiên dịch khoảng 2 tiếng trong nội thành Đài Bắc sẽ được trả thù lao khoảng 800 tệ (gần 400.000 đồng). Chính sự cởi mở và và môi trường học tập thuận lợi tại Đài Loan đã tạo điều kiện và thúc đẩy các quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực thuộc nhiều phương diện khác nhau, điều này góp phần rất lớn vào sự thành công của NSP trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, là cầu nối quan trọng giúp Đài Loan xích lại gần hơn với ASEAN.
Chính quyền Thái Anh Văn xác định hợp tác với Việt Nam là cầu nối quan trọng giúp Đài Loan xích lại gần hơn với ASEAN, đồng thời cũng khẳng định vai trò quan trọng của Đài Loan trong sự phát triển của khu vực châu Á. Trên nền tảng quan hệ truyền thống giữa Đài Loan với các nước Đông Nam Á, NSP tiếp tục xác định 10 nước ASEAN là đối tác chính của NSP và mong muốn đưa ảnh hưởng của Đài Loan ngày càng thâm nhập sâu vào khu vực này. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền Đài Loan xác định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là phương thức nhanh chóng để tham gia vào sân chơi lớn này.
Sự thành công của NSP không chỉ được tiến hành trên lĩnh vực đầu tư thương mại, mà còn hợp tác trên phương diện giáo dục, giao lưu văn hóa. Thông qua các dự án, chương trình, hoạt động hợp tác, trao đổi trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo với Việt Nam, quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố hơn, tạo điều kiện cho Đài Loan hoàn thành chiến lược phát triển của mình trong khu vực, hội nhập vững chắc trong liên kết song phương, đa phương thông qua xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước thành viên ASEAN.
Kết luận
Chính sách hướng Nam mới của chính phủ Đài Bắc lấy Đông Nam Á làm trọng điểm, trong đó Việt Nam được xem là một nhân tố quan trọng giúp Đài Loan hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế. Từ những năm đầu thế kỷ XXI đến nay, quan hệ Đài Loan – Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng trên cơ sở nhận thức và đánh giá đúng đắn chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia gắn với tình hình khu vực và bối cảnh quốc tế. Việc mở rộng quan hệ ngoại giao với Việt Nam thông qua giáo dục- đào tạo đã mang lại nhiều ý nghĩa quý báu, thể hiện sự liên kết giữa Đài Loan với các địa phương của Việt Nam. Hai bên đã phối hợp xây dựng các hoạt động hợp tác cụ thể và ý nghĩa về trao đổi học thuật giữa các đơn vị cũng như các cá nhân, tăng cường cơ hội học tập, góp phần thúc đẩy sự thành công trong đào tạo các thế hệ tương lai và phát triển hơn nữa tình hữu nghị Việt Nam – Đài Loan. Ngoài ra, sự hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo với Việt Nam có tác động không nhỏ đối với Đài Loan trong mục tiêu xác lập và khẳng định vị thế của mình tại khu vực châu Á trong bối cảnh có nhiều biến động như giai đoạn hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Hoàng Anh (2020), “Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan ở Đông Nam Á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9.
2. Ban Quan hệ quốc tế - VCCI (2020), “Hồ sơ thị trường Đài Loan”, https://vcci.com.vn/ uploads/HSTT_Dai_Loan_update_32020.pdf.
3. Hắc Xuân Cảnh và Vũ Thị Thảo (2014), “Quan hệ hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục giai đoạn 1991-2010”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9.
4. Đàm Huy Hoàng (2020), “Phản ứng của một số quốc gia Đông Nam Á đối với chính sách hướng Nam mới của Đài Loan”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5.
5. Trần Xuân Hiệp, Trần Hoàng Nhung, “Vị trí của Việt Nam trong chính sách hướng vào châu Á của Đài Loan”, http://kxhnv.duytan. edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/94/2158/vi-tri-cua-viet-nam-trong-chinh-sach-huong-vao-chau-a-cua-dai-loan.
6. Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, “Tọa đàm về mạng lưới giáo dục môi trường Việt Nam - Đài Loan 2019”, http://old.hunre.edu.vn/hre/ToA-daM-Ve-MaNG-LuoI-GIaO-DuC-MoI-TRuoNG-VIeT-NAM---daI-LOAN-2019-t16056-18057.html.
Vietnam - Taiwan Relationship in the New Southern Policy –
A View from Education and Training Cooperation
Nguyen Huu Phuc
Since 2016, Taiwan has implemented the New Southern Policy, which has focused on cooperation in all fields with Southeast Asian nations and Vietnam is one of the main partners of this policy. Accordingly, along with commerce, education and training cooperation has become an important factor in the relationship between Vietnam and Taiwan. The achievements in cooperation of education and training between the two countries since 2016 have initially shown the effectiveness of coorperaive efforts between the two governments. Within the scope of this research, the author wants to clarify the relationship between Vietnam and Taiwan since the government of Thai Anh Van implemented the "New Southern Policy". Thereby, the study analyzes the impacts of cooperation in the field of education and training on the relationship between these two countries.
[1] ThS., Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế
[2] Đàm Huy Hoàng (2020), “Phản ứng của một số quốc gia Đông Nam Á đối với chính sách hướng Nam mới của Đài Loan”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5, tr. 24.
[3] Ban Quan hệ quốc tế - VCCI (2020), “Hồ sơ thị trường Đài Loan”, https://vcci.com.vn/uploads/HSTT_Dai_Loan_ update_32020.pdf.
[4] Ban Quan hệ quốc tế - VCCI (2020), “Hồ sơ thị trường Đài Loan”, Tlđd.
[5] https://niaspeedy.immigration.gov.tw/nia_southeast.
[6] Ban Quan hệ quốc tế - VCCI (2020), Hồ sơ thị trường Đài Loan, Tlđd.
[7] Lê Hoàng Anh (2020), “Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan ở Đông Nam Á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9, tr. 61.
[8] Trần Xuân Hiệp, Trần Hoàng Nhung (2018), “Vị trí của Việt Nam trong chính sách hướng vào châu Á của Đài Loan”, http://kxhnv.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/ vn/ 94/2158/vi-tri-cua-viet-nam-trong-chinh-sach-huong-vao-chau-a-cua-dai-loan.
[10] Hắc Xuân Cảnh và Vũ Thị Thảo (2014), “Quan hệ hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục giai đoạn 1991-2010”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9, tr. 21.
[11] Lê Hoàng Anh (2020), “Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan ở Đông Nam Á”, Tlđd, tr. 57-58.