Ngày 2/12/2020, được sự cho phép của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng với sự tài trợ của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Vấn đề người lao động Việt Nam tại Nhật Bản – Xem xét tác động của đại dịch COVID-19 và xây dựng đối sách mới”.
Các đại biểu chụp ảnh tại hội thảo Toàn cảnh hội thảoTham dự hội thảo, về phía khách mời có bà Chika Tsujimoto, Trưởng ban Chính trị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; bà Sugisaki Ai, đại diện Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực, Khoa Nhật Bản học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; TS. Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng Bộ môn văn hóa kinh doanh, Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân; Bà Phạm Thị Quỳnh Hương, Cục Quản lý lao động ngoài nước. Về phía lãnh đạo các viện nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; TS. Kiều Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Phó viện trưởng cùng toàn thể viên chức của Viện.
PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và TS. Phan Cao Nhật Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đồng chủ trì hội thảo.
Ban tổ chức đã nhận được 6 tham luận liên quan đến chủ đề hội thảo từ các cán bộ trong và ngoài Viện. Trong đó, 4 tham luận đã được chọn để trình bày tại hội thảo.
Tham luận thứ nhất “Dịch Covid-19 và các tác động” của GS.TS. Nguyễn Văn Kính khái quát về diễn biến của dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới, bản chất của đại dịch. Báo cáo viên đi sâu phân tích lý giải và các vấn đề đặt ra, thách thức trước mắt và lâu dài của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của nền y tế, kinh tế, chính trị và xã hội. Tham luận thứ hai “Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản trước tác động của đại dịch Covid-19” do TS. Phan Cao Nhật Anh trình bày, đề cập đến tình hình lây nhiễm dịch bệnh tại Nhật Bản và ảnh hưởng của nó khiến cho kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng. Tham luận cũng đi sâu tìm hiểu về chế độ thực tập sinh tại Nhật Bản, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản và tác động của đại dịch đến mọi mặt đời sống, công việc của thực tập sinh. Từ đó đưa ra một số nhận định về các biện pháp hỗ trợ thực tập sinh từ phía Chính phủ Nhật Bản và các đơn vị quản lý, cơ quan tại Việt Nam.Tham luận thứ ba “Phái cử thực tập sinh – lao động Việt Nam đi thực tập và làm việc tại Nhật Bản” do bà Phạm Thị Quỳnh Hương trình bày. Tham luận đã giới thiệu đôi nét về các hình thức phái cử lao động Việt Nam sang Nhật Bản, trong đó đi sâu phân tích chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản thực tập và chương trình lao động kỹ năng đặc định triển khai trong bối cảnh dịch bệnh tại Nhật Bản. Trên cơ sở đó đưa ra một vài đánh giá về các mặt tích cực và tồn tại của các chương trình phái cử lao động, lý giải nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp, yêu cầu đối với các công ty phái cử lao động, thực tập sinh.
Tham luận thứ tư “Người lao động Việt Nam với vấn đề thích ứng văn hóa doanh nghiệp tại Nhật Bản” do TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh trình bày. Tham luận đã làm rõ khái niệm văn hóa doanh nghiệp và sự thích ứng văn hóa doanh nghiệp của người lao động. Tham luận cũng trình bày kết quả của nghiên cứu khảo sát về sự thích ứng văn hóa doanh nghiệp của người lao động Việt Nam ở Nhật Bản thông qua khảo sát online và phỏng vấn trực tiếp. Trên cơ sở khảo sát, tham luận đề xuất một vài giải pháp và kiến nghị đối với phía Việt Nam và Nhật Bản. PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực bình luận tại hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi bình luận tại hội thảo.Sau phần trình bày của các báo cáo viên, hội thảo đã nghe các ý kiến bình luận và trao đổi của PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi và bà Chika Tsujimoto. Đa phần các ý kiến đều đánh giá cao chất lượng của các tham luận bởi sự giàu thông tin và có ý nghĩa thực tiễn cao. Các nhà nghiên cứu cũng đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi các tác giả tham luận tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thêm như đào tạo kiến thức cho lao động Việt Nam trước khi sang làm việc tại Nhật Bản và quản lý lao động sau khi trở về nước; quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; mặt tích cực của Covid-19 đối với một số ngành kinh tế và xã hội; ảnh hưởng của Covid-19 đối với việc phái cử lao động sang Nhật Bản; tác động của Covid-19 đến hòa nhập văn hóa của lao động Việt Nam trong doanh nghiệp và xã hội Nhật Bản…
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS. Phạm Quý Long đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo, khẳng định chủ đề hội thảo hữu ích đối với các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó dự đoán. Các tham luận và các ý kiến thảo luận, trao đổi tại hội thảo bước đầu đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh và các chiều cạnh khác nhau cả tích cực, tiêu cực về đại dịch Covid-19 và tác động của nó đến người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Trên cơ sở đó, bước đầu đã đề xuất được một số đối sách quan trọng và các vấn đề cần tiếp tục được thảo luận, nghiên cứu trong thời gian tới.Phương Hoa