Hoàng Thị Yến1
Tóm tắt: Bài viết* sử dụng phương pháp miêu tả, phân tích thành tố nghĩa, thủ pháp đối chiếu một chiều với tiếng Hàn là ngôn ngữ cơ sở. Kết quả nghiên cứu cho thấy các hiện tượng tự nhiên dự báo thời tiết chỉ xuất hiện ở các đơn vị tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò. Các hành động của các con giáp được cho là dấu hiệu dự báo thời tiết xuất hiện nhiều ở tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò và lợn; ý nghĩa dự báo thời tiết chủ yếu liên quan đến mưa, gió hoặc nước; thời tiết bốn mùa và các hiện tượng tự nhiên không chỉ có ảnh hưởng tích cực mà còn có tác động tiêu cực đến các loài vật, đặc biệt là vật nuôi. Điều này cho thấy sự quan tâm, mức độ gần gũi và vai trò quan trọng của chúng trong đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân Hàn Quốc. Những nét tương đồng và khác biệt về thời tiết cho thấy sự gần gũi cũng như những nét đặc trưng riêng về ngôn ngữ và văn hóa của hai dân tộc Hàn - Việt.
Từ khóa: Thời tiết, tục ngữ, tiếng Hàn, tiếng Việt, con giáp
1. Đặt vấn đề
Tục ngữ thường được hiểu là biểu thức cố định có kết cấu câu ngắn gọn, có vần điệu và cấu trúc ổn định, chuyển1tải thông điệp nghệ thuật. Tục ngữ lưu giữ một kho tàng tri thức và kinh nghiệm của một dân tộc, có giá trị giáo huấn, truyền kinh nghiệm và giá trị phê phán, châm biếm sâu sắc. Tục ngữ phản ánh cuộc sống vật chất và tinh thần, phong tục, tập quán của dân tộc sử dụng ngôn ngữ đó2.
Hiện nay, cùng với quá trình toàn cầu hóa, biên giới giữa các quốc gia ngày càng trở nên mờ nhạt. Trong nghiên cứu ngôn ngữ, các nghiên cứu liên ngành và nghiên cứu đối chiếu đang đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và giao lưu ngôn ngữ - văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới. Theo khảo sát, đã có nhiều công trình đối chiếu về tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp nói riêng trong tiếng Hàn và tiếng Việt, tiêu biểu có: Son Sun Yeoung (2015), Hoàng Thị Yến, Hoàng Thị Hải Anh (2019)... Gần đây, nhóm tác giả Hoàng Thị Yến, Lâm Thị Hòa Bình, Bae Yang Soo (2020) đã thực hiện đối chiếu tục ngữ trong tiếng Hàn, tiếng Việt và tiếng Anh...
Bài viết này phân tích yếu tố thời tiết trong tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con giáp, nhằm góp phần làm rõ hơn sự đa dạng của kho tàng kinh nghiệm của dân tộc Hàn được hàm chứa trong tục ngữ. Cụ thể là, bài viết phân tích nội dung dự báo thời tiết và ảnh hưởng của thời tiết, mùa đến vật nuôi được thể hiện trong tục ngữ. Ngữ liệu phân tích của bài viết là cuốn Từ điển tục ngữ động vật của Song Jae Seun (1997) với hơn 6.000 đơn vị tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp. Chúng tôi sử dụng phương pháp miêu tả, phân tích thành tố nghĩa, thủ pháp đối chiếu một chiều với tiếng Hàn là ngôn ngữ cơ sở. Thuật ngữ속담 俗談 (tục đàm) trong tiếng Hàn được chuyển đạt tương với thuật ngữ tục ngữ trong tiếng Việt. Tuy nhiên, do có một số đơn vị tục ngữ tiếng Hàn và thành ngữ trong tiếng Việt tương đương về mặt ý nghĩa nên khi đối chiếu, chúng tôi sử dụng ngữ liệu gồm cả tục ngữ và thành ngữ tiếng Việt. Ngữ liệu tiếng Việt được tổng hợp từ công trình của Mã Giang Lân (1999), Hoàng Văn Hành (2003), Vũ Ngọc Phan (2008), Nguyễn Lân (2016)... với hơn 1.000 đơn vị.
2. Dự báo thời tiết qua tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp
Các đơn vị tục ngữ có ý nghĩa dự báo thời tiết trong tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp có thể chia thành hai nhóm dấu hiệu: (i) xuất hiện các hiện tượng tự nhiên; (ii) các hành động của con giáp.
2.1. Các hiện tượng tự nhiên dự báo thời tiết
Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò xuất hiện các hiện tượng tự nhiên dự báo thời tiết và đều là các dấu hiệu dự báo trời sẽ mưa, đó là:
(1) cầu vồng phía tây: 무지개가 서쪽에 서면 강 건너에 소를 매지 말랬다 nếu cầu vồng mọc phía tây, đừng buộc bò ở ven sông; 서쪽에 무지개가 뜨면 강 건너 소 몰고 오랬다 cầu vồng mọc hướng tây thì xua bò sang sông.
(2) sấm: 아침 뇌성에는 강 건너 소를 매지 말랬다 buổi sáng có sấm đừng buộc bò ven sông.
(3) ráng đông: 동쪽 놀에는 냇가에 소를 매지 말랬다 đừng buộc trâu ở bờ suối khi có ráng đông...
Trong tục ngữ tiếng Việt, các đơn vị có yếu tố chỉ con chó, con gà xuất hiện ráng trời màu vàng báo hiệu trời mưa hoặc gió lớn hay bão: mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa; ráng mỡ gà ai có nhà thì chống...
2.2. Các hành động của con giáp dự báo thời tiết
Trong tục ngữ có yếu tố chỉ con ngựa, hổ, rồng, rắn, khỉ không có các dấu hiệu dự báo thời tiết liên quan đến hành động của các con giáp.
2.2.1. Hành động của trâu/bò.
Một số hành động của trâu/bò đự báo trời sắp mưa, cụ thể như sau:
(1) liếm chân: 밭갈이하는 소가 발을 핥으면 비가 온다 bò cày ruộng liếm chân thì trời mưa.
(2) bới đất: 소가 굽으로 흙을 뿌리면 비가 온다 bò bới đất bằng móng thì trời mưa; 소가 앞발로 흙을 제 등에 뿌리면 비가 온다 bò dùng chân trước hất đất lên lưng thì trời mưa.
(3) xuống chỗ thấp: 소가 산에서 낮은 곳으로 내려오면 뇌우가 온다 bò từ trên núi xuống chỗ thấp là có mưa và sấm sét.
(4) kêu to: 송아지 울음소리가 크면 비가 온다 tiếng bê kêu to thì trời sẽ mưa...
2.2.2. Hành động của chó.
Hành động của chó dự báo thời tiết thay đổi, trời mưa và hạn hán, gió nổi:
(1) lên chỗ cao: 개가 높은 곳을 오르면 큰비가 온다 nếu chó lên chỗ cao, trời sẽ mưa.
(2) bứt cỏ ăn: 개가 풀을 뜯어먹으면 가문다 chó bứt cỏ ăn thì hạn hán: chó không phải là loài ăn cỏ lại bứt cỏ ăn - điềm gở.
(3) tụ lại đùa vui: 개들이 몰려서 뛰놀면 큰 바람이 분다 chó tụ lại chạy đùa thì gió lớn thổi: khi thời tiết tốt hay gió tuyết thì chó nằm ở nhà, nhưng gió lớn là cùng nhau chạy quẩng lên.
2.2.3. Hành động của lợn.
Dấu hiệu dự báo trời sắp mưa trong tục ngữ có yếu tố chỉ lợn là chủ đạo và thể hiện ở nhiều hành động đa dạng, ví dụ như:
(1) tha cỏ vào chuồng: 놔먹이는 돼지가 검불을 물고 우리로 들어오면 비가 온다 lợn nuôi thả bỗng tha cỏ khô vào chuồng thì trời sẽ mưa.
(2) lợn ho: 돼지가 기침을 하면 비가 온다 nếu lợn ho trời sẽ mưa.
(3) lợn kêu: 돼지가 꿀꿀거리면 비가 온다 nếu lợn kêu ủn ỉn trời sẽ mưa.
(4) tụ thành đàn: 돼지가 한 곳으로 여러 마리가 모여들면 비가 온다 lợn tụ thành đàn ở một chỗ là trời sắp mưa.
(5) dũi đất: 돼지가 주둥이로 땅을 파면 비가 온다 nếu lợn dũi đất trời sẽ mưa.
(6) lội suối: 돼지가 개울을 건너가면 큰비가 온다 nếu lợn lội qua suối sẽ có mưa lớn.
Bên cạnh đó còn có hành động của lợn dự báo hai hiện tượng khác: (i) quây ổ rơm - trời trở lạnh: 돼지가 짚북데기를 우리 안에 싸놓으면 추워질 징조다 lợn quây ổ rơm trong chuồng là trời trở lạnh; (ii) ra khỏi chuồng - trời nổi gió: 돼지가 우리에서 나와 뛰놀면 바람이 분다 nếu lợn ra khỏi chuồng chơi, gió sẽ nổi.
2.2.4. Hành động của chuột.
Chuột cũng khá mẫn cảm với sự thay đổi thời tiết. Các hành động là dấu hiệu dự báo thời tiết trong tục ngữ có yếu tố chỉ con chuột liên quan đến nước gồm có:
(1) di chuyển lên cao: 들쥐가 부산하게 이사하면 홍수 진다 khi chuột đồng bận rộn chuyển nhà thì sẽ có lũ lụt.
(2) xuống thuyền: 매 둔 배에서 쥐가 내려오면 해일이 온다 nếu chuột rời thuyền là có sóng lớn; 쥐가 배에서 내려오면 폭풍우가 있다 nếu chuột rời thuyền sẽ có gió bão...
2.2.5. Hành động của các con giáp khác.
Nhóm các đơn vị có yếu tố chỉ con giáp như mèo, dê/cừu, gà chỉ xuất hiện mỗi nhóm một đơn vị có ý nghĩa dự báo thời tiết - trời mưa qua hành động của con giáp, ví dụ:
(1) dê xuống chỗ thấp: 염소가 산에서 낮은 곳으로 내려오면 뇌우가 온다 dê từ trên núi xuống chỗ thấp sẽ có mưa sấm.
(2) gà leo lên cao: 닭이 높은 곳에 오르면 비가 온다 gà leo lên chỗ cao thì mưa xuống.
(3) mèo rửa mặt: 고양이가 세수를 하면 비가 온다mèo rửa mặt thì trời mưa.
Trong tiếng Việt, ý nghĩa dự báo thời tiết của các đơn vị có yếu tố chỉ rồng, rắn... được biểu đạt qua các hành động sau:
(1) lấy nước: rồng đen lấy nước thì mưa, rồng trắng lấy nước thì vua đi cày; rồng đen uống nước thì nắng, rồng trắng uống nước thì mưa...
(2) rắn ráo bò: đương nắng có rắn ráo bò, ngày mai là có nước mưa đầy đồng....
Trong tiếng Việt có câu nói kết hợp cả hiện tượng tự nhiên và hành động của con giáp - dự báo trời mưa: sầm đông, sáng bắc, tía tây/ chó đen ăn cỏ trời này thì mưa... Ngoài ra, trong tiếng Việt, các câu ca dao quen thuộc có yếu tố không phải là các con giáp có nội dung dự báo sự thay đổi của thời tiết có: chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm; quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa.
Kết quả phân tích cho thấy: Các hiện tượng tự nhiên dự báo thời tiết (trời mưa) chỉ xuất hiện ở các đơn vị tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò. Các hành động của các con giáp được cho là dự báo thời tiết xuất hiện ở 7/12 nhóm tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp, cụ thể là tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò, chó, chuột, lợn, mèo, dê/cừu, gà. Tất cả các đơn vị tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp có ý nghĩa dự báo thời tiết chủ yếu là dự báo trời sắp mưa/gió lớn hoặc liên quan đến nước (sóng lớn, lũ lụt, nước dâng...). Hành động dự báo thời tiết của các con giáp cũng khá quen thuộc và ít nhiều có sự tương đồng, ví dụ như: lên chỗ cao - trời mưa (chó, gà, dê), bới/dũi đất - trời mưa (trâu/bò, lợn), xuống chỗ thấp (trâu/bò và dê cừu)... Đặc biệt, tục ngữ dê/cừu xuất hiện hai hành động trái ngược (lên cao - xuống thấp) nhưng lại cùng biểu đạt một ý nghĩa - dự báo trời sắp mưa...
3. Ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết
Thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều có những ảnh hưởng nhất định đến tình trạng sức khỏe của các loài động vật nói chung, con người và vật nuôi nói riêng. Tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp trong tiếng Hàn thể hiện khá rõ điều này. Trong nội dung này, chúng tôi xem xét đặc điểm và ảnh hưởng của các mùa và các hiện tượng thời tiết đến cuộc sống. Để tiện cho việc phân tích, các đơn vị tục ngữ có yếu tố chỉ mùa và các tháng trong mùa sẽ được tách riêng để xem xét. Các hiện tượng thời tiết khác - xuất hiện ở các đơn vị tục ngữ không có các yếu tố trên được nhóm riêng và chia thành hai tiểu nhóm: (i) nhóm các hiện tượng thời tiết tích cực và (ii) nhóm các hiện tượng thời tiết tiêu cực.
3.1. Ảnh hưởng của các mùa
3.1.1. Ảnh hưởng mùa xuân.
(1) Ảnh hưởng của mùa xuân đến trâu bò.
Mùa xuân, ở Hàn Quốc thường có gió cát từ sa mạc thổi về, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và các loài động thực vật, kể cả những loài to khỏe như trâu/bò, ví dụ: (i) đẩy ngã: 봄바람이 소를 넘어뜨린다 gió mùa xuân đẩy ngã bò: ý nói thời tiết khắc nghiệt; (ii) làm sừng cong: 이월 바람에 검은 쇠뿔이 오그라진다 sừng bò đen cong vẹo bởi gió tháng hai; 초 정월 바람결에 검은 암소 뿔이 휜다 sừng bò cái cong bởi gió đầu tháng giêng...; (iii) chết rét: 춘상갑자일에 비가 오면 혹한으로 소돼지가 얼어죽는다 ngày Giáp Tý đầu xuân nếu mưa thì bò lợn chết bởi rét hại...
(2) Ảnh hưởng của mùa xuân đến con ngựa.
Thời tiết của mùa xuân cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến con ngựa, ví dụ: (i) âm hộ nứt nẻ: 봄바람에 말 씹도 터진다 gió xuân khiến âm hộ ngựa cũng nứt toác; (ii) da khô: 봄에는 생말 가죽이 마른다 mùa xuân da ngựa sống cũng khô...
(3) Ảnh hưởng của mùa xuân đến con chó, con lợn, con gà.
Ngày rằm tháng Giêng của mùa xuân được người phương Đông coi trọng. Người Việt có câu: lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng. Vì bận lo cúng lễ nên người Hàn cũng không quan tâm đến vật nuôi, chúng thường bị bỏ đói: 상원개다 chó thượng nguyên. Người Hàn cũng tin vào tác động tốt lành của một số việc làm như: (i) 정월 열나흗날 아침 개에게 솔씨를 먹이면 번식이 잘 된다 sáng 14 tháng giêng âm lịch, cho chó ăn hạt thông thì sinh sản tốt; (ii) 돼지우리에는 입춘날 요동대길이라고 써붙이면 무병하고 잘 큰다 ngày lập xuân, viết rồi dán chữ "nhiễu động đại cát" dán chuồng lợn, lợn sẽ không bệnh và mau lớn.
Ảnh hưởng của mùa xuân đến con gà trong tục ngữ tiếng Hàn cũng ở khía cạnh tích cực: 봄에 깐 병아리다 gà con nở vào mùa xuân. Tuy vậy, dù mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở nhưng cũng là mùa bùng phát dịch cúm gà khiến gà bị rù, bị chết.
3.1.2. Ảnh hưởng của mùa hè.
(1) Ảnh hưởng của mùa hè đến trâu bò.
Mùa hè Hàn Quốc kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 là thời gian nắng nóng, vô cùng khắc nghiệt. Con người và các loài vật phải chịu đựng cái nóng khá vất vả: 더위 먹은 소는 달만 봐도 허덕인다 bò bị nóng thì nhìn trăng cũng thở phì phò. Mức độ nóng được người Hàn liên tưởng đến tình trạng thê thảm của sừng bò và dái bò. Tình trạng của sừng bò như sau: (i) bị rơi rụng: 육칠월 더위에 암소 뿔이 빠진다 sừng bò cái rụng bởi cái nóng tháng 6, tháng 7; (ii) bị tan chảy: 칠월 더위에 황소 뿔이 녹는다 sừng bò mộng cũng tan chảy vì nóng tháng 7. Bộ phận sinh dục của bò đực cũng chịu tác động tiêu cực: (i) bị chảy dài: 오뉴월 쇠불알 늘어지듯 한다 như dái bò tháng 5, tháng 6 chảy dài; (ii) bị rơi rụng: 오뉴월에 겻불 피우고, 황소 불알 떨어지기만 기다린다 tháng 5 tháng 6 đốt lửa rơm, chỉ đợi dái bò mộng rơi. Cũng vì lí do đó, người Hàn khuyến cáo: 유두에 소 타지 말고, 추석에 소 타랬다 đừng cưỡi bò đầu tháng 6, nên cưỡi bò vào Trung thu. Trời nóng, bò yếu mệt, nếu cưỡi bò sẽ phải gắng sức nên dễ ốm, nên đợi đến giữa thu, Tết Trung thu, khi trời mát mẻ...
Trong tiếng Việt, xuất hiện các đơn vị tục ngữ có yếu tố chỉ trâu/bò và rồng như sau: (i) lo trẻ mùa hè không bằng lo bò què tháng sáu: mùa hè nóng nực, nếu trâu/bò lại bị thương nữa thì sẽ giảm sức cày, ảnh hưởng đến việc nhà nông; (ii) trâu đẻ tháng năm, vợ đẻ tháng sáu: sinh nở đúng lúc bận rộn, mùa cày cấy, không có người làm; (iii) trâu rét gió, bò rét mưa: trâu tránh gió, bò tránh nước; (iv) cấy tháng sáu máu rồng, mưa tháng sáu, máu rồng: tháng sáu mưa nhiều, tốt cho cày cấy
(2) Ảnh hưởng của mùa hè đến con chó.
Trong ngữ liệu tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con chó, ảnh hưởng của mùa hè đến loài vật này không rõ. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân được phản ánh lại thể hiện ở hai thái cực đối lập. Một là hình ảnh con chó nhàn hạ, nằm dưới bóng mát cây, ví dụ: 오뉴월 댑싸리 밑에 눈 개 팔자다 số chó nằm gốc cây hồ chi tháng 5, 6; 정자나무 밑에 여름 개 팔자다 số chó dưới gốc jungja ngày hè... Hai là hình ảnh con chó bị đày đọa, khổ sở, ví dụ: (i) bị bắt và bị đánh/bị bán: 복날 개 끌려가듯 한다 như kéo chó đi trong ngày boknal; 복날 개 패듯 한다 như đánh chó ngày boknal; 삼복 무렵에 개 판다 bán chó vào tiết sambok...; (ii) bị cảm, ốm: 오뉴월 감기는 개도 않는다 chó cũng bị cảm tháng 5, tháng 6...
(3) Ảnh hưởng của mùa hè đến con mèo, con dê/cừu, con gà.
Ảnh hưởng tiêu cực của mùa hè thể hiện ở hai đơn vị có yếu tố chỉ mèo và dê/cừu, ví dụ: (i) 고양이도 유월 한 달은 덥다고 한다tháng sáu thì mèo cũng kêu nóng; (ii) 오뉴월 더위에 염소 뿔 빠진다 nắng tháng 5, tháng 6 sừng dê cũng rụng. Ảnh hưởng tích cực thể hiện ở đơn vị có yếu tố chỉ con gà, ví dụ: 오뉴월 병아리는 하루 볕이 새롭다 gà con tháng 5 tháng 6 nắng mỗi ngày lại mới: gà con chóng lớn vì ấm áp.
3.1.3. Ảnh hưởng của mùa thu.
Trong ngữ liệu, ảnh hưởng của mùa thu xuất hiện trong tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò, hổ, gà, chó.
(1) Ảnh hưởng của mùa thu đến trâu/bò.
Mùa thu có lẽ là thời điểm dễ chịu nhất trong năm: 가을에는 소 발자국에 고인 물도 먹는다 mùa thu thì bò cũng uống nước đọng dấu chân: bầu trời và nước mùa thu trong nên nước đọng dấu chân cũng trong, sạch. Mùa thu cũng là mùa thu hoạch, vì thế: 가을 빚은 소도 잡아먹는다 nợ mùa thu bò cũng mổ thịt: dễ vay mượn nên không cần tiết kiệm.
(2) Ảnh hưởng của mùa thu đến hổ, gà, chó.
Mùa thu cũng là mùa gió heo may hanh hao, là giai đoạn chuyển mùa từ hạ sang đông nên gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loài vật: (i) thời tiết khắc nghiệt đến mức 구시월 돌풍은 호랑이도 무서워하다 đến hổ cũng sợ gió tháng 9, tháng 10; (ii) khiến cho chất lượng thực phẩm kém đi: 구시월 닭이다 gà tháng 9 tháng 10 (tháng 7 âm: thịt gà không ngon, tiếng Việt có câu: ếch tháng ba, gà tháng 7). Mùa thu có Tết Trung thu - là ngày lễ lớn ở Hàn Quốc, vì thế: 대보름날 개 신세다 thân phận chó ngày rằm tháng 8- bị bỏ đói... Tuy nhiên, mùa thu tháng 10 cũng là mùa gặt, vì thế, nếu nuôi gà thì gà béo: 사돈네 가을 마당에 씨암탉 넘보듯 한다 như nhìn trộm gà mái giống ở sân nhà thông gia vào mùa thu, 봄에 깐 병아리를 가을에 세어 본다 mùa thu đếm gà nở mùa xuân...
3.1.4. Ảnh hưởng của mùa đông.
Các con giáp chịu ảnh hưởng của mùa đông là hổ, chó, gà, chuột, trâu/bò.
(1) Ảnh hưởng của mùa đông đến con hổ.
Theo tục ngữ tiếng Hàn, mùa đông là mùa sinh sản của hổ: 동짓날은 범이 교미하는 날이다 ngày đông chí là ngày hổ giao phối, 동짓날이 추우면 호랑이가 많고, 입동날이 더우면 물고기가 많다 nếu đông chí lạnh thì hổ nhiều, nếu lập đông nóng thì cá nhiều: ngày đông chí lạnh, hổ giao phối sẽ sinh nhiều hổ con... Tuy nhiên, thời tiết mùa đông lạnh giá cũng ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của hổ: 범의 불알은 동지부터 얻었다가 입춘에 녹는다 bìu dái hổ đông lạnh vào đông chí, tan chảy vào lập xuân...
(2) Ảnh hưởng của mùa đông đến con chó.
Ở Hàn Quốc, mùa thu hoạch rong biển từ tháng 11 đến tháng 2, thời kì này kinh tế vùng trồng rong biển rất tốt: 해태철에는 개도 백원짜리를 물고 다닌다 mùa thu hoạch rong biển, chó cũng ngậm tiền đi lại: chó cũng no đủ, sung sướng... Tuy nhiên, nếu là chó nhà nghèo, gầy ốm thì việc vượt qua mùa đông giá rét, khắc nghiệt lại vô cùng khổ cực: 비루먹은 겨울 강아지 떨듯 한다 run như chó con bị ghẻ ngày đông run lẩy bẩy. Người Hàn thường ăn thịt chó vào mùa hè vì cho rằng có thể lấy nhiệt trị nhiệt. Tục ngữ Hàn có câu 겨울 개는 먹지 않는다 không ăn thịt chó mùa đông... Vì thế, vào mùa đông chó ở Hàn Quốc không sợ bị đánh bắt, bị ăn thịt... Quan niệm và thói quen ẩm thực này khác với người Việt, thường ăn thịt chó vào ngày mưa, mát mẻ, không ăn thịt chó vào ngày nóng nực.
(3) Ảnh hưởng của mùa đông đến con gà, chuột, trâu/bò.
Mùa đông Hàn Quốc thường có tuyết rơi, nhiều ngày lạnh dưới 0 độ C nên có ảnh hưởng tiêu cực đến các loài vật: 쥐구멍에도 눈 들 날이 있다 có ngày tuyết cũng vào cả hang chuột; đặc biệt là vật nuôi: 동상갑에 비가 오면 우마가 동사한다 ngày đông thượng giáp trời mưa thì trâu ngựa chết cóng (ngày đông thượng giáp: ngày Giáp đầu tiên sau lập đông)...
Trong tiếng Việt, ảnh hưởng của các mùa thể hiện trong ngữ liệu tục ngữ không đa dạng như tiếng Hàn, chúng tôi thu thập được các ví dụ sau:
(1) mùa hè là mùa chó động dục: rậm rật như chó tháng bảy: chó đực tranh giành chó cái nên chúng cắn lộn nhau, sủa ầm ĩ - chỉ sự nhốn nháo, lộn xộn; lấp ló như chó tháng bảy: những con chó đực yếu hơn bị cắn, thua trong cuộc chiến giành chó cái nên sợ sệt trốn nấp.
(2) chó dại có mùa, người dại quanh năm: ý nói người ngốc, không khôn lên được; chó hay mắc bệnh dại vào mùa xuân...
Theo ngữ liệu tục ngữ, với ảnh hưởng của mùa, trong 12 con giáp chỉ xuất hiện hổ (mùa thu và mùa đông) và chuột (mùa đông) là con giáp không phải vật nuôi. Với các con giáp là vật nuôi, ảnh hưởng của các mùa như sau: (i) mùa xuân có ảnh hưởng tới các con giáp như trâu/bò, chó, lợn, gà; (ii) mùa hè có ảnh hưởng đến trâu/bò, chó, mèo, dê/cừu, gà; (iii) mùa thu có ảnh hưởng tới trâu/bò và gà, chó; (iv) mùa đông tác động đến trâu/bò, chó, ngựa. Có thể thấy, trâu bò và chó là hai loài vật nuôi chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm và vai trò của chúng trong đời sống người dân Hàn Quốc: trâu bò quan trọng bởi là sức kéo trong việc nhà nông; chó là động vật giữ nhà, sống gần gũi, là người bạn trung thành của con người.
3.2. Ảnh hưởng của thời tiết
Các yếu tố mưa, gió, mây, mưa, tạnh ráo, nắng... xuất hiện trong ngữ liệu tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp nhưng không có thông tin rõ để có thể xác định thời gian cụ thể được chúng tôi tập hợp và phân tích theo ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến các con giáp.
3.2.1. Ảnh hưởng tích cực.
Ngữ liệu cho thấy, ảnh hưởng tích cực của thời tiết tác động đến các con giáp như: rồng, chó, chuột, ngựa, lợn, gà; không xuất hiện các con giáp trâu/bò, hổ, mèo/thỏ, rắn, dê/cừu, khỉ.
(1) Trong tục ngữ có yếu tố chỉ con rồng.
Rồng là con giáp duy nhất là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người, được thần thánh hóa, có tác dụng tạo mưa - phù hộ cho mùa màng tươi tốt. Các yếu tố tự nhiên luôn gắn liền với rồng, tạo cho rồng có sức mạnh phi thường chính là mưa, gió, mây... Ví dụ: (i) mưa/gió: 교룡도 비구름을 얻으면 못 속에서 하늘로 오른다 giao long nếu có mây mưa gió thì rời đầm lên trời...; (ii) mây: 구름따라 용도 가고 바람따라 범도 간다 rồng theo mây, hổ theo gió hay vân tòng long, phong tòng hổ; 바람 따라 구름 가도 구름 따라 용도 간다 mây theo gió, rồng theo mây; 용가는 데 구름 간다nơi có rồng lượn ắt có mây bay...
(2) Trong tục ngữ có yếu tố chỉ con chó.
Tục ngữ có yếu tố chỉ con chó xuất hiện: tuyết, sương, nắng- bóng râm/mát... Ví dụ: (i) tuyết rơi: 개는 눈을 기뻐하고, 말은 바람을 기뻐한다 chó vui khi thấy tuyết, ngựa vui khi thấy gió, 눈 오는 날 개 싸다니듯 한다 như chó lăng xăng ngày tuyết rơi; (ii) sương rơi: 개똥밭에도 이슬 내릴 날이 있다 cánh đồng phân chó cũng có ngày sương rơi - người nghèo khổ cũng có ngày sống tốt. Người Việt có câu: sông có khúc người có lúc, hết mưa là nắng hửng lên thôi...; (iii) bóng râm: 음지에 눈 개 팔자다 số chó nằm trong bóng mát; 응달에 눈 개 팔자다 số chó nằm trong bóng râm...
(3) Trong tục ngữ có yếu tố chỉ con chuột, ngựa, lợn, gà.
Thuộc nhóm này có các hiện tượng nắng, mưa, gió... Ví dụ: (i) nắng ráo: 쥐구멍에도 볕들 날이 있다 có ngày ánh sáng cũng vào hang chuột; 양지볕 마당에 씨암탉 걸음이다 khoan thai, chậm rãi như bước chân của gà mái giống trên sân đầy nắng...; (ii) mưa: 말 발이 젖어야 잘 산다 chân ngựa ướt mới sống tốt; (iii) gió: 돼지우리에 통풍이 잘 통하면 돼지가 살찐다 chuồng thông gió, lợn sẽ béo.
3.2.2. Ảnh hưởng tiêu cực.
Ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết tác động đến con chó, mèo/thỏ, gà, lợn, rồng, chó, chuột; không xuất hiện các con giáp: trâu/bò, hổ, rắn, ngựa, dê/cừu, khỉ.
(1) Trong tục ngữ có yếu tố chỉ con chó.
Chó là con giáp chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, đặc biệt là ngày mưa, ví dụ:
(i) mưa: 비 오는 날 삽살개 헤매듯 한다 như chó loanh quanh ngày mưa (người vô tích sự); 진 날 개 사타구니다 ướt như chó ngày mưa; 뚝비 맞은 강아지 같다 như chó con bị mưa rào...
(ii) sấm: 천둥에 개 뛰듯 한다 như chó nhảy quẫng lên khi có sấm; 천둥에 놀란 개 뛰어들 듯한다 như chó sợ sấm nhảy hoảng...
(iii) tuyết: 월나라 개는 눈을 보고도 짖는다 chó nước Việt thấy tuyết rơi cũng sủa: người ngốc dễ gây chuyện (nước Việt thời Xuân Thu ở phía nam Trung Quốc hiện nay).
(2) Trong tục ngữ có yếu tố chỉ mèo/thỏ
Ngữ liệu tục ngữ tiếng Hàn thể hiện ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết chỉ có yếu tố chỉ con thỏ, chủ yếu liên quan đến tuyết, ví dụ: 세전 토끼다 thỏ trước khi tuyết rơi; 눈 먹는 토끼 있고 얼음 먹는 토끼 있다có thỏ ăn tuyết, có thỏ ăn băng; 눈 온 산 양달 토끼는 굶어죽어도 응달 토끼는 산다 trên núi tuyết rơi, thỏ ở nơi có nắng có chết đói thì thỏ ở nơi bóng râm cũng vẫn sống... Ngoài ra, có một đơn vị đề cập tới mùa mưa: 장마 토끼 날씨 개이기 기다리듯 한다 như thỏ mùa mưa chờ thời tiết tạnh ráo.
(3) Trong tục ngữ có yếu tố chỉ con gà, lợn, rồng, chó, chuột.
(i) Gà chịu ảnh hưởng của các yếu tố: Một là, sương서리 맞은 병아리다 gà con gặp sương; Hai là, lạnh: 언 수탉 같다 như gà bị cóng; Ba là, mưa: 비 맞은 장닭 같다như gà trống bị mưa...
(ii) Rồng thiếu mây: 용도 맑은 하늘에는 못 오른다 rồng không thể lên trời xanh...
(iii) Lợn khó khăn trong thời tiết: Một là, gió nam: 마파람에 돼지 불알 놀듯 한다 như gió nam đùa dái lợn; Hai là, hạn hán: 기우제 날 돼지 신세다 thân phận lợn ngày làm lễ cầu mưa...
(iv) Chó và chuột khốn đốn vào ngày xấu trời, mưa gió: 날 궃은 날 개 사귄 것 같다 như quen chó ngày xấu trời; 소나기 맞은 쥐다 như chuột gặp mưa rào (ướt như chuột lột).
Trong ngữ liệu tiếng Việt, ảnh hưởng của thời tiết đến các loài vật nói chung và các con giáp nói riêng được thể hiện như sau:
- Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa: bán gà kiêng ngày trời gió, bán chó kiêng ngày trời mưa vì ngày mưa gió, gà và chó trông xấu mã, không được giá.
- Ếch/chó tháng ba, gà tháng bảy: không ngon vì đều là tháng giáp hạt, đói kém.
- Nắng tháng ba chó già lè lưỡi: nắng mới khó chịu...
- Nắng gỏi mưa cầy: nắng ăn gỏi, mưa ăn thịt chó, vì thế, ngày mưa chó lo bị bắt thịt...
- Đại hàn trâu nằm giàn, người ngồi bếp; trâu rét gió, bò rét mưa (trâu chịu rét kém nên tránh gió, bò không ưa nước nên tránh ướt).
- Nước lụt chó nhảy bàn độc: nước dâng cao, chó nhảy lên bàn thờ: chỉ hành động quá phận của kẻ tiểu nhân, cơ hội...
Tác động của thời tiết bốn mùa đến các con giáp thể hiện trong kho tàng tục ngữ là hai mặt. Các ảnh hưởng tích cực tạo thuận lợi cho sự tồn tại, sinh sản và phát triển, các ảnh hưởng tiêu cực sẽ có tác động ngược lại, kìm hãm và làm suy yếu. Trâu/bò và chó vẫn là hai loài vật thuộc nhóm vật nuôi xuất hiện nhiều ở nội dung ý nghĩa này.
Kết luận
Truyền kinh nghiệm là một trong những giá trị và chức năng quan trọng của tục ngữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy các hiện tượng tự nhiên dự báo thời tiết chỉ xuất hiện ở các đơn vị tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con trâu/bò. Các hành động của các con giáp được cho là dấu hiệu dự báo thời tiết xuất hiện ở 2/3 nhóm tục ngữ, khá phong phú ở tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò, lợn, chó. Các đơn vị tục ngữ có ý nghĩa dự báo thời tiết chủ yếu có nội dung dự báo trời sắp mưa, có gió lớn hoặc liên quan đến nước. Thời tiết các mùa có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến các con giáp, trong đó trâu bò và chó là hai loài vật chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của thời tiết nhất. Điều này cho thấy sự quan tâm, mức độ gần gũi và vai trò quan trọng của chúng trong đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân Hàn Quốc. Các tương đồng và khác biệt thể hiện trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ cũng cho thấy sự gần gũi và những đặc trưng riêng về ngôn ngữ và văn hóa của hai dân tộc Hàn - Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Văn Hành (2003), Thành ngữ tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Mã Giang Lân (1999), Tục ngữ và ca dao Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Nguyễn Lân (2016), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
4. Vũ Ngọc Phan (2008), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Son Sun Yeong (2015), So sánh biểu trưng của 12 con giáp trong tục ngữ Việt Nam và Hàn Quốc, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hộ & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Hoàng Thị Yến, Hoàng Thị Hải Anh (2019), "Đặc điểm tín hiệu thẩm mĩ của tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con giáp", Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, số 35(2).
7. Hoàng Thị Yến, Lâm Thị Hòa Bình, Bae Yang Soo (2020), "Cultural components in Korean sokdam (속담 俗談) using the lexical element of “dog” in comparison with Vietnamese and English equivalents", 베트남연구, 한국 베트남 학회. số 1 (18). ISSN 2005-5331, 6/2020.
8. 송재선(1997), 동물 속담 사전, 東文選. (Song Jae Seun (1997), Từ điển tục ngữ động vật, Nxb Dongmunseon.
1 TS., Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội
* Bài viết được hoàn thiện trên cơ sở tham luận “Kinh nghiệm về thời tiết của người Hàn Quốc (trong tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp)”, Hội thảo quốc tế Nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ, văn học và văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 - LLCE 2020, tổ chức 5-6/12/2020, Kỉ yếu tóm tắt, tr. 90.
2 Hoàng Thị Yến (2020), tr. 11.