Trang chủ

Cơ hội và thách thức với du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Đăng ngày: 21-12-2022, 20:36 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 6

Nguyễn Thanh Thu1

 

Tóm tắt: Trong những năm gần đây việc các bạn trẻ lựa chọn du học sau tốt nghiệp cấp 3 đã tăng đáng kể. Du học đến một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore dần trở nên phổ biến hơn. Nhật Bản đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các bạn trẻ Việt Nam lựa chọn khi có ý định du học để có tương lai tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuộc sống của du học sinh trong thời gian du học bên cạnh những cơ hội có được thì còn không ít những thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và tương lai của du học sinh. Dựa vào nguồn dữ liệu thứ cấp và một số thông tin phỏng vấn trực tiếp du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản, bài viết nhận diện cơ hội, thách thức đặt ra đối với các du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản; đồng thời gợi mở chính sách nhằm giúp du học sinh tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức và hoàn thành tốt học tập.

Từ khóa: Du học sinh, du học học bổng, du học tự túc, Việt Nam, Nhật Bản

1. Mở đầu

Trào lưu[1]du học nước ngoài gia tăng mạnh ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Khi hội nhập quốc tế trở thành xu thế tất yếu, toàn cầu hóa giáo dục cũng không phải ngoại lệ. Theo thống kê của Cục Đào tạo nước ngoài[2], Việt Nam hiện có hơn 120.000 du học sinh, trong đó hơn 63.700 học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình đại học và sau đại học ở các nước trên thế giới. Các quốc gia thu hút đông đảo du học sinh Việt Nam thường là các quốc gia phương Tây (Anh, Đức, Mỹ…), bên cạnh đó là một số quốc gia châu Á có nền kinh tế phát triển và giáo dục có chất lượng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…)[3]. Điều này thể hiện rõ một bộ phận người Việt đầu tư nhiều hơn cho con cái họ đi học nước ngoài. Vậy du học là gì? Có những hình thức du học nào? Tại sao có nhiều bạn trẻ lựa chọn du học ở các nước khác nhau,… Bài viết này góp phần làm rõ các vấn đề liên quan đến du học của các học sinh, sinh viên.

Du học là việc đi học ở một nước khác với nước hiện tại đang sinh sống, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn để thỏa mãn nhu cầu học tập của bản thân hoặc yêu cầu của cơ quan, tổ chức tài trợ. Hình thức du học chủ yếu gồm: du học học bổng và du học tự túc. Du học học bổng là hình thức du học sinh được một tổ chức hỗ trợ một phần hay toàn phần về kinh phí học tập. Học bổng có thể từ chính phủ hoặc tổ chức nào đó phía Việt Nam và học bổng phía nước du học dành cho du học sinh. Du học tự túc là hình thức du học sinh tự trả chi phí liên quan đến việc du học. Hình thức này ngày càng phát triển. Theo số liệu thống kê, hơn 90% du học sinh Việt Nam theo hình thức tự túc[4].

Có thể nói, con đường du học sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho học sinh khi tốt nghiệp. Họ sẽ có một tấm bằng chuyên môn, các kỹ năng ngoại ngữ, tin học và kỹ năng xử lý công việc chuyên nghiệp; có môi trường làm việc lý tưởng, thu nhập và cuộc sống sẽ như ý muốn. Bên cạnh đó, trong quá trình học tập tại nước sở tại, du học sinh còn có cơ hội làm thêm để nâng cao thu nhập và hòa nhập với cuộc sống ở địa phương, trải nghiệm và tích lũy vốn sống cho bản thân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuộc sống của du học sinh trong thời gian du học, bên cạnh những cơ hội (như tiếp xúc với nền văn hóa, giáo dục mới, hiện đại), thì còn có không ít thách thức đặt ra (vốn ngoại ngữ hạn chế đã gây khó khăn lớn trong việc thích nghi môi trường sống, các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày cũng bị hạn chế nhất định, gánh nặng về các khoản chi tiền học phí, chi ăn ở, di chuyển…). Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và tương lai của du học sinh. Thực tế đặt ra nhiều câu hỏi cần nghiên cứu trả lời để từ đó giới cơ quan hữu quan ở hai nước có những giải pháp can thiệp nhằm giảm thiểu khó khăn thách thức, tạo điều kiện cho du học sinh phát huy thuận lợi trong quá trình du học. Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp và một số thông tin phỏng vấn sâu được thực hiện trong thời gian sinh sống và học tập tại Nhật Bản, tác giả tập trung phân tích cơ hội và thách thức đặt ra với du học sinh Việt Nam; phần cuối bài viết đưa ra một số bàn luận, gợi mở hàm ý chính sách, nhằm đảm bảo tốt hơn cho cuộc sống và học tập của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia.

2. Tình hình du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Nhật Bản là một quần đảo hình cánh cung ở Tây Bắc Thái Bình Dương, cạnh phía đông của Đại lục Âu - Á. Nhật Bản có diện tích khoảng 327.000 km2. Vì nằm giữa vùng ôn đới nên nhìn chung khí hậu Nhật Bản ôn hòa với các mùa rõ rệt: mùa hè (tháng 6) và mùa đông (tháng 12). Nhật Bản là nước có nền văn hóa phong phú, mang đậm tính truyền thống, cũng là một trong những quốc gia phát triển nhất trên thế giới[5]. Thế mạnh của giáo dục Nhật Bản chính là kỹ thuật, điện tử, công nghệ và kinh doanh. Bởi những ưu thế đó, những năm gần đây số lượng các bạn trẻ Việt Nam lựa chọn du học Nhật Bản sau tốt nghiệp cấp 3 đã tăng đáng kể. Du học Nhật Bản đã trở thành lựa chọn lý tưởng cho các bạn trẻ Việt Nam khi có ý định du học. Ngoài nét văn hóa khá tương đồng thì Nhật Bản có nền giáo dục tiên tiến, chất lượng cao và đặc biệt mức học phí, chi phí sinh hoạt ở mức tương đối rẻ so với các nước như Anh, Pháp,… Theo số liệu của JASSO (Japan Student Services Organization  -  tổ chức dịch vụ sinh viên Nhật Bản) năm 2018, số lượng du học sinh tại Nhật Bản đạt 298.980 học sinh. Trong đó, nhiều nhất là số lượng du học sinh Trung Quốc (114.950 người), xếp thứ hai là du học sinh Việt Nam (72.354 người), tiếp đến là Nepan và Hàn Quốc. Trong tổng số khoảng 290.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản thì số lượng du học sinh khoảng 72.000 người, chiếm khoảng 27%, số lượng thực tập sinh khoảng 134.000 người, chiếm 46%. Điều đó lý giải rằng trong 10 người Việt Nam tại Nhật Bản sẽ có khoảng 5 người là thực tập sinh và 3 người là du học sinh. Theo kết quả của cuộc khảo sát tuyển sinh năm 2018 do JASSO thực hiện, số lượng du học sinh Việt Nam đang học tại Nhật Bản ngày càng tăng, chiếm 24,2% (tăng 1,1% so với năm 2017). Điều đáng nói là nhóm du học sinh theo hình thức tự túc kinh phí vừa học vừa làm đang tăng lên nhanh chóng. Cuộc sống của nhóm du học sinh này có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đối diện với không ít thách thức.

2.1. Cơ hội của du học sinh khi sinh sống và học tập tại Nhật Bản

2.1.1. Thích nghi với môi trường sống văn minh hiện đại

Việt Nam và Nhật Bản có những nét đồng điệu về văn hóa, bản sắc dân tộc. Những truyền thống, phong tục của xứ sở hoa anh đào khá gần gũi với các bạn trẻ Việt Nam thông qua hoạt động ngoại khóa của các trường đại học hay các chương trình giao lưu văn hóa giữa hai nước nên du học sinh hòa nhập ở nước sở tại cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Bên cạnh đó là những điều luật nghiêm khắc về phòng chống tội phạm, ma tuý, rượu bia tạo nên một môi trường an toàn cho mọi công dân cũng như du học sinh quốc tế. Thông tin phỏng vấn sâu sau đây sẽ cho thấy rõ hơn về cuộc sống của du học sinh tại Nhật Bản. Lần đầu tiên xa quê hương, H. (19 tuổi, du học sinh trường Nhật ngữ, tỉnh Aichi) chia sẻ: “Khi vừa bước chân đến vùng trời mới, may mắn của bản thân là nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ bạn bè, thầy cô người Nhật nên thích nghi với môi trường mới nhanh hơn”. Đồng quan điểm với H., M. (nam, 21 tuổi, đại học Công nghệ Nagoya) – du học sinh mới sang bày tỏ: “Ấn tượng đầu tiên khi sang Nhật là cây bán hàng tự động, mua đồ và trả tiền rất tiện lợi. Các cửa hàng tiện ích cũng vậy, không chỉ bán đồ ăn sẵn mà còn có dịch vụ chuyển đồ phát nhanh, cả máy in tài liệu, không mất thời gian đi lại và tìm kiếm...”.

2.1.2. Môi trường giáo dục phát triển, nhiều quỹ học bổng hỗ trợ du học sinh

Không chỉ nổi tiếng với sự phát triển về kinh tế, công nghệ hiện đại mà Nhật Bản còn có hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới. Là một đất nước đề cao giáo dục, Nhật Bản chính là đất nước cho những sinh viên quốc tế đang tìm kiếm trải nghiệm sống nhiều thử thách và những khóa học hấp dẫn. Với ngày càng nhiều khóa học được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, Nhật Bản trở nên dễ tiếp cận hơn với những ai không nói được tiếng Nhật. Bên cạnh đó các trường đại học cũng  tạo điều kiện cho du học sinh nước ngoài thông qua học bổng và trợ cấp như học bổng Ministry of Education, Culture, Sports, Science and Technology-Japan (MEXT), Japan Student Services Organization (JASSO)… Như thông tin một số cuộc phỏng vấn sâu cho thấy: Bạn A. (21 tuổi, du học sinh trường Nhật ngữ, tỉnh Aichi) may mắn nhận được học bổng MEXT chia sẻ: “Sang Nhật theo diện học bổng là cả sự nỗ lực và may mắn, cũng may chương trình học của mình hoàn toàn bằng tiếng Anh nên khá thuận lợi. Hàng tháng, mình nhận được một khoản hỗ trợ khoảng 15 man[6], trừ chi phí sinh hoạt vẫn tiết kiệm được một khoản”. Bạn P. (nam, 27 tuổi, đại học Công nghệ Nagoya) đồng quan điểm bày tỏ: “Hai năm đầu học trường tiếng, mình chỉ đi làm một việc mỗi tháng khoảng 10 man để trả chi phí sinh hoạt ở Nhật. Thời gian còn lại dành chủ yếu cho việc học. Với sự nỗ lực của bản thân, thêm phần may mắn nên mình đã đỗ vào một trường công lập ở Nhật. Học phí rẻ nên giờ không bị áp lực đi làm thêm nhiều để đóng học phí. Khoa mình học là cơ khí chế tạo máy nên đa phần là người Nhật theo học. Giáo trình học hoàn toàn bằng tiếng Nhật, mới đầu bỡ ngỡ nhưng sau hòa nhập và bắt kịp được cùng với các bạn…”.

2.1.3. Các website hỗ trợ cộng đồng du học sinh ở Nhật Bản

Tổ chức VYSA là tổ chức xã hội phi lợi nhuận và được thành lập ở Tokyo vào ngày 10/11/2001. Đây là tổ chức đại diện duy nhất cho sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản và đã được Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản công nhận. VYSA có 14 chi hội phân bố trên khắp Nhật Bản gồm: Hokkaido, Sendai, Niigata, Kanto, Tokai, Shiga, Kyoto, Osaka, Kobe, Okayama, Kita-kyushu, Fukuoka, Okinawa[7]. VYSA khuyến khích các bạn tham gia các chi hội gần nơi mình sống. Thời gian qua, VYSA đã tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như hội trợ việc làm VYSA Job Fair, cuộc thi sắc đẹp Miss VYSA, cuộc thi tài năng VYSA Got Talent  hay giải bóng đá VYSA Cup để kết nối và tạo điều kiện cho các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản có nơi sinh hoạt lành mạnh, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và trong cuộc sống, đồng thời là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản[8].

2.1.4. Tham gia các hoạt động ngoại khóa

Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa không chỉ mang lại lợi ích về sức khoẻ mà còn đem lại cơ hội để phát triển kỹ năng làm việc nhóm, tính sáng tạo, khả năng tư duy, cơ hội trau dồi vốn ngoại ngữ. Các hoạt động tình nguyện trong trường đại học được tổ chức như: trồng cây, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhằm mục đích giúp đỡ cộng đồng địa phương cũng là cơ hội đánh giá về bản thân du học sinh qua những trải nghiệm như vậy. Một số thông tin phỏng vấn sâu dưới đây sẽ minh chứng rõ hơn về tham gia hoạt động ngoại khoá của du học sinh. “Ngoài thời gian học trên trường, có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp tăng khả năng giao tiếp và vốn ngoại ngữ, hiểu rõ hơn về văn hóa và người dân bản địa” chia sẻ của bạn D. (nữ, 25 tuổi, đại học kinh tế Nagoya).

2.2. Thách thức đối với du học sinh

2.2.1. Thời tiết, khí hậu

Ở nhiều vùng của Nhật Bản có thời tiết khắc nghiệt, mùa đông có tuyết rơi dày đặc gây cản trở cho việc đi lại. Chênh lệch về múi giờ khiến đồng hồ sinh học của bản thân buộc phải thay đổi để thích nghi với môi trường sống. Có những bạn thích nghi nhanh nhưng có những bạn phải mất thời gian dài để thích nghi với môi trường. Nếu sức đề kháng của bạn không tốt dễ gặp các vấn đề sức khỏe, gây ảnh hưởng tới học tập và sinh hoạt.

2.2.2. Nỗi buồn phải xa gia đình

Cuộc sống của du học sinh luôn phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn trước mắt như xung đột với bạn cùng nhà, thường xuyên nhất là nỗi nhớ nhà vào mỗi dịp lễ tết. Đối với người Việt xa quê, những ngày cuối năm là khoảng thời gian dễ chạnh lòng. Thông tin phỏng vấn sâu một số du học sinh sẽ phản ánh thực tế này. Bạn M. (nữ, 23 tuổi, trường cao đẳng khách sạn-du lịch, tỉnh Aichi) bày tỏ: “Nhìn dòng người hối hả trên tàu điện ngầm, mọi người ở Việt Nam quây quần bên mâm cơm tất niên gia đình ngày cuối năm, em nhớ nhà, nhớ không khí của tết đoàn viên”. Xa gia đình mỗi dịp tết đến, du học sinh Việt đều giữ trong lòng những nỗi niềm riêng, những giây phút chạnh lòng khi nhớ về quê hương. Bạn H. (nam, 26 tuổi, du học sinh trường Nhật ngữ, tỉnh Aichi) chia sẻ: “Cuộc sống của du học sinh là chuỗi ngày đếm ngược, sáng đi học, chiều đi làm thêm, đêm về tranh thủ làm bài tập. Ngày Tết cổ truyền của Việt Nam cũng không được nghỉ vì người Nhật họ ăn Tết dương, hơn nữa những ngày này tranh thủ đi làm để kiếm thêm thu nhập vì sắp phải đóng học phí”.  Du học là gánh nặng trên vai, là phải gồng mình cố gắng vì sự kỳ vọng của người thân và ngưỡng mộ của bạn bè.

2.2.3. Cú sốc văn hóa

Sự khác biệt văn hóa, bất đồng ngôn ngữ thể hiện rõ nhất ở các thành phố lớn – nơi có nhiều cơ hội việc làm thêm cho các bạn du học sinh nhưng ngược lại chi phí sinh hoạt vô cùng đắt đỏ. Ở những thành phố lớn như Tokyo người ngoại quốc đông, xảy ra tình trạng mất trật tự nên sự kỳ thị cũng không có sự thay đổi nhiều[9]. Sự đề phòng của người Nhật cũng càng nhiều, vì ở Nhật Bản báo đài đưa lên rất nhiều tin xấu như du học sinh trộm cắp, hại người,… nên họ e ngại, cảnh giác hơn. Những năm gần đây, việc du học sinh tự mình đi thuê nhà cũng trở nên khó khăn hơn vì chủ nhà sợ các bạn ở bẩn, vứt rác bừa bãi, không phân biệt rác nên họ thà để trống nhà không có tiền thu nhập cũng không cho thuê. Thông tin phỏng vấn sâu sau đây tiếp tục minh chứng rõ về điều này. Bạn H. (nữ, 24 tuổi, cao đẳng thiết kế thời trang) bày tỏ: “Đợt mới sang, tiếng Nhật chưa rõ nên rất khó khăn trong việc thuê nhà, hơn nữa chủ nhà họ yêu cầu phải có người bảo lãnh và ký hợp đồng thuê trong 2 năm, nếu bỏ giữa chừng sẽ mất tiền đóng cọc”. Đồng quan điểm với H., B. (nam, 22 tuổi, cao đẳng kinh doanh) bày tỏ: “Đến hệ thống thuê nhà ở Nhật họ yêu cầu nhiều điều kiện kèm theo, khi hỏi đến quốc tịch là người Việt Nam thì họ từ chối với lí do ở không sạch sẽ, hay tụ tập bạn bè để ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh…”. Bạn C. (nam, 27 tuổi, du học sinh trường Nhật ngữ) chia sẻ: “Nhiều khi mua đồ ngoài cửa hàng hay đến quán ăn ở Nhật cũng đều bị dè chừng, họ có mặc cảm với người nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam vì thời gian gần đây trên truyền hình, báo chí đưa tin người Việt trộm cắp đồ ở cửa hàng đem bán. Vụ trộm hoa quả tại vườn, người Nhật họ phát hiện báo cảnh sát điều tra kẻ đã lấy trộm và kết quả là người Việt trộm đồ”.

2.2.4. Rào cản về ngôn ngữ, khó khăn trong việc làm thêm

Mới sang ngôn ngữ còn hạn chế nên việc đi làm thêm cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều bạn không xin được việc làm đã tìm đến trung tâm môi giới để được giúp đỡ hoặc làm các công việc nặng nhọc như vác hàng, rửa đồ ở các cửa hàng ăn uống, làm những công việc ít sử dụng đến tiếng Nhật. Nhiều khi công việc bấp bênh nhưng vốn ngôn ngữ hạn chế nên không thể tìm cho mình công việc tốt hơn. Ngay cả ở trường, tiếng Nhật cũng không có nhiều thời gian cho việc học, nhiều khi lên lớp để ngủ. Đến lớp điểm danh là thực trạng chung của du học sinh hiện nay,  cũng vì thế mà việc học chểnh mảng nên sau khi tốt nghiệp trường tiếng cũng không thi đỗ vào trường semon[10] nào hoặc có chăng vào học những trường không tốt chỉ để nhằm mục đích xin visa, ít phải đi học, có nhiều thời gian cho việc đi làm. Có những trường hợp, các bạn dùng bữa ăn tranh thủ trên tàu để kịp giờ học, giờ làm; nhiều bạn mua vội chiếc bánh mì hay cơm nắm vừa đi vừa ăn trên đường đi làm để kiếm tiền trả nợ và đóng học phí. Ngay từ khi du học sinh sang Nhật Bản đã có tư tưởng về kinh tế nên các bạn tập trung đi làm nhiều mà không dành thời gian chính cho việc học. Vào những kỳ nghỉ dài, các bạn đăng ký làm thêm nhiều, và khi về nhà tranh thủ ngủ 1-2 tiếng rồi tiếp tục đi làm thêm. Thu nhập sau mỗi kỳ nghỉ dài là một con số mà nhiều người mơ ước, nhưng ngược lại họ phải đánh đổi sức khỏe. Thông tin từ những ý kiến sau đây minh hoạ cho thực tế này. Bạn N. (nữ, 22 tuổi, cao đẳng kinh tế) cũng giống tâm trạng của nhiều bạn chia sẻ: “Cuộc sống ở nhật như trâu đi cày, nhiều khi không có thời gian ngủ nhưng đổi lại thu nhập nhận được cao gấp 3, 4 lần so với ở Việt Nam (lương tháng 4-5 triệu)”. Bạn Th. (nam, 25 tuổi, du học sinh trường Nhật ngữ) có quan điểm cho rằng: “Sang Nhật một vài năm kiếm ít vốn về nước, học thêm cái nghề mở cửa hàng kinh doanh. Giờ về Việt Nam chắc xin vào làm công ty, lương lại không cao như ở Nhật, hơn nữa lại phải đi làm theo ca kíp”. Bạn D. (nam, 23 tuổi, cao đẳng kinh tế) chia sẻ: “Công việc baito[11] của mình chủ yếu làm đêm, việc làm ban ngày cũng có nhưng lương đêm họ trả cao hơn khoảng 1.100-1.200 yên/giờ (230.000-240.000 đồng tiền Việt). Mỗi đêm làm khoảng 5-6 tiếng tùy thuộc vào lượng hàng, kết thúc công việc về nhà mình chợp mắt được 1 tiếng sau đó đi học. Thời gian đầu chưa quen nên hay ngủ gật trong lúc làm. Giờ thì quen với công việc làm đêm nên sáng đi học tranh thủ ngủ trên lớp. Chiều về vẫn ngủ được 4-5 tiếng nữa, ăn uống xong vẫn kịp bắt tàu đi làm”. Bạn M. (nữ, 21 tuổi, tỉnh Aichi) – du học sinh mới sang bày tỏ: “Thời gian đầu sang Nhật tiếng chưa rõ nên mình được bạn cùng lớp giới thiệu đi làm quán sushi. Phần vì là người mới, tiếng chưa thạo, công việc chưa rõ nên quản lý họ sắp xếp cho làm rửa đồ. Thực sự công việc này vất vả nhưng vì chưa tìm được công việc mới nên mình không dám nghỉ”. Bạn B. (nam, 22 tuổi, cao đẳng kinh tế) may mắn hơn làm thêm ở cửa hàng tiện ích cho biết: “Từ khi sang Nhật trải nghiệm nhiều công việc nên vừa rồi combini gần nhà họ tuyển, mình đến phỏng vấn vì đang thiếu người nên họ nhận vào làm luôn. Quản lý là người Trung Quốc nên rất khó tính trong khi làm việc. Có lần khách mua hộp cơm bento, mình hâm nóng đồ ăn cho khách nhưng không may bị cháy hộp cơm nên khách hàng họ phản hồi lại với quản lý, nói rằng người mới chưa thạo việc tiếng cũng chưa rõ. Nếu tiếp tục làm thì họ sẽ không mua hàng nữa. Sau đó, quản lý tỏ rõ thái độ nên mình xin nghỉ tìm việc mới”. Đó là thực trạng của du học sinh trong một hai năm gần đây, mác du học nhưng thực chất sang làm kinh tế. Nhiều trường tiếng Nhật mở ra cũng nới lỏng để thu hút du học sinh tham gia học. Thực chất họ thu lợi nhuận kinh tế hơn là làm giáo dục. Thậm chí họ làm giả giấy tờ về thành tích học tập của du học sinh mục đích để xin visa. Một số trường tiếng kiêm cả dịch vụ mô giới việc làm, nhà ở,… khiến du học sinh lại phát sinh thêm các khoản nợ mới trong khi việc học hành vẫn không đi đến đâu[12]. Nhiều người ở Nhật Bản đến mấy năm khi về nước vẫn chưa có bằng cấp gì và cũng không biết mình làm công việc gì.

3. Một số bàn luận và gợi mở chính sách

Có thể thấy, cuộc sống ở Nhật Bản đặt ra nhiều thách thức với du học sinh. Sự khác biệt về văn hóa, lối sống, rào cản ngôn ngữ là những khó khăn gây trở ngại ngay từ những ngày đầu đặt chân đến đất nước này. Nếu luôn tích cực sẽ dễ dàng cân bằng được cuộc sống của mình, nên sắp xếp thời gian hợp lý giữa đi làm thêm và việc học để sau khoảng thời gian ngắn, có thể thi vào những trường đại học tốt ở Nhật Bản, có cơ hội nhận được học bổng để tập trung nhiều hơn vào việc học tập và mở ra cơ hội trong tương lai. Lợi ích lớn nhất khi đi du học tự túc chính là kiến thức, kỹ năng và xây dựng giá trị bản thân, bứt phá vỏ bọc để trở thành một công dân năng động, mạnh dạn tiếp nhận những kiến thức mới. Đừng để khoảng thời gian sống ở Nhật trôi qua cách vô nghĩa và trong sự tiếc nuối. Thành công hay thất bại là do bản thân các bạn quyết định. Lựa chọn du học tự túc không chỉ là sự trải nghiệm, bản thân trưởng thành hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm trong tương lai với những ai thực sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn và thử thách.

Du học tự túc không còn là nỗi lo của nhiều bạn trẻ khi nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh những cơ hội có được khi sinh sống và học tập tại Nhật Bản thì các chính sách hỗ trợ sẽ giúp du học sinh phát huy hết khả năng phát triển bản thân.

Xây dựng môi trường học tập: để tạo điều kiện cho người Việt nói chung và du học sinh nói riêng có thể an tâm sinh sống và học tập, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp cùng Ngân hàng MUFG triển khai chương trình hỗ trợ đối với du học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường chuyên môn, cao đẳng, đại học và sau đại học. Khuyến khích, động viên các bạn du học sinh khó khăn về kinh tế nhưng có thành tích xuất sắc trong học tập tạo động lực để nâng cao về ngôn ngữ. Gần đây, một số địa phương đã đưa ra ý tưởng xây dựng ngôi trường dành cho sinh viên nước ngoài với cơ sở nội trú được đề xuất vào năm 2018. Trường mở ra với hy vọng thu hút nhiều người Việt Nam có nguyện vọng học tiếng Nhật để chuẩn bị cho việc học tập tại Nhật Bản và mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm ở xứ sở hoa anh đào.

Chính sách hỗ trợ nhà ở: các tổ chức xã hội kết hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện, quan tâm hỗ trợ các du học sinh gặp khó khăn về kinh tế do việc làm thêm bấp bênh, không ổn định qua việc giảm bớt tiền thuê nhà hàng tháng. Chi phí sinh hoạt được giảm bớt, đồng thời giảm gánh nặng về kinh tế cũng phần nào giúp các du học sinh yên tâm hơn, đầu tư nhiều thời gian cho việc học. Từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.

Xây dựng cộng đồng Nhật ngữ Việt Nam tại Nhật Bản: cộng đồng này được xây dựng với mục đích hỗ trợ các du học sinh không chỉ trau dồi vốn tiếng Nhật, nâng cao khả năng giao tiếp mà còn là nơi để mọi người giao lưu, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong học tập, công việc tại Nhật Bản. Hàng tháng tổ chức các buổi hội thảo về sách, duy trì văn hóa đọc đến với các bạn trẻ tạo ra môi trường học tập lành mạnh. Với đội ngũ Sempai[13] là những anh chị có nhiều kinh nghiệm đang theo học tại các trường đại học tham gia để hỗ trợ cho các bạn du học sinh đến với tiếng Nhật bằng niềm đam mê thực sự. Văn hóa Sempai – Kohai[14] tiếp tục được duy trì và phát triển với thông điệp: “Hãy học tập từ động lực của bản thân chứ không phải là những ép buộc của xã hội”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Anh Huy (2013), “Thực trạng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản”, https://kenh tuyensinh.vn/ve-thuc-trang-du-hoc-sinh-viet-nam-tai-nhat-ban.
  2. Cổng thông tin tư vấn xuất khẩu lao động Nhật Bản (2018), “Giới thiệu đất nước, văn hóa Nhật Bản”, http://laodongxuat khaunhatban.vn/gioi-thieu-ve-dat-nuoc-nhat-ban.html.
  3. Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, http://duhoc.viet-sse.vn/2012/02/gioi-thieu-ve-hoi-thanh-nien-sinh-vien-viet-nam-tai-nhat-vysa.
  4. Hữu Thắng (2015), “Việt Nam xếp thứ 2 về số lượng du học sinh tại Nhật Bản”, https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-dung-thu-hai-ve-so-luong-sinh-vien-nuoc-ngoai-o-nhat-ban/636471.vnp.
  5. Tùng Lâm (2018), “Cơ hội và thách thức khi du học Nhật Bản”, https://thongtindu hocnhatban.com/co-hoi-va-thach-thuc-khi-du-hoc-nhat-ban/.
  6. Tỷ lệ du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, https://nhatban.net.vn/du-hoc/thong-ke-ty-le-du-hoc-sinh-viet-nam-tai-nhat-ban.html.
  7. Nam Việt (2017), “Du học sinh Việt Nam ở nước ngoài tăng mạnh”, http://baoquang nam.vn/the-gioi/du-hoc-sinh-viet-nam-o-nuoc-ngoai-tang-manh-47537.html.
  8. Nguồn tin tức du học (2015), “Rào cản và thách thức lớn nhất trên con đường du học”. https://ditru.com.vn/nhung-rao-can-va-thach-thuc-lon-nhat-tren-con-duong-du-hoc/.
  9. Quỳnh Trang (2016), “Những cú sốc văn hóa khi du học Nhật Bản”, https://vnexpress.net/ nhung-cu-soc-van-hoa-khi-du-hoc-nhat-ban-3351261.html.

10. Số lượng người Việt tại Nhật Bản 2021, https://baoasahi.com/so-luong-nguoi-viet-tai-nhat-ban-2021.html

11. Tạp chí Thời đại (2020), “Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức VYSA School Fair 2020”, https://thoidai.com.vn/hoi-thanh-nien-sinh-vien-viet-nam-tai-nhat-ban-to-chuc-vysa-school-fair-2020-117577.html

12. https://kinhnghiemduhoc.net/du-hoc-cac-nuoc/nhat-ban/tim-hieu-ve-hoc-senmon-gakko-tai-nhat-ban

 

 

 



[1] Cử nhân Xã hội học, Du học sinh Học viện Giáo dục Nagoya, Nhật Bản.

[2] Tỷ lệ du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, https://nhatban.net.vn/du-hoc/thong-ke-ty-le-du-hoc-sinh-viet-nam-tai-nhat-ban.html.

[3] Nam Việt (2017), “Du học sinh Việt Nam ở nước ngoài tăng mạnh”, http://baoquangnam.vn/the-gioi/du-hoc-sinh-viet-nam-o-nuoc-ngoai-tang-manh-47537.html.

[4] Số lượng người Việt tại Nhật Bản 2021, https://baoasahi.com/so-luong-nguoi-viet-tai-nhat-ban-2021.html.

[5] Cổng thông tin tư vấn xuất khẩu lao động Nhật Bản (2018), “Giới thiệu đất nước, văn hóa Nhật Bản”, http://laodongxuatkhaunhatban.vn/gioi-thieu-ve-dat-nuoc-nhat-ban.html.

[6] Cách gọi khác của tiền Nhật, 1 man = 10.000 yên.

[7] Diễn đàn Hội thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA).

[8] Tạp chí Thời đại (2020), “Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức VYSA School Fair 2020”, https://thoidai.com.vn/hoi-thanh-nien-sinh-vien-viet-nam-tai-nhat-ban-to-chuc-vysa-school-fair-2020-117577.html.

[9] Quỳnh Trang (2016), “Những cú sốc văn hóa khi du học Nhật Bản”. https://vnexpress.net/nhung-cu-soc-van-hoa-khi-du-hoc-nhat-ban-3351261.html.

[10] Các trường dạy nghề tại Nhật Bản, https://kinhnghiemduhoc.net/du-hoc-cac-nuoc/nhat-ban/tim-hieu-ve-hoc-senmon-gakko-tai-nhat-ban.

[11] Thuật ngữ có nguồn gốc Nhật Bản, chỉ những công việc bán thời gian, công việc ngoài giờ mang tính “tạm thời” khi chưa tìm được việc làm ổn định.

[12] Anh Huy (2013), “Thực trạng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản”, https://kenhtuyensinh.vn/ve-thuc-trang-du-hoc-sinh-viet-nam-tai-nhat-ban.

[13] Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó. Khái niệm này như một kính ngữ và đã có từ rất lâu trong văn hóa Nhật Bản.

[14] Những người đi sau Sempai để học hỏi kinh nghiệm.

 

0thảo luận