Tóm tắt: Nhật Bản và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) là hai cường quốc, đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh – chính trị châu Á – Thái Bình Dương. Đặc điểm nổi bật của quan hệ ngoại giao giữa hai nước này là tính không ổn định, chứa đựng nhiều mâu thuẫn và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nhân tố Mỹ. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, dưới ảnh hưởng của những nhân tố trong nước và đặc điểm của cấu trúc lưỡng cực, quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc có những thay đổi lớn, đặc biệt là những điều chỉnh về chính sách đối ngoại từ phía Nhật Bản. Bài viết phân tích những chuyển biến trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc giai đoạn 1952-1972, tìm hiểu những nhân tố chính tác động đến chính sách đó và làm rõ vai trò của nhân tố Mỹ trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Từ khóa: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, chính sách đối ngoại
S |
au Chiến tranh thế giới thứ hai, trật tự thế giới bị chia thành lưỡng cực với sự chi phối bởi hai siêu cường là Mỹ[1]và Liên Xô. Ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đã viện trợ giúp các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc,... tái kiến thiết đất nước, đồng thời sử dụng các đồng minh này như là những tiền đồn phục vụ cho mục tiêu chống cộng sản. Vì vậy, chính sách đối ngoại của các nước đồng minh của Mỹ đều ít nhiều bị Mỹ chi phối, đơn cử như chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc.
Nhà nghiên cứu Lam Peng-Er nhận định rằng trong quan hệ quốc tế thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã không có một chiến lược độc lập để kiến tạo nên những giá trị của nước này trong cấu trúc an ninh chính trị châu Á – Thái Bình Dương và cũng không chuẩn bị các yếu tố trong nước lẫn quốc tế để thiết kế và hiện thực hóa một chiến lược như vậy. Trong giai đoạn 1952-1972, Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa Dân Quốc (ROC, Taiwan, Đài Loan) nhưng đồng thời vẫn duy trì quan hệ song phương phi chính thức trên nhiều mặt với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC, Trung Quốc) nhằm phát huy tối đa lợi ích địa chính trị của mình[2]. Yoshihide Soeya gọi đó là chính sách “Hai nước Trung Hoa”(Two-Chinas Policy) và đó là “một mặc định bởi sự tác động của nhân tố Mỹ”[3].
1. Nhật Bản và quan hệ ngoại giao với “Hai nước Trung Hoa”
1.1. Quan hệ của Nhật Bản với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)
Năm 1949, Tưởng Giới Thạch (1887-1975) thua trận tại Trung Quốc đại lục và rút chạy ra đảo Đài Loan. Trên đảo Đài Loan, Tưởng Giới Thạch đã thành lập chính quyền Trung Hoa Dân Quốc và tuyên bố chính quyền này đại diện cho toàn Trung Hoa. Tại đại lục, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Mao Trạch Đông làm Chủ tịch cũng được thành lập và đồng thời tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Với vai trò là siêu cường đi đầu trong trục “chống cộng”, Mỹ công nhận chính quyền Trung Hoa Dân Quốc trên đảo Đài Loan là đại diện hợp pháp duy nhất của toàn Trung Hoa.
Ngày 28/4/1952, bị áp lực bởi sự dẫn dắt của Mỹ[4], Nhật Bản và Trung Hoa Dân Quốc ký Hiệp ước hòa bình (Treaty ofPeace between Republic of China and Japan) tại Đài Bắc. Nhật Bản chính thức công nhận Trung Hoa Dân Quốc[5] (từ đây gọi là Đài Loan) trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Đài Loan là một trong những điểm đến đầu tư nước ngoài đầu tiên của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai[6]. Hai bên lần lượt ký kết Hiệp định Không vận lâm thời Đài - Nhật (tháng 2/1955), Hiệp định mậu dịchĐài-Nhật (tháng 4/1955), Hiệp định mậu dịch Đài - Nhật (tháng 5/1955). Nhật Bản cũng cung cấp các khoản vay giúp Đài Loan phát triển đất nước. Với sự giúp đỡ của Mỹ, Đài Loan trở thành thành viên của Liên HợpQuốc, một biểu hiện cho đồng minh chiến lược giữa ba bên gồm Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản.
Năm 1957, Thủ tướng Nhật Bản viếng thăm Đài Loan. Nhật Bản lên tiếng ủng hộ chính sách tái chiếm Trung Quốc đại lục của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Những năm tiếp theo, Nhật Bản và Đài Loan đẩy mạnh các hợp tác về kinh tế và an ninh chính trị. Trong thời gian này, dù nhiều lần lên tiếng phủ nhận chính sách “Hai nước Trung Hoa” nhưng việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế mạnh mẽ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (từ đây gọi là Trung Quốc) của Nhật Bản đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía chính quyền Tưởng Giới Thạch. Năm 1963, Đài Loan đã triệu hồi Đại sứ tại Nhật Bản nhằm thể hiện sự phản đối của mình với chính sách ngoại giao của Nhật Bản với Trung Quốc.
Tháng 11/1964, Satō Eisaku (1901-1975) được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản. Sau đó, ông đã thực hiện chuyến thăm Mỹ và Đài Loan. Tại Đài Loan, để làm dịu những căng thẳng trong quan hệ Nhật - Đài, Thủ tướng Nhật Bản Satō Eisaku tuyên bố rằng chính sách “Hai nước Trung Quốc” là một sai lầm và “Cộng sản Trung Quốc”[7]phải không được công nhận. Một năm sau đó, Nhật Bản và Mỹ ra Tuyên bố chung, tiếp tục ủng hộ Đài Loan.
Tháng 11/1969, trong cuộc gặp gỡ với Mỹ, Nhật Bản cho rằng duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực eo biển Đài Loan cũng quan trọng đối với việc duy trì hòa bình và an ninh của Nhật Bản[8]. Nhật Bản cũng đồng ý tham gia với Mỹ trong việc liên kết an ninh quốc gia (Nhật Bản) với việc bảo vệ Đài Loan và Hàn Quốc[9].
1.2. Quan hệ của Nhật Bản với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)
Nhà nghiên cứu Yinen He nhận định rằng nếu không có sự phản đối của Mỹ thì hầu hết các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã khuyến khích một mối quan hệ chính thức hơn với Trung Quốc[10]. Mặc dù bị sức ép từ Mỹ và mối quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng Nhật Bản cũng nhận thấy rằng Trung Quốc là đối tác quan trọng trong việc phục hồi đất nước sau Chiến tranh thế giới thứ hai[11].
Trước năm 1972, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc là mối quan hệ không chính thức, diễn ra chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế thông qua những thỏa thuận tư nhân, dù tất cả các hoạt động kinh tế tư nhân, về phía Trung Quốc, đều do chính quyền Bắc Kinh quản lý[12]. Cùng năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan (năm 1952), Nhật Bản và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận thương mại phi chính phủ Trung – Nhật (Sino-Japanese Non-Governmental Trade Agreement)[13]. Những năm tiếp theo, quan hệ thương mại giữa Nhật Bản vàTrung Quốc liên tục tăng: 34 triệu USD (năm 1953), 60 triệu USD (năm 1954), 109 triệu USD (năm 1955), 151 USD Mỹ (năm 1956). Nhật Bản và Trung Quốc cũng thúc đẩy các triển lãm công nghiệp, trao đổi các phái đoàn kinh tế và các thỏa thuận tư nhân về chương trình nghề cá và văn hóa[14]. Trong quan điểm của giới thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc đại lục vẫn là một thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng và mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với Đài Loan.
Không ổn định là một đặc điểm nổi bật trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong giai đoạn này. Ngày 3/3/1958, trong khuôn khổ lần thứ 4 của thỏa thuận thương mại phi chính phủ Trung – Nhật, cờ của Trung Quốc đã không được phép treo. Sự kiện này được gọi là “Nagasaki Flag Incident” và nó đẩy quan hệ hai nước vào tình trạng khủng hoảng. “Năm 1958 chỉ có thể được xem là một thiệt hại cho quan hệ Trung – Nhật”. Năm 1959, thương mại Nhật Bản – Trung Quốc sụt giảm 78,5%[15].
Trong quan hệ Nhật – Trung giai đoạn này, Trung Quốc đã thể hiện vai trò chủ động trong quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Tháng 8/1960, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (1898-1976) đưa ra khái niệm “Friendship Trade” (thương mại hữu nghị) nhằm phát triển quan hệ thương mại với Nhật Bản. Theo đó, Trung Quốc tập trung vào những công ty Nhật Bản được đánh giá là thân thiện với Trung Quốc. Những công ty này đã trở thành những “đường dẫn” (pipe)[16] kinh tếở cấp độ phi chính phủ, giúp khơi thông quan hệ hai nước.
Năm 1962, Chu Ân Lai một lần nữa đưa ra khái niệm “Memorandum Trade” (bản ghi nhớ thương mại) và chính thức mời Matsumura Kenzo – một chính khách cao cấp của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản – đến Bắc Kinh để bàn về một hệ thống giao dịch thương mại nhưng mục đích thực sự là tìm cách thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Kết quả là một biên bản ghi nhớ hợp tác Nhật – Trung được ký, có giá trị từ năm 1963 đến năm 1967 với dự định thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước lên đến 100 triệu USD/năm[17]. Cũng trong năm 1962, Nhật Bản và Trung Quốc đã thành lập Văn phòng mậu dịch ở cả hai bên.
Bên cạnh kinh tế, hai nước đã giải quyết vấn đề hồi hương cho binh sĩ hai bên từng tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1955, với sự hợp tác của tổ chức The Chinese Red Cross và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) của Nhật Bản, hàng nghìn người Nhật Bản ở Trung Quốc đại lục đã được hồi hương. Những thành quả này đã làm giảm bớt những cẳng thẳng trongquan hệ chính trị giữa hai bên.
Nhật Bản và Trung Quốc cũng phát triển du lịch nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước. Năm 1964, Journalist Exchange ra đời, khởi đầu cho vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản[18]. Trên phương tiện truyền thông, Trung Quốc truyền đi thông điệp rằng chỉ có quân đội Nhật Bản trong chiến tranh xâm lược Trung Quốc là kẻ thù, còn nhân dân Nhật Bản là bạn. Dù cócố gắng từ hai phía nhưng số lượng du khách Nhật Bản đến du lịch Trung Quốc đại lục luôn cao gấp nhiều lần số người Trung Quốc đến Nhật Bản (xem bảng 1). Nguyên nhân chính là bởi đối với người Trung Quốc đại lục, những ký ức về chiến tranh xâm lược và hành động của binh lính Nhật Bản đối với phụ nữ Trung Quốc là không thể tha thứ.
Năm 1964, Thủ tướng mới đắc cử của Nhật Bản là Satō Eisaku đã thúc đẩy một chính sách ngoại giao thân Mỹ và Đài Loan. Trung Quốc tiến hành cuộc cách mạng văn hóa (1966-1976). Một trong những yêu cầu đối với các thương nhân hoặc công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc là họ phải ca ngợi Chủ tịch Mao Trạch Đông. Từ năm 1966, quan hệ thương mại Nhật Bản và Trung Quốc suy giảm đáng kể[19]. Đến đầu năm 1969, Nhật Bản tiếp tục tuyên bố ủng hộ Đài Loan, những cuộc triển lãm văn hóa và những thỏa thuận kinh tế Nhật – Trung đều không đạt được kết quả như dự kiến. Trung Quốc khẳng định một khi Nhật Bản chưa chấp nhận Bắc Kinh là chính quyền đại diện duy nhất cho cả Trung Quốc lục địa và đảo Đài Loan[20] thì quan hệ hai bên khó có thể phát triển bền vững.
Bảng 1: Du khách giữa Nhật Bản và Trung Quốc, 1964-1971
(Đơn vị: người)
Năm |
Nhật Bản đến Trung Quốc |
Trung Quốc đến Nhật Bản |
1964 |
1.508 |
562 |
1965 |
3.921 |
576 |
1966 |
2.921 |
503 |
1967 |
1.526 |
150 |
1968 |
1.170 |
11 |
1969 |
661 |
16 |
1970 |
1.447 |
139 |
1971 |
5.176 |
283 |
Nguồn: Dẫn lại Yinen He (2009), The Research for Reconciliation Sino – Japanese and German-Polish relations since World War II, Cambridge, tr.171.
2. Sự điều chỉnh chính sách ngoại giao của Nhật Bản với chính sách “Hai nước Trung Hoa”
Từ cuối năm 1969, quan hệ Nhật Bản -Trung Quốc có những thay đổi theo chiều hướng tích cực bởi sự tác động của nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đụng độ quân sự Liên Xô – Trung Quốc lên cao trào khiến Trung Quốc và Nhật Bản cùng chia sẻ một mối quan ngại an ninh – chính trị chung là Liên Xô. Thứ hai, Mỹ có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc theo hướng tích cực. Thứ ba, chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Trung Quốc còn chịu sức ép từ giới thương nhân và trí thức Nhật Bản. Các công ty và tập đoàn lớn của Nhật Bản đều “mong đợi sự bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung Quốc sớm và không ai muốn liên kết với các quốc gia sẽ khơi dậy những cảm xúc xấu của Bắc Kinh”[21].
Về phía Trung Quốc, sau hai mươi năm kiến thiết và phát triển đất nước, quốc gia này dần trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, thu hút đầu tư nước ngoài. Vị thế của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế cũng gia tăng. Chính những thay đổi này đã khiến Trung Quốc trở nên cứng rắn trong chính sách ngoại giao với Nhật Bản. Tháng 5/1970, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố bốn điều kiện mà nếu các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản vi phạm thì sẽ không được có quan hệ thương mại với Trung Quốc:(1)đã có thương mại với Hàn Quốc và Đài Loan;(2)đã đầu tư lớn vào Hàn Quốc và Đài Loan;(3)cung cấp vũ khí quân sự và chất nổ cho Mỹ sử dụng ở Đông Dương;(4)kết giao với các công ty liên doanh với công ty Mỹ và các công ty con của các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ tại Nhật Bản[22] .
Trước những thay đổi tình hình chính trị thế giới và sức ép từ giới thương nhân, trí thức và cả giới chính trị trong nước, Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình. Đầu tiên, Nhật Bản chủ động sử dụng những hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao để đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Tháng 10/1970, Nhật Bản tổ chức Hội nghị quốc tế tôn giáo vì hòa bình (Word Conference of Religion for Peace) tại Kyoto với thành phần tham dự là những người phản đối chiến tranh, trong đó có cả những thành phần thân Trung Quốc[23]. Ngày 7/2/1971, trong lễ khai mạc chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông Sapporo, Nhật Bản tiếp tục mời một số quốc gia thân Trung Quốc tham dự. Ngày 8/2/1971, báo Japan Times đăng lời của Phó Tổng hội thân hữu Nhật Bản – Trung Quốc về việc một phái đoàn học sinh trung học Nhật Bản sẽ được gửi sang Trung Quốc vào mùa hè năm 1971. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ gửi một đoàn vũ công Trung Quốc sang Nhật Bản và mời đoàn vũ công Matsuyama của Nhật Bản sang Trung Quốc biểu diễn vào mùa thu năm 1972[24]. Tháng 4/1971, Nhật Bản đã loại đoàn bóng bàn Đài Loan để đội tuyển bóng bàn Trung Quốc tham gia thi đấu tại Giải vô địch Bóng bàn thế giới lần thứ 31[25].
Tháng 7/1971, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã có chuyến thăm bí mật tới Bắc Kinh, gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, đánh dấu một nước chuyển mới trong quan hệ Mỹ - Trung. Chuyến đi này cũng làm thay đổi tình hình chính trị thế giới. Cấu trúc lưỡng cực vẫn tồn tại nhưng quan hệ kẻ thù, đồng minh giữa các cường quốc, siêu cường giữa hai trục đã thay đổi. Tháng 2/1971, trong Thông điệp liên bang trước Quốc hội, Tổng thống Mỹ Richard Nixon (1913-1994) đưa ra quan điểm về việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc cũng như ý định tạo điều kiện cho Trung Quốc tham gia vào Liên HợpQuốc.
Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc đã tác động theo hướng tích cực đến quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc. Tháng 9/1971, Trung Quốc cử một đại diện chính phủ sang Nhật Bản để tham dự tang lễ của một nhân vật trong Đảng Dân chủ Tự do[26]. Tờ Mainichi (Nhật Bản) đánh giá“đây là cuộc tiếp đón ngoại lệ của chính phủ Nhật Bản đối với một đại diện của một nước chưa được Nhật Bản thừa nhận”[27]. Tờ Yomiuri (Nhật Bản) thì nhận định “đây là một dịp tốt để chính phủ Satō thiết lập bang giao bình thường với Trung Cộng”[28]. Cũng trong thời gian này, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản trình bày trước Ủy ban Thượng viện khẳng định chính sách ngoại giao của Chính phủ Nhật Bản sẽ phù hợp với 5 nguyên tắc hòa bình và không trái với 3 nguyên tắc của Trung Quốc đòi Nhật Bản không được: (1) có thái độ thù nghịch với Trung Quốc; (2) âm mưu tạo 2 nước Trung Hoa; (3) cản trở thương nghị bình thường hóa bang giao Nhật Bản – Trung Quốc[29]. Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Nhật Bản lại tiết lộ“chính sách căn bản của chính phủ Nhật Bản đang được thay đổi về vấn đề Trung Cộng. Chính phủ Nhật muốn cải thiện bang giao với nước này để tiến đến sự thiết lập ngoại giao giữa hai nước. Ngoại trưởng Nhật sẵn sàng viếng thăm Trung Cộng nếu có điều kiện thuận tiện”[30].
Ngày 19/10/1971, trong diễn văn điều trần tại khóa họp đặc biệt Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Satō Eisaku nhắc lại lập trường 5 điểm của Chính phủ Nhật Bản trong bang giao với Trung Quốc và thái độ đối với Đài Loan: (1) ủng hộ Trung Quốc gia nhập Liên HợpQuốc và thay thế Đài Loan tại Hội đồng Bảo an; (2) khẳng định Trung Hoa chỉ là một quốc gia, nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp, Nhật Bản ủng hộ sự duy trì Đài Loan tại Liên Hợp Quốc; (3) việc bình thường hóa bang giao Nhật Bản và Trung Quốc còn quan trọng hơn vấn đề đại diện Đài Loan tại Liên Hợp Quốc; (4) Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện “nguyên tắc mới”, căn cứ sự hỗ tương tôn trọng và thông cảm giữa Nhật Bản và Trung Quốc; (5) để thực hiện việc nói trên, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiến đến sự thỏa hiệp với Trung Quốc trước tiên về các vấn đề không có tính cách chính trị như giao thông, hàng không quân sự”[31].
3. Lựa chọn “Một nước Trung Hoa” của Nhật Bản
Sự điều chỉnh chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với Trung Quốc đã gây ra những tranh luận mạnh mẽ trong chính nội bộ chính phủ và báo giới Nhật Bản thời bấy giờ. Một số báo ủng hộ việc Nhật Bản tiến sát hơn trong quan hệ với Trung Quốc trong khi một số khác lại cho rằng Nhật Bản nên thận trọng và chú ý đến vấn đề Đài Loan bởi quan hệ Nhật Bản - Đài Loan không chỉ là về vấn đề chính trị mà còn là tình cảm và lịch sử lâu dài, đặc biệt là tình cảm nồng ấm của nhân dân hai nước.
Trong bài trả lời cuộc phỏng vấn của báo New York Times, đối với vấn đề Trung Hoa, Thủ tướng Nhật Bản Satō khẳng định quan điểm của Nhật Bản là “Một nước Trung Hoa” và việc giải quyết vấn đề thống nhất Trung Hoa là việc nội bộ của chính quyền Đài Bắc và chính quyền Bắc Kinh. Có thể nhận thấy rằng việc thúc đẩy một mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc là điều mà Chính phủ Nhật Bản mong muốn nhưng Nhật Bản cũng không muốn chấm dứt quan hệ với Đài Loan. Trên thực tế, Nhật Bản đã tìm cách duy trì tư cách của Đài Loan tại Liên Hợp Quốc. Nhật Bản từng bày tỏ đề xuất này với Mỹ[32] và Mỹ không đồng ý. Báo Japan Times - cơ quan bán chính thức của Chính phủ Nhật Bản nhận định Chính phủ Satō vẫn chưa định được thái độ dứt khoát đối với vấn đề “Trung Hoa” tại Liên Hợp Quốc[33]. Tờ Yomiuri (Nhật Bản) đồng ý kiến: “nếu Chính phủ Satō cứ giữ nguyên thái độ với Đài Loan, bang giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tiếp tục xuống dốc”[34]. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố từ chối tham gia quan hệ ngoại giao với các nước không chấp nhận chính quyền Bắc Kinh là chính quyền duy nhất của “Một nước Trung Hoa”. Cuối cùng, Chính phủ Nhật Bản quyết định “thích ứng với cái gọilà chính sách Một Trung Hoa trong năm 1972”[35].
Sự lựa chọn công nhận chỉ có “một nước Trung Hoa” của Nhật Bản không chỉ là quyết định xuất phát từ những lợi ích quốc gia về kinh tế, chính trị mà nguyên nhân chính là chịu sự tác động mạnh từ sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng. Ngày 15/7/1971, trên một chương trình truyền hình và phát thanh trực tiếp, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố ông sẽ viếng thăm Bắc Kinh vào năm 1972. Đây là cú sốc đối với Nhật Bản. Chính phủ SatōEisakulên tiếng trách Mỹ khi không thông báo trước cho Nhật Bản về quyết định có tính chất lịch sửnhưng ngay sau đó đã gửi đến Mỹ thông điệp:
- “Muốn Hoa Kỳ có một hành động thực tế với Nhật Bản trước khi Tổng thống Nixon viếng thăm Bắc Kinh, ví dụ như chấp nhận một cuộc công du Hoa Kỳ của Thiên hoàng Nhật Bản và đáp lại là một cuộc công du Nhật Bản của Tổng thống Hoa Kỳ;
- Hoa Kỳ phải có một quyết định mau chóng liên quan tới thái độ của Nhật Bản đối với Đài Loan và liên hệ đến việc Bắc Kinh được chấp nhận vào Liên Hợp Quốc và có chân trong Hội đồng An ninh”[36].
Ngày 25/10/1971, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2758. Theo đó, các “đại biểu của Tưởng Giới Thạch” bị trục xuất khỏi địa vị “chiếm giữ phi pháp tại các tổ chức Liên Hợp Quốc và tất cả các tổ chức liên hệ tới Liên Hợp Quốc” và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) được “khôi phục quyền lợi hợp pháp” trong các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc. Ngày 28/10/1971, trong một phiên họp nhóm khẩn cấp của Quốc hội Nhật Bản, Thủ tuớng Nhật Bản Satō Eisaku đưa ra những lý do giải thích cho quyết định công nhận Trung Quốc:“Liên Hợp Quốc đã thừa nhận Chính phủ Bắc Kinh là chính phủ duy nhất của Trung Hoa” và khẳng định “vấn đề Đài Loan sẽ được giải quyết bằng những thủ tục của sự bình thường hóa bang giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc”[37].
Từ ngày 6/1 đến 7/1/1972, tại San Clemente đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhật – Mỹ giữa Thủ tướng Nhật Bản Satō Eisaku và Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon. Về nội dung hội nghị, báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) cho biết:“hai nhà lãnh đạo đồng ý tái lập bang giao với Trung Cộng để giảm bớt tình hình căng thẳng tại Á châu nhưng vẫn không hy sinh mối giao hảo giữa Hoa Kỳ – Nhật Bản và các nước bạn, đồng thời Hoa Kỳ tiếp tục duy trì giao hảo với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Các hiệp ước giữa Hoa kỳ và Đài Loan vẫn còn hiệu lực, như Ngoại trưởng Hoa kỳ W.Rogers đã tuyên bố sau khi ông hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Takeo Fukuda”[38].
Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Bắc Kinh mở ra một thời kỳ “hòa hoãn mới” trong quan hệ Trung – Mỹ. Theo Thông cáo chung Thượng Hải lần thứ nhất ký ngày 27/2/1972, Mỹ - Trung chấm dứt tình trạng thù địch; Mỹ công nhận chính sách một nước Trung Hoa, đồng thời thừa nhận chính quyền Bắc Kinh là đại diện duy nhất của cả Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc; hai nước cũng sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại; Mỹ sẽ rút dần quân và giảm cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Điều đáng chú ý là dựa theo Thông cáo chung, Mỹ diễn giải rằng Mỹ sẽ ngăn Đài Loan độc lập nhưng đồng thời cũng ngăn cản Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản là Satō Eisaku tuyên bố nghỉ hưu vào tháng 7/1972. Tanaka Kakuei (1918-1993) trở thành tân Thủ tướng của Nhật Bản ngay sau đó.Ngày 25/9/1972, Thủ tướng Nhật BảnTanaka Kakuei có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngày 29/9/1972, Nhật Bản và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức thiết lập liên lạc ngoại giao. Nhật Bản và Trung Quốc thông qua Thông cáo chung (Joint Communiqué between Japan and China 1972) về việc thiết lập mối quan hệ bền vững của hòa bình và tình hữu nghị dựa trên 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ra tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đồng ý đoạt tuyệt ngoại giao với Đài Loan.
Trong suốt giai đoạn 1952-1972, mặc dù mong muốn duy trì chính sách “Hai nước Trung Hoa” nhưng do chịu sự chi phối mạnh mẽ của nhân tố Mỹ nên Nhật Bản đã nhiều lần rơi vào thế bị động, phải điều chỉnh chính sách đối ngoại và lựa chọn “Một nước Trung Hoa” giữa Trung Quốc và Đài Loan sao cho phù hợp với chính sách châu Á - Thái Bình Dương của đồng minh Mỹ. Việc phụ thuộc quá nhiều vào đồng minh sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tính độc lập trong chính sách đối ngoại mà còn ảnh hưởng đến thể diện của quốc gia đó trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Năm 1972, khi Nhật Bản bình thường quan hệ với Trung Quốc, trong khi truyền thông Trung Quốc gọi sự kiện này là “bình minh của kỷ nguyên mới” (the dawn of a new era) hay “sự tái lập tình hữu nghị lịch sử” (historic rapprochement)[39] thì Đài Loan gọi Nhật Bản là “kẻ bội tín vong ơn”. Ở một khía cạnh khác, việc Mỹ, Nhật Bảnlần lượt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và “bỏ rơi quá nhanh chóng”[40]đồng minh Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) lần nữa cho thấy lợi ích quốc gia mới là giá trị cốt lõi, là nhân tố tiên quyết trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của bất cứ quốc gia nào.
Nguyễn Thế Trung1
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883 -Bang giao giữa Nhật Bản với Trung cộng, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) năm 1969-1974, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
2. Casper Wits (2014), Sino-Japanese Relations in the Year 1958: Steps toward Reconciliation, Japan Contemporary China Studies Conference, Kanagawa University, Yokohama, Japan, 20 Oct 2014.
3. Chalmers Johnson (1986), “The Patterns of Japanese Relations with China, 1952-1982”, Pacific Affairs, vol. 59, No. 3 (Autumn, 1986), pp. 402-428
4. June Teufel Dreyer (2016), Middle Kingdom and Empire of the Rising Sun – Sino-Japanese Relations, Past and Present, Oxford University Press.
5. Yinen He (2009), The Research for reconciliation Sino – Japanese and German-Polish relations since World War II, Cambridge.
6. Katherine G. Burns (2000), China and Japan: Economic Partnership to Political Ends, trong M. Krepon and C. Gagne (eds.), Economic Confidence-building and Regional Security, Washington, DC: Henry L. Stimson Center, pp. 27-58.
7. Lam Peng-Er (2004), “Japan-Taiwan Relations: Between Affinity and Reality”, Asian Affairs: An American Review 30 (4): 249-267.
8. Phil Deans (2001), “The Taiwan question- Reconciling the irreconcilable”, trong Marie Soderberg (2001), Chinese – Japanese Relations in the twenty-first century, Routledge, Lon Don and New York.
9. Soeya, Y. (2001) “Taiwan in Japan’s Security Considerations”, The China Quarterly No.165, p. 130-146.
10. Wang, Q. K. (2000) “Taiwan in Japan’s Relations with China and the United States after the Cold War”, Pacific Affairs 73(3), pp. 353-373.
The Process of the Change of Japan’s “Two-Chinas” Policy(1952-1972)
Nguyen The Trung
Japan and the People's Republic of China (China, PRC) are two great powers and play important roles in the security and political structure of Asia-Pacific. The outstanding features of the diplomatic relations of these two countries arethe instability, containing contradictions and being influenced by the US factor. During the ColdWar period, under the influences of the domestic factors and the characteristics of the bipolar structure, these two countries' relations underwent major changes, especially the adjustments of Japan’s foreign policy toward China. This paper aims to analyze the changes in Japan's foreign policy toward the People's Republic of China and the Republic of Chinain the period of 1952-1972, to explore the main causes of those adjustments and to clarify the role of theU.S factorin Japan's foreign policy.
[1] ThS., Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại họcQuốc gia TPHồChíMinh
[2] Lam Peng-Er (2004), “Japan-Taiwan Relations: Between Affinity and Reality”, Asian Affairs: An American Review 30 (4): 249-267.
[3] Soeya, Y. (2001),“Taiwan in Japan’s Security Considerations”, The China Quarterly No.165, p. 130-146.
[4] Niklas Swanström & Lea Heck (2020), Taiwan-Japan (Unofficial) Relations: In a Sea of Troubles, The Institute for Security and Development Policy, Issue Brief June 04, 2020.
[5] Yinen He (2009), The Research for reconciliation Sino – Japanese and German-Polish relations since World War II, Cambridge, tr. 148.
[6] Phil Deans (2001), “The Taiwan question – Reconciling the irreconcilable”, trong Marie Soderberg (2001), Chinese – Japanese Relations in the twenty-first century, Routledge, London and New York, tr. 93.
[7] Yinen He (2009), The Research for reconciliation Sino – Japanese and German-Polish relations since World War II, Cambridge, tr. 156.
[8] Wang, Q. K (2000), “Taiwan in Japan’s Relations with China and the United States after the Cold War”,Pacific Affairs 73(3), pp. 353-373.
[9] Wang, Q. K. (2000), Tài liệu đã dẫn, tr. 354.
[10] Yinen He (2009), Sách đã dẫn, tr. 173.
[11] Niklas Swanström & Lea Heck (2020), Taiwan-Japan (Unofficial) Relations: In a Sea of Troubles, The Institute for Security and Development Policy, Issue Brief June 04, 2020, p.1-9
[12] Katherine G. Burns (2000), “China and Japan: Economic Partnership to Political Ends”, in M. Krepon and C. Gagne (eds.) (2000), Economic Confidence-building and Regional Security, Washington, DC: Henry L. Stimson Center, tr. 27-58.
[13] Casper Wits (2014), Sino-Japanese Relations in the Year 1958: Steps toward Reconciliation, Japan Contemporary China Studies Conference, Kanagawa University, Yokohama, Japan, 20 Oct 2014.
[14] Katherine G. Burns (2000), Sách đã dẫn, tr. 37.
[15] Katherine G. Burns (2000), Sách đã dẫn, tr. 39.
[16] Casper Wits (2014), Tài liệu đã dẫn, tr.123.
[17] Katherine G. Burns (2000), Sách đã dẫn, tr. 39
[18] Casper Wits (2014), Tài liệu đã dẫn, tr. 161.
[19] Katherine G. Burns (2000), Sách đã dẫn, tr. 39.
[20] June Teufel Dreyer (2016), Middle Kingdom and Empire of the Rising Sun – Sino-Japanese Relations, Past and Present, Oxford University Press, tr. 129.
[21] June Teufel Dreyer (2016), Sách đã dẫn, tr. 144.
[22] June Teufel Dreyer (2016), Sách đã dẫn, tr. 136.
[23] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883-Bang giao giữa Nhật Bản với Trung cộng, Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) năm 1969-1974, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, tr.28.
[24] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 12.
[25] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 25.
[26] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 33-36.
[27]Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 33.
[28] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 34.
[29] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 39
[30] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 39.
[31] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr.40-41
[32] Yinen He (2009), Sách đã dẫn, tr. 122.
[33] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 34.
[34] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 34.
[35] Niklas Swanström & Lea Heck, Tài liệu đã dẫn, tr. 2.
[36] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr.30.
[37] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr.41.
[38] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 45.
[39] June Teufel Dreyer (2016),Sách đã dẫn, tr. 153.
[40] Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (1974), Hồ sơ số 20883, Tài liệu đã dẫn, tr. 60.