Trang chủ

TAM QUỐC DI SỰ

Đăng ngày: 22-07-2022, 06:54 | Danh mục: Giới thiệu sách , Ấn Phẩm

TAM QUỐC DI SỰ

Tác giả: Il Yeon (Nhất Nhiên)

Dịch giả: Lý Xuân Chung, Lương Hồng Hạnh, Phan Thị Oanh, Nguyễn Thị Thắm, Lý Xuân Chung hiệu đính

Nhà xuất bản Văn học

Năm xuất bản: 2022

Số trang: 384 trang

Giống như Tam quốc sử ký (삼국사기) do Kim Bu Sick (김부식) biên soạn, Tam quốc di sự (삼국유사) do nhà sư Nhất Nhiên (일연) biên soạn vào thế kỷ XIII bằng chữ Hán cũng được coi là một trong những bộ sử lớn của Hàn Quốc. Tuy cùng là hai bộ sách ghi chép về lịch sử của ba nước thời Tam quốc Hàn Quốc là Bách Tế (Baek Je), Tân La (Shilla), Cao Câu Ly (Goguryo) nhưng Tam quốc di sự chứa đựng nhiều giá trị quan trọng mà chúng ta không thể tìm thấy trong Tam quốc sử ký. Trong Tam quốc di sự, nhà sư Nhất Nhiên đã tập trung nhiều vào yếu tố thần thoại mang tính Phật giáo.

TAM QUỐC DI SỰ

Bìa sách Tam Quốc di sự, NXb Văn học

Tam quốc di sự là bộ sách vừa ghi chép về Phật giáo, lịch sử, tín ngưỡng, truyền thuyết, thần thoại, sự hưng phế của các quốc gia cổ đại sau thời Cổ Triều Tiên (Go Choseon); các vương triều, các quốc gia thời tam quốc Hàn Quốc, vừa ghi chép lại những câu chuyện về những con người hiếu hạnh; hành trạng, truyền thuyết về các cao tăng; hành tích liên quan đến những người xuất gia theo Mật giáo[1].

Tam quốc di sự cũng có nhiều câu chuyện liên quan đến Đạo giáo, Shaman giáo, truyền thống dân tộc của người Hàn Quốc. Trong đó, việc mô tả chi tiết quá trình dựng nước và phát triển của quốc gia Triều Tiên Cổ (từ triều đại Cổ Triều Tiên đến Hậu Tam Quốc) là nhằm đề cao lòng tự hào về lịch sử năm nghìn năm dựng nước của người Hàn Quốc. Thần thoại Đàn Quân (Dan Gun) là ghi chép quan trọng dẫn chứng cho việc tôn vinh Đàn Quân là thủy tổ của người Hàn[2].

Được ra đời vào khoảng thế kỷ XIII, giai đoạn Cao Ly bị quân Mông Cổ xâm lược và phải chịu khuất phục sau hơn 30 năm trường kỳ kháng chiến, Tam quốc di sự được xem là bộ dã sử nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, gieo niềm kiêu hãnh dân tộc vào trong lòng mỗi người dân.

Nguyên tác của Tam quốc di sự được viết bằng Hán văn do Nhất Nhiên biên soạn đã được nhiều học giả Hàn Quốc dịch ra. Tuy nhiên, bản dịch Tam quốc di sự do giáo sư Kim Won-Jung thực hiện, được xuất bản vào cuối thu năm 2002 được rất nhiều độc giả yêu thích. Tháng 12 năm 2002, cuốn sách được chọn là cuốn sách thứ 12 của “Dấu chấm than MBC”, nhận được sự yêu chuộng của 40.000 độc giả.

Năm 2003, Tam quốc di sự được Hàn Quốc công nhận là quốc bảo. Bản Tam quốc di sự được lưu giữ tại Khuê chương các của trường Đại học Seoul và những bản được lưu giữ tại trường Đại học Korea và của chùa Phạm Ngư (Beom-eo) đều được công nhận là quốc bảo.

Để đưa cuốn sách đến gần hơn và dễ tiếp cận hơn với độc giả Việt Nam, nhóm dịch giả thuộc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á bao gồm: Lý Xuân ChungLương Hồng HạnhPhan Thị OanhNguyễn Thị Thắm đã tiến hành dịch cuốn Tam quốc di sự và được nhà xuất bản Văn học xuất bản vào năm 2022 với 384 trang.

Với tổng cộng 5 quyển, 9 chương, quyển thứ nhất gồm phần Kỷ dị đệ nhất; quyển thứ hai gồm phần Kỷ dị đệ nhị; quyển thứ ba gồm Hưng pháp đệ tam và Tháp tượng đệ tứ; quyển thứ tư gồm Nghĩa giải đệ ngũ; quyển thứ năm gồm Thần chú đệ lục, Cảm thông đệ thất; Tị ẩn đệ bát, Hiếu thiện đệ cửu. Chín chương  có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có không ít nội dung tương tự nhau nằm rải rác ở các phần trong đó bao gồm các chương như: chương Kỷ dị chép từng giai đoạn lịch sử từ thời Cổ Triều Tiên đến thời Hậu Tam quốc; chương Vương lịch ghi lại niên biểu lịch sử của các giai đoạn Tam quốc Cao Cú Lệ, Bách Tế, Tân La, Giá Lạc Quốc; chương Hưng pháp bàn về việc tiếp nhận và sự hưng thịnh Phật giáo của giai đoạn Tam quốc; chương Tháp tượng viết về các tháp và tượng Phật; chương Giải nghĩa lại xoay quanh các câu chuyện về các vị cao tăng và Phật giáo; v.v... Thêm vào đó, ở truyện “Hậu Bách Tế và Yên Tuyên” qua việc thành lập và diệt vong của nước Hậu Bách Tế, tác giả cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của cái “đức” mà trụ cột một gia đình hay ông vua của một nước cần phải có. Truyện “Giá Lạc quốc ký” cũng cho ta thấy rõ nguồn gốc lịch sử mà nước Gia Da (Gaya) cổ đại thần bí trong lịch sử của Hàn Quốc[3].

Ngoài ra, tác phẩm này đã ghi chép lại một cách đa dạng cuộc sống văn hóa và xã hội giai đoạn đương thời, những gì mà sử sách trước đây thường bỏ qua với những câu chuyện có nội dung phong phú, đa dạng: tình yêu của chàng Thự Đồng được sinh ra từ rồng với nàng công chúa Thiện Hoa; Yên Tuyên được sinh ra từ con giun; Nguyên Hiểu từ bỏ vinh hoa phú quý, ngao du thiên hạ, lấy bài hát để giáo hóa bách tính; Ông lão chăn bò trèo lên vách đá cheo leo hái bông đỗ quyên đỏ thắm và làm một bài thơ tặng cho Thủy Lộ phu nhân…và hệ thống nhân vật đa sắc màu, từ những ông vua có địa vị cao sang cho đến tầng lớp cao tăng, thường dân. Chính nhờ quá trình thực địa khắp cả nước, thu thập tất cả thần thoại, truyền thống, những câu chuyện được cất giữ ở mọi nơi, từ kinh thành đến thôn quê, từ chốn quý tộc đến phường sư sãi, thậm chí từ cả những người dân thường vô danh... của tác giả, cuốn sách đã tạo ra nền tảng căn bản để ta có thể tiếp cận được với bức tranh tổng thể về văn hóa và lịch sử cổ đại trên bán đảo Hàn[4].

Đặc biệt, bộ sách đã ghi lại được 14 bài Hương ca (bài ca dân gian) viết bằng chữ I du. Đây là tư liệu quý báu cho việc nghiên cứu lịch sử văn học cổ đại Hàn Quốc.

Với ý nghĩa đó, đọc Tam quốc di sự, độc giả Việt Nam không chỉ được tiếp cận với tinh hoa của lịch sử cổ đại Hàn Quốc mà còn tìm thấy trong đó nhiều giá trị văn hóa, tôn giáo, bản sắc dân tộc... của Hàn Quốc và của các nước lân cận thời bấy giờ.

Thực hiện: Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á



[1]http://nhanam.com.vn/sach/37443/tam-quoc-di-su

[2]http://nhanam.com.vn/sach/37443/tam-quoc-di-su

[3]Phan Thị Oanh (2012), “Tam quốc di sự (삼국유사)”, http://cks.inas.gov.vn/index.php?newsid=250

[4] Phan Thị Oanh (2012), “Tam quốc di sự (삼국유사)”,http://cks.inas.gov.vn/index.php?newsid=250

 

 

0thảo luận