Trang chủ

KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CỦA NGƯỜI NHẬT

Đăng ngày: 18-06-2020, 09:13 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Masakazu Sugiura

Dịch giả: Yoko

Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, 2018, 482 trang

Kí hiệu: Vv2913

Cuốn sách “Kỹ năng lãnh đạo của người Nhật” hướng đến đối tượng độc giả là các nhà lãnh đạo đã vào nghề trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm và những người sắp trở thành nhà lãnh đạo. Đây là một sách hướng dẫn với mục tiêu tóm tắt lại những chủ đề chính mà các nhà lãnh đạo mới và nhà lãnh đạo tương lai cần chú tâm học hỏi. Mục tiêu của tác giả là truyền tải đầy đủ thông tin hữu ích để độc giả có thể trở thành một người lãnh đạo tốt, dám nghĩ dám làm.

Các chủ đề được tác giả đi sâu phân tích trong cuốn sách bao gồm tìm hiểu lý thuyết cơ bản, hiểu về “con người”, lí giải về “tổ chức”, nắm bắt phương hướng, sự nghiêm chỉnh, truyền đạt ý tưởng, phát  triển nguồn nhân lực, phát triển năng lực và phát triển nghề nghiệp. Các tiêu đề của các chủ đề này được viết dưới dạng bắt đầu bằng động từ nhằm đưa ra những gợi ý để kết nối với hành động. Điều này cho thấy, bên cạnh việc lý giải được vấn đề, các nhà lãnh đạo còn phải vận dụng được vào các tình huống thực tế. Tác giả đã đưa vào nhiều biểu đồ và một số khung công việc giúp người đọc dễ hình dung và có thể hiểu cặn kẽ vấn đề.

Tác giả đưa ra bốn luận điểm về kĩ năng lãnh đạo giống như một vòng tuần hoàn đi từ “giả thuyết” đến “thảo luận” đến “lý luận” và đến “lý thuyết cá nhân”. Trong đó, lý thuyết cá nhân được nhắc đến ở đây trên thực tế là những lập luận ở trình độ cao. Sau khi tích lũy được những kinh nghiệm với tư cách là một nhà lãnh đạo, điều quan trọng là phải lặp đi lặp lại các cuộc thảo luận về những lý thuyết cá nhân đó như một giả thuyết ban đầu, nắm rõ các lý luận trong đó và nâng cao trình độ hơn nữa. Ai cũng có một số giả thuyết nào đó về vai trò lãnh đạo và khi thực sự cần đến vai trò của nhà lãnh đạo, chúng ta sẽ bắt đầu hành động dựa trên những lý luận đó. Tuy nhiên, bên cạnh phần lý thuyết được vận hành suôn sẻ vẫn còn những phần chưa đạt được như mong đợi, cần tiếp tục học hỏi thêm. Quá trình trưởng thành với tư cách là một nhà lãnh  đạo cũng chính là quá trình “kiểm chứng giả thuyết”. Việc tiếp tục duy trì vòng tuần hoàn của quá trình đưa ra giả thuyết dựa trên kinh nghiệm của bản thân rồi kiểm chứng nó và chuyển từ lý thuyết sang hành động sẽ là một phương pháp học tập rất hiệu quả.

Với những nội dung được đề cập, cuốn sách sẽ giúp độc giả có cái nhìn khái quát và sâu sắc hơn về kĩ năng lãnh đạo nói chung và kĩ năng lãnh đạo của người Nhật nói riêng. Cuốn sách là nguồn tham khảo vô cùng hữu ích dành cho bạn đọc, nhất là đối với các nhà lãnh đạo và những người sẽ trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai gần, một bài học hữu ích khi mọi người đưa ra giả thuyết về hoạt động lãnh đạo thực tiễn của mình và kiểm chứng nó thông qua các hành động.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận