Từ ngày 10-12/11/2021, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tiến hành nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện hệ đề tài khoa học cấp Cơ sở do các cán bộ trong Viện làm chủ nhiệm. Kết quả cả 17 đề tài đều bảo vệ thành công, trong đó có 02 đề tài được xếp loại xuất sắc của TS. Ngô Hương Lan và ThS. Vũ Thị Phương Hoa với nhiều đánh giá cao của Hội đồng về sự công phu, chuẩn mực, tính cấp thiết và có giá trị thực tiễn cao.
Sau đây là tên và khái quát nội dung 17 đề tài cấp Cơ sở năm 2021 của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á được nhóm theo 4 lĩnh vực:
1. Lĩnh vực chính trị - an ninh:
(1) Đề tài “Những động thái mới của liên minh Nhật – Mỹ và tác động đối với an ninh Đông Bắc Á” của ThS. Nguyễn Ngọc Nghiệp – Trung tâm Nghiên cứu những vấn đề chung của khu vực Đông Bắc Á. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã tập trung làm rõ những thay đổi trong liên minh Nhật - Mỹ từ đầu thế kỷ XXI đến nay, vì sao lại có những thay đổi đó và những thay đổi đó tác động như thế nào đến an ninh khu vực Đông Bắc Á.
(2) Đề tài “Quan hệ chính trị - an ninh Trung – Hàn trong bối cảnh mới” của ThS. Phan Thị Diễm Huyền – Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan. Đề tài trên cơ sở phân tích những nhân tố tác động đến mối quan hệ Trung – Hàn đã làm rõ những đặc điểm về quan hệ chính trị - an ninh giữa Trung Quốc và Hàn Quốc từ năm 2013 đến nay, từ đó dự báo triển vọng của mối quan hệ này trong tương lai.
(3) Đề tài “Đại dịch COVID-19 và tác động đến an ninh kinh tế khu vực Đông Bắc Á” của ThS. Trần Thị Mỹ Hoa – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên. Đề tài tập trung nghiên cứu tình hình dịch bệnh Covid-19 và làm rõ những tác động của đại dịch này đối với an ninh kinh tế ở khu vực Đông Bắc Á với trường hợp cụ thể là ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
(4) Đề tài “Quản lý thảm họa dịch bệnh ở Hàn Quốc” của ThS. Lương Hồng Hạnh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên. Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả đã tập trung nghiên cứu về thực tiễn quản lý thảm họa dịch bệnh tại Hàn Quốc, phân tích và đánh giá những thành tựu & hạn chế của Hàn Quốc, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
2. Lĩnh vực kinh tế - du lịch:
(1) Đề tài “Thỏa thuận thương mại Nhật – Mỹ và tác động đối với khu vực Đông Nam Á” của TS. Đỗ Thị Ánh – Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản. Đề tài tập trung nghiên cứu bối cảnh hình thành, nội dung của Thỏa thuận thương mại Nhật – Mỹ, tác động của thỏa thuận này đối với khu vực Đông Nam Á, từ đó đề xuất một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
(2) Đề tài “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Đài Loan: Kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam” của ThS. Trương Phan Thanh Thủy – Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan. Đề tài đã làm rõ bối cảnh ra đời của kinh tế tuần hoàn, trình bày các khái niệm và đặc trưng của kinh tế tuần hoàn, phân tích thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Đài Loan, từ đó rút ra một số kinh nghiệm và gợi ý để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
(3) Đề tài “Kinh nghiệm phát triển ngành du lịch ở Nhật Bản và một số gợi ý cho Việt Nam” của ThS. Trần Ngọc Nhật – Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản. Trên cơ sở trình bày khái quát về ngành du lịch, các loại hình du lịch, tác giả đã tập trung phân tích mục tiêu và chính sách thúc đẩy phát triển du lịch Nhật Bản, những kinh nghiệm của du lịch Nhật Bản và gợi mở một số chính sách cho Việt Nam.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài cơ sở năm 2021 của ThS. Trần Ngọc Nhật
(4) Đề tài “Du lịch thông minh ở Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam” của ThS. Phan Thị Oanh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã trình bày khái niệm về du lịch thông minh, khái quát tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Hàn Quốc hiện nay, từ đó liên hệ với việc phát triển du lịch thông minh của Việt Nam.
3. Lĩnh vực khoa học – công nghệ:
(1) Đề tài “Vai trò của IoT trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay” của ThS. Bùi Đông Hưng – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên. Đề tài đề tài đã phân tích vai trò của IoT (internet vạn vật) đối với nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay, đánh giá khả năng hỗ trợ của IoT trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc.
(2) Đề tài “Chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản từ 2014 đến nay” của ThS. Phạm Thu Thủy – Trung tâm Nghiên cứu những vấn đề chung của khu vực Đông Bắc Á. Đề tài tập trung nghiên cứu quá trình xây dựng chính sách phát triển trí tuê nhân tạo của Nhật Bản, đánh giá hiệu quả thực tế của nó và rút ra những gợi mở cho quá trình hoạch định chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
(3) Đề tài “Chính phủ điện tử của Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 1998 đến nay” của ThS. Nguyễn Ngọc Mai – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên. Đề tàilàm rõ khái niệm của chính phủ điện tử nói chung và quá trình thực hiện và phát triển mô hình này ở Hàn Quốc; làm nổi bật quá trình thực hiện và phát triển, hình thức giao dịch, mục tiêu và chức năng của chính phủ điện tử ở Hàn Quốc trong giai đoạn này; làm rõ những kết quả và hạn chế của chính phủ điện tử ở Hàn Quốc.
4. Lĩnh vực văn hóa – xã hội:
(1) Đề tài “Cộng đồng xã hội Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay” của TS. Ngô Hương Lan – Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản. Đề tài trên cơ sở làm rõ các khái niệm về cộng đồng đã khảo sát cộng đồng ở đô thị và nông thôn Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay; nêu ra những vấn đề nổi lên trong từng giai đoạn phát triển cộng đồng ở Nhật Bản, đồng thời làm rõ các đối sách của chính phủ nước này, đánh giá ưu, nhược điểm của các chính sách và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
(2) Đề tài “Tầng lớp trung lưu ở Nhật Bản và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam” của ThS. Lê Hồng Hạnh. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã trình bày cơ sở lý luận về phân tầng xã hội và tầng lớp trung lưu, từ đó tập trung phân tích sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Nhật Bản qua từng giai đoạn và đưa ra một số hàm ý chính sách cho sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hiện nay.
(3) Đề tài “Bạo hành trong gia đình Nhật Bản và liên hệ với Việt Nam” của ThS. Vũ Thị Phương Hoa – Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản. Đề tài đã phân tích và đánh giá thực trạng bạo hành trong gia đình Nhật Bản với đối tượng phụ nữ và trẻ em; lý giải nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng trên và tìm hiểu một số chính sách, giải pháp của chính phủ Nhật Bản; tìm hiểu thực trạng bạo hành gia đình của Việt Nam, đề xuất một số biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bạo hành gia đình ở Việt Nam.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài cơ sở năm 2021 của ThS. Vũ Thị Phương Hoa
(4) Đề tài “Sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự Hàn Quốc từ cuối những năm 1990 đến nay” của ThS. Phạm Thị Nhung. Đề tài hướng đến nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự từ cuối những năm 1990 đến nay nhằm phân tích, đánh giá những tiền đề cho sự ra đời của xã hội dân sự Hàn Quốc kể từ sau khi quốc gia này chính thức bước vào nền dân chủ mới, đồng thời phân tích chức năng, vai trò và những ảnh hưởng xã hội của khu vực này đối với đất nước Hàn Quốc.
(5) Đề tài “Soka Gakkai- tổ chức Phật giáo mới của Nhật Bản” của TS. Nguyễn Ngọc Phương Trang – Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản. Trong đề tài này, tác giả đã trình bày bối cảnh xã hội ra đời và phát triển của Soka Gakkai, tập trung phân tích những đặc điểm và hoạt động của tổ chức Soka Gakkai, từ đó đưa ra một số nhận xét, đánh giá chung về tổ chức phật giáo mới này.
(6) Đề tài “Vai trò kinh tế của thủ công truyền thống Nhật Bản hiện nay” của ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh – Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản. Đề tài đã làm rõ vai trò kinh tế của thủ công truyền thống Nhật Bản từ năm 2010 đến nay; so sánh các dữ liệu trước và sau năm 2010 của nghề thủ công truyền thống để thấy rõ sự khác biệt; phân tích những chính sách, biện pháp nâng cao vai trò kinh tế của thủ công truyền thống Nhật Bản.
Phan Huyền