Ngày 15/11/2021, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Tọa đàm khoa học: “Tình hình Hàn Quốc năm 2021” do TS. Tống Thùy Linh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày. Tham dự tọa đàm có PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng cùng toàn thể cán bộ viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Tại buổi tọa đàm, TS. Tống Thùy Linh đã trình bày khái quát những vấn để nổi bật tình hình đất nước Hàn Quốc trong năm 2021 trên 4 khía cạnh: kinh tế, dịch Covid-19, chính trị và xã hội.
Về tình hình kinh tế: tác giả tập trung trình bày một số vấn đề như (1) Tình hình xuất nhập khẩu, (2) Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 3) Hệ sinh thái khởi nghiệp, (4) Tài chính, ngân hàng, (5) Lao động, việc làm.
Năm 2021, có thể nói là một năm khởi sắc của kinh tế Hàn Quốc bất chấp sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đối với kinh tế thế giới. Nền kinh tế nước này được ghi nhận là tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2021 do một số yếu tố như xuất khẩu, tiêu dùng tư nhân. Xuất khẩu tăng, kim ngạch thương mại cũng gia tăng. Các mặt hàng xuất khẩu mạnh của Hàn Quốc gồm chíp bán dẫn, các sản phẩm công nghệ thông tin, pin xe điện, hàng thời trang (quần áo, mỹ phẩm…), lĩnh vực đóng tàu. Tiêu dùng tư nhân đã tăng 1,1%, xuất khẩu và đầu tư cơ sở vật chất cũng tăng lần lượt là 1,9% và 6,6%. Do chi tiêu ngân sách cho ngành dịch vụ và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã giúp ngăn chặn tiêu dùng lao dốc. Năm 2021, nền kinh tế Hàn Quốc cũng chứng kiến sự gia tăng trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên, Hàn Quốc đã thu hút 13,14 tỷ USD vốn FDI trong nửa đầu năm 2021, tăng 71,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao thứ hai trong lịch sử, chỉ xếp sau vốn FDI nửa đầu năm 2018. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến thể Delta của virus Covid-19, nền kinh tế Hàn Quốc giảm tăng trưởng vào nửa cuối năm 2021.
Về tình hình Covid-19: tác giả đã trình bày khái quát tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc, các biện pháp phòng chống, điều trị cho người bệnh, việc sản xuất vắc xin của chính phủ Hàn Quốc đã được châu Âu phê chuẩn. Nhìn chung, Hàn Quốc đã và đang là một trong những nước kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.
Về tình hình chính trị: (1) Đề cập tới cuộc bầu cử tổng thống lần thứ XX trong năm 2022 của Hàn Quốc, (2) tình hình quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc với các nước trong khu vực và trên thế giới như Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Mỹ…
Về tình hình xã hội: (1) Một số vấn đề về già hóa dân số trong xã hội Hàn Quốc do tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ kết hôn giảm mạnh, một số biện pháp của chính phủ trước thực trạng trên, (2) Dự thảo tăng lương tối thiểu nhằm phát triển kinh tế, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, (3) Sửa đổi luật phát triển ngành công nghiệp dịch vụ vận tải đời sống nhằm phát triển ngành thương mại điện tử…
TS. Tống Thùy Linh trình bày báo cáo tại Tọa đàm
Sau phần trình bày của TS. Tống Thùy Linh, các cán bộ tham dự Tọa đàm đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về tình hình Hàn Quốc trong năm 2021 trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, dịch Covid-19.
PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cho rằng chủ đề của tọa đàm hay, thông tin cập nhật, tuy nhiên tác giả cần thay đổi cách trình bày để người nghe dễ hiểu, dễ nắm bắt nội dung hơn.
TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng đề nghị hoàn thiện hơn về kết cấu của bài trình bày theo kết cấu (chính trị nội chính và chính trị đối ngoại, kinh tế, an ninh – quốc phòng…bổ sung những hạn chế bên cạnh những thành tựu đạt được trên các mặt kinh tế, xã hội.
TS. Nguyễn Thị Thắm đánh giá cao chủ đề cũng như nội dung buổi tọa đàm, đặc biệt là tình hình kinh tế, đồng thời đề nghị tác giả bổ sung vào nội dung tình hình xã hội vấn đề giá nhà đất, bất động sản tăng cao ở Hàn Quốc bởi vì đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân nước này, ảnh hưởng tới chính trị xã hội.
PGS.TS Phạm Quý Long - Quyền Viện trưởng chủ trì buổi Tọa đàm
Nhìn chung, các ý kiến của các cán bộ tham gia tọa đàm đều đánh giá cao chủ đề và nội dung tọa đàm, đồng thời góp ý về cách trình bày của báo cáo viên, đề nghị bổ sung những mặt hạn chế bên cạnh những thành tựu mà Hàn Quốc đã đạt được về kinh tế, xã hội trong gần một năm qua.
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đánh giá cao chủ đề của Tọa đàm, đồng thời khẳng định ý kiến của các chuyên gia tại Tọa đàm sẽ giúp ích cho tác giả trong việc hoàn thiện kỹ năng trình bày và nâng cao kết quả nghiên cứu.
Phan Thị Oanh