Tóm tắt: Mỗi năm có hàng nghìn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó chủ yếu là kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc. Bài viết phân tích những nhân tố tác động khiến nhiều công dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc. Những nhân tố được đưa ra, có nhân tố từ bối cảnh trong nước, như Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, thu nhập bình quân đầu người thấp, văn hóa Việt Nam tương đồng với văn hóa của một số quốc gia trong khu vực; có nhân tố bên ngoài tác động như đàn ông Đài Loan, Hàn Quốc đang thiếu vợ, phải nhập khẩu vợ từ bên ngoài. Từ đó, bài viết phân tích quan điểm của Đảng ta để ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực từ hiện tượng này.
Từ khóa: Nhân tố tác động, kết hôn, Đài Loan, Hàn Quốc
T |
ừ sau thời kỳ đổi mới đến nay, công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài ngày càng tăng lên và trở thành một hiện tượng xã hội được quan tâm. Hiện tượng này gây ra những tác động toàn diện đến bản thân từng công dân[1]Việt Nam, cũng như Việt Nam trong hiện tại và tương lai, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta cần phải quan tâm và có những định hướng chính sách để phát huy mặt tích cực, hạn chế những biểu hiện và tác động tiêu cực của hiện tượng có tính khách quan này. Việc đánh giá những nhân tố tác động đến việc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là cần thiết để chúng ta có thái độ đúng đắn và cách xử lý phù hợp trước hiện tượng này.
1.Những nhân tố tác động đến việc công dân Việt Nam kết hôn với ngườiĐài Loan, Hàn Quốc
Thống kê của Bộ Công an cho biết, từ năm 2008 đến 2018, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, 72% là nữ[2]. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2019 có 22.800 trường hợp kết hôn với người nước ngoài. Phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều nhất vẫn là Hàn Quốc, Đài Loan, trung bình mỗi năm có khoảng 6.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc[3].Số lượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài (đặc biệt là Hàn Quốc, Đài Loan) ở Việt Nam tương đối lớn và thậm chí vẫn có xu hướng tăng lên, điều này do tác động của một số nhân tố sau:
Thứ nhất, nước ta đang tiến hành hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thời kỳ trước đổi mới, nước ta chủ yếu cóquan hệ ngoại giao với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa (gồm 15 quốc gia). Từ sau đổi mới, đường lối đối ngoại của Việt Nam là “đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[4], không phân biệt chế độ chính trị. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác chiến lược, 14 đối tác toàn diện) và có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn trên thế giới, có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của Việt Nam, có quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định hợp tác khác với các nước và tổ chức quốc tế[5].Chính quá trình tích cực và chủ động hợp tác quốc tế, tăng cường quan hệ với các nước trên tất cả các lĩnh vực là một nhân tố tác động đến việc công dân Việt Nam (chủ yếu là phụ nữ) kết hôn với người nước ngoài.
Trước hết là hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam thực hiện chính sách kêu gọi, thu hút nhà đầu tư nước ngoài với những cơ chế cởi mở, thông thoáng. Với môi trường chính trị ổn định, người lao động hiền hòa, giá nhân công rẻ và giàu tài nguyên, Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á– Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Trong 135 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư FDI vào Việt Nam thì Hàn Quốc là cao nhất với 67,71 tỷ USD chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam, Nhật Bản đứng hàng thứ hai với 59,34 tỷ USD chiếm 16,4% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là Singapore với 49,622 tỷ USD, Đài Loan với 31,894 tỷ USD vốn đăng ký,…[6]. Chính vì vậy, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… là những nước mà có nhiều công dân kết hôn với người Việt Nam. Bởi lẽ cùng với nguồn vốn FDI tăng lên, ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm việc theo các công ty, tập đoàn đầu tư vào Việt Nam. Tính theo quốc tịch thì người Hàn Quốc chiếm số lượng đông nhất trong những người nước ngoài đang sống ở Việt Nam. Theo số liệu của đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, cuối năm 2018 có 150.000 người Hàn Quốcđang sinh sống ở Việt Nam[7]. Tiếp đến, người Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai với 20.198 người, Nhật Bản thứ ba với 16.604 người[8]. Những người nước ngoài ở Việt Nam phần lớn là đàn ông, họ gặp gỡ những phụ nữ Việt Nam trong các doanh nghiệp FDI này. Đây là cơ hội để nảy nở quan hệ hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam còn là điểm đến lý tưởng cho du khách quốc tế với nhiều thắng cảnh tự nhiên, nhiều nét độc đáo về văn hóa và môi trường hòa bình. Thông tin do Tổng cục Thống kê chính thức công bố ngày 27/12/2019 cho thấy, du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã đạt được kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế[9]. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan là những thị trường đưa khách đến Việt Nam nhiều nhất: Trung Quốc đạt 5.806.400 lượt người, Hàn Quốc đạt 4.290.800 lượt người, Nhật Bản đạt 951.960 lượt người, Đài Loan đạt 926.750 lượt người[10]. Điều này là cơ hội cho công dân của các quốc gia này gặp gỡ công dân Việt Nam trong quá trình du lịch để nảy sinh các quan hệ hôn nhân.
Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế, không chỉ nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, học tập, du lịch mà nhiều người Việt Nam cũng ra nước ngoài du học, làm việc và đi du lịch. Điều này làm gia tăng cơ hội gặp gỡ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, từ đó tạo cơ hội cho quan hệ hôn nhân xuyên quốc gia. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, rất nhiều người Việt Nam đi xuất khẩu lao động để tìm kiếm cơ hội nâng cao thu nhập ở những thị trường lao động nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Đây chính là cơ hội để họ gặp gỡ, làm quen với những công dân sở tại, từ đó gia tăng cơ hội kết hôn với công dân ở các quốc gia này. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục cũng như việc người dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài là cơ hội có thể làm phát sinh việc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Và đặc biệt, với thu nhập chưa cao, đa số du khách Việt Nam đi du lịch ở các nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc. Đó cũng là lí do giải thích tại sao phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân nhiều nước và vùng lãnh thổnhưng nhiều nhất vẫn là Hàn Quốc, Đài Loan.
Như vậy, có thể nói rằng, bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu, hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực hiện nay, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam và cùng với đó cũng có nhiều người Việt Nam ra nước ngoài, đó là điều kiện để cho những cuộc hôn nhân xuyên quốc gia, đa quốc gia nảy nở, bởi gặp gỡ, làm quen là bước khởi đầu để đi đến hôn nhân.
Thứ hai, do sự chênh lệch về thu nhập giữa Việt Nam và các nước khác.
Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong quá trình đổi mới, GDP và thu nhập bình quân đầu người đều tăng qua các năm, song do điểm xuất phát thấp nên thu nhập của người Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trên thế giới. Năm 1986, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD,năm 2018 là 8.400 USD[11]. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay mới chỉ bằng 20% ASEAN và 40% toàn cầu[12]. Đặc biệt, sự chênh lệch này lại càng lớn hơn nếu so sánh với các nền kinh tế phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2016 là 2.215 USD, trong khi đó năm 2016 GDP đầu người của Hàn Quốc là27.630 USD, Đài Loan 22.040 USD và Nhật Bản là 37.300 USD[13]. Chính từ sự chênh lệch đó mà nhiều người dân Việt Nam choáng ngợp trước sự giàu có của các nước trong khu vựcvà mơ ước trở thành công dân của các nước này, và con đường để đạt được chính là kết hôn với công dân của những nước giàu có hơn mình.
Thứ ba, do tình trạng thiếu phụ nữ để kết hôn ở một số nước phát triển, nhu cầu tìm kiếm vợ (nhập khẩu cô dâu) từ những nước kém phát triển hơn như Việt Nam.
Một số quốc gia ở châu Á, mặc dù là những nước phát triển nhưng do ảnh hưởng của Nho giáo (trọng nam khinh nữ) có xu hướng thích con trai. Chính tâm lý đó đã dẫn tới sự mất cân bằng giới tính ở các quốc gia này. Ví dụ như Hàn Quốc, vào đầu những năm 1990, tỷ lệ trẻ mới sinh đạt 116 trẻ trai/100 trẻ gái, có vùng tỉ số này lên tới 140/100[14]. Chính điều này đã để lại hậu quả mà hiện nay Hàn Quốc đang phải gánh chịu, đó là những bé trai sinh ra vào thời điểm đó, hiện đã đến tuổi lập gia đình nhưng thiếu hụt phụ nữ để lấy vợ, vì vậy làm nảy sinh nhu cầu nhập khẩu cô dâu từ bên ngoài. Hơn nữa, với sự phát triển của xã hội, nhiều phụ nữ ở các quốc gia này có công việc và tài chính độc lập và có xu hướng không muốn kết hôn. Do ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, thường những phụ nữ khi lấy chồng sẽ phải dành nhiều thời gian cho gia đình, hy sinh công việc, sự nghiệp để toàn tâm, toàn ý lo cho gia đình. Nhiều phụ nữ trẻ hiện nay ngại việc kết hôn vì theo họ phải hy sinh quá nhiều thứ. Năm 2010, có 64,7% phụ nữ Hàn Quốc trả lời rằng kết hôn là điều bắt buộc. Tuy nhiên, đến năm 2018, tỉ lệ này giảm còn 48,1%[15]. Chính vì vậy, nhiều phụ nữ ở các nước châu Á hiện nay đã lựa chọn cuộc sống không kết hôn hoặc kết hôn muộn. Tại Đài Loan (Trung Quốc) có khoảng 37% phụ nữ độ tuổi 30-34 tuổi đang độc thân, ở Bangkok (Thái Lan) 20% phụ nữ độ tuổi 40-44 cũng còn độc thân, tại Tokyo (Nhật Bản) là 21% và Singapore là 27%[16].Việc mất cân bằng giới tính, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ cộng với việc phụ nữ không muốn kết hôn hoặc kết hôn muộn lại làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu vợ của những nam thanh niên trong độ tuổi kết hôn ở các quốc gia này. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu lập gia đình, nhiều nam giới ở các quốc gia này phải tìm kiếm vợ từ bên ngoài quốc gia mình, thường là ởnhững quốc gia kém phát triển hơn.
Thứ tư, do tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam với một số nước, giao lưu văn hóa giữa các nước.
Trong hôn nhân và gia đình, sự tương đồng về văn hóa là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, nam giới ở các quốc gia phát triển không chỉ tìm vợ ở những nước kém phát triển hơn mà còn tìm ở những nước có những nét tương đồng về văn hóa. Ví dụ như ở Hàn Quốc, đa số nam giới Hàn Quốc lấy vợ ở khu vực châu Á, nhiều nhất chính là Việt Nam.Trường hợp vợ là người Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất là 30% cô dâu ngoại ở Hàn Quốc. Tiếp sau đó là vợ người Trung Quốc (26,1%), Thái Lan (6,6%)[17]. Tương tự như vậy, nam giới Đài Loan lấy vợ ngoại cũng chủ yếu là các nước châu Á, trong đó nhiều nhất là Việt Nam. Theo các số liệu được công bố vào tháng 8/2017, số cô dâu Việt Nam ở Đài Loan là hơn 98.000 người, chiếm 62,9% tổng số cô dâu ngoại quốc tạiđây[18].Nam giới ở các nước này muốn tìm vợ ở châu Á vì cùng trên nền tảng ảnh hưởng của Nho giáo nên phụ nữ có xu hướng nghe lời chồng, chú trọng đến công việc gia đình, nội trợ. Còn ở Việt Nam, phụ nữ Việt Nam có ý định kết hôn với người nước ngoài thì cũng thường có xu hướng lấy chồng ở châu Á vì gần gũi về văn hóa. Đặc biệt là trong bối cảnh giao lưu văn hóa hiện nay, với chính sách gia tăng sức mạnh mềm, đặc biệt là sức mạnh văn hóa, các quốc gia ở châu Á hướng mạnh đến các nước trong khu vực. Vì vậy, ở Việt Nam, các sản phẩm công nghiệp văn hóa của các nước châu Á đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm thị phần lớn trong thị trường các sản phẩm văn hóa. Ví dụ như ở lĩnh vực phim, một năm, phim nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 240 phim, trong khi đó phim nội chỉ có 40 phim[19]. Trong đó, nhiều nhất vẫn là phim Hàn Quốc, các công ty điện ảnh của Hàn Quốc hiện đang chiếm 65% thị phần phân phối phim ở Việt Nam[20]. Qua việc chiếu nhiều phim nước ngoài, đặc biệt là phim Hàn Quốc, Trung Quốc, nhiều người Việt Nam (đặc biệt là phụ nữ) hiểu hơn về văn hóa của các nước này, tìm thấy được sự tương đồng về văn hóa và vì vậy họ mong muốn được kết hôn với công dân của các nước này.
2.Định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với việc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài
Từ những phân tích về nhân tố tác động đến việc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài (đặc biệt là Hàn Quốc, Đài Loan), Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhận thức được tính tất yếu khách quan của vấn đề này trong bối cảnh Việt Nam giao lưu, hội nhập quốc tế. Vì vậy, ViệtNam không cấm công dân kết hôn với người nước ngoài, đảm bảo quyền tự do kết hôn của mọi người dân. Tuy nhiên, việc kết hôn với người nước ngoài cũng như kết hôn với người trong nước đều phải đảm bảo nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng với mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc. Trên cơ sởnhận thức rằng hôn nhân có yếu tố nước ngoài tác động nhiều mặt đến đất nước ta, tại Chỉ thị số 03/2005/-Ttg ngày 25/2/2005 về tăng cườngquản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Nhà nước ta đã lưu ý: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp cần nhận thức sâu sắc rằng tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là một vấn đề liên quan đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự xã hội, đối ngoại”. Việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có thể mang lại những tác động tích cực nhất định đối với kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nhưng cũng đồng thời gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với bản thân phụ nữ, gia đình họ và cả Việt Nam trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự xã hội, đối ngoại. Và những hệ lụy tiêu cực này sẽ càng nặng nề hơn nếu những cuộc hôn nhân này không xuất phát từ tình yêu.
Qua đánh giá tình hình thực tế, Đảng ta thấy rằng, hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam đang có những biểu hiện tiêu cực, “làm cho xã hội lo lắng”[21] như “tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới không giảm”[22], mục đích của các cuộc hôn nhân này chủ yếu mang tính chất trục lợi vì những lợi ích kinh tế chứ không phải mong muốn xây dựng gia đình hạnh phúc,…Điều này dễ khiến người phụ nữ trở thành món hàng mua bán, ảnh hưởng nhân phẩm của phụ nữ, không đảm bảo quyền của phụ nữ. Do vậy cần phải tăng cường quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Chúng ta không cấm công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nhưng phải quản lý chặt chẽ những hoạt động này với mục đích “làm lành mạnh hóa các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, bảo đảm thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; tôn trọng, giữ gìn những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần bảo vệ uy tín của dân tộc Việt Nam và của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ quốc tế”[23].
Đối với những biểu hiện tiêu cực của tình trạng hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam thời gian qua, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong đường lối, chính sách quản lý hoạt động này được thể hiện ở hai nội dung lớn, đó là: chủ động ngăn chặn nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện tiêu cực trong việc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và có những chính sách can thiệp để làm giảm thiểu những biểu hiện vàhệ lụy tiêu cực của tình trạng này. Tại Thông báo số 26/TB -TW kết luận của Ban bí thư về việc sơ kết chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/28/2005 của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện hóa ngày 9 tháng 5 năm 2011, Đảng ta khẳng định, cần “chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, quan hệ tình dục và hôn nhân đồng giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em, hôn nhân có yếu tố nước ngoài…” và quan điểm này được khẳng định lần nữa tại Nghị quyết số 81/NQ–CP ngày 4 tháng 12 năm 2012 về ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Thông báoKết luận số 26-TB/TW ngày 09 tháng 5 năm 2011 của Ban Bí thưvề việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005của Ban Bí thư (khóa IX) về “xây dựng gia đình thời kỳcông nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Có thể hiểu đây là biện pháp để phòng, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực của hôn nhân có yếu tố nước ngoài bằng việc giải quyết nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện tiêu cực đó. Ví dụ, những công dân Việt Nam lấy người nước ngoài do đời sống kinh tế khó khăn, họ coi việc kết hôn với người nước ngoài là một biện pháp để đổi đời với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống giàu có hơn, thì đường lối, chính sách của Nhà nước là phải giúp họ thoát nghèo, tạo cho họ nhiều cơ hội để thay đổi cuộc sống mà cách kết hôn với người nước ngoài không phải là cách tốt nhất.
Cùng với việc xóa bỏ nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện tiêu cực của hiện tượng này, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước theo một nghĩa nào đó là nhấn mạnh đến việc chống, can thiệp để giảm thiểu những biểu hiện tiêu cực và khắc phục những hệ lụy tiêu cực từ việc kết hôn với người nước ngoài. Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện thông báo kết luận số 26/TB/TW ngày 9 tháng 5 năm 2011 của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21 tháng 2 năm 2005 của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ban hành kèm theo Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 4 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ khẳng định: “Bộ Tư pháp…đẩy mạnh các hoạt động can thiệp, giảm tình trạng tiêu cực trong hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài”[24]; “Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường chỉ đạo, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về gia đình; đẩy mạnh các hoạt động can thiệp nhằmgiảm thiểu tiêu cực của tình trạng hôn nhân có yếu tố nước ngoài”[25]. Những chính sách, biện pháp để giảm thiểu tiêu cực của hôn nhân có yếu tố nước ngoài như: quy định chặt chẽ điều kiện kết hôn và quản lý để công dân Việt Nam và người nước ngoài muốn kết hôn phải thỏa mãn các điều kiện này, những trường hợp không đảm bảo đủ điều kiện sẽ không thể kết hôn; quản lý chặt chẽ các hoạt động môi giới, ngăn chặn tình trạng môi giới hôn nhân trái phép vì mục đích trục lợi. Tình trạng hôn nhân có yếu tố nước ngoài này có thể dẫn tới những hệ lụy tiêu cực như đổ vỡ hôn nhân, quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài không được đảm bảo.Do đó cầnnâng cao nhận thức, hiểu biết cho chính công dân Việt Nam để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình, đảm bảo gia đình hạnh phúc; phối hợp với nước ngoài và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam hay giúp đỡ những công dân Việt Nam sau thất bại hôn nhân hồi hương về nước có thể tiếp tục phát triển, đảm bảo cuộc sống ổn định. Cả hai định hướng trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước này cần phải thực hiện đồng thời, đồng bộ, phòng và chống kết hợp chặt chẽ với nhau, trong đó biện pháp giảm thiểu tiêu cực cần được chú ý hơn để giải quyết những vấn đề cấp bách, còn biện pháp ngăn chặn nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện tiêu cực, hướng tới xóa bỏ những biểu hiện tiêu cực là hướng tới mục tiêu lâu dài, cần thực hiện thường xuyên theo hướng nâng cao dân trí.
Có thể nói, những định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là rất đúng đắn và phù hợp. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần cụ thể hóa những định hướng này và triển khai có hiệu quả trên thực tế để giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ những biểu hiện tiêu cực trong việc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nói chung và người Hàn Quốc, Đài Loan nói riêng, mang lại những lợi ích thiết thực, chính đáng cho công dân Việt Nam và đất nước.
Hoàng Thu Hương1
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Vụ Gia đình(2013), Văn bản quản lý nhà nước về gia đình và công tác gia đình ở Việt Nam hiện nay, Nxb Lao động, Hà Nội.
2. Bùi Quang Dũng (2017), “Lấy chồng Đài Loan - vấn đề xã hội và nhận diện về mặt xã hội học”,Tạp chí Nghiên cứu gia đình và giới, số 5.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam(2016),Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Nguyễn Hồi Loan (2006), “Quan điểm của các cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan”,Tạp chí Tâm lý học, số 2.
5. Nguyễn Văn Thắng(2008), “Thử tìm nguyên nhân vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 6.
Vietnamese Citizens to Marry Taiwanese and Korean People:
Influencing Factors and Policy Direction
Hoang Thu Huong
Every year, there are thousands of Vietnamese citizens who marry foreigners, mostly Taiwanese and Korean people. The article analyzes the factors that make many Vietnamese citizens, especially Vietnamese women, marry Taiwanese and Korean people. The factors given include the ones from both the domestic context and the external context. Since then, the article analyzes the view of theCommunist Party of Vietnam to prevent and minimize negative impacts from this phenomenon.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Email: huong.hoangthu@hust.edu.vn
[1]Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
[2]Phương Anh, “Mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài”, https://bao dansinh.vn/moi-nam-viet-nam-co-khoang-18000-cong-dan-ket-hon-voi-nguoi-nuoc-ngoai-20200306151117877. htm
[3]Nhật Vy, “Kết hôn Hàn- Việt qua môi giới, thực trạng và định kiến xã hội Hàn Quốc về đa văn hóa”, https://thongtinhanquoc.com/ket-hon-han-viet-qua-moi-gioi-thuc-trang-dinh-kien-xa-hoi-han-quoc-ve-da-van-hoa/.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam (2016),Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.35.
[5]Cao Anh Dũng, “Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế”, http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/day-manh-phat-trien-kinh-te-doi-ngoai-phuc-vu-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-trong-tien-trinh-hoi-nhap-quoc-te-35618.html.
[6]Nguyễn Mại, “Việt Nam thu hút FDI: Cột mốc mới 2019 và dự báo 2020”, http://baochinhphu. vn/Kinh-te/Viet-Nam-thu-hut-FDI-Cot-moc-moi-2019-va-du-bao-2020/383536.vgp.
[7]“Người Hàn Quốc đến Việt Nam và cơ hội của ngành dịch vụ tài chính”, https://tuoitre.vn/nguoi-han-quoc-den-viet-nam-va-co-hoi-cua-nganh-dich-vu-tai-chinh-20191 12811220643.htm#:~:text=Theo%20s%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20t%E1%BB%AB%20%C4%90%E1%BA%A1i,%2C%20V%C5%A9ng%20T%C3%A0u%2C%20B%E1%BA%AFc%20Ninh%E2%80%A6.
[8]Vũ Hân, “Người Trung Quốc chiếm hơn 30% số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam”, https://thanh nien.vn/thoi-su/nguoi-trung-quoc-chiem-hon-30-so-nguoi-nuoc-ngoai-nhap-canh-vao-viet-nam-1146834.html.
[9]Duyên Duyên, “Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, thu về 726.000 tỷ”, http://vneconomy. vn/viet-nam-don-18-trieu-luot-khach-quoc-te-nam-2019-thu-ve-726000-ty-20191229214417225.htm.
[10]Thúy Hà, “Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019”, http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/ articleid/25015/viet-nam-don-tren-18-trieu-luot-khach-quoc-te-nam-2019.
[11]“GDP bình quân đầu người Việt Nam thua thế giới 8.400 USD”, https://tuoitre.vn/gdp-binh-quan-dau-nguoi-viet-nam-thua-the-gioi-8-400-usd-20191030105755181. htm.
[12]Anh Vũ, “Thu nhập Việt Nam bao giờ đuổi kịp thế giới?”, https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thu-nhap-viet-nam-bao-gio-duoi-kip-the-gioi-1231899.html
[13]Kim Tuyến, “ Nỗi khổ của các nền kinh tế mắc bẫy thu nhập cao”, http://vneconomy.vn/the-gioi/noi-kho-cua-cac-nen-kinh-te-mac-bay-thu-nhap-cao-2017041811201671. htm.
[14]M.A (th), “Mất cân bằng giới tính khi sinh ở các nước Châu Á và kinh nghiệm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hàn Quốc”, http://giadinh. net.vn/dan-so/mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-o-cac-nuoc-chau-a-va-kinh-nghiem-giam-thieu-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-cua-han-quoc-2018111617173929.htm.
[15]Minh Yến (theo SCMP), “Hàn Quốc đau đầu với phong trào phụ nữ không kết hôn”, https://nld. com.vn/thoi-su-quoc-te/han-quoc-dau-dau-voi-phong-trao-phu-nu-khong-ket-hon-2019072520190393.htm.
[16]D.Tùng, “Làm gì để “giải cứu” giới trẻ khỏi xu hướng kết hôn muộn”, http://kinhtedothi.vn/lam-gi-de-giai-cuu-gioi-tre-khoi-xu-huong-ket-hon-muon-392550.html
[17]“Phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các gia đình đa văn hóa”, http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v& Seq_Code=43382
[18]“Hơn 6.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan trong năm 2017”, https://www. vietnamplus.vn/hon-6000-phu-nu-viet-nam-lay-chong-dai-loan-trong-nam-2017/496442. vnp.
[19]Linh Nguyễn, “Phim ngoại đang lấn át thị trường điện ảnh”, http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/Phim-ngoai-dang-lan-at-thi-truong-dien-anh-551828/.
[20]“Nhà đầu tư điện ảnh Hàn Quốc nhắm vào thị trường tiềm năng Việt Nam”, http://world. kbs.co.kr/service/ contents_view.htm?lang=v&board_seq=380074.
[21] Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Vụ Gia đình (2013), Văn bản quản lý nhà nước về gia đình và công tác gia đình ở Việt Nam hiện nay, Nxb Lao động, Hà Nội, tr.16.
[22]Sđd, tr.23.
[23]Chỉ thị số 03/2005/-Ttg ngày 25/2/2005 về tăng cườngquản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
[24] Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Vụ Gia đình (2013), Văn bản quản lý nhà nước về gia đình và công tác gia đình ở Việt Nam hiện nay, Nxb Lao động, Hà Nội, tr.103.
[25]Sđd, tr.103 -104.