Trang chủ

Nâng cao tính cạnh tranh và dân chủ trong bầu cử qua kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Đăng ngày: 27-09-2022, 07:30 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 2

Tóm tắt:Cải cách chế độ bầu cử được coi là mấu chốt để tăng cường dân chủ trong đảng, từ đó nâng cao năng lực cầm quyền của đảng. Mô hình bầu cử mang tính cạnh tranh được coi là hướng đi quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.Vậy chế độ bầu cử trong đảng của Trung Quốc hiện nay có những đặc trưng gì cần chú ý?Trung Quốc áp dụng những phương thức nào để hoàn thiện hơn chế độ bầu cử mang tính cạnh tranh trong nội bộ đảng?Nội dung bài viết sẽ xoay quanh những vấn đề này như một sự tổng kết kinh nghiệm chủ yếu của Trung Quốc cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chế độ bầu cử trong Đảng tại Việt Nam.

Từ khóa: Trung Quốc, dân chủ trong đảng, bầu cử mang tính cạnh tranh, bầu cử trong đảng

 

 

T

ừ Đạihội lần thứ XII, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định dân chủ trong đảng là sinh mệnh của đảng, là một bằng chứng quan trọng của việc tăng cường sức sáng tạo và củng cố đoàn kết trong[1]đảng. Trên con đường phát triển dân chủ trong đảng, công tác cải cách chế độ bầu cử được coi là điểm đột phá quan trọng. Theo đó, mô hình bầu cử mang tính cạnh tranh được coi là lựa chọn quan trọng trong quá trình cải cách chế độ bầu cử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

1. Cơ sở xây dựng chế độ bầu cử mang tính cạnh tranh trong đảng

Từ Hội nghị Trung ương 3 của Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 12 năm 1978), bối cảnh trong và ngoài nước khiến cho vấn đề cải cách thể chế dân chủ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc càng trở nên quan trọng. Có thể nói, nguyên nhân trực tiếp của công cuộc cải cách này là yêu cầu giải phóng tư tưởng, phát triển dân chủ, là yêu cầu ổn định xã hội và sửa chữa một số sai lầm trong Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ. Cùng với sự phát triển không ngừng của quá trình cải cách mở cửa, công cuộc cải cách thể chế kinh tế và hô hào cải cách thể chế chính trị đã thúc đẩy dân chủ trong đảng phát triển thêm một bước nữa.Theo đó lộ trình cải cách chế độ bầu cử trong Đảng Cộng sản Trung Quốc bước vào giai đoạn quan trọng. Cơ sở cụ thể bao gồm những nội dung đáng chú ý sau:

Xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và tư tưởng lấy dân làm gốc.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa bắt buộc phải phát triển dân chủ, vì kinh tế thị trường yêu cầu phải dân chủ trong kinh tế, không có dân chủ và pháp chế, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa sẽ không thể hình thành. Kiện toàn thể chế kinh tế xã hội chủ nghĩa, về mặt khách quan yêu cầu kiện toàn pháp chế, nguyên tắc bảo hộ sự cạnh tranh bình đẳng, yêu cầu bắt buộc phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, bắt buộc lấy dân chủ trong Đảng làm bước phát triển đầu tiên. Đặc biệt, Hồ Cẩm Đào đưa ra quan niệm kiên trì phát triển khoa học lấy con người làm gốc, có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh tế, chính trị của đất nước. Quan niệm kiên trì lấy con người làm gốc, yêu cầu phải phát triển dân chủ, yêu cầu tôn trọng con người, vì con người, dựa vào con người, đồng thời lấy con người làm tiêu chuẩn và phát triển con người. Tôn trọng con người đầu tiên là phải tôn trọng quyền con người, bao gồm quyền lợi chính trị, tức quyền tham gia hoạt động chính trị hay quyền bầu cử. Trong nội bộ Đảng thì phải bảo vệ quyền lợi của đảng viên, đặc biệt là quyền lợi bầu cử.

Sự phát triển của xã hội công dân và nhận thức về dân chủ trong và ngoài Đảng về cơ bản tăng cao.

Cùng với sự đa dạng hóa của các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức, phương thức phân phối, quan hệ lợi ích, thì các luồng tư tưởng, quan điểm trong xã hội cũng trở nên đa dạng hơn. Cùng với sự tiến bộ của thời đại, sự phát triển của xã hội, nhu cầu tham gia và tiếng nói trong đời sống chính trị của người dân ngày càng tăng.Các tổ chức xã hội, tổ chức văn hóa,kinh tế, tổ chức trung gian xuất hiện nhanh, dày đặc và càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế chính trị.Ý thức và khả năng tham gia của các tổ chức đó vào đời sống chính trị ngày một tăng cao, sự xuất hiện và từng bước trưởng thành của xã hội công dân Trung Quốc trở thành động lực lớn thúc đẩy dân chủ trong và ngoài Đảng. Báo cáo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XVII của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ rõ: “Xã hội chủ nghĩa càng phát triển, dân chủ cũng phát triển theo”. Vì thế, cùng với việc xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc bắt buộc phải không ngừng thúc đẩy chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy và phát triển dân chủ trong Đảng.

Làn sóng dân chủ hóa trên thế giới ngày một phát triển mạnh mẽ.

Sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời thế giới, sự phồn vinh, ổn định của thế giới cũng không thể tách rời Trung Quốc. Và dân chủ là tài sản chung của nhân loại, là kết tinh của văn minh chính trị nhân loại, là tiêu chí cho sự phát triển của nhân loại. Phát triển của mỗi quốc gia không thể đi ngược lại với xu hướng và giá trị chung của toàn nhân loại. Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới xuất hiện nhiều rối ren, như nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc trải qua sóng gió chính trị, tiếp sau là biến đổi lớn ở Đông Âu, sự tan rã của Liên bang Xô-viết. Các chính đảng của các nước - bất kể là chính đảng của giai cấp vô sản hay chính đảng của giai cấp tư sản - khi tiến hành công cuộc đổi mới, sự bảo thủ luôn là nguyên nhân dẫn tới thất bại trong quá trình cạnh tranh giữa các đảng, giữa các quốc gia, và đảng cầm quyền cũng khó tránh khỏi khả năng mất đi vị trí lãnh đạo của mình. Có thể thấy rằng, làn sóng dân chủ hóa trên thế giới vừa là cơ hội, vừa là động lực để thúc đẩy công cuộc cải cách chế độ bầu cử mang tính cạnh tranh trong Đảng Cộng sản Trung Quốc được diễn ra thuận lợi[2].

2. Tính tất yếu và đặc trưng của bầu cử dân chủ và bầu cử mang tính cạnh tranh

Satori trong “Bàn luận mới về dân chủ” đã cho rằng: “Quá trình dân chủ được thể hiện trong bầu cử và hành vi bầu cử một cách tập trung nhất”[3]; “bầu cử là thước đo mức độ dân chủ, vì chỉ có bầu cử mới thể hiện được “sự đồng thuận chung mang tính phổ biến”[4]. Cho dù ở đây Satori đang bàn về vấn đề dân chủ và bầu cử trong đời sống chính trị của một quốc gia, nhưng nguyên lý này cũng có thể áp dụng với hoạt động chính trị trong nội bộ một đảng. Vì trong nội bộ đảng, trừ tình hình đặc biệt cần phải thông qua hình thức dân chủ trực tiếp để đưa ra phương châm quyết sách lớn thì tuyệt đại bộ phận chính sách và hoạt động quản lýđược đưa ra thông qua hình thức dân chủ gián tiếp, cụ thể là thông qua đại biểu của đại hội đảng các cấp. Điều này yêu cầu đảng phải có một cơ chế lựa chọn đại biểu một cách dân chủ để chọn lựa ra những đại biểu ưu tú nhất cho đảng. Theo đó, bầu cử dân chủ trong đảng được coi là tiền đề và cơ sở cho việc hiện thực hóa các khía cạnh dân chủ khác, đồng thời nó là tiêu chí quan trọng để đo mức độ phát triển dân chủ trong Đảng. Nói cách khác, đảng cần có chế độ bầu cử như thế nào mới thể hiện được bản chất của một nền chính trị dân chủ và vị trí chủ thể của đảng viên trong đảng? Câu trả lời là: thực hiện bầu cử mang tính cạnh tranh[5].

Cụ thể hơn, bầu cử dân chủ trong đảng sẽ có hai đặc trưng cơ bản: Một là,sự tham gia của đông đảo đảng viên.Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảng cầm quyền, dân chủ trong Đảng mang hình thức đại nghị.Trong chế độ đại nghị, bầu cử là phương thức tốt nhất để đảng viên có thể tham gia vào công việc của Đảng. Chỉ thông qua việc hoàn thiện chế độ bầu cử mới có thể phản ánh một cách chân thực về nguyện vọng của đa số đảng viên.Hai là,sự cạnh tranh.Bầu cử là quá trình cạnh tranh để giành quyền lãnh đạo và quyền kiểm soát. Quy tắc bầu cử về thực chất là một hệ thống các quy tắc cạnh tranh, quá trình bầu cử là quá trình cạnh tranh tự do. Các vị trí quyền lực trong Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn mang tới những nguồn lợi khác nhau, nhưng đó là quyền lực công hữu hạn, nên xu thế cạnh tranh trong nội bộ Đảng là tất yếu. Trong các phương thức chuyển giao quyền lực thì bầu cử mang tính cạnh tranh là phương thức hiệu quả nhất giúp quyền lực công được thực hiện dựa trên  nguyện vọng của đa số người dân, từ đó giúp nguồn lực chính trị sẽ được phân phối tối ưu. Đây chính là ý nghĩa mà bầu cử dân chủ mang tính cạnh tranh mang lại cho Đảng.

3. Phương thức xây dựng, hoàn thiện chế độ bầu cử mang tính cạnh tranh

Thông qua thực tế cải cách và phát triển chế độ bầu cử dân chủ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta có thể thấy một số nội dung đáng chú ý như sau:

3.1.Thay đổi những quan niệm sai lầm về bầu cử trong Đảng

“Tiến trình dân chủ hóa cần các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa phát triển đồng bộ tạo cơ sở, còn lãnh đạo cấp cao nắm giữ quyền lực chính trị sẽ phát huy những vai trò đặc biệt, quan điểm và cách làm của họ sẽ trực tiếp thúc đẩy hoặc cản trở tiến trình dân chủ hóa”[6]. Cần nâng cao chất lượng bầu cử trong Đảng, bắt buộc xóa bỏ những quan niệm chưa chuẩn xác, bao gồm: (i) tố chất dân chủ của người dân Trung Quốc còn thấp, không thích hợp để tiến hành bầu cử dân chủ; (ii) bầu cử dân chủ trong Đảng có thể khiến giảm hiệu suất hoạt động của chính quyền, ảnh hưởng tới sự ổn định của xã hội; (iii) lạm dụng cách thức bầu cử, cho rằng phải áp dụng hình thức bầu cử dân chủ mọi nơi mọi lúc; (iv) nhận thấy bầu cử dân chủ là phương thuốc thần kỳ có thể chữa bách bệnh[7]. Trên thực tế, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong phương thức thức bầu cử dân chủ, vì thế, nếu áp dụng bầu cử trong đảng, Trung Quốc chắc chắn sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những vấn đề này đều là thách thức tất yếu cần đảng cầm quyền ứng phó và thích ứng trong quá trình xây dựng nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa.

3.2. Kiện toàn và hoàn thiện chế độ giới thiệu đại biểu

Việc xây dựng danh sách ứng cử viên bắt buộc phải phát huy được tinh thần dân chủ trong đảng, phải kết hợp hình thức tổ chức đề cử và cá nhân đảng viên đề cử, nếu đa số đảng viên không đồng ý thì người được giới thiệu không thể làm ứng cử viên. Ngoài ra, bầu cử trong đảng cần có một cơ chế cạnh tranh tích cực. Mục đích của bầu cử là chọn ra những cán bộ đủ đức, đủ tài và có tầm, được sự tin tưởng và ủng hộ của đảng viên để đảm nhận chức vụ lãnh đạo của đảng ở các cấp. Muốn đạt được mục tiêu này, thì chế độ bầu cử trong đảng phải thực hiện đổi mới nhiều mặt. Một là, căn cứ vào nguyện vọng của cử tri để xây dựng nguyên tắc trong bầu ứng cử viên. Mở rộng phạm vi đề cử, công khai kết quả đề cử. Hai là, mở rộng phương thức đề cử. Áp dụng nhiều hình thức đề cử như đảng ủy cấp trên đề cử, đại biểu đại hội đề cử và đảng viên tự ứng cử. Xây dựng chế độ tương tác, phối hợp giữa các cấp một cách khoa học, để dần đạt tới mô hình mới: “tổ chức đảng đưa ra tiêu chuẩn chọn ứng viên, đảng viên căn cứ vào các tiêu chuẩn đó để tự tiến hành đề cử. Tổ chức đảng thực hiện thẩm tra tư cách ứng viên, đảng viên hoặc đại biểu đại hội một cách nghiêm túc”.Ba là, cụ thể hóa nguyên tắc đề cử. Trong đại hội, đảng ủy cần thiết lập một quy trình đề cử dân chủ, tăng cường thêm khâu đại biểu đề cử, kiện toàn quy trình đảng viên đề cử, có chế độ đảm bảo cho việc đề cử của đảng viên diễn ra thuận lợi và hiệu quả.

Ngoài ra, phải vận dụng mọi phương pháp để chuyển tải thông tin về người ứng cử tới cử tri một cách đầy đủ nhất. Trừ những vấn đề thuộc quyền riêng tư thì một số thông tin như: trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác, thành tích, sở thích cá nhân, sở trường, khả năng tham gia công tác nghị sự, năng lực quản lý, đạo đức tư tưởng cần được công khai với cử tri. Ngoài phương thức truyền thống là tổ chức đảng giới thiệu ra thì cần xây dựng một chế độ để ứng cử viên có thể thuyết trình công khai như chế độ chất vấn, trả lời cử tri, đối thoại qua internet; ngoài ra có thể dùng một số hình thức như báo chí, ti vi, internet để tiến hành tuyên truyền giới thiệu thông tin, từ đó đảm bảo quyền được biết thông tin của cử tri được hiện thực hóa.

3.3. Dần mở rộng phạm vi, các cấp bầu cử có số dư, tăng tỉ lệ số dư một cách hợp lý

Tùy tình hình thực tiễn, Trung Quốc sẽ từng bước thực hiện mục tiêu tất cả các chức vụ như ủy viên thường vụ, bí thư, phó bí thư tổ chức đảng ở các cấp, đại biểu đại hội đảng toàn quốc, ủy viên trung ương đảng, ủy viên bộ chính trị, thường vụ bộ chính trị và cả tổng bí thư… sẽ tiến hành bầu cử có số dư. Đồng thời, cần nâng cao tỉ lệ bầu cử có số dư ở các địa phương, khu vực một cách thích hợp.

3.4. Đảm bảo điều kiện để từng bước mở rộng phạm vi bầu cử trực tiếp

Chế độ bầu cử của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay sử dụng cả hai hình thức bầu cử trực tiếp và gián tiếp, trong đó bầu cử gián tiếp là chủ đạo. Việc sử dụng đồng thời hai phương thức bầu cử trực tiếp và gián tiếp là phù hợp với tình hình thực tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Muốn tiến hành bầu cử trực tiếp, cần phải có những điều kiện cơ bản sau: Một là, toàn thể đảng viên phải có trình độ văn hóa tương đối cao và có kinh nghiệm chính trị nhất định. Hai là, một môi trường chính trị năng động, báo chí truyền thông phát triển. Ba là, có một chế độ bầu cử với kỹ thuật và thiết kế hiện đại. Khi những điều kiện này xuất hiện đầy đủ thì việc mở rộng phạm vi bầu cử trực tiếp sẽ trở thành yêu cầu khách quan nhằm phát triển dân chủ trong đảng, đồng thời cũng là tác động tất yếu mà một môi trường xã hội hiện đại hóa mang tới cho đời sống chính trị trong đảng.

3.5.Đại biểu được bầu bắt buộc phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đảng viên

Đại biểu đại hội đảng được bầu ra bắt buộc phải tuân thủ những nguyên tắc dân chủ. “Bầu cử cần phát triển dân chủ một cách đầy đủ, thể hiện chân thực ý chí của cử tri”[8]. Nếu ý chí của đảng viên không được thể hiện thì bầu cử chỉ là hình thức, là dùng bầu cử - hình thức dân chủ để che đậy những thực tế không dân chủ. Nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính tích cực của đảng viên. Vì thế, thể hiện ý chí của đảng viên một cách đầy đủ là mấu chốt quan trọng nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa hình thức và bản chất của bầu cử dân chủ.

Song muốn thể hiện ý chí của đảng viên cần phải làm được rất nhiều công việc và cần phải tiến hành tìm tòi những bước chuyển cần thiết.Thứ nhất, như trên đã trình bày, việc đề cử ứng cử viên bắt buộc phải được chú trọng, nên công tác đề cử cần được quy định chặt chẽ. Thứ hai, bầu cử cần phải tiến hành bằng phương thức bỏ phiếu kín. Việc này sẽ giúp cho cử tri căn cứ vào nguyện vọng riêng, ý chí riêng của bản thân để bỏ phiếu, không chịu bất kỳ một sức ép nào từ bên ngoài.

3.6. Xây dựng và hoàn thiện các chế độ liên quan, bảo đảm nội dung cải cách được hiện thực hóa

Có quan điểm chỉ ra rằng, trước mắt, bắt buộc phải tăng cường việc xây dựng điều luật liên quan tới bầu cử, thúc đẩy tiến trình pháp chế hóa bầu cử trong đảng để bắt kịp với quy định pháp luật bầu cử trong hệ thống chính quyền, đưa bầu cử trong đảng đi vào quỹ đạo. Để thực hiện được điều này, việc cụ thể phải làm là: Thứ nhất, thiết lập quy phạm cho hành vi bầu cử dân chủ trong đảng, thành lập chế độ truy cứu trách nhiệm cá nhân vi phạm quy định bầu cử. Hai là, thực hiện chế độ đảng viên kiểm tra giám sát quy trình bầu cử. Ba là, nghiêm túc thực hiện chế độ nhiệm kỳ của các vị trí cán bộ lãnh đạo đảng ở các cấp, đảm bảo tính ổn định cho các cán bộ thuộc thành phần bầu cử. Bốn là, tiến hành chế độ bãi miễn và kiểm tra, phát huy tích cực hiệu quả của bầu cử dân chủ. Có ý kiến cho rằng, bầu cử dân chủ nên bao hàm hai vấn đề quan trọng là lựa chọn người ưu tú nhất trong số các ứng cử viên ưu tú và giám sát chuyển giao quyền lực. Chế độ bãi miễn cũng giống như chế độ bầu cử, là sự bảo đảm và là hình thức quan trọng trong việc thực hiện dân chủ trong đảng, không được coi nhẹ mặt nào. Vì thế, cần phải chú ý một số những vấn đề như sau: (i) học tập kinh nghiệm trong chế độ bãi nhiệm và chuyển giao quyền lực của đại hội đại biểu nhân dân các cấp, xây dựng kiện toàn chế độ bãi miễn trong đảng; (ii)tích cực phát triển chế độ thường nhiệm đại biểu đại hội đảng các cấp[9], đồng thời thúc đẩy cải cách chế độ miễn nhiệm và thẩm tra trong đảng;(iii)tiến hành thí điểm ở đảng ủy cấp địa phương, sau sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và tiến hành nhân rộng ra các địa phương khác.

Tóm lại, từ cải cách tới nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành xây dựng dân chủ trong đảng theo lối cải cách tiệm tiến. Điều này quyết định bầu cử mang tính cạnh tranh trong đảng cần phải có lãnh đạo, thúc đẩy từng bước mới có thể đảm bảo ý chí, nguyện vọng của đảng viên được quan tâm và thực hiện, đại biểu trúng cử mới thực sự đủ đức đủ tài để đảm nhận những trọng trách của đảng.

4. Vấn đề tồn tại và nguyên nhân cơ bản

Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của quá trình cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tích cực tìm hiểu và thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường xây dựng dân chủ trong Đảng và đã đạt những thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong vấn đề bầu cử - đặc biệt là bầu cử mang tính cạnh tranh trong nội bộ Đảng lại chưa có nhiều kết quả tốt. Những năm gần đây, về phương diện quyết sách dân chủ, chấp hành dân chủ và đôn đốc giám sát dân chủ, Trung Quốc có những tìm hiểu và thử nghiệm khá táo bạo, nhưng ở khâu trao quyền dân chủ lại có nhiều hạn chế. Trước mắt, bầu cử mang tính cạnh tranh trong Đảng tồn tại những mặt hạn chế sau:

Thứ nhất, việc đề cử ứng viên đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc, ứng viên các vị trí lãnh đạo của tổ chức địa phương và tổ chức đảng cơ sở về cơ bản là sử dụng phương thức bầu cử đơn nhất, tức do tổ chức giới thiệu. Việc giới thiệu và quyết định ứng cử viên là khâu đầu tiên thể hiện ý chí của cử tri, có vai trò quan trọng đối với bầu cử mang tính cạnh tranh trong nội bộ Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc với vai trò là cơ quan thuộc chế độ đại diện trong Đảng, chức năng và nhiệm vụ chủ yếu là thông qua đại biểu đại hội, phản ánh và thực hiện nguyện vọng và yêu cầu của đa số đảng viên Đảng Cộng sản. Vì thế, đại biểu đại hội có được sinh ra từ bầu cử mang tính cạnh tranh hay không, liên quan trực tiếp tới sự phát huy chức năng của Đại hội Đảng và vị trí cụ thể của đảng viên trong thực tế. Căn cứ vào quy định của “Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc” và “Điều lệ công tác bầu cử ở cơ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc”: mỗi đảng viên chính thức đều có quyền được đề cử người khác hoặc tự ứng cử vào vị trí đại biểu. Nhưng Điều lệ Đảng và Điều lệ về công tác bầu cử đều không có quy định cụ thể về công tác đề cử các ứng cử viên, vì thế công tác đề cử ứng cử viên vào vai trò đại biểu trong thực tế hoặc là được đơn giản hóa thành công tác xây dựng Đảng hoặc là do tổ chức đảng đưa ra những điều kiện cụ thể rồi trực tiếp đi khoanh vùng những ứng cử viên phù hợp.Cũng như vậy, ở tổ chức cơ sở đảng, quá trình hình thành ứng cử viên vào các vị trí lãnh đạo của tổ chức đảng địa phương, hiện được thực hiện theo quy trình: tổ chức đảng khóa trước đề cử - cơ quan tổ chức thẩm tra - báo cáo cấp trên thẩm tra, phê duyệt, không cho phép cá nhân đại biểu đề cử ứng cử viên hoặc là tự ứng cử. Hình thức đề cử ứng cử viên đơn nhất này vô hình trung đã tước bỏ quyền tự đề cử của đảng viên và đại biểu của Đại hội, khiến tính cạnh tranh trong bầu cử của Đảng bị giảm đi rất nhiều.

Thứ hai, tỷ lệ số dư trong bầu cử đại biểu của Đại hội Đảng toàn quốc và ứng cử viên vào các vị trí lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng còn thấp, cán bộ lãnh đạo tổ chức đảng ở địa phương lại không thực hiện bầu cử có tỷ lệ số dư. Điều lệ Đảng quy định: đại biểu đại hội và thành viên cấp ủy có thể trực tiếp sử dụng phương pháp số lượng ứng cử viên nhiều hơn số người trúng cử để tiến hành bầu cử chính thức, ngoài ra cũng có thể dùng phương pháp bầu theo tỷ lệ số dư để đưa ra danh sách ứng cử viên dự trù, sau đó tiến hành bầu dự trù, cuối cùng mới tiến hành bầu cử chính thức.Căn cứ vào nội dung Điều lệ về công tác bầu cử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tỷ lệ số dư của ứng cử viên đại biểu đại hội Đảng các cấp không ít hơn 20%; số lượng ứng cử viên đại biểu đại hội Đảng cấp cơ sở nhiều hơn số lượng người trúng cử là 20%; số lượng ứng cử viên vào cấp ủy đảng cơ sở, cấp ủy chi bộ và ủy ban kiểm tra kỷ luật nên bằng 120% số lượng người trúng cử, số lượng ứng cử viên vào thành viên thường vụ phải nhiều hơn số người trúng cử từ 1-2 người. Qua đó, chúng ta không khó nhận ra một thực tế: việc bầu ra đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tổ chức đảng ở địa phương không nằm trong phạm vi bầu cử có số dư. Hơn nữa, tỉ lệ bầu cử có số dư theo quy định đưa ra như trên cũng ở phạm vi nhỏ hẹp khiến mức độ cạnh tranh của bầu cử cũng giảm đi rất nhiều.

Thứ ba, hạn chế phạm vi bầu cử trực tiếp trong Đảng. So với bầu cử gián tiếp, bầu cử trực tiếp có hiệu quả hơn trong việc thể hiện vai trò chủ thể của đảng viên, càng có lợi cho việc tăng cường tính cạnh tranh trong bầu cử.Trước mắt, trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, mặc dù đã có một số khu vực tiến hành bầu cử trực tiếp đại biểu đại hội Đảng cấp huyện, hay thí điểm trực tiếp bầu bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, nhưng tuyệt đại bộ phận các khu vực, trừ đại biểu đại hội Đảng cấp cơ sở, chi bộ tiến hành bầu cử trực tiếp, thì đại biểu đại hội Đảng các cấp và cơ quan lãnh đạo Đảng các cấp từ đảng ủy cơ sở trở lên đều tiến hành bầu cử gián tiếp.Hình thức bầu cử gián tiếp này về thực chất vẫn là số ít người bầu cử cho số ít người, phản ánh rõ hiện tượng số ít người lũng đoạn công việc nội bộ Đảng, không thể thực hiện việc toàn thể đảng viên tham gia vào bầu cử, hơn nữa càng lên cấp cao thì tính cạnh tranh của bầu cử càng thấp đi.

Thứ tư, thông tin về ứng cử viên bầu cử được tiết lộ ít và rất chung chung. Trước mắt, trong bầu cử của Đảng, thông tin giới thiệu về ứng cử viên đại biểu rất đơn giản, thường là chỉ giới thiệu ngày tháng năm sinh, học lực, mốc công tác cơ bản, không thể nào nắm rõ được một số nội dung quan trọng như kế hoạch thực hiện, chương trình hành động của đại biểu đó khi trúng cử. Hơn nữa, việc cung cấp thông tin ít ỏi này thường là thông qua hình thức giới thiệu bằng văn bản viết, không có cơ hội cho đảng viên và ứng cử viên giao lưu tiếp xúc trực tiếp. Kết quả là khi bầu cử, đảng viên chỉ có thể căn cứ vào những suy nghĩ chủ quan, thói quen hoặc những nhân tố ngẫu nhiên để bỏ phiếu, tính công bằng, nghiêm túc của bầu cử mang tính cạnh tranh rất khó tồn tại.

Thứ năm, phương thức bỏ phiếu bầu đã cản trở đảng viên thể hiện thái độ của bản thân một cách tự do. Cho đến nay, việc bầu cử trong nội bộ Đảng ở không ít địa phương, đơn vị vẫn sử dụng hình thức bỏ phiếu công khai như biểu quyết bằng miệng, bằng cách giơ tay… Nhiều trường hợp, cho dù sử dụng hình thức bỏ phiếu kín thì cũng không đảm bảo giá trị chân thực của lá phiếu vì không có địa điểm bỏ phiếu kín, độc lập. Như vậy, dưới con mắt của rất nhiều người, một số người vì lo lắng sợ hãi mà không dám thể hiện ý kiến cá nhân khi thực hiện quyền bầu cử, cuối cùng dẫn tới tính cạnh tranh trong bầu cử khi triển khai không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Tìm hiểu nguyên nhân của việc chất lượng bầu cử trong đảng còn tồn tại nhiều vấn đề như vậy, trừ một số những nhân tố đã được giới nghiên cứu công nhận như Trung Quốc thiếu một môi trường lành mạnh để phát triển dân chủ, tố chất dân chủ của dân chúng không cao, văn hóa bầu cử không phát triển… thì còn có một số những nhân tố cũng đáng quan tâm như sau:

Một là, việc cải cách chế độ bầu cử trong Đảng thiếu sự đồng thuận tập thể.Thành viên cấp ủy của một số địa phương có những thắc mắc về bầu cử dân chủ trong Đảng: (1) họ nhận thấy người đảng viên bình thường thiếu những tố chất chính trị để thực hiện quyền lợi dân chủ trực tiếp, bầu cử nhưng thường dựa trên cảm tính, thiếu sự duy lý, dễ dẫn đến mất khả năng làm chủ.Họ lo lắng không thể bầu ra các ứng cử viên theo sự sắp xếp của đảng ủy cấp trên;(2) lo sợ phương pháp bầu cử dân chủ sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân người lãnh đạo ở đảng ủy địa phương;(3) lo lắng việc cải cách chế độ bầu cử trong Đảng sẽ ảnh hưởng tới việc ra quyết sách và thực hiện quyết sách của đảng ủy địa phương, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của khu vực và thành tích chính trị của cán bộ;(4) lo lắng mở rộng phạm vi bầu cử trực tiếp đại biểu đại hội sẽ ảnh hưởng tới đoàn kết nội bộ Đảng, thậm chí sẽ gây nguy cơ cho sự ổn định xã hội.Những lo lắng này dẫn đến nhận thức không thống nhất, khiến cho việc cải cách chế độ bầu cử khó lòng có được cơ sở đồng thuận mạnh mẽ.Đây được coi là nguyên nhân quan trọng khiến cho bầu cử mang tính cạnh tranh trong Đảng chỉ mang tính hình thức, và đây cũng là nguyên nhân sâu xa khiến cho quá trình cải cách bầu cử trong Đảng diễn ra chậm chạp.

Hai là, lợi ích cá nhân ảnh hưởng tới công tác cải cách chế độ bầu cử trong Đảng. Đây là một trong những nhân tố chủ yếu khiến cho quá trình cải cách bầu cử trong Đảng diễn ra chậm trong những năm gần đây.

Ba là, cơ sở pháp luật và chế độ bầu cử trong Đảng chưa hoàn thiện. Một là quy định pháp luật về bầu cử không rõ ràng. Như trong việc bầu cử đại biểu có tiến hành tranh cử hay không luôn tồn tại những cách nhìn khác nhau, về mặt pháp luật không có những quy định rõ ràng. Hai là những quy định pháp luật về bầu cử có nhiều kẽ hở, như pháp luật không có quy định rõ về hành vi vận động phiếu bầu, hối lộ phiếu bầu. Trong thực tế, hoạt động này rất phức tạp, không có những quy định cụ thể nên khó xác định và xử lý vấn đề.

Bốn là, việc đánh giá bầu cử trong Đảng không sát thực tế. Cần phải thừa nhận, nhìn một cách tổng thể thì việc đánh giá bầu cử trong Đảng là khách quan, nhưng cũng phải nhận thức rõ, có một số đánh giá là không chân thực. Cụ thể như phạm vi chủ thể đánh giá thường hạn hẹp, tiêu chuẩn bình xét bầu cử đơn nhất[10], hình thức bình xét, đánh giá quá đơn giản, tác động của những đánh giá đó không toàn diện.

Tóm lại, việc phân tích những nguyên nhân tồn tại của các vấn đề bầu cử trong Đảng là cơ sở để đưa ra những đối sách nhằm nâng cao chất lượng bầu cử dân chủ trong Đảng, tăng tính cạnh tranh trong bầu  cử của nội bộ Đảng.

Dân chủ chính là do dân làm chủ chứ không phải vì dân mà làm chủ. Sức mạnh của câu chuyện bầu cử không nằm ở việc cử tri có lựa chọn đúng hay không, mà mấu chốt ở chỗ đó là cuộc bầu cử thực sự hay bầu cử hình thức, cụ thể là giữa các ứng cử viên có sự cạnh tranh hay không và đảng viên có được bầu cử một cách tự do hay không. Và tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công của cuộc bầu cử chính là quá trình và kết quả cuộc bầu cử đã phản ánh một cách chân thực nguyện vọng của tuyệt đại đa số đảng viên của đảng. Thông qua quá trình này, người dân cũng đánh giá được năng lực cầm quyền của đảng và mức độ cải cách mở cửa của quốc gia, mà cụ thể ở đây là câu chuyện về Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đối với mô hình thể chế chính trị như Trung Quốc và Việt Nam - nơi chỉ có duy nhất một đảng cầm quyền - thì dân chủ trong đảng được đánh giá là sinh mệnh của đảng, và một trong những cơ sở quan trọng nhất để bảo đảm cho điều này chính là cần thực hiện chế độ bầu cử mang tính cạnh tranh. Xây dựng và hoàn thiện chế độ bầu cử mang tính cạnh tranh trong đảng không chỉ có ý nghĩa đối với việc thực hiện dân chủ trong đảng, mà còn là cơ sở cho việc thực hiện dân chủ một cách rộng rãi trong đời sống xã hội và có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội của một quốc gia.

 

Vũ Quỳnh Phương1

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. [美]萨托利,《民主新论》,上海:东方出版社,1998年版 (Satori,Luận mới về dân chủ, Nxb Phương Đông, năm 1998).

2.叶长茂,《竞争性选举:中国式民主必须解决的关键问题》,《探索与争鸣》,2014年07期(Diệp Trường Mậu,"Bầu cử  cạnh tranh: Vấn đề mấu chốt nền dân chủ Trung Quốc cần giải quyết", Tạp chí Khám phá và tranh minh, kỳ 7 năm 2014).

3.陈炳辉,《竞争性选举与民主——熊皮特的民主理论分析》,江淮论坛, 2013年05期(Trần Bỉnh Huy,“Bầu cử cạnh tranh và dân chủ: Phân tích lý luận dân chủ của Schumpeter”, Tạp chí Giang Hoài luận đàm, Kỳ 5 năm 2013).

4.关太兵,《选举权的实现与竞争性选举,法商研究》(中南政法学院学报),1998年03期(Quan Thái Binh, “Thực hiện quyền bầu cử và bầu cử cạnh tranh”, Tạp chí Nghiên cứu Pháp Thương, kỳ 3 năm 1998).

5.《三中全会以来重要文献选编》,北京:人民出版社,1982年,427-428页(Tuyển tập tài liệu quan trọng từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đến nay, Bắc Kinh: Nxb Nhân dân, năm 1982).

 

Improving Competitiveness and Democracy in the Electoral Systemthrough the Chinese Communist Party's Experience

Vu Quynh Phuong

Reforming the electoral system is seen as the key to strengthening democracy in the party, thereby improving the party's ruling capacity. The competitive election model is considered to be an appropriate development direction for the Chinese communist party. So what are the characteristics of the party electoral system in China today? What methods does China apply to further improve the competitive electoral regime within the party? The article focuses on these issues as a summary of China's main experience for the process of building and perfecting the party electoral regime in Vietnam.

 

Liên hệ với tác giả:Vũ Quỳnh Phương fangrenda@gmail.com sdt:0977209356

Hiện là Nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị và Quản lý sự vụ công, Đại học Trung Sơn, Trung Quốc.

Cơ quan làm việc: Giảng viên Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia HCM.

Địa chỉ nhà: Số 15 ngõ 523, Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

 



[1]NCS.,Học viện Chính trị và Quản lý sự vụ công; Trung tâm nghiên cứu quản lý công Trung Quốc, Đại học Trung Sơn, Trung Quốc.

[2]Xem: 参见:《十一届三中全会以来党内选举制度的改革和基本经验》,载于《学习论坛》,2011年4月(Ngưu An Sinh, “Cải cách và kinh nghiệm cơ bản của chế độ bầu cử trong Đảng từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đến nay”, Tạp chí Học tập luận đàm, tháng 4 năm 2011).

[3] Satori, “Bàn luận mới về dân chủ” (“The Theory of Democracy Revisited”, bản tiếng Trung), Thượng Hải: Nxb Phương Đông, 1998, tr. 9 ([美]萨托利:《民主新论》,上海:东方出版社,1998年版,第9页).

[4]Satori, “Bàn luận mới về dân chủ”, Tlđd, tr. 100.

[5]Bầu cử mang tính cạnh tranh sẽ phải tuân thủ ba nguyên tắc sau: thứ nhất, bình đẳng trong quyền bầu cử và trong phân phối chỉ tiêu đại biểu, tức mỗi người 1 phiếu và mỗi đại biểu sẽ tương ứng với số người họ đại diện; thứ hai, đi bầu hay không và lựa chọn ai đều xuất phát từ nguyện vọng, ý chí của người đi bầu cử; thứ ba, ứng cử viên trong danh sách có từ hai người trở lên (tức tỷ lệ ứng cử viên có số dư).

[6]Xem:高民政:《选举在发展党内民主中的意义》,载于《探索与争鸣》,2007年,12期 (Cao Dân Chính, “Ý nghĩa của bầu cử  trong quá trình phát triển dân chủ trong Đảng”,  đăng tải trên “Tìm hiểu và tranh luận”, năm 2007, số 12).

[7]Trên thực tế, bầu cử không phải là “cứ bầu là linh nghiệm”, từ kinh nghiệm dân chủ phương Tây có thể thấy, bầu cử dân chủ cũng không thể đảm bảo tính khoa học của việc ra quyết sách; như Satori từng nói: “Bầu cử không hình thành nên các quyết sách; bầu cử chỉ quyết định ai sẽ đứng ra xây dựng các quyết sách. Bầu cử không thể giải quyết tranh chấp, nó chỉ quyết định ai sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp”. Nhà nghiên cứu chính trị người Mỹ Dahl chỉ ra rằng: “một lần bầu cử chỉ thể hiện bước lựa chọn đầu tiên của công dân đối với những ứng viên tham gia tranh cử”, bởi vì “đối với sự lựa chọn đầu tiên của số đông với ứng cử viên trong một lần tổng tuyển cử, chúng ta rất khó để cho rằng nó là sự lựa chọn đầu tiên với một chính sách cụ thể nào đó”.

[8]Xem:《关于党内政治生活的若干准则》载于《十一届三中全会以来重要文献选读》(上册),北京:人民出版社,1987年,176页 (“Về một số nguyên tắc của đời sống chính trị trong Đảng” trong Tuyển đọc văn kiện quan trọng từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI tới nay (Cuốn thượng), Bắc Kinh: Nxb Nhân dân, năm 1987, tr. 176).

[9]“Chế độ thường nhiệm” còn được gọi là “chế độ chức vụ thường nhiệm”. Có thể hiểu với chức vụ này, đại biểu đó sẽ có vị trí giống như “đại biểu chuyên trách” của Quốc hội Việt Nam.

[10]Tiêu chuẩn chủ yếu dựa trên hai điều: (1) Xem ứng viên chỉ định có trúng cử hay không. Ứng viên chỉ định trúng cử với phiếu càng cao thì công tác bầu cử làm càng tốt, bầu cử trong đảng và sự chuyển giao quyền lực càng thành công;(2) Xem quá trình bầu cử có thuộc sự khống chế của đảng ủy hay không, có thể hiện ý đồ sắp xếp nhân sự của cấp trên hay không.Nếu không xuất hiện sự việc ngoài ý muốn hoặc lựa chọn người khác ngoài danh sách đã đưa lên thì đã chứng tỏ được sự thống nhất chặt chẽ trong tổ chức.

0thảo luận